Hơn 10 ngày sau khi bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine, quân đội Nga vẫn tiến triển chậm chạp trên chiến trường. Lúc bắt đầu cuộc chiến, nhiều kênh truyền thông đã nói rằng Nga sẽ thắng Ukraine trong một ngày rưỡi, hoặc trong hai ngày. Kết quả là đến nay, Nga vẫn chưa thắng được Ukraine.
Qua các tin tức truyền thông, chúng ta có thể thấy các xe tăng Nga nổ tung trên chiến trường, từ T-72 đến T-90; một thiếu tướng của Lực lượng Dù Nga đã tử trận, một tướng của Cộng hòa Chechnya đã bị bắn chết. Điều này khiến chính nước Nga cũng không thể ngờ.
Dưới đây là một số nguyên nhân quan trọng khiến Nga tiến triển chậm chạp trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.
1. Đánh giá thấp đối phương
Nguyên nhân đầu tiên là “khinh địch”, đánh giá thấp đối phương. Ngay từ đầu Nga đã tự tin cho rằng khi tiến vào Ukraine, người dân Ukraine không những không phản kháng mà còn nghênh đón “nhà vua”. Kết quả là bất ngờ khi đến Ukraine, toàn dân Ukraine phản kháng, không chỉ có tên lửa Javelin nhằm vào quân đội Nga, mà bây giờ còn có cả Molotov’s Cocktail (bom xăng tự chế).
Tổng thống Nga Putin vốn cho rằng cuộc tấn công vào Ukraine lần này cũng giống như cuộc tấn công vào Crimea năm 2014. Binh sĩ Nga không cần nổ súng mà tiến thẳng đến Kyiv, và chính phủ Kyiv sẽ bỏ chạy. Trên mạng Internet lan truyền thông tin nói rằng, chính phủ Moscow đã chuẩn bị kế hoạch tác chiến là sau 12 giờ tiêu diệt lực lượng không quân Ukraine, sau 24 giờ bao vây Kyiv, sau 36 giờ – chính quyền địa phương đầu hàng hoặc bỏ chạy, và sau 72 giờ sẽ khống chế hoàn toàn Ukraine. Chúng ta nhìn lại tình thế hiện giờ, có thể thấy kế hoạch này dường như rất “ngây thơ”. Tuy nhiên, đối với những người Nga trước khi chiến tranh nổ ra, họ thực sự nghĩ rằng Ukraine sẽ không có sức kháng cự.
Chính vì đánh giá thấp đối phương, đã dẫn đến rất nhiều vấn đề tiếp theo, ví dụ như binh lính không được chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Tôi đã xem các video về những binh sĩ Nga bị bắt, trên video họ nói rằng “chúng tôi đến đây để diễn tập, kết quả bỗng một ngày họ nói với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ chiến đấu”, các binh sĩ đều bất ngờ; “Tôi có người thân ở Ukraine, họ bảo tôi đánh Ukraine, tôi vẫn chưa sẵn sàng nổ súng”.
Khinh địch còn dẫn đến một hậu quả rất nghiêm trọng khác, đó là công tác hậu cần của Nga không chuẩn bị tốt cho một tháng, thậm chí nửa năm. Kết quả là khi đến Ukraine thì phát hiện khắp nơi đều là chiến trường, ở đâu cũng có lực lượng kháng chiến, khiến cho việc tiếp tế hậu cần không theo kịp.
Chúng ta có thể thấy nhiều xe tăng đã bị binh sĩ Nga bỏ lại. Trên mạng Internet lan truyền một video, trong đó một người đàn ông Ukraine lái xe ngang qua một đơn vị xe tăng của Nga và hỏi họ: “Xe của các anh bị hỏng à? Tại sao các anh dừng lại ở đây?” Binh sĩ Nga nói: “Không, chúng tôi hết xăng”. Sau đó, người Ukraine kia nói: “Các anh có cần tôi kéo các anh trở lại Nga không?”. Rồi cả xe phá lên cười. Qua video này, chúng ta có thể thấy rằng việc tiếp tế hậu cần cho lực lượng thiết giáp của Nga không thể theo kịp.
