Bộ Quốc phòng: Ukraine ‘tạm thời’ mất quyền tiếp cận Biển Azov
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết vào cuối ngày thứ Sáu (18/03) rằng họ “tạm thời” mất quyền tiếp cận Biển Azov khi các lực lượng xâm lược của Nga đang siết chặt vòng vây xung quanh cảng lớn Mariupol của Biển này.
“Những người chiếm đóng đã thành công một phần trong khu vực hoạt động Donetsk, tạm thời tước quyền tiếp cận Biển Azov của Ukraine,” Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố.
Bộ không nêu rõ trong tuyên bố của mình liệu các lực lượng của Ukraine có lấy lại được quyền tiếp cận Biển này hay không.
Hôm thứ Sáu, Nga cho biết quân đội của họ đang “thắt chặt thòng lọng” xung quanh Mariupol, nơi ước tính 80% nhà cửa của thành phố đã bị hư hại. Khoảng 1,000 người vẫn có thể bị mắc kẹt trong những hầm trú bom tạm bợ bên dưới một nhà hát bị phá hủy.
Mariupol, với vị trí chiến lược trên bờ Biển Azov, đã trở thành mục tiêu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24/02 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện cái mà ông gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Thành phố nằm trên tuyến đường giữa bán đảo Crimea do Nga sáp nhập ở phía tây và vùng Donetsk ở phía đông, do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát một phần.
Nga tuyên bố ngay từ ngày 01/03 rằng các lực lượng của họ đã cắt đứt quân đội Ukraine khỏi Biển Azov.
Giám đốc NASA Bill Nelson gạt bỏ lo ngại về hợp tác vũ trụ Mỹ-Nga
Gạt bỏ lo ngại rằng căng thẳng địa chính trị Mỹ-Nga có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác chung trong không gian, ông Bill Nelson, Giám đốc NASA, cho biết hôm thứ Sáu (18/03) rằng ông rất vui mừng về tên lửa mặt trăng mới được công bố gần đây, Artemis 1, mà ông hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về khám phá không gian, bao gồm việc thiết lập căn cứ trên mặt trăng và cuối cùng là đưa con người lên Hỏa tinh.
“Vâng, đúng là chúng ta có vấn đề với Tổng thống Putin trên mặt đất. Và cũng đúng là thế giới tự do đã thực sự xích lại gần nhau như quý vị chưa từng thấy trong vài thập niên qua, NATO và Hoa Kỳ đoàn kết cùng nhau. Nhưng đó là mặt đất. Một khi quý vị tiến vào không gian, chương trình không gian dân dụng, giữa các phi hành gia của Nga và Hoa Kỳ là chuyên nghiệp nhất có thể và tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp tục,” ông Nelson nói.
Sức bền của mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Mỹ và Nga trong không gian đang được thử thách bởi sự đối kháng ngày càng cao giữa hai địch thủ cũ của thời Chiến Tranh Lạnh sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng trước.
Trưởng phái đoàn Nga cho biết Moscow-Kyiv đã tiến gần hơn đến thỏa thuận về trạng thái trung lập của Ukraine
Trưởng phái đoàn Nga đàm phán với các quan chức Ukraine cho biết các bên đã tiến gần hơn đến thỏa thuận về trạng thái trung lập đối với Ukraine.
Ông Vladimir Medinsky, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán Nga trong một số vòng đàm phán với Ukraine, bao gồm cả vòng đàm phán trong tuần này, cho biết hôm thứ Sáu (18/03) rằng các bên đã thu hẹp sự khác biệt của họ về vấn đề Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và áp dụng trạng thái trung lập.
Ông Medinsky cho biết: “Vấn đề về trạng thái trung lập và không có tư cách thành viên NATO đối với Ukraine là một trong những vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán, và đó là vấn đề mà các bên đã cố gắng đưa lập trường của họ tiến đến gần nhau nhất,” ông Medinsky nói với các hãng thông tấn Nga.
Ông nói thêm rằng các bên hiện đang đạt được “nửa đường” về các vấn đề liên quan đến việc phi quân sự hóa Ukraine. Ông Medinsky lưu ý rằng trong khi Kyiv khẳng định rằng các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở phía đông Ukraine phải được đưa trở lại hợp nhất với nước này, thì Nga tin rằng người dân các khu vực này phải được phép tự quyết định số phận của họ.
Ông Medinsky lưu ý rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể diễn ra sau khi các nhà đàm phán hoàn tất một bản dự thảo hiệp ước để chấm dứt các hành động thù địch và bản dự thảo này nhận được sự chấp thuận sơ bộ của chính phủ các nước.
Các lãnh đạo Mỹ-Trung điện đàm hai giờ trong bối cảnh căng thẳng vì chiến tranh Ukraine
Hôm thứ Sáu (18/03), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện trong một cuộc gọi qua video về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và truyền thông Trung Quốc cho biết ông Tập nhấn mạnh rằng những xung đột như vậy không có lợi cho bất kỳ ai.
Tổng thống Biden được dự kiến sẽ nói với lãnh đạo Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt nếu nước này ủng hộ cuộc xâm lược, một lời cảnh báo được đưa ra vào thời điểm sự bất đồng giữa hai quốc gia ngày càng sâu sắc.
Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc gọi chỉ kéo dài chưa đầy hai giờ.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman nói với MSNBC rằng ông Tập nên nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin “hãy chấm dứt cuộc chiến mà ông lựa chọn, cuộc chiến tàn sát này” ở Ukraine.
“Trung Quốc cần đứng về phía chính diện của lịch sử. Họ cần phải bảo đảm rằng họ không bù đắp, về mặt tài chính hoặc theo bất kỳ cách nào khác, các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với Nga,” bà nói với CNN.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập đã nói với ông Biden rằng các cuộc xung đột và đối đầu như các sự kiện ở Ukraine không có lợi cho bất kỳ ai.
