Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Toàn cảnh một nhà máy lọc dầu địa phương lúc hoàng hôn ở Omsk, Nga, hôm 16/03/2022. (Ảnh: Alexey Malgavko/Reuters) Tây Dương

Điện Kremlin cho biết chủ câu lạc bộ Chelsea đóng vai trò ban đầu trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine

Hôm thứ Năm (24/03), Điện Kremlin cho biết tỷ phú người Nga Roman Abramovich đã đóng một vai trò ban đầu trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, nhưng tiến trình này hiện đang nằm trong tay các nhóm đàm phán của hai bên.

Ông Abramovich đã được Ukraine nhờ giúp làm người hòa giải.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Ông ấy đã tham gia ở giai đoạn đầu. Giờ đây các cuộc đàm phán là giữa hai bên, người Nga và người Ukraine.”

Trong nỗ lực buộc Tổng thống Vladimir Putin phải lùi bước về vấn đề Ukraine, phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các tỷ phú Nga như ông Abramovich, các công ty Nga cũng như các quan chức Nga.

Nga nói rằng phản ứng của phương Tây cho thấy họ vừa đồi bại vừa lừa lọc và đã thẳng thừng cảnh báo rằng cuộc thử nghiệm sau năm 1991 trong việc hướng về phương Tây đã kết thúc.

Là một nhà giao dịch cổ phiếu hàng hóa, ông Abramovich đã mua lại cổ phần của công ty dầu khí Sibneft, nhà sản xuất nhôm Rusal, và hãng hàng không Aeroflot mà sau đó ông đã bán đi.

Dưới thời ông Putin, ông Abramovich từng là thống đốc vùng Bắc Cực hẻo lánh Chukotka ở Viễn Đông nước Nga trước khi mua lại Câu lạc bộ Bóng đá Chelsea vào năm 2003.

Ông Abramovich đã bị Anh, Liên minh Âu Châu, và Canada trừng phạt, ngoại trừ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một số doanh nhân Nga cho rằng phương Tây thật ngây thơ nếu họ tin rằng những tỷ phú như ông Abramovich có thể gây ảnh hưởng đến Điện Kremlin về các vấn đề địa chính trị.


Đức giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga

Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết đất nước ông đã đạt được được các hợp đồng với các nhà cung cấp mới cho phép nước này giảm đáng kể sự phụ thuộc vào than, khí đốt, và dầu của Nga trong những tuần tới.

Hôm thứ Sáu (25/03), ông Robert Habeck nói với các phóng viên tại Berlin rằng dầu của Nga sẽ chiếm khoảng 25% nhập cảng của Đức trong những tuần tới, giảm từ mức khoảng 35% hiện nay.

Ông Habeck cho biết nhập cảng than của Nga sẽ giảm một nửa từ khoảng 50% tổng số than của Đức xuống còn 25% trong những tuần tới.

Ông cho biết Đức cũng hy vọng có thể trở nên gần như hoàn toàn độc lập với khí đốt của Nga vào giữa năm 2024. Để làm được điều này, chính phủ đã bảo đảm việc sử dụng ba bến “nổi” có khả năng chuyển LNG lại thể khí khi tàu đưa vào và đang nỗ lực xây dựng các bến LNG cố định để nhập cảng dài hạn.


Nga cáo buộc Ba Lan phá hủy mối quan hệ song phương với việc trục xuất, thề đáp trả mạnh mẽ

Hôm thứ Năm (24/03), Nga cáo buộc Ba Lan cố gắng phá hủy quan hệ song phương bằng cách trục xuất 45 nhà ngoại giao của nước này, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ.

Đại sứ Nga cho biết Ba Lan, quốc gia cho biết hôm thứ Tư (23/03) rằng họ sẽ trục xuất các nhà ngoại giao vì nghi ngờ làm việc cho tình báo Nga, cũng đã phong tỏa các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết việc trục xuất là “một bước đi có chủ đích tiến tới sự hủy diệt cuối cùng của quan hệ song phương, điều mà các ‘đối tác’ Ba Lan của chúng ta đã thực hiện một cách có hệ thống trong một thời gian dài.”

