Trân Văn
25-3-2022
Từ xưa đến nay, có chủ trương nào về DNNN mà đúng, có chính sách nào về DNNN từng thành công? Thậm chí thiệt hại do DNNN gây ra từ ngàn tỉ tăng lên chục ngàn tỉ rồi trăm ngàn tỉ nhưng có cá nhân, tập thể nào nhận trách nhiệm hay bị truy cứu trách nhiệm không?
Thủ tướng Việt Nam vừa phê duyệt “Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” mà mục tiêu chính là thu hồi “ít nhất 248.000 tỉ” để “thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và trả nợ công trong năm năm từ 2021 đến 2025” (1).
Tuy con số vừa đề cập không nhỏ nhưng nếu đối chiếu với một vài số liệu khác, chẳng hạn “Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2019” mà chính phủ Việt Nam gửi Quốc hội Việt Nam đầu năm 2020 thì có nhiều điều đáng ngẫm nghĩ. Chẳng hạn trong báo cáo vừa đề cập, “tổng giá trị tài sản mà 76 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ là hơn 2,73 triệu tỉ đồng”, trong đó “tổng nợ phải trả là 1,44 triệu tỉ đồng”. Nhìn chung, “nợ nần của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của nhà nước chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn” (2).
Cho dù “Đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” hết sức chung chung nhưng khi đã xác định từ nay đến 2025, “trọng tâm cơ cấu lại DNNN” là “tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” và ước đoán số thu tối thiểu chỉ khoảng “248.000 tỉ” thì rõ ràng là quá… khiêm tốn.
Chẳng lẽ chỉ trong hai năm (2020 và 2021), tổng giá trị của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giảm đến ¾, từ cả triệu tỉ xuống còn chưa tới ¼ của triệu tỉ, hay con số 248.000 tỉ chỉ là “cơ cấu lại” một số “tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”, rồi đề án có tính đến những DNNN khác mà tổng giá trị tài sản cỡ vài trăm ngàn tỉ nữa hay không?
***
Thực tế hoạt động của DNNN tại Việt Nam chứng minh, xây dựng CNXH ở Việt Nam đã và vẫn còn là tiến trình không những hết sức tốn kém máu xương, nước mắt, mồ hôi mà còn vắt kiệt nội lực quốc gia. DNNN chính là công cụ khiến tiến trình này càng ngày càng… đắt đỏ nhưng vừa vô giá trị, vừa trở thành gánh quá nặng cho kinh tế – xã hội.
Cũng vì vậy từ đầu thập niên 2010 mới có những đề án “cơ cấu lại DNNN” bằng phương thức “cổ phần hóa” nhưng bất ổn chất chồng bất ổn vì nảy sinh vấn nạn khác: Tài sản trong các DNNN vốn là công sản, thuộc sở hữu toàn dân, nhờ “cơ cấu lại DNNN” mà có thể chuyển hóa thành tài sản của một số… cá nhân hay của một số… gia đình.
Không chỉ công sản bị thất thoát mà công khố cũng chẳng thu được bao nhiêu khi quyền sở hữu DNNN được chuyển dịch cho tư nhân! Cuối năm 2020, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm tra “cổ phần hóa” 30 DNNN, theo đó, do tài sản nhà nước trong 30 DNNN này được định giá quá thấp nên khoản tiền thất thoát lên tới… 30.000 tỉ (3).
***
Tuy đang bị… truy nã nhưng chắc chắn bà Hồ Thị Kim Thoa và đại gia đình của bà hết sức biết ơn… “cơ cấu lại DNNN”. Không có “cơ cấu lại DNNN”, họ không thể nắm trong tay Công ty Bóng đèn Điện Quang, Công ty Nhựa Rạng Đông – hai doanh nghiệp từng là DNNN, trị giá cả ngàn tỉ.
Cũng nhờ đi đầu trong “cơ cấu lại DNNN”, bà Thoa (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang) được cất nhắc làm Thứ trưởng Công Thương và đảm nhiệm vai trò này suốt bảy năm (từ 2010 đến 2017). Chỉ đến khi bị công chúng chỉ trích kịch liệt vì vướng vào đủ thứ chuyện mờ ám, bà Thoa mới… xin thôi việc.
Ba năm sau, bà Thoa sang Pháp du lịch trước khi bị công an Việt Nam khởi tố, xác định bà là bị can. Do bà Thoa không chịu… “quay về đầu thú” như… Trịnh Xuân Thanh, công an Việt Nam phát lệnh truy nã bà Thoa (4), còn Công ty Bóng đèn Điện Quang, Công ty Nhựa Rạng Đông vẫn thế – vẫn nằm trong tay bà Thoa và đại gia đình của bà!
Bà Thoa chỉ là ví dụ minh họa nhiều người biết chứ không phải là trường hợp cá biệt. Chẳng hạn, “cơ cấu lại DNNN” cũng là cơ hội để ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (còn có tên khác là Tổng Công ty 3 tháng 2) – một DNNN đã cổ phần hóa nhưng nhà nước chưa rút hết vốn – hoán chuyển tài sản công thành sở hữu tư nhân thông qua chuyển nhượng cổ phần. Công an Việt Nam ước tính ông Minh đã gây thiệt hại khoảng 1.850 tỉ. Trong Kết luận Điều tra mới công bố hồi giữa tháng này, công an đề nghị truy tố ông Minh và con gái tội “tham ô tài sản” với mức hình phạt cao nhất là tử hình (5).
***
Cho dù đã ê ẩm vì nỗ lực đẩy DNNN vào vị trí… “chủ đạo của nền kinh tế” để xây dựng chủ nghĩa xã hội nên buộc phải “cơ cấu lại DNNN”, song vì muốn có… “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, thành ra dẫu tình thế buộc phải bán phần lớn DNNN nhằm kiến tiềm… “thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và trả nợ công” nhưng trong “Đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”, chính quyền Việt Nam vẫn xác định sẽ… “giữ DNNN trong các lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh”. Đồng thời… “phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế”.
Từ những gì đã biết và đang thấy, ai tin những DNNN hoạt động trong “các lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh” sẽ chu toàn trọng trách? Ai tin sẽ có một số “tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” trở thành những doanh nghiệp “có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế”, khi lãnh đạo các DNNN vẫn phải là đảng viên và tháng 12 năm ngoái, trong hội thảo về “thực trạng, giải pháp xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại DNNN ngang tầm nhiệm vụ”, ông Nguyễn Thành Phong – Phó ban Kinh tế của BCH TƯ đảng CSVN – ngậm ngùi thú nhận: “Lãnh đạo DNNN phải là đảng viên đã khiến nguồn cán bộ hạn chế” (6).
Nếu “Đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” không thành công, DNNN tiếp tục gây khủng hoảng, cản trở phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam thì sao? Chẳng sao cả! Từ xưa đến nay, có chủ trương nào về DNNN mà đúng, có chính sách nào về DNNN từng thành công? Thậm chí thiệt hại do DNNN gây ra từ ngàn tỉ tăng lên chục ngàn tỉ rồi trăm ngàn tỉ nhưng có cá nhân, tập thể nào nhận trách nhiệm hay bị truy cứu trách nhiệm không?
Chú thích
(2) https://vtc.vn/diem-ten-loat-doanh-nghiep-nha-nuoc-thua-lo-nghin-ty-ar575285.html
(4) https://tuoitre.vn/truy-na-cuu-thu-truong-bo-cong-thuong-ho-thi-kim-thoa-20200713183934329.htm