Ông Tập nói, các mối bang giao giữa các quốc gia không thể tiến đến giai đoạn đối đầu, và xung đột và đối đầu không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.
“Cuộc khủng hoảng Ukraine là điều mà chúng tôi không muốn thấy,” ông Tập nói. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết cuộc điện đã được phía Hoa Kỳ yêu cầu.
Ông Putin ca ngợi quân đội tại cuộc tập hợp lớn ở Moscow
Hôm thứ Sáu (18/03), Tổng thống Vladimir Putin đã xuất hiện tại một cuộc tập hợp thể hiện lòng ái quốc lớn tại một sân vận động ở Moscow nhân kỷ niệm tám năm ngày bán đảo Crimea được sáp nhập từ Ukraine.
Trình bày trước một đám đông hàng chục ngàn người vẫy quốc kỳ Nga tại sân vận động Luzhniki, ông Putin đã ca ngợi quân đội Nga về các hành động của họ ở Ukraine.
“Sát cánh, họ giúp đỡ và tương trợ nhau,” ông Putin nói trong một lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng. “Chúng ta đã không có sự đoàn kết như thế này trong một thời gian dài,” ông nói thêm trong sự cổ vũ của đám đông.
Trước khi ông Putin diễn thuyết, các ban nhạc đã chơi các bài hát yêu nước của Liên Xô về bản sắc dân tộc và các diễn giả đã ca ngợi ông Putin là người chiến đấu chống lại “chủ nghĩa phát xít” ở Ukraine.
Một số người, bao gồm cả những người có mặt tại sự kiện, mặc áo T-shirt hoặc áo khoác có chữ “Z” — một biểu tượng được thấy trên xe tăng và xe quân sự của Nga ở Ukraine và được những người ủng hộ chiến tranh đón nhận.
Điện Kremlin kiềm chế đưa ra ‘lời lẽ khắc nghiệt’ đối với Tổng thống Biden
Hôm thứ Sáu (18/03), phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết Điện Kremlin coi việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gọi người đồng cấp Nga của mình là “tội phạm chiến tranh” là một sự xúc phạm cá nhân đối với ông Vladimir Putin.
Ông Peskov nói với các phóng viên trong cuộc họp báo thường nhật qua cuộc điện đàm: “Xét tính cáu kỉnh của ông Biden, tính hay cáu gắt, đôi khi hay quên, mệt mỏi dẫn đến những phát ngôn gây hấn, chúng ta có lẽ sẽ không đưa ra bất kỳ phán xét gay gắt nào để không gây hấn hơn nữa”.
Ông Peskov nói thêm rằng phái đoàn Ukraine không thể hiện sự sẵn sàng đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Nga về hoạt động quân sự đang diễn ra ở Ukraine.
Ông Peskov nói với các phóng viên: “Phái đoàn Nga sẵn sàng làm việc nhanh hơn nhiều.”
“Thật không may, phái đoàn Ukraine không thể hiện sự sẵn sàng đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Nga.”
Quan chức Ukraine: 130 người được giải cứu khỏi tàn tích của một nhà hát
Các quan chức cho biết 130 người đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của một nhà hát được dùng làm nơi trú ẩn khi nhà hát này bị nổ tung bởi một cuộc không kích của Nga hôm thứ Tư tại thành phố Mariupol bị bao vây ở miền nam Ukraine.
Bà Ludmyla Denisova, ủy viên nhân quyền của Quốc hội Ukraine, cho biết hôm thứ Sáu (18/03) rằng 130 người đã sống sót sau vụ đánh bom nhà hát.
“Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi biết rằng 130 người đã được di tản, nhưng theo dữ liệu của chúng tôi, vẫn còn hơn 1,300 người trong các tầng hầm này, trong hầm tránh bom này,” bà Denisova nói với đài truyền hình Ukraine. “Chúng tôi cầu nguyện rằng tất cả họ sẽ còn sống, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì về họ.”
Nga thề sẽ chặn việc chuyển giao hệ thống hỏa tiễn S-300 cho Ukraine
Nga đã nhắc lại lời đe dọa nhắm mục tiêu vào các lô hàng vũ khí đến Ukraine, với việc hôm thứ Sáu (18/03) Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói rằng bất kỳ xe nào được cho là chở vũ khí đều là “mục tiêu hợp pháp” trong khi thề sẽ ngăn chặn việc chuyển giao hệ thống phòng không S-300 từ thời Liên Xô cho Kyiv.
Ông Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn với Russia Today: “Bất kỳ xe nào di chuyển vào lãnh thổ Ukraine mà chúng tôi tin rằng chở vũ khí sẽ là một mục tiêu hợp pháp.”
Slovakia đã nói rằng họ sẵn sàng gửi hệ thống S-300 của mình đến Ukraine “ngay lập tức” với điều kiện nhận được sự thay thế để bảo vệ không phận của mình.
Ba quốc gia Baltic ra lệnh trục xuất các nhân viên Đại sứ quán Nga
Ba quốc gia Baltic đã ra lệnh trục xuất các nhân viên đại sứ quán Nga trong một hành động phối hợp được thực hiện để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine.
Hôm thứ Sáu (18/03), Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết bốn nhân viên đại sứ quán Nga không còn được hoan nghênh ở nước này nữa, trong khi ở nước láng giềng Latvia, ba nhân viên Nga đã được tuyên bố trở thành những ‘người không được chào đón’.
