Du Uyên
“Phong sát” là “đặc sản” của nhà nước Trung Quốc dành “tặng” cho những “người của công chúng” mà chính quyền cho là có tội. Đây cũng là thứ cho thấy sự độc tài “hoàn hảo” của nhà nước này.
Chết ở “phong sát” không hoàn toàn là bị đoạt mất mạng sống mà là chết tên tuổi, chết sự nghiệp, tương lai, mất hút trên truyền thông nội địa… Một cách gián tiếp để những người sống bằng hào quang, danh tiếng tự tìm tới cái chết triệt để. Vì cách chính quyền Trung Quốc “phong sát” một người là:
– Xóa tên người đó khỏi các tác phẩm họ từng góp mặt, ngay cả các tác phẩm nổi tiếng mà cả thế giới biết, làm nên tên tuổi của người đó.
– Xóa mọi vết tích của người đó trên mạng xã hội và truyền thông trong nước Trung Quốc: từ tất cả bài đăng trên các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông, fanpage, bài báo, trang cá nhân, hình ảnh… Các từ liên quan tên người đó sẽ bị chặn ở phần cài đặt của các trang mạng xã hội Trung Quốc rồi.
– Ngoài bị pháp luật xử theo tội, người đó còn bị cắt cần câu cơm – không được làm công việc nhất định. Như diễn viên sẽ bị cấm đóng phim, ca sĩ bị cấm ca hát, cấm biểu diễn, cấm mở concert… Họ cũng không được quyền tham gia bất cứ chương trình nghệ thuật, ai mời họ cũng sẽ bị phạt. Video, hình ảnh chứa mặt họ cũng sẽ bị làm mờ. Các phương tiện truyền thông phát sóng chương trình hay tin tức về họ đều sẽ bị cấm hoàn toàn, vĩnh viễn. Ngoài ra, lực lượng dư luận viên hùng hậu của Trung Quốc sẽ “đánh” sâu vào mọi hoạt động khác của họ, bôi xấu đời tư, bít luôn đường kinh doanh và các đường sống khác.
– Tất cả bảng quảng cáo, hình ảnh có liên quan đến người bị “phong sát” ở nơi công cộng đều bị gỡ bỏ. Ngay cả hình trong bịch me, gói xôi, bọc bánh mì, dán cột điện…
Tóm lại, “phong sát” tại Trung Quốc là làm mọi cách để không cho đối phương một cơ hội nào để ngóc đầu lên được, trừ khi người đó có thể chớp thời cơ đi ra nước ngoài sống một cuộc sống “ẩn dật” khác – thật sự thì đa số nghệ sĩ bị phong sát ở Trung Quốc đã làm vậy. Vì vậy, trên lý thuyết thì trừ những người Trung Quốc còn sống và những người ở nước ngoài từng biết tới người bị “phong sát”, thì họ sẽ vĩnh viễn biến mất đối với thế hệ sau này – Nhưng tôi nghĩ có Internet thì cũng khó cho việc này, vì người ta có thể vượt tường lửa tìm tin tức, như nhiều cư dân mạng Việt Nam vượt tường lửa qua web phim lậu Việt Nam coi phim bị Trung Quốc cấm chiếu. Ngoài ra, đa số người có tiền Trung Quốc đều cho con em du học xứ tự do, không khó để họ tiếp cận thông tin, chỉ khó cho họ chọn “phe” thôi.
Truyền thông Trung Quốc công bố những người bị họ “phong sát” đa phần phạm tội về tài chính (trốn thuế, lừa đảo…) hoặc dâm dục (hiếp dâm, ấu dâm…). Tuy nhiên, vì những “tiền án tiền sự” của chính quyền độc tài Trung Quốc đối với sự kiện Thiên An Môn, đồng hóa người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương… thì riêng bản thân tôi không tin những cái tội chính quyền Trung Quốc áp lên kẻ mà họ “phong sát”. Vì tôi không biết người đó có thật sự phạm tội đó không, hay những tội khác mà nhà nước Trung Quốc không tiện công bố – ví dụ như không làm theo mệnh lệnh của chính quyền Trung Quốc trong các vấn đề chính trị, suy nghĩ khác với cách nhà nước độc tài này muốn họ nghĩ…
Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có khái niệm “phong sát” mà chỉ có lệnh cấm diễn trong một thời gian ngắn, trong khi bị cấm diễn thì nghệ sĩ đó vẫn có thể lên mạng “livestream” bán đồ, cởi đồ, bán các hình ảnh riêng tư hoặc đóng các webdrama (phim/hài ngắn trên mạng), kiếm sống nhờ quảng cáo…
Nhất là qua các sự kiện Minh Béo (Hồng Quang Minh – tội phạm ấu dâm ở Mỹ) , Hoài Linh (người ngâm tiền từ thiện lũ lụt miền Trung) nhận giải tại Liên Hoan Kịch năm rồi, hay các người mẫu/tài tử đi lên bằng đại gia, cởi đồ, thị phi… vẫn được lên sóng truyền hình biểu diễn, dạy đạo đức, làm «tấm gương sáng» cho giới trẻ. Khiến không ít người trẻ tin rằng, chỉ cần có nhan sắc và các mối quan hệ với người có tiền, có chức thì sẽ nổi tiếng, có tiền, có chức… Không ít người còn bình luận kiểu như: Làm gái như cô A mà được như cổ tôi cũng làm. Làm đào cho quan chức mà giàu như cô B tôi cũng làm. Chỉ cần kết quả, đi lên bằng thị phi hay thực lực cũng kệ người ta, làm gì có ai quan tâm…
Quả tình, cái gọi là nền nghệ thuật ở Việt Nam khá là hổ lốn, các giá trị tốt đẹp bị chà đạp không thương tiếc. Nhìn vào showbiz Việt hiện tại, những người được phong ông hoàng bà chúa là những người không đáng được coi trọng, và họ cũng không coi trọng khán giả. Ở bất kỳ đâu trên thế giới, những hành vi phạm tội hướng đến trẻ em đều không thể chấp nhận. Nhưng ở Việt Nam, một tên tội phạm bị Hoa Kỳ chính thức liệt vào danh sách trọn đời dành cho những tội phạm tấn công tình dục, mang theo nỗi nhục quốc gia về nước vẫn được lên bục giảng dạy trẻ em diễn kịch, vẫn có thể đứng trước công chúng ung dung mỉm cười nhận giải thưởng để củng cố nghề dạy trẻ của mình, là không thể chấp nhận được… Ngoài ra, nhiều “cây đa cây đề” trong showbiz Việt Nam còn nhận quảng cáo thuốc bậy bạ, cơ sở thẩm mỹ chui, kem trộn, “lùa gà” – xúi giục người ta mua chứng khoán/đầu tư bất động sản không hợp pháp…
Nên việc làm sạch giới nghệ sĩ, nghệ thuật Việt là điều cần thiết, nhưng, riêng việc “phong sát”, bản thân tôi thấy vô ích.