Khinh địch còn dẫn đến một vấn đề khác, đó là kế hoạch tác chiến ban đầu của Nga không được hoạch định tốt, và ngay cả khi đã lên kế hoạch thì nó cũng không được thực thi tốt. Chỉ 12 giờ sau khi khai chiến, Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố phá hủy hoàn toàn hệ thống phòng không của Ukraine. Nhưng chúng ta biết rằng, đã có 6-7 phi cơ và 16-17 phi cơ trực thăng của Nga bị bắn rơi vào ngày hôm đó. Đến ngày thứ 15 của cuộc chiến, hỏa tiễn phòng không S300 của Ukraine vẫn hoạt động, nó đã bắn rơi chiếc vận tải cơ Il-76 tăng viện của Nga. Il-76 là vận tải cơ chính của Nga, được sử dụng trong cuộc chiến này để vận chuyển binh lính của Lực lượng Dù Nga tới các sân bay tiền tuyến. Nhưng cho đến nay người ta biết rằng ít nhất hai chiếc Il-76 đã bị bắn rơi, mỗi chiếc vận tải cơ này có khoảng một trăm lính dù, hai chiếc cộng lại là hơn hai trăm lính Nga đã thiệt mạng.
Quay lại phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Nga sau 12 giờ chiến tranh, rằng hệ thống phòng không Ukraine đã bị phá hủy hoàn toàn. Các bạn có nghĩ đây là một trò đùa vô lý?
2. Tinh thần kháng cự ngoan cường của người dân Ukraine
Nguyên nhân quan trọng thứ hai khiến Nga tiến triển chậm chạp là người dân Ukraine kháng cự rất ngoan cường. Điểm này phải kể đến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Zelensky vốn là một diễn viên hài, một nhà chính trị nghiệp dư, ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019 ở Ukraine. Nhiều người đã bày tỏ sự nghi ngờ và lo lắng về năng lực của ông, nhưng trong mười ngày kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, ông Zelensky đã được đánh giá cao.
Vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, Nga đã tạo ra tin giả rằng Tổng thống Zelensky đã rút quân, Tổng thống Zelensky đã rời khỏi Kyiv. Tuy nhiên, ông Zelensky đã đăng một đoạn video quay cảnh ông ở trung tâm thành phố Kyiv hôm 26/02 và nói: “Có rất nhiều thông tin sai lệch trên mạng nói rằng tôi đang kêu gọi quân đội hạ vũ khí và chuẩn bị lên đường tẩu thoát”. “Tôi ở đây. Chúng tôi sẽ không buông vũ khí. Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước của mình”.
Chưa dừng lại ở đó, khi chính phủ Hoa Kỳ thúc giục ông Zelensky rời khỏi Kyiv để tránh nguy cơ bị bắt hoặc sát hại, ông đã từ chối và nói: “Cuộc chiến đang diễn ra ở đây. Tôi cần đạn dược, chứ không phải một chuyến di tản”.
Câu nói này sau đó đã lan truyền khắp thế giới, đồng thời cũng khích lệ tinh thần của người dân Ukraine.
Trong hàng loạt sự kiện, Tổng thống Zelensky cũng thể hiện khả năng ngoại giao của mình. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, ông đã điện đàm với các nhà lãnh đạo của các quốc gia Liên minh Âu Châu (EU) mỗi ngày, và trong các cuộc họp video với EU, ông đã giành được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo EU. EU không chỉ đồng ý đơn gia nhập EU của Ukraine mà còn cung cấp ngân quỹ của EU để hỗ trợ Ukraine, với 500 triệu USD viện trợ quân sự và 500 triệu USD viện trợ nhân đạo. Đức là quốc gia phản đối nhiều nhất các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga, nhưng với nỗ lực của ông Zelensky, dư luận quốc tế ủng hộ Ukraine ngày càng mạnh mẽ hơn, và cuối cùng, các quốc gia phương Tây đã thông qua nghị quyết loại Nga ra khỏi SWIFT.
Tổng thống Zelensky và ý chí phản kháng của người dân Ukraine là nguyên nhân thứ hai khiến Nga không thể tiến lên. Có một câu nói rằng “Tự trợ giả Thiên trợ”(Trời giúp những người biết tự rán lo cho mình),chúng ta hãy cùng nhìn lại Tổng thống Afghanistan Ghani để so sánh. Trước khi quân Taliban đến Kabul, ông Ghani khi nghe tin đã là người đầu tiên đáp trực thăng bỏ chạy. Quân Nga đã tiến đến Kyiv, nhưng Tổng thống Zelensky đã không rút lui. Nếu ông Zelensky dẫn đầu tẩu thoát trước, Nga có thể đã chiếm được Kyiv trong 72 giờ.
3. Viện trợ quân sự nước ngoài
Nguyên nhân thứ ba khiến Nga chậm tiến ở Ukraine là viện trợ quân sự nước ngoài, đồng thời Ukraine rất thành thục trong việc sử dụng vũ khí quân sự được viện trợ này. Cần phải nói rằng, mặc dù NATO không trực tiếp gửi quân lần này, nhưng sự trợ giúp về kinh tế và quân sự đã giúp ích rất nhiều cho Ukraine.
Kể từ năm 2020, Hoa Kỳ đã viện trợ hơn 1 tỷ USD vũ khí và thiết bị cho Ukraine, bao gồm hỏa tiễn phòng không Javelins, Humvee và Stinger. Viện trợ quân sự của Anh cũng rất tốt, ngay từ đầu nước này đã gửi 2.000 bộ NLAW (xe tăng chiến đấu chủ lực và vũ khí chống tăng hạng nhẹ), sau đó Thụy Điển và Phần Lan đã viện trợ một số lượng đáng kể hỏa tiễn chống tăng. Mới đây, từ Đức đến Thụy Sĩ, và thậm chí cả Ý và Ba Lan, đã viện trợ Ukraine các loại vũ khí, từ súng trường đến hỏa tiễn. Ukraine nhiều lần sử dụng NLAW, trên trận địa rất nhiều xe chiến đấu bộ binh và xe tăng Nga bị Ukraine cho nổ tung.
Tôi từng xem một báo cáo trên tờ The Wall Street Journal nói rằng, trên thực tế, sau năm 2014, Hoa Kỳ đã cử lực lượng đặc biệt đến Ukraine để giúp Ukraine huấn luyện quân đội, đặc biệt là đội quân tinh nhuệ. Những đội quân này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến Ukraine lần này. Họ không chỉ rất quen thuộc với vũ khí và trang bị của phương Tây mà còn sử dụng các chiến thuật tác chiến tiên tiến, tạo thành mối uy hiếp rất lớn cho Nga.
Không chỉ vậy, cơ quan tình báo Hoa Kỳ còn rất ủng hộ Ukraine. Các động thái trước chiến tranh và việc triển khai quân của Nga đã bị phi cơ trinh sát điện tử vệ tinh và phi cơ cảnh báo sớm của Hoa Kỳ phát hiện. Phi cơ cảnh báo sớm “AEW” của NATO đã bay lượn trên biên giới giữa Ba Lan và Ukraine từ trước chiến tranh. Hoa Kỳ thậm chí còn biết tổng cộng Nga đã phóng bao nhiêu hỏa tiễn, chúng được phóng đi, hạ cánh ở đâu và chúng là những mẫu hỏa tiễn nào.
Những thông tin tình báo này đã được chia sẻ với Ukraine một cách kịp thời, do đó, mặc dù Ukraine không có thiết bị trinh sát điện tử tiên tiến, nhưng cá động thái của Nga đã được nhìn thấy rõ ràng. Những điều này đã giúp quân đội Ukraine áp dụng chiến lược đúng đắn để chống lại Nga.
4. Ukraine vận dụng chiến thuật chính xác
Nguyên nhân thứ tư cho sự thành công của các chiến dịch ban đầu của Ukraine, đó là Ukraine đã sử dụng chiến thuật chính xác. Ukraine là đại đồng bằng, trận quyết chiến tập đoàn thiết giáp với Nga nếu diễn ra trên đại đồng bằng thì nhất định sẽ thua nặng. Ukraine có 1.000 xe tăng, có thể là T-64 cũ hoặc T-64-BV, một phiên bản cải tiến của T-64. Đối thủ Nga có tổng cộng hơn 4.000 xe tăng chiến đấu chủ lực.
Bởi vậy, Ukraine không chọn đánh Nga trên đồng bằng, mà rút về các thành phố và vùng ngoại ô; từng nhà, từng tuyến phòng thủ chống trả Nga.
Ngoài ra, lần này Ukraine đã sử dụng một số lượng lớn phi cơ không người lái. Trước chiến tranh, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho Ukraine một lô phi cơ không người lái TB2. Không chỉ vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thành lập một nhà máy gần Kyiv, nơi có thể sản xuất các bộ phận cho phi cơ không người lái TB2. Đồng thời, Ukraine còn tự mình sản xuất động cơ để trang bị cho phi cơ không người lái TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine đã có thể nội địa hóa TB2 trên quy mô đáng kể từ khi trước chiến tranh.
TB2 trong trận chiến này đóng vai trò trọng yếu, không chỉ chiến đấu với lực lượng thiết giáp Nga mà cả lực lượng vận tải Nga, thậm chí cả lực lượng phòng không Nga. Tôi đã xem nhiều video về việc Ukraine sử dụng phi cơ không người lái để hạ gục hỏa tiễn phòng không Buk của Nga.
Hỏa tiễn phòng không Nga không phát hiện được phi cơ không người lái của Ukraine
Tại sao hỏa tiễn phòng không của Nga không phát hiện được phi cơ không người lái của Ukraine? Điều này liên quan đến nguyên nhân thứ tư khiến cuộc xâm lược Ukraine của Nga không tiến triển thuận lợi. Đó là trang bị của Nga không mạnh như vẻ ngoài và có hiệu suất tương đối thấp.
Trước tiên, hãy nói về thiết bị. Hệ thống radar phòng không của Nga chưa được cập nhật và không thể xác định được phi cơ không người lái. Chúng tôi thấy rằng các UAV nói chung có kích thước nhỏ, để xác định phi cơ và các mảnh vỡ khác, radar phòng không thường có một thuật toán để xác định đây có phải là mục tiêu của kẻ thù hay không. Nhiều thông tin cho rằng, nhiều radar của Nga không được cập nhật và không thể xác định phi cơ không người lái, điều này dẫn đến Nga bị tổn thất nặng khi bị phi cơ không người lái của Ukraine tấn công.
Theo phân tích của kênh truyền thông Al Jazeera, hệ thống tác chiến điện tử mới nhất của Nga đã thất bại trong việc chống lại phi cơ không người lái TB2 trong cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh (cuộc xung đột vũ trang diễn ra từ tháng 2 năm 1988 đến tháng 5 năm 1994). Đồng thời, các hệ thống hỏa tiễn đất đối không của Nga như Pantsir, Tor và Buk, đã được triển khai ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, các hệ thống phòng không này cũng không có khả năng chống lại các phi cơ không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chúng ta biết rằng trong cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan, Armenia đã được Nga hỗ trợ và sử dụng rất nhiều thiết bị của Nga, trong khi Azerbaijan đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với phi cơ không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ. Phải nói rằng, mọi người đều hoài nghi về hiệu suất của các thiết bị phòng không của Nga.
Nói đến hiệu suất, chúng ta phải nói rằng xe tăng và xe bọc thép của Nga bị bỏ lại khắp nơi trên đất Ukraine. Một số xe hết xăng phải bỏ, số khác bị tai nạn, bị xẹp lốp, đậu dưới lòng đường không thể tiến lên nên đành bỏ cuộc.
Hệ thống phòng thủ chủ động trên xe tăng chủ lực của Nga, vốn được nhiều người đồn thổi trong vài năm qua, hiện nay hầu như không được lắp đặt trên xe tăng Nga, vì sao vậy? Lý do là không có tiền. Nhưng cũng cần nói rằng, ngay cả khi có tiền, hệ thống phòng thủ chủ động của Nga có hoạt động được hay không vẫn lại là chuyện khác. Hãy nhìn những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga nổ tung khắp nơi, những chiếc T-72, T-90 này không chỉ được treo giáp phản ứng nổ mà còn có lồng sắt để đề phòng đòn tấn công đỉnh cao, nhưng đụng phải một tên phóng lao trên chiến trường thì vẫn không cách nào chống đỡ.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, Nga bởi vì khinh địch mà đã phạm phải nhiều sai lầm trong chiến lược và chiến thuật. Đồng thời, toàn thể nhân dân Ukraine đã quyết tâm chống lại Nga, dưới sự trợ giúp về quân sự của quốc tế, cùng với việc sử dụng hợp lý các chiến thuật và trang thiết bị quân sự, đã khiến Nga lâm vào thế khó. Ngược lại, bên quân Nga với tinh thần sĩ khí thấp, tỷ lệ hiệu suất của vũ khí trang thiết bị cũng khá thấp, bởi vậy kết quả không như Nga mong đợi.
Tử Định
Lý Hạo biên tập
Mai Thanh biên dịch