Theo tuyên bố chính thức của bộ ngoại giao Lithuania, Đại sứ Nga tại Lithuania Aleksei Isakov đã được thông báo rằng các hoạt động của ông không phù hợp với quy chế ngoại giao của nước này,
Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics nói rằng việc trục xuất các nhân viên đại sứ quán là một hành động phối hợp của các quốc gia Baltic, bao gồm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Lithuania, Latvia, và Estonia.
Cùng ngày, Estonia cũng thông báo rằng họ đang yêu cầu ba nhân viên của Đại sứ quán Nga ở thủ đô Tallinn rời khỏi đất nước họ.
TT Zelensky cho biết ông kỳ vọng nỗ lực gia nhập EU đạt được tiến triển trong vòng vài tháng
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào thứ Sáu và Ukraine hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc nộp đơn gia nhập Liên minh Âu Châu trong những tháng tới.
“Tôi đã có cuộc trò chuyện quan trọng với Chủ tịch E.C.,” ông Zelensky nói trên Twitter. “Ý kiến của E.C. về đơn đăng ký thành viên EU của UA (Ukraine) sẽ được chuẩn bị trong vòng vài tháng. Chính phủ UA và E.C. được hướng dẫn. Cùng nhau tiến tới mục tiêu chiến lược của chúng ta.”
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của toàn bộ 27 quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu (EU), những người đã lên tiếng ủng hộ việc Ukraine theo đuổi tư cách thành viên của EU, đã bị từ chối để đẩy nhanh tiến độ của đưa đơn xin gia nhập này vào đầu tháng Ba.
Anh thu hồi giấy phép của đài truyền hình Nga RT
Cơ quan quản lý phát sóng của Anh, Ofcom đã thu hồi giấy phép của Anh đối với đài truyền hình RT do Điện Kremlin hậu thuẫn. Quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Giám đốc điều hành Ofcom Dame Melanie Dawes cho biết: “Quyền tự do ngôn luận là điều mà chúng tôi bảo vệ nghiêm ngặt ở đất nước này, và quy định về thực thi hành động đối với các đài truyền hình là rất cao.”
“Theo một quy trình quản lý độc lập, ngày nay chúng tôi nhận thấy rằng RT không phù hợp và thích hợp để có giấy phép ở Anh. Do đó, chúng tôi đã thu hồi giấy phép phát sóng của RT tại Anh.”
Thủ tướng Ba Lan sẽ đề xướng sứ mệnh gìn giữ hòa bình Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh NATO
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói rằng Ba Lan sẽ chính thức đệ trình một đề xướng về sứ mệnh gìn giữ hòa bình và nhân đạo trên lãnh thổ của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO bất thường vào tuần tới.
Hôm thứ Sáu (18/03), ông Morawiecki nhấn mạnh rằng Ba Lan đã đưa ra đề xướng này trong cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels vào thứ Tư. Đan Mạch đã bày tỏ sẵn sàng tham gia vào một sứ mệnh như vậy.
Ý tưởng về một sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế của NATO hoặc trên phạm vi rộng hơn dưới sự bảo vệ của quân đội đã được Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski đưa ra trong chuyến thăm Kyiv hôm thứ Ba của các nhà lãnh đạo Ba Lan, Cộng hòa Séc, và Slovenia.
Giới lãnh đạo NATO đã phản đối sự hiện diện của liên minh này ở Ukraine vì lo ngại hành động đó có thể làm leo thang xung đột.
Bulgaria trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga
Bulgaria cho biết họ đã tuyên bố 10 nhà ngoại giao Nga là “người không được chào đón” và yêu cầu trục xuất họ.
Trong một tuyên bố vào thứ Sáu (18/03), Bộ Ngoại giao Bulgaria nói rằng họ đã hỏi ý kiến Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov về việc trục xuất này.
Một công hàm chính thức đã được trao cho đại sứ của Nga tại thủ đô Sofia yêu cầu các nhà ngoại giao nước này rời khỏi Bulgaria trong vòng 72 giờ sau khi bị cáo buộc tham gia vào “các hoạt động không phù hợp với quy chế ngoại giao của họ”, tuyên bố cho biết.
Liên minh Âu Châu và thành viên NATO Bulgaria, một trong những đồng minh thân cận nhất của Moscow trong khối Liên Xô, đã lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Nước này đã trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga khác bị nghi ngờ hoạt động gián điệp kể từ tháng 10/2019.
Ông Putin nói với ông Scholz rằng Kyiv đang làm đình trệ các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một cuộc điện đàm hôm thứ Sáu rằng Kyiv đang cố gắng làm đình trệ các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, còn Moscow thì vẫn muốn tiếp tục đàm phán.
Điện Kremlin cho biết: “Cần lưu ý rằng chế độ Kyiv đang cố gắng bằng mọi cách có thể để trì hoãn quá trình đàm phán này, đưa ra ngày càng nhiều đề nghị phi thực tế hơn. Tuy nhiên, phía Nga sẵn sàng tiếp tục tìm kiếm một giải pháp phù hợp với các phương pháp tiếp cận có nguyên tắc nổi tiếng của mình.”
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm với ông Putin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine, một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết.
Trong cuộc trò chuyện kéo dài gần một giờ đồng hồ, ông Scholz cũng nhấn mạnh rằng tình hình nhân đạo cần được cải thiện và cần đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao càng sớm càng tốt.
Chủ sở hữu Burger King: Đối tác thương hiệu ở Nga ‘từ chối’ đóng cửa nhà hàng
Chủ sở hữu của nhà hàng thức ăn nhanh Burger King đã tuyên bố rằng đối tác liên doanh độc lập của họ ở Nga đang “từ chối” cho phép họ đóng cửa các nhà hàng mang thương hiệu này ở trong nước Nga.
