Cuộc chiến Ukraine đã bước vào tuần thứ sáu khi số báo đến tay quý độc giả. Sự kháng cự ngoan cường ngoài dự liệu của Ukraine là sự bất ngờ từ Putin lẫn cả thế giới khi những người lính, người dân Ukraine đã anh dũng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ mình. Để cung cấp thêm những thông tin quanh cuộc chiến Ukraine, chuyên mục mời các bạn cùng nhìn kỹ hơn chân dung của Tổng thống Nga Vladimir Putin, kẻ đã khởi xướng cuộc xâm lược phi pháp một quốc gia có chủ quyền như Ukraine.
Putin theo học luật tại Ðại học Leningrad, nơi có giáo sư của ông ta là Anatoly Sobchak, về sau này là một trong những chính trị gia hàng đầu của thời kỳ cải cách perestroika. Việc học luật tại một quốc gia cộng sản thực chất chỉ mang tính danh nghĩa hay là sự chuẩn bị để tham gia vào guồng máy chính quyền vì luật lệ hầu như chỉ nằm trong tay đảng cộng sản và guồng máy an ninh.
Putin đã làm việc hơn 15 năm cho KGB, trong đó có 6 năm sang làm việc tại Dresden thuộc Ðông Ðức cũ nên Putin cũng nói được tiếng Ðức, ngôn ngữ ông ta đã theo học từ trung học. Năm 1990, các tài liệu ghi lại lời Putin nói rằng ông ta xuất ngũ KGB với quân hàm trung tá theo sau cuộc truất phế Mikhail Gorbachev, tuy nhiên cũng có thể Putin bị cách chức vì có xu hướng ủng hộ phe cải cách của Gorbachev. Putin bước vào con đường chính trị sau khi ra khỏi KGB. Ông ta trở thành cố vấn cho Sobchak, thị trưởng đầu tiên được bầu cử dân chủ của thành phố St.Petersburg. Ðến năm 1994, Putin trở thành một phó thị trưởng của thành phố này.
Năm 1998, Tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm Putin làm giám đốc Cục An ninh liên bang FSB, hậu thân của KGB – một cơ quan quyền lực bậc nhất trong các thể chế cộng sản. Chỉ một năm sau, năm 1999 Yeltsin bổ nhiệm Putin làm thủ tướng và ngỏ ý muốn để Putin kế nhiệm mình. Và chỉ ba tháng sau, ngày 31 tháng 12 năm 1999, Yeltsin tuyên bố từ chức giao cho Putin làm tổng thống lâm thời. Ba tháng sau, Putin chiến thắng trong cuộc bầu cử và chính thức trở thành Tổng thống Nga ở tuổi 48. Putin được ủng hộ phần lớn về việc trấn áp những người ly khai tại Chechnya. Năm 2004, với quyền lực trong tay, tất nhiên Putin lại dễ dàng đắc cử nhiệm kỳ hai.
Hiến pháp Nga không để một người làm tổng thống quá hai lần, năm 2008 Putin chọn người kế nhiệm là Dmitry Medvedev được bầu làm tổng thống và Putin làm thủ tướng, thực chất vẫn là người nắm quyền hành tại Kremlin. Ðến năm 2012, Putin lại quay lại nhiệm kỳ tổng thống thứ ba, nhiệm kỳ mà Putin đã ra lệnh tấn công và chiếm đóng Crimea của Ukraine vào năm 2014, manh nha ý định chiếm luôn Ukraine như hiện nay. Năm 2018, Putin lại tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư cho đến bây giờ.
Từng là một giám đốc an ninh, Putin hiểu rõ cách tập trung quyền lực vào tay mình cũng như tạo ra một mạng lưới thân cận phục vụ cho mục tiêu đó. Các vụ trấn áp đối lập, bóp nghẹt truyền thông, bỏ tù hay ám sát những nhân vật hay ký giả phản đối đã xảy ra khá nhiều dưới thời Putin, đã bị truyền thông thế giới đưa tin nhiều, cũng như gặp sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền thế giới. Bên cạnh đó, một giới tài phiệt cũng dựa vào Putin để thao túng và làm giàu trong nền kinh tế Nga và ngược lại, trở thành nguồn hậu thuẫn tài chính vững chắc cho Putin. Một sự cộng sinh giữa chính trị và kinh tế trong thể chế độc tài.
Cuộc xâm lược Ukraine đã một lần nữa thể hiện bản chất và thái độ của Putin cực đoan và tàn bạo như vậy. Cuộc chiến phi nghĩa và phi lý đã kéo dài ngoài dự định của Putin, bất kể sự biểu tình của người dân trong nước hay các đòn trừng phạt kinh tế của thế giới sẽ gây vô vàn khó khăn cho người dân và cả nước Nga hiện nay lẫn lâu dài, Putin dường như chưa có những dấu hiệu ngưng thái độ hiếu chiến của mình, thậm chí cảnh cáo sẽ mở chiến dịch truy quét “những kẻ phản bội” ngay chính trong nước Nga và tiếp tục ra lệnh phá huỷ các cơ sở dân sự của người Ukraine.
Quyền lực và quyền lợi cá nhân của những kẻ độc tài, hay đúng hơn là một tội phạm chiến tranh khi thế giới nói về Putin hiện nay, bao giờ cũng cao hơn quyền lợi của người dân và quốc gia mình.