Theo tôi, ai có tội gì thì cũng nên xử theo pháp luật, cấm biểu diễn về sau – chứ không cần xóa mọi vết tích của họ trên toàn cõi mạng và ngoài đời như cách Trung Quốc làm. Xóa bỏ hoàn toàn vết tích của họ không khiến người ta tin nền nghệ thuật Trung Quốc, Việt Nam sạch bóng hoàn hảo mà còn khiến người ta nghi ngờ về sự “sạch” đó. Giống như cách cấm người ta nói về mặt xấu của xã hội hiện nay, nhưng xã hội có đẹp hơn đâu? Ngoài ra, sự đối lập giữa tương lai u ám và hào quang quá khứ của người có tội còn có thể là tấm gương sáng cho thế hệ sau nhìn và rút kinh nghiệm. Chứ “phong sát” họ rồi, lấy ai làm “tấm gương” bây chừ?
Thiệt ra, Việt Nam cũng có một dạng “nửa phong sát” dành do nhiều nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn, ca sĩ, diễn viên, nhà thơ… có tiếng nói tự do. “Một nửa” vì những người này chỉ bị cấm xuất hiện trên truyền thông chính thống, họ vẫn có thể xuất hiện trên mạng xã hội hay các trang web khác. Do cư dân mạng Việt Nam vẫn dùng các trang web, mạng xã hội của Mỹ, chưa bị chặn mạnh mẽ như bên Trung Quốc. Và Việt Nam cũng có những sự kiện lịch sử bị “phong sát” và “nửa phong sát”. Những sự kiện lịch sử đáng nhớ, nhưng một thời gian dài không được có trong sách giáo khoa, tivi, truyền thông trong nước, dầu nó không làm ảnh hưởng tới đảng CSVN. Cũng không biết có phải trùng hợp hay không, đa số sự kiện này đều liên can Trung Quốc. Ví dụ cuộc chiến tranh mà Trung Quốc phát động trên biên giới phía Bắc Việt Nam nổ ra ngày 17-2-1979, hay tưởng niệm những người lính Việt hy sinh trên vùng biển Gạc Ma ngày 14-3-1988 do Tàu cộng đã thảm sát…
Nhờ sự nhắc nhở miệt mài của những nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn, ca sĩ, diễn viên, nhà thơ… tự do, đã và đang bị “nửa phong sát”, mà vài năm gần đây, những sự kiện trên được nhắc tới trên truyền thông chính thống. Các nhà báo “có giấy” được tự do nói về nó. Bởi vậy, hôm 12-3 vừa rồi, một nhà báo kỳ cựu của một tờ báo bự trong nước viết lên trang cá nhân khi nhắc về thảm sát ở Gạc Ma: “Mình chỉ muốn nói thêm một điều là cảm ơn internet đã khiến thông tin về cuộc chiến Gạc Ma không bị bưng bít. Có cả ngàn trang web để các bạn đối chiếu thông tin, rồi trên những dữ liệu ấy bạn sẽ biết đâu là thiện đâu là ác.”
Nhưng, Việt Nam mình là xứ “nhiều chuyện”, nên những sự kiện “nhân dân không (được) quên” ngày càng nhiều theo năm tháng. Không chỉ những trận chiến xưa cũ mà còn là những sự kiện mới xảy ra mỗi ngày ở xã hội bất ổn này. Từ các câu chuyện về dân oan, tử tù oan, tới các vụ án lớn/nhỏ xử hoài không xong… gần đây, mới nhất là các vụ án về bạo hành/sát hại trẻ em bởi chính người thân.
Ðáng lẽ, những kẻ “đầy tớ nhân dân” phải nhớ giùm, giải quyết mọi “nỗi nhớ” của người dân – bằng cách lưu sự kiện lịch sử vào sử sách, đưa vào sách giáo khoa lịch sử, nhắc nhở trên truyền thông mỗi năm… điều chỉnh vật giá, giảm thuế, hỗ trợ cho người dân khó khăn. Chứ không phải bắt người dân nhớ mọi thứ, trong khi bọn họ nhận lương từ dân, rồi trở thành “nỗi nhớ” của người dân, qua các vụ án tham nhũng. Bởi vậy, nếu Việt Nam có “phong sát”, tôi nghĩ nên bắt đầu từ những “nỗi nhớ” dự bị này.