Burger King, thuộc sở hữu của Restaurant Brands International (RBI) và có khoảng 800 cửa hàng được nhượng quyền hoàn toàn ở Nga, đã thông báo vào ngày 10/03 rằng họ đã quyết định đình chỉ tất cả các hỗ trợ tập đoàn trong nước sau khi Moscow xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, Chủ tịch RBI David Shear cho biết trong một bức thư ngỏ gửi nhân viên rằng người điều hành các cửa hàng của họ ở Nga đang từ chối cho phép họ làm như vậy.
Ông Shear cho biết: “Chúng tôi đã đình chỉ tất cả các hỗ trợ của công ty đối với thị trường Nga, bao gồm hoạt động, tiếp thị và hỗ trợ chuỗi cung ứng, đồng thời từ chối chấp thuận đầu tư mới và mở rộng.”
Ngoại trưởng Lavrov: Những ảo tưởng của Nga về phương Tây không còn nữa
Hôm thứ Sáu (18/03), Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, mọi ảo tưởng của Nga về việc dựa vào phương Tây đã tan biến và Moscow sẽ không bao giờ chấp nhận quan điểm rằng Hoa Kỳ thống trị thế giới và muốn hành động như một cảnh sát trưởng toàn cầu.
Thị trưởng: Hỏa tiễn Nga tấn công Lviv
Hôm thứ Sáu (18/03), Thị trưởng Lviv Andriy Sadovyi cho biết trên Telegram rằng một số hỏa tiễn đã bắn trúng một cơ sở được sử dụng để đại tu phi cơ quân sự và làm hư hỏng một cơ sở sửa chữa xe buýt, dù trước mắt không có báo cáo thương vong nào.
Thị trưởng cho biết họ đã cho công xưởng này ngừng hoạt động trước khi xảy ra cuộc tấn công.
Các hỏa tiễn bắn trúng Lviv này được phóng từ Biển Đen, nhưng hai trong số sáu hỏa tiễn được phóng đã bị bắn hạ, chỉ huy phía tây của lực lượng không quân Ukraine tuyên bố trên Facebook.
Nga khẩu chiến với Canada trên Twitter vì đã đăng bức thư gửi Liên Hiệp Quốc với ‘trình độ mẫu giáo’
Hôm thứ Năm, Nga cáo buộc Canada đã chú thích một cách trẻ con một lá thư mà nước này gửi tới Liên Hiệp Quốc nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho dự thảo nghị quyết của họ về việc cung cấp viện trợ tiếp cận và bảo vệ dân thường ở Ukraine, mà Ottawa đã phản ứng bằng những bình luận rõ ràng.
Trong một cuộc khẩu chiến trên Twitter, phái bộ Liên Hiệp Quốc của Canada đã bổ sung nhiều nhận xét vào công văn ngày 16/03 của đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vassily Nebenzia.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ không bỏ phiếu vào thứ Sáu (18/03) về dự thảo nghị quyết này.
Các nhà ngoại giao cho biết nghị quyết này sẽ thất bại với hầu hết 15 thành viên hội đồng có khả năng sẽ bỏ phiếu trắng vì nó không đề cập đến trách nhiệm giải trình hoặc thừa nhận hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, hay thúc đẩy việc chấm dứt giao tranh hoặc rút quân của Nga.
Trong cuộc tranh luận trên Twitter, phái bộ Liên Hiệp Quốc của Canada đã chú thích một phần của bức thư của Nga có nội dung: “Giống như các thành viên khác của cộng đồng quốc tế, chúng tôi vô cùng lo ngại về tình trạng xấu đi của [cuộc xung đột này]”.
Phái bộ Liên Hiệp Quốc của Canada đã gạch bỏ một số từ đầu tiên và thay đổi phần còn lại thành: “Chúng tôi không lo ngại về tình trạng xấu đi của [cuộc xung đột]” và chèn vào cuối “bởi vì chúng tôi là nguyên nhân chính”.
Trong phần sau, Canada hỏi: “Quý vị có nghĩ rằng các thành viên Liên Hiệp Quốc thực sự tin vào điều này không?” Ở trang cuối cùng, Canada đã gợi ý một phần của đoạn kết thúc thay thế: “Chúng tôi muốn quý vị biết chúng tôi chẳng quan tâm mấy đến những sinh mạng con người mà chúng tôi đã hủy diệt.”
Ông Dmitry Polyanskiy, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc, đã phản hồi lại vào thứ Năm:
“Cảm ơn @CanadaONU về lời phỉ báng bài xích người Nga có trình độ mẫu giáo này!” ông ấy đã viết trên Twitter.
“Việc này chỉ cho thấy kỹ năng và tư cách ngoại giao của ông đang ở mức thấp nhất và cho biết lý do tại sao nỗ lực cho một ghế không cố định trong #HộiĐồngBảoAn của quốc gia ông đã bị thành viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu từ chối hai lần trong 20 năm,” ông Polyanskiy nói, chèn một biểu tượng cảm xúc thumbs-down (ngón tay cái hướng xuống).
Mối liên hệ giữa Nga và một số quốc gia phương Tây tiếp tục giảm xuống mức thấp mới kể từ khi Điện Kremlin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine.
Nga sẽ không yêu cầu Hội đồng LHQ bỏ phiếu về Nghị quyết Ukraine
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cho biết ông sẽ rút lại đề nghị bỏ phiếu hôm thứ Sáu (18/03) về nghị quyết mới liên quan đến tình hình nhân đạo tại Ukraine, vốn đã bị các nước phương Tây chỉ trích gay gắt vì không đề cập đến trách nhiệm của Nga trong cuộc chiến chống lại nước láng giềng.
Ông Vassily Nebenzia nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm (17/03) rằng Nga quyết định không theo đuổi một cuộc bỏ phiếu vào thời điểm này vì Hoa Kỳ và Albania gây áp lực lên các thành viên Liên Hiệp Quốc nhằm phản đối [nghị quyết này], nhưng ông nhấn mạnh rằng Moscow không rút lại nghị quyết.
Thủ tướng Na Uy kêu gọi tăng ngân sách quân sự
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre muốn phân bổ thêm 3.5 tỷ kroner (400 triệu USD) cho năm 2022 để tăng cường khả năng chuẩn bị cho Lực lượng Vũ trang và dân sự của nước thành viên NATO Na Uy.
Ông Gahr Støre nói với quốc hội Na Uy rằng số tiền này sẽ được sử dụng để “tăng cường khả năng của chúng ta trong việc ngăn chặn, phòng ngừa và ứng phó với các cuộc tấn công kỹ thuật số.”
Trong một bài diễn văn về Ukraine trước quốc hội của quốc gia Scandinavia này, ông Gahr Støre cho biết Na Uy đang chuẩn bị “để giải quyết một tình huống đặc biệt lên đến 100,000 người tị nạn.”
Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật hủy bỏ quy chế thương mại ‘tối huệ quốc’ đối với Nga, Belarus
Hôm thứ Năm (17/03), Hạ viện Hoa Kỳ đã ủng hộ áp đảo một dự luật nhằm xóa bỏ quy chế thương mại “tối huệ quốc” đối với Nga và Belarus vì cuộc xâm lược Ukraine, mở đường cho việc áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập cảng từ các quốc gia này.
Hạ viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát đã bỏ phiếu 424–8 ủng hộ việc loại bỏ quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR). Đây là nỗ lực mới nhất của Quốc hội nhằm gây áp lực kinh tế lên Moscow.
Để trở thành luật, dự luật này cũng phải thông qua Thượng viện. Lãnh đạo Đa số Dân Chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết dự luật sẽ nhanh chóng thông qua Thượng viện, sau khi được Hạ viện thông qua.
Hành động hủy bỏ vị thế của Nga tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang được phối hợp với những nỗ lực tương tự của các nước dân chủ G7 khác. Hành động này sẽ tự động nâng mức thuế của Hoa Kỳ lên mức ngoài WTO đối với các mặt hàng nhập cảng từ Nga và cho phép Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm có xuất xứ từ cả Nga và Belarus.
Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc gặp Đại sứ Nga tại Trung Quốc
Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gặp Đại sứ Nga tại Trung Quốc hôm 17/03 để trao đổi quan điểm về quan hệ song phương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (18/03).
Theo tuyên bố, ông Trình Quốc Bình (Cheng Guoping), Ủy viên Ngoại giao và An ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã gặp ông Andrey Denisov của Nga và trao đổi quan điểm về hợp tác chống khủng bố và an ninh song phương.
Úc trừng phạt các tỷ phú Nga có liên kết với ngành công nghiệp khai khoáng
Hôm thứ Sáu (18/03), Úc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai nhà tài phiệt Nga có liên kết với ngành công nghiệp khai khoáng của họ, một trong số những người này là tỷ phú sở hữu một khoản đầu tư vào liên doanh nhà máy alumin Gladstone của Rio Tinto.
Ngoại trưởng Marise Payne cho biết Úc đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để gia tăng áp lực trừng phạt đối với các nhà tài phiệt thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc xâm lược Ukraine.
Bà Payne cho biết trong một tuyên bố: “Úc hiện đã thêm hai tỷ phú có các mối liên hệ lợi ích kinh doanh ở Úc, ông Oleg Deripaska và ông Viktor Vekselberg.”
Bà nói, các biện pháp này bổ sung vào các biện pháp hạn chế đối với 41 nhà tài phiệt và các thành viên gia đình trực hệ của họ, những người vốn dĩ đã đối mặt với các lệnh trừng phạt tài chính và các lệnh cấm đi lại nhắm thẳng vào họ.
Bà Payne cho biết chính phủ hoan nghênh các công ty Úc chọn một lập trường có nguyên tắc đối với các hành động cắt đứt quan hệ với Nga “để phản đối cuộc chiến bất hợp pháp, không thể biện minh được của Moscow chống lại Ukraine.”
Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức quốc phòng, nhà xuất cảng vũ khí của Nga
Hôm thứ Sáu (18/03), Nhật Bản cho biết họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 15 cá nhân và 9 tổ chức của Nga, trong số này có các quan chức quốc phòng và nhà xuất cảng vũ khí quốc doanh Rosoboronexport.
Các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả phong tỏa tài sản, là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp của Nhật Bản sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Nhật Bản hiện đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 76 cá nhân, 7 ngân hàng và 12 tổ chức khác ở Nga, theo Bộ Tài chính nước này.
Chính phủ hôm thứ Sáu đã chỉ định phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova và một số nhà sản xuất thiết bị quân sự bao gồm United Aircraft Corp, công ty sản xuất chiến đấu cơ, thuộc danh sách trừng phạt.
Nga sẽ không yêu cầu Hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết Ukraine
Nga tuyên bố sẽ không yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu vào thứ Sáu (18/03) về bản dự thảo nghị quyết của họ liên quan tới hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Ukraine, vốn bị chỉ trích vì không đề cập đến cuộc xâm lược của Moscow đối với nước láng giềng.
Thay vào đó, họ sẽ sử dụng phiên họp hội đồng đã lên lịch để một lần nữa đưa ra cáo buộc rằng Hoa Kỳ có các phòng thí nghiệm chiến tranh sinh học ở Ukraine, Hoa Thịnh Đốn khẳng định rằng đó là thông tin sai lệch và có khả năng là một phần của “chiến dịch cờ giả” của Moscow.
Đại sứ Liên Hiệp Quốc của Nga, Vassily Nebenzia, đã đưa ra thông báo này tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào chiều thứ Năm, được sáu nước phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, kêu gọi để cập nhật thông tin về cuộc chiến kéo dài ba tuần này.
Ông cho biết Nga không rút lại nghị quyết nhưng quyết định không theo đuổi một cuộc bỏ phiếu vào thời điểm này vì điều mà ông gọi là “áp lực chưa từng có” từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và Albania, lên các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc để phản đối nghị quyết này.
Truyền thông Nga: Việc giam giữ cầu thủ Griner của WNBA sẽ kéo dài đến ngày 19/05
Truyền thông Nga đưa tin, việc giam giữ ngôi sao WNBA Brittney Griner đã được kéo dài đến ngày 19/05, một diễn biến có thể cho thấy nhà vô địch Olympic hai lần sẽ bị giam giữ ít nhất ba tháng trước khi vụ việc của cô được giải quyết.
Vụ việc của cô Griner, 31 tuổi, một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất trong làng bóng rổ nữ, xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Moscow ngày càng dâng cao do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Cô Griner đã bị giam giữ tại một phi trường ở Moscow, được cho là vào giữa tháng Hai, sau khi nhà chức trách Nga cho biết việc khám xét hành lý của cô cho thấy các hộp thuốc lá điện được cho là chứa dầu chiết xuất từ cần sa, hành vi này có thể bị phạt tối đa 10 năm tù.
“Tòa án đã chấp thuận yêu cầu điều tra và kéo dài thời gian giam giữ công dân Hoa Kỳ Griner cho đến ngày 19/05,” tòa án cho biết, theo hãng thông tấn nhà nước Tass.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow đã không lập tức phản hồi các cuộc gọi từ Associated Press để xin yêu cầu bình luận.
Chính phủ Tổng thống Biden cho phép người Ukraine từ Mexico vào Mỹ lánh nạn
Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ Alejandro Mayorkas cho biết, các nhân viên của Cục Hải quan và Biên phòng dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico đã được chỉ thị cho phép người Ukraina nhập cảnh vào nước này để xin tị nạn ngay cả khi hầu hết mọi người đều bị trả lại theo sắc lệnh về y tế công cộng được thiết lập vào đầu đại dịch COVID-19.
Hơn 3 triệu người đã chạy khỏi Ukraine sau cuộc xâm lược ngày 24/02 của Nga. Hơn một nửa đã đến Ba Lan. Phần lớn những người còn lại ở các quốc gia xung quanh Đông Âu, theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn.
Ông Mayorkas nói với các phóng viên hôm thứ Năm (17/03) rằng các sĩ quan tị nạn của Hoa Kỳ đã được cử đến khu vực này để làm việc với Liên Hiệp Quốc và xác định liệu một số người Ukraine có thể tìm cách đến Hoa Kỳ thông qua chương trình tị nạn hay không. Nhưng ông và các quan chức chính phủ khác không nghĩ rằng nhiều người sẽ muốn đến.
Bộ trưởng cho biết: “Phần lớn người Ukraine đang di cư đến các quốc gia trong khu vực đó với hy vọng dễ cảm thông, đó là có thể trở về đất nước của họ.”
Ngoại trưởng Blinken: Tội ác chiến tranh đã được thực hiện ở Ukraine
Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ Năm (17/03) cho biết ông đồng ý với Tổng thống (TT) Joe Biden rằng tội ác chiến tranh đã được thực hiện ở Ukraine và các chuyên gia Hoa Kỳ đang thu thập bằng chứng để chứng minh điều đó.
TT Biden nói với các phóng viên một ngày trước đó rằng ông cho là Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “tội phạm chiến tranh” nhưng Tòa Bạch Ốc sau đó cho biết không có quyết định chính thức nào được đưa ra về những vi phạm luật pháp quốc tế tiềm tàng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.
“Cá nhân tôi đồng ý,” ông Blinken nói trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao.
“Chủ đích nhắm mục tiêu vào dân thường là một tội ác chiến tranh,” ông Blinken nói và cho biết thêm rằng ông cảm thấy “khó kết luận rằng người Nga đang làm điều ngược lại” sau hành động tàn phá trong vài tuần qua.
Điện Kremlin gọi bình luận của ông Biden là “luận điệu không thể chấp nhận được và không thể tha thứ được”. Moscow cho biết họ đang tiến hành một “chiến dịch quân sự đặc biệt” để giải giáp và “phi phát xít hóa” nước láng giềng đồng thời bác bỏ những tuyên bố nhắm vào dân thường.
Ông Blinken kể lại những sự cố gần đây về việc Nga ném bom các bệnh viện, trường học, và nhà hát nơi thường dân trú ẩn, và nói rằng những công trình này là một phần của “danh sách dài các cuộc tấn công nhằm vào các địa điểm dân sự, không phải quân sự, trên khắp Ukraine”.
Công dân Mỹ thiệt mạng ở Ukraine
Một công dân Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine, một quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ xác nhận hôm 17/03.
“Tôi có thể xác nhận rằng một công dân Mỹ đã thiệt mạng. Tôi không có bất kỳ thông tin chi tiết nào cho quý vị ngoài điều đó,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Hoa Thịnh Đốn.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với các hãng thông tấn rằng: “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành nhất tới gia đình về sự mất mát của họ. Để tỏ lòng kính trọng đối với gia đình trong thời gian khó khăn này, chúng tôi không có bình luận gì thêm.”
Đầu ngày thứ Năm, giới chức ở Chernihiv, một thành phố phía bắc Ukraine, cho biết trên phương tiện truyền thông xã hội rằng một công dân Hoa Kỳ nằm trong số người thiệt mạng do các cuộc tấn công bằng pháo binh của Nga “nhằm vào dân thường không có vũ khí.”
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ: Không có cái gọi là ‘vùng cấm bay phạm vi nhỏ hơn’
Người đứng đầu Ngũ Giác Đài Lloyd Austin nói với các phóng viên: “Những hệ thống đang được Nga sử dụng để giao chiến với quân đội Ukraine – họ đang sử dụng rất nhiều hỏa tiễn, đạn tự hành, và pháo. Có một số thứ có thể được sử dụng để chống lại những hệ thống đó.”
Nhưng ông Austin cho biết quân đội Nga đã sử dụng hỏa tiễn hành trình được phóng từ bên trong biên giới của Nga.
Ông Austin nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad ở Bratislava, Slovakia: “Vì vậy, một vùng cấm bay sẽ không ngăn cản được hoạt động đó.”
Tổng thống Macron: Chiến tranh Ukraine sẽ dẫn đến khủng hoảng lương thực trầm trọng
Hôm thứ Năm (17/03), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, hai trong số những nhà sản xuất nông sản hàng đầu thế giới, có thể sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực trong 12-18 tháng tới ở Phi Châu và Trung Đông.
Ông nói, đưa Pháp trở thành một quốc gia tự cung tự cấp hơn sẽ là một mục tiêu quan trọng, với các đề xướng từ việc “đầu tư ồ ạt” nhằm hướng tới nền độc lập về nông nghiệp và công nghiệp của Pháp đến việc thúc đẩy xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân và củng cố quân đội.
Ông cho biết ông đã muốn xây dựng một “vũ trụ ảo Âu Châu” để cạnh tranh với những đại công ty công nghệ của Hoa Kỳ cũng như làm cho Âu Châu độc lập hơn trên mặt trận đó.
G-7 lên án ‘các cuộc tấn công bừa bãi’ của Nga
Các bộ trưởng ngoại giao từ Nhóm Bảy nền kinh tế hàng đầu (G-7) đang kêu gọi Nga tuân thủ mệnh lệnh của Tòa án Công lý Quốc tế để ngừng cuộc tấn công vào Ukraine và rút các lực lượng quân sự của nước này.
Trong một tuyên bố chung, các nhà ngoại giao hàng đầu của G-7 đã lên án những gì họ mô tả là “các cuộc tấn công bừa bãi vào dân thường” của quân đội Nga, trong đó có cuộc bao vây Mariupol và các thành phố khác.
Họ cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành một “cuộc chiến tranh vô cớ và đáng hổ thẹn” khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, và dẫn đến việc phá hủy cơ sở hạ tầng, các bệnh viện, nhà hát, và trường học.
Nhóm G-7 nói rằng “những kẻ gây ra tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí bừa bãi nhằm vào dân thường, sẽ phải chịu trách nhiệm” và hoan nghênh công việc điều tra và thu thập bằng chứng về vấn đề này, bao gồm cả của công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế.
Nhóm cũng cho biết họ sẵn sàng gia tăng hơn nữa sức ép của các lệnh trừng phạt đối với Nga và cung cấp thêm viện trợ cho những nước có nhu cầu, bao gồm cả quốc gia nhỏ bé Moldova. Moldova đang cung cấp nơi trú ẩn cho nhóm người tị nạn lớn nhất từ Ukraine tính theo đầu người.
Các cuộc tập trận quân sự của NATO bắt đầu gần Nga
Cuộc tập trận của NATO, mang tên Cold Response, gồm khoảng 30,000 binh sĩ từ hơn 25 quốc gia từ Âu Châu và Bắc Mỹ ở Na Uy, thành viên NATO, có chung đường biên giới trên bộ dài gần 200km (124 dặm) với Nga.
Cuộc diễn tập này không liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng “diễn ra trong bối cảnh u ám”, ông Bauer nói. “Đã 22 ngày trôi qua kể từ khi Nga một lần nữa xâm lược Ukraine, và một lần nữa, vi phạm luật pháp quốc tế. Vì vậy, đối với chúng tôi, việc chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và mong đợi điều bất ngờ lại càng quan trọng hơn.”
Các lực lượng vũ trang Nga cho biết, nước này đã từ chối trở thành một quan sát viên tại cuộc tập trận này nhằm mục đích để các thành viên Liên minh và các đối tác thực hành cùng nhau trên bộ, trên không, và trên biển.
Cuộc tập trận này, được tổ chức hai năm một lần, sẽ kết thúc vào ngày 01/04.
Hoa Kỳ dành 180 triệu USD hỗ trợ cho các đồng minh NATO vùng Baltic
Bộ Quốc phòng Estonia cho biết Hoa Kỳ đã dành 180 triệu USD hỗ trợ quân sự cho các thành viên NATO vùng Baltic gồm Estonia, Latvia, và Lithuania trong năm nay theo kế hoạch mang tên Sáng kiến An ninh Baltic.
Hôm thứ Năm (17/03), Bộ cho biết một gói ngân sách được Quốc hội Mỹ thông qua cho thấy khoản hỗ trợ an ninh tăng hơn 10 triệu USD so với năm ngoái cho ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, tất cả đều có biên giới với Nga và đã hỗ trợ Ukraine về vũ khí và vật tư sau khi Moscow bắt đầu cuộc xâm lược.
“Quyết định của Quốc hội cho thấy Hoa Kỳ cam kết bảo vệ khu vực của chúng ta và minh bạch rằng việc bảo vệ đất nước của họ có mối liên hệ với các nước Baltic,” Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Kalle Laanet nói.
Slovakia thảo luận về việc chuyển giao hệ thống phòng thủ
Bộ trưởng Quốc phòng của thành viên NATO Slovakia cho biết nước của ông sẽ sẵn sàng cung cấp hệ thống hỏa tiễn phòng không tầm xa S-300 cho Ukraine trong một số điều kiện nhất định.
Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Naj’ cho biết tại một cuộc họp báo ở Bratislava với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người có chuyến công du tại quốc gia này, rằng vấn đề vẫn đang được thảo luận.
Các hệ thống phòng không thời Liên Xô sử dụng hỏa tiễn tầm xa có khả năng bay hàng trăm dặm và hạ gục hỏa tiễn hành trình cũng như chiến đấu cơ. Chúng có thể có giá trị trong việc ngăn chặn các cuộc không kích của Nga vào Ukraine.
Ông Naj’ cho biết việc chuyển giao như vậy sẽ có thể khả thi nếu quốc gia của ông nhận được “sự thay thế thích hợp” cho các hệ thống S-300 của mình hoặc nếu Slovakia nhận được “các vũ khí được bảo đảm trong một khoảng thời gian nhất định”.
Ông nhấn mạnh rằng ông không thể chuyển giao các hệ thống S-300 cho Ukraine một cách có trách nhiệm mà lại để lại lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của đất nước ông. Ông cho biết Slovakia sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận mà việc đó duy trì khả năng phòng thủ của mình trước các mối đe dọa trên không.
Ông Austin từ chối cho biết liệu Ngũ Giác Đài có sẵn sàng cung cấp cho Slovakia một thiết bị thay thế các hệ thống S-300 của họ hay không. “Đây là những điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các đồng minh của chúng tôi, và chắc chắn đây không chỉ là vấn đề của Hoa Kỳ, mà còn là vấn đề của NATO.”
Ông Putin cảnh báo ‘những kẻ phản bội’ trong bài diễn văn, kêu gọi ‘tự thanh lọc’ ở Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi “tự thanh lọc” để loại bỏ khỏi Nga những cá nhân đang làm việc để phá hoại đất nước.
Ông cho biết trong một bài diễn văn trên truyền hình hôm thứ Tư (16/03), người Nga “sẽ luôn có thể phân biệt những người yêu nước thực sự với những kẻ cặn bã và phản bội và sẽ chỉ đơn giản là nhổ bỏ như một con côn trùng vô tình bay vào miệng họ”. Ông cáo buộc phương Tây khuyến khích một “đội quân thứ năm” (các phần tử phá hoại) của người Nga để gây ra bất ổn dân sự.
“Và chỉ có một mục tiêu duy nhất, tôi đã nói về nó – sự hủy hoại nước Nga,” ông nói và cho biết thêm rằng ông “tin rằng sự tự thanh lọc tự nhiên và cần thiết như vậy của xã hội sẽ chỉ củng cố đất nước của chúng ta.”
Ông Putin nói thêm rằng ông không “phán xét những người có biệt thự ở Miami hoặc vùng Riviera thuộc Pháp” hay người Nga “không thể sống thiếu paté gan ngỗng và con hàu hay cái gọi là quyền dựa trên giới tính” miễn là họ sát cánh với Nga “về mặt tinh thần” sau cuộc xâm lược Ukraine ngày 24/02.
Các tin tức về tiến triển lớn trong các cuộc đàm phán Ukraine là ‘sai’
Mặc dù đã có những tin tức về tiến triển đạt được trong các cuộc đàm phán ngừng bắn Ukraine-Nga, một phát ngôn viên hàng đầu của Điện Kremlin phản bác khẳng định đó là không chính xác nhưng cho biết rằng các cuộc thảo luận vẫn đang được tổ chức hôm thứ Năm (17/03).
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với Financial Times rằng chính phủ Kyiv “không vội vàng” và đang cố ý làm chậm tiến độ. “Nhìn chung,” các tin tức về tiến triển đạt được “[là] sai,” ông Peskov nói. Ông cũng chỉ trích Tổng thống Joe Biden gần đây đã gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “tội phạm chiến tranh” là “không thể tha thứ”.
“Không, công việc vẫn tiếp tục [trong các cuộc đàm phán],” ông cũng nói, theo truyền thông do nhà nước Nga hậu thuẫn. Ông nói thêm rằng Moscow sẽ thông báo cho công chúng về bất kỳ bước đột phá nào trong cuộc đàm phán.
Âu Châu đình chỉ sứ mệnh tàu thám hiểm sao Hỏa vì chiến tranh
Âu Châu sẽ không đưa tàu thám hiểm đầu tiên của mình lên sao Hỏa trong năm nay vì cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Cơ quan Vũ trụ Âu Châu xác nhận hôm thứ Năm (17/03) rằng họ đang tạm ngừng vô thời hạn sứ mệnh ExoMars của mình với đối tác Roscosmos, tập đoàn không gian nhà nước của Nga. ESA trước đó đã nói rằng sứ mệnh này “rất khó xảy ra” vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Nhiệm vụ chính của tàu thám hiểm này là xác định xem liệu sao Hỏa từng có sự sống hay không. Quyết định đình chỉ hợp tác với Roscosmos đã được đưa ra bởi hội đồng phán quyết của ESA, tại một cuộc họp vào tuần này ở Paris.
Do các quỹ đạo tương ứng của mình xung quanh Mặt Trời, sao Hỏa có thể dễ dàng tiếp cận từ Trái Đất chỉ hai năm một lần. Lần phóng tàu thám hiểm tiếp theo lên Sao Hỏa sẽ là năm 2024. Sứ mệnh này đã bị lùi lại từ năm 2020, do đại dịch virus corona và cần có thêm các cuộc thử nghiệm trên tàu vũ trụ này.