Họ cho biết thêm: “Nga sẽ không bỏ qua cuộc tấn công thù địch này mà không có sự đáp trả, vốn sẽ khiến những kẻ khiêu khích người Ba Lan ngẫm nghĩ và khiến họ bị tổn thất.”

Nga hôm thứ Tư đã lên án điều mà nước này gọi là một đề nghị liều lĩnh của thành viên NATO Ba Lan về việc cử các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế có vũ trang tới Ukraine.

Đại sứ Nga tại Warsaw Sergey Andreev cho biết các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán đã bị phong tỏa trên cơ sở chúng có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói: “Tôi chỉ có thể nói một cách chung chung rằng chúng tôi đang giải quyết việc phong tỏa các quỹ của Liên bang Nga.”


Hungary từ chối lời kêu gọi viện trợ vũ khí của Tổng thống Zelensky

Hôm thứ Sáu (25/03), Thủ tướng Hungary đã từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng như ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.

Thủ tướng Viktor Orban cho biết trong một video đăng trên mạng xã hội rằng các yêu cầu của ông Zelensky “đi ngược lại lợi ích của Hungary”, và các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga “có nghĩa là nền kinh tế Hungary sẽ chậm lại và sau đó nhanh chóng dừng lại.”

Lời từ chối này được đưa ra sau khi ông Zelensky hôm thứ Năm (24/03) trình bày tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu tại Brussels, khi ông đặc biệt hướng tới ông Orban, người được nhiều người coi là đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong EU.

“Nghe này, Viktor, anh có biết điều gì đang diễn ra ở Mariupol không?” ông Zelensky nói. “Tôi muốn cởi mở một lần cuối cùng — anh nên tự quyết định anh ủng hộ ai.”

Hungary, quốc gia duy nhất trong số các nước EU có biên giới với Ukraine, đã từ chối cung cấp vũ khí cho nước láng giềng và từ chối cho phép các chuyến hàng vũ khí quá cảnh biên giới của mình để vào Ukraine.

Hôm thứ Sáu (25/03), ông Orban nói rằng 85% khí đốt của Hungary và hơn 60% dầu của nước này đến từ Nga, và việc chặn xuất cảng năng lượng của Nga sẽ buộc người Hungary phải “trả giá cho cuộc chiến này”.


Người đứng đầu NATO cho biết việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân ‘sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của chiến tranh’

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân nào “sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc chiến ở Ukraine. Đó sẽ là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

Ông Stoltenberg đã trình bày trong chuyến thăm tới cuộc diễn tập Phản Ứng Lạnh đã được lên kế hoạch từ lâu ở Na Uy, quê hương ông và gọi cuộc chiến của Nga ở Ukraine là “một thời điểm bước ngoặt”.

Cuộc tập trận diễn ra ở phía đông nam, vùng trung tâm, và phía bắc Na Uy này có khoảng 30,000 quân từ 27 quốc gia. Các thành viên không thuộc NATO là Phần Lan và Thụy Điển cũng tham gia. Cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 14/03 và kết thúc vào ngày 01/04.

Cuộc tập trận Phản Ứng Lạnh đầu tiên được tổ chức vào năm 2006. Nó được tiến hành hai năm một lần.


Nga bắn hỏa tiễn vào đơn vị quân đội Ukraine

Cuối ngày thứ Năm (24/03), quân đội Nga đã bắn hai hỏa tiễn nhằm vào một đơn vị quân đội Ukraine ở ngoại ô Dnipro, thành phố lớn thứ tư của nước này, các dịch vụ khẩn cấp khu vực cho biết.

Các cuộc tấn công đã phá hủy các tòa nhà và gây ra hai đám cháy, trong khi số người thiệt mạng và bị thương vẫn đang được xác định.

Dnipro nằm ở phía tây của các vùng dọc theo biên giới Nga bị lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát kể từ năm 2014.


Tổng thống Zelensky thỉnh cầu các nhà lãnh đạo EU nhanh chóng cho phép Ukraine trở thành thành viên 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn các nhà lãnh đạo EU đã làm việc cùng nhau để hỗ trợ Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả quyết định của Đức trong việc ngăn chặn Nