Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Người mẹ Nga cầu xin ông Putin kết thúc chiến tranh: “Trả con cho tôi!”

Trong một video cho thấy một bà mẹ người Nga đang khóc khẩn cầu Tổng thống Putin chấm dứt chiến tranh để cậu con trai 22 tuổi của bà có thể trở về nhà. Cùng lúc đó, Bộ Quốc phòng Anh ngày 17/3 đã công bố tin tức mới nhất về cuộc chiến trên Twitter với nội dung: “Cuộc xâm lược Ukraine của Nga về cơ bản đã bị đình trệ trên tất cả các mặt trận.”

Theo Daily Mail đưa tin, cảnh quay đau lòng cho thấy người mẹ liều mình bị bắt để tham gia một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Moscow, bà nói rằng trong quân đoàn của con trai bà chỉ có 10 binh sĩ vẫn còn sống.

Bà nói rằng con trai bà được thông báo rằng sẽ hoàn thành các bài tập quân sự trước khi được điều động đến một “điểm nóng” ở Ukraine, và bà đã không thể liên lạc với con trai trong 10 ngày.

Đoạn video ghi hình bà mẹ đầy đau đau khổ này được đưa ra vào cùng ngày có thông tin tiết lộ rằng Nga đã mất tới 28,000 binh sĩ trong 3 tuần giao tranh ở Ukraine.

Người mẹ giấu tên nói: “Cảm ơn Chúa, nó vẫn còn sống. Chỉ còn lại 10 người trong trung đoàn của nó. Xin hãy dừng sự kiện đổ máu này lại. Hãy để con trai con quay về.”

Phía sau bà, những người biểu tình đang tuần hành thành vòng tròn, trên tay cầm cầm các áp phích phản chiến tại một quảng trường ở Moscow.

Giữa cuộc phỏng vấn, phóng viên James Longman của ABC lưu ý rằng người mẹ trở nên căng thẳng khi cảnh sát bắt đầu giám sát họ.

Sau đó, người mẹ rút điện thoại và giơ bức ảnh của con trai lên, móng tay của bà được sơn màu xanh và vàng – màu của quốc kỳ Ukraine.

Bà vẫn cố kìm nước mắt, và giơ bức ảnh một thanh niên mặc quân phục. Bà nói, “Hãy nhìn, nó chỉ là một cậu bé. Nó chỉ là một đứa trẻ. Nó đang chiến đấu, là vì điều gì?”

Sau đó, cảnh sát đi phía sau người mẹ và bắt đầu dùng loa phát thanh để la hét khiến bà bỏ chạy.


Nhà hát của Ukraine có hơn ngàn người trú ẩn bị oanh tạc

Một đợt oanh tạc mới của quân Nga hôm 16/3 vào nhà hát của thành phố Mariupol vùng Donetsk – nơi có cả ngàn người dân Ukraine trú ẩn, mọi người bên trong bị mắc kẹt, sự sống trước nguy cơ đe dọa.

Theo một tuyên bố ngắn gọn được cựu lãnh đạo vùng Donetsk của Ukraine công bố trên Facebook vào thứ Năm (17/3) cho biết, vào ngày hôm trước (thứ Tư) nhà hát của thành phố Mariupol đã bị đạn pháo nhưng trong số những người trú ẩn bên trong vẫn có những người sống sót. Phía Ukraine cáo buộc quân đội Nga phải chịu trách nhiệm về vụ pháo kích, nhưng phía Nga bác bỏ mọi liên quan.

“Sau một đêm khủng khiếp, cuối cùng chúng ta cũng có tin tốt lành từ Mariupol vào sáng ngày thứ 22 của cuộc chiến. Nóc hầm trú ẩn (nhà hát) chịu đựng được (bom đạn). Tàn tích đang bắt đầu được dọn sạch. Mọi người còn sống”, cựu Thống đốc Sergei Taruta của vùng Donetsk đã viết trên mạng xã hội hôm thứ Năm.

Tuyên bố cũng được Ủy viên Nhân quyền Quốc hội Ukraine là Liudmyla Denisova xác nhận. Cô nói trong một tuyên bố trên Telegram rằng cả người lớn và trẻ em đều sống sót trở ra, nhưng chưa rõ con số thương vong.

Denisova cho biết trong một tuyên bố: “Tòa nhà đã chịu được tác động của những quả bom công suất lớn, bảo vệ được cuộc sống của những người ẩn náu trong hầm tránh bom… Không có thông tin về thương vong dưới đống đổ nát của nhà hát. Có tới 1.200 người được cho là đã trú ẩn trong nhà hát”.

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Tư (16/3) cho biết, vào ngày hôm đó các lực lượng Nga đã thả một quả bom cực mạnh xuống một nhà hát ở thành phố cảng Mariupol bị bao vây của Ukraine, nơi hàng trăm người trú ẩn. Nhiều người bị mắc kẹt trong nhà hát, vấn đề đảm bảo cuộc sống mong manh, tội ác chiến tranh này do Nga gây ra.

Hãng thông tấn Reuters đã không thể xác minh thông tin này một cách độc lập.

Tuy nhiên phía Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào thường dân Ukraine. Hãng thông tấn Nga RIA cho biết Bộ Quốc phòng ở Moscow bác bỏ cáo buộc quân đội Nga tấn công nhà hát, nhưng đổ lỗi cho một lực lượng dân quân cực hữu của Ukraine là Tiểu đoàn Azov đã gây ra vụ việc.

Bộ Quốc phòng Nga đã không đưa ra bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố. Nga trước đó đã cáo buộc Tiểu đoàn Azov ngăn cản người dân rời thành phố Mariupol đã bị bao vây trong vài ngày. Tiểu đoàn Azov là một nhóm dân quân cực đoan dân tộc chủ nghĩa sau này được hợp nhất vào Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Maxar Technologies, một công ty tư nhân của Mỹ, đã chia sẻ các hình ảnh vệ tinh được cho là thu thập được vào ngày 14/3. Hiển thị trong hình ảnh cảnh trên mặt đất bên ngoài Nhà hát kịch Mariupol được lợp bằng mái ngói đỏ, có chữ “trẻ em” được viết rất lớn bằng chữ Nga.

Hội đồng thành phố Mariupol đã chia sẻ một hình ảnh hôm thứ Tư về tòa nhà bị phá hủy, qua đó cáo buộc quân Nga “đã phá hủy một cách có chủ đích và tàn nhẫn nhà hát ở trung tâm Mariupol”.

“Máy bay đã thả bom xuống một tòa nhà nơi hàng trăm cư dân Mariupol yên bình đang ẩn náu”, phía Ukraine cho biết.

Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu chính quyền của khu vực Donetsk (bao gồm Mariupol), tuyên bố hôm thứ Tư rằng số phận của hàng trăm người dân Mariupol ẩn náu trong nhà hát bị đe dọa, vì lối vào nơi trú ẩn bị chặn bởi đống đổ nát.

Theo Nghị sĩ Ukraine Andrii Osadchuk: “Gần 350.000 đến 400.000 người hiện đang bị mắc kẹt trong thành phố (Mariupol) mà không có thức ăn, nước uống và nguồn cung cấp.”

Phía công ty Maxar cho biết sẽ sớm công bố những hình ảnh mới của nhà hát nhà hát ở Mariupol – Ukraine.


Interfax: Khoảng 300 người tị nạn từ đã đến Nga 

Người dân chạy khỏi Mariupol trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine tại một nhà ga xe lửa ở Zaporizhzhia, Ukraine trong bức ảnh này, do Reuters thu được hôm 16/03/2022. (Ảnh: Dịch vụ Báo chí của Cảnh sát Quốc gia Ukraine/Phát qua Reuters) Tây Dương

Mười ba chiếc xe buýt chở khoảng 300 người tị nạn từ thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine đã đến vùng Rostov của Nga, hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Năm (17/03).

Hôm thứ Tư (16/03), các quan chức Ukraine cho biết dân thường xếp hàng chờ bánh mì và trú ẩn trong một rạp hát ở Mariupol đã bị quân Nga sát hại. Nga đã phủ nhận việc tấn công rạp hát này.


Quân đội Ukraine cho biết đã tấn công phi trường ở Kherson

Quân đội Ukraine đã đánh một trận đánh trừng phạt vào phi trường ở Kherson, nơi mà quân đội Nga đã chiếm giữ từ đầu cuộc chiến, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết vào cuối ngày thứ Tư (16/03). Bộ cho biết người Nga đang cố gắng loại bỏ bất kỳ thiết bị quân sự nào còn sót lại.

Quân đội Ukraine cho biết họ đã tấn công phi trường hôm thứ Ba (15/03). Các bức ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC chụp sau đó và được The Associated Press phân tích cho thấy trực thăng và các phương tiện đang bốc cháy tại căn cứ không quân này.

Nga đã chiếm giữ thành phố cảng phía nam mà không cần giao tranh trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Kiểm soát Kherson cho phép Nga khôi phục nguồn cấp nước ngọt cho Crimea; Ukraine đã cắt nguồn nước sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết cuộc tấn công trên bộ của Nga vào các thành phố lớn của nước này phần lớn đã bị đình trệ.


Nga-Ukraine tiếp tục đàm phán qua video

Các phái đoàn Ukraine và Nga đã nối lại đàm phán qua video hôm thứ Tư (16/03).

Cố vấn Mikhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine yêu cầu ngừng bắn, rút ​​quân Nga và các bảo đảm an ninh hợp pháp cho Ukraine khỏi một số quốc gia.

“Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua đối thoại trực tiếp” giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông cho biết trên Twitter.

Một quan chức trong văn phòng của ông Zelensky nói với The Associated Press rằng chủ đề chính được thảo luận là liệu quân đội Nga có lưu lại các vùng ly khai ở miền đông Ukraine sau chiến tranh hay không và biên giới sẽ ở đâu.


Hoa Kỳ cho biết quân đội Nga bị đình trệ bên ngoài Kyiv

Bức ảnh được chụp cho thấy khói bốc lên sau một vụ nổ ở Kyiv hôm 16/03/2022. (Ảnh: Aris Messinis/AFP/Getty Images)

Hôm thứ Tư (16/03), một quan chức quốc phòng cao cấp của Hoa Kỳ cho biết quân đội Nga tiếp tục đạt được ít tiến triển rõ rệt trên hầu hết lãnh thổ Ukraine. Quan chức này cho biết quân đội Nga vẫn đang bị đình trệ bên ngoài Kyiv trong khi tiếp tục bắn phá thủ đô này bằng hỏa tiễn.

Quan chức này cho biết, một diễn biến chính là hoạt động hải quân của Nga ở phía bắc Biển Đen, nơi các tàu đang pháo kích vùng ngoại ô Odesa. Quan chức này đã ẩn danh để thảo luận về các đánh giá quân sự của Hoa Kỳ. Ông cho biết không rõ người Nga định làm gì, nhưng các cuộc pháo kích có thể là bước khởi đầu cho việc chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công mặt đất vào Odesa. Nga có tàu chiến và tàu đổ bộ chở quân và xe tăng ở Biển Đen.

Quan chức này cho biết quân Nga đã phóng hơn 980 hỏa tiễn vào Ukraine, và họ vẫn đang bay khoảng 200 chuyến bay mỗi ngày, mặc dù tổng số lần có dao động lên xuống. Phía Ukraine vẫn bay từ năm đến 10 chuyến mỗi ngày.

Quan chức này cho biết, Ukraine tiếp tục kiểm soát Brovary và Mykolaiv, nhưng người Nga đã cô lập phần lớn Chernihiv và Mariupol. Theo ông, khoảng 75% trong tổng số các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Nga — tạo nên lực lượng mặt đất của họ — đang được điều động để tham chiến ở Ukraine.


Tổng thống Biden gọi ông Putin là ‘tội phạm chiến tranh’, Điện Kremlin phản hồi

Tổng thống Joe Biden trình bày về Ukraine tại Thính phòng Tòa án phía Nam của Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower, bên cạnh Tòa Bạch Ốc hôm 16/03/2022. (Ảnh: Nicholas Kamm/AFP/Getty Images)

Hôm thứ Tư (16/03), Tổng thống Joe Biden đã gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh”, khiến Điện Kremlin nói rằng bình luận này là “không thể tha thứ” khi cuộc chiến ở Ukraine đã kéo dài sang ngày thứ 21 mặc dù đã có các cuộc đàm phán về thỏa hiệp hòa bình.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden nói: “Ồ, tôi nghĩ ông ta là một tội phạm chiến tranh,” sau khi ban đầu trả lời “không” cho câu hỏi liệu ông đã sẵn sàng gọi ông Putin như vậy chưa.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Biden công khai gọi ông Putin bằng cụm từ đó.

Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki sau đó cho biết Tổng thống Biden đang nói những gì trong tâm mình, lưu ý rằng có một quy trình pháp lý riêng biệt để xác định liệu ông Putin có vi phạm luật pháp quốc tế và phạm tội ác chiến tranh hay không, và quy trình đó hiện đang được tiến hành tại Bộ Ngoại giao.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, “Chúng tôi coi những lời lẽ như vậy từ vị nguyên thủ quốc gia, người có bom đã sát hại hàng trăm ngàn người trên thế giới, là không thể chấp nhận được và không thể tha thứ,” theo hãng thông tấn TASS.

Hôm thứ Tư (16/03), ông Putin cho biết Điện Kremlin đã sẵn sàng thảo luận về trạng thái trung lập của nước láng giềng nhưng nói rằng điều mà ông gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” Ukraine đang “theo kế hoạch”. Quân đội Nga tiếp tục bắn phá các thành phố đang bị bao vây, bao gồm cả các cuộc pháo kích dữ dội vào thủ đô Kyiv.


Tòa án Thế giới ra lệnh cho Nga ngừng các hoạt động quân sự ở Ukraine

Hôm thứ Tư (16/03), tòa án cấp cao nhất của Liên Hiệp Quốc về các tranh chấp giữa các quốc gia đã ra lệnh cho Nga ngay lập tức ngừng các hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine, nói rằng họ “lo ngại sâu sắc” trước việc sử dụng vũ lực của Moscow.

Mặc dù các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) có giá trị pháp lý ràng buộc, nhưng tòa không có biện pháp trực tiếp để thực thi các phán quyết đó, và trong một số trường hợp hiếm hoi trước đây các quốc gia đã phớt lờ các phán quyết này.

“Liên bang Nga phải lập tức đình chỉ chiến dịch quân sự mà họ khơi mào vào ngày 24/02/2022 trên lãnh thổ của Ukraine,” các thẩm phán ICJ cho biết trong một phán quyết ngày 13/02.

Họ nói thêm rằng Nga cũng phải bảo đảm các lực lượng khác dưới sự kiểm soát của Moscow hoặc được Moscow hậu thuẫn không được tiếp tục chiến dịch quân sự này.

Ukraine đã đệ trình trường hợp của mình lên ICJ ngay sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/02, nói rằng lời biện minh của Moscow, rằng họ đang hành động để ngăn chặn một cuộc diệt chủng ở miền đông Ukraine, là vô căn cứ.

Ngoài việc bác bỏ các lý do cho cuộc xâm lược, Kyiv cũng yêu cầu các biện pháp khẩn cấp “tạm thời” chống lại Nga để ngăn chặn bạo lực trước khi vụ việc được xét xử toàn bộ. Các biện pháp đó đã được ban hành vào thứ Tư.


Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ở Moscow rằng chiến tranh phải dừng lại

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trình bày cùng với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Moscow hôm thứ Tư (16/03), cho biết cuộc chiến ở Ukraine phải dừng lại và Ankara sẽ theo đuổi các nỗ lực ngoại giao để thu xếp một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Ông Cavusoglu nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Lavrov rằng thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky như một bước tiến hướng tới hòa bình.

“Chiến tranh phải dừng lại, không được có thiệt hại về người nào nữa. Tôi đến Moscow hôm nay với ý nghĩ này,” ông Cavusoglu nói.

Ông nói: “Chúng tôi đã chia sẻ những lo ngại của mình một cách chân thành và thực hiện phần việc của mình để xoa dịu căng thẳng và mở ra cơ hội cho ngoại giao. Chúng tôi muốn tổ chức cuộc gặp này (giữa hai ông Putin và Zelensky) khi tình hình đến thời điểm đó… để có một lệnh ngừng bắn lâu dài.”

Ngoại trưởng Lavrov cho biết không có trở ngại nào đối với một cuộc gặp giữa ông Putin và ông Zelenskiy nhưng nó sẽ chỉ diễn ra để đạt được một thỏa thuận cụ thể.


Tổng thống Biden thông báo hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine

Tổng thống Joe Biden đã công bố khoản hỗ trợ mới bổ sung 80 triệu USD cho Ukraine hôm thứ Tư (16/03), nâng tổng số viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine trong tuần này lên 1 tỷ USD.

Ông Biden cho biết gói quốc phòng này nhằm chống lại cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga vào Ukraine bao gồm 800 hệ thống phòng không và 9,000 hệ thống chống thiết giáp. Gói này cũng bao gồm 7,000 vũ khí hạng nhẹ và 20 triệu băng đạn dược dùng để trang bị cho người Ukraine “bao gồm cả những người phụ nữ và đàn ông dũng cảm đang bảo vệ thành phố của họ với tư cách là dân thường,” ông Biden nói.

“Tôi muốn thành thật, đây có thể là một trận chiến lâu dài và khó khăn, nhưng người dân Mỹ sẽ kiên định với sự ủng hộ của chúng tôi và với người dân Ukraine, những người phải đối mặt với những cuộc tấn công xấu xa, trái đạo đức của ông Putin đối với dân thường,” ông Biden nói, dẫn chứng các cuộc tấn công của Nga vào các bệnh viện và các địa điểm dân sự khác.


Thị trưởng Ukraine không còn bị Nga giam giữ

Thị trưởng thành phố Melitopol, miền đông nam Ukraine đã được trả tự do sau khi ông bị lực lượng Nga bắt giữ cách đây 5 ngày, một quan chức Ukraine cho biết hôm thứ Tư (16/03).

Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã thông báo tin tức này nhưng không tiết lộ chi tiết về cách thị trưởng được trả tự do.

Video giám sát tuần trước cho thấy vị thị trưởng của thành phố bị chiếm đóng này dường như đang bị binh lính Nga áp giải ra khỏi tòa thị chính.

Trước khi cuộc xâm lược bắt đầu, chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cảnh báo về kế hoạch của Nga nhằm giam giữ và sát hại những người bị nhắm đến ở Ukraine, trong đó ông Zelensky có thể là mục tiêu hàng đầu.


Lãnh đạo NATO loại trừ khả năng thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã dứt khoát loại trừ bất kỳ vai trò nào của tổ chức quân sự này trong việc thiết lập và kiểm soát vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine để bảo vệ trước các cuộc không kích của Nga.

Ông Stoltenberg nói, “NATO không nên điều động lực lượng trên bộ hoặc trên không trên lãnh thổ Ukraine vì chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm rằng cuộc xung đột này, cuộc chiến tranh này, không leo thang bên ngoài Ukraine.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi NATO thiết lập vùng cấm bay vì ưu thế trên không của Nga, khi thương vong dân sự gia tăng ba tuần sau cuộc chiến.

Trình bày hôm thứ Tư (16/03) sau khi chủ trì một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO, ông Stoltenberg thừa nhận rằng “chúng tôi thấy sự đau khổ của người dân ở Ukraine, nhưng điều này thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn nếu NATO (thực hiện) những hành động thực sự biến việc này thành một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga.”

Ông nói rằng quyết định không cử các lực lượng trên không hoặc trên bộ vào Ukraine là “lập trường thống nhất từ ​​các đồng minh NATO.” Trước đó hôm thứ Tư, Estonia đã kêu gọi 29 đối tác NATO xem xét việc thiết lập vùng cấm bay.


IMF: Cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể ‘thay đổi một cách căn bản’ trật tự chính trị, kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm thứ Ba (15/03), việc Nga xâm lược Ukraine sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu bằng cách làm chậm tăng trưởng và gia tăng lạm phát, và về căn bản có thể định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu trong dài hạn.

Cuộc chiến này đang làm xói mòn niềm tin kinh doanh và gây ra sự bất ổn giữa các nhà đầu tư khiến giá tài sản giảm, thắt chặt các điều kiện tài chính, và có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra từ các thị trường mới nổi.

IMF cho biết, các quốc gia có quan hệ thương mại, du lịch, và tài chính có liên quan trực tiếp sẽ cảm thấy áp lực ngày càng lớn, viện dẫn nguy cơ bất ổn lớn hơn ở một số khu vực, từ Phi Châu cận Sahara, Châu Mỹ Latinh đến Cáp-ca và Trung Á.

Đồng thời, tình trạng mất an ninh lương thực có khả năng gia tăng hơn nữa ở các khu vực của Phi Châu và Trung Đông, nơi các quốc gia như Ai Cập nhập cảng 80% lúa mì của họ từ Nga và Ukraine.

IMF dự đoán về sự suy thoái sâu ở Ukraine và Nga, đồng thời cho biết Âu Châu có thể chứng kiến ​​sự gián đoạn trong nhập cảng khí đốt tự nhiên và sự gián đoạn chuỗi cung ứng rộng lớn hơn. Đông Âu, nơi đã đón nhận hầu hết 3 triệu người đã rời khỏi Ukraine, do đó sẽ thấy tổn thất tài chính lớn hơn.

IMF cho biết các quốc gia ở Cáp-ca và Trung Á có liên kết chặt chẽ với hệ thống thương mại và thanh toán với Nga sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi suy thoái kinh tế và các lệnh trừng phạt được áp đặt kể từ cuộc xâm lược Ukraine, khiến thương mại, kiều hối, đầu tư, và du lịch giảm.

Giá thực phẩm và năng lượng là kênh chính tạo ra tác động lan tỏa ở Tây Bán Cầu, với giá hàng hóa cao có khả năng làm gia tăng đáng kể tỷ lệ lạm phát vốn đã cao ở Mỹ Latinh, Caribe, và Hoa Kỳ.

Tại Á Châu, IMF cho biết các nhà nhập cảng dầu mỏ của các nền kinh tế ASEAN, Ấn Độ, và các nền kinh tế cận biên (frontier economies) bao gồm một số đảo Thái Bình Dương sẽ chịu tác động lớn nhất, trong khi các khoản trợ cấp nhiên liệu mới có thể giảm bớt tác động ở Nhật Bản và Nam Hàn.


Tổng thống Putin nói phương Tây đang cố gắng ‘hủy hoại’ Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp với các thành viên chính phủ Nga tại Moscow hôm 10/03/2022. (Ảnh: Mikhail Klimentyev/Sputnik/AFP/Getty Images)

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư (16/03) cho biết phương Tây đang cố gắng làm tê liệt kinh tế Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.

“Đằng sau cuộc nói chuyện đạo đức giả và những hành động hiện thời của cái gọi là ‘phương Tây tập thể’ là những mục tiêu địa chính trị thù địch. Họ chỉ đơn giản là không muốn thấy một nước Nga vững mạnh và có chủ quyền,” ông Putin nói, theo các phương tiện truyền thông nhà nước.

Nhà lãnh đạo Nga, trình bày trong một cuộc họp trên truyền hình ở Moscow, nói rằng các nước khác đang cố gắng “hủy hoại” Nga bằng một “cuộc tấn công chớp nhoáng với các lệnh trừng phạt.”

“Phương Tây thậm chí không thèm che giấu rằng mục đích của họ là gây thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế Nga, mọi công dân Nga,” ông Putin nói.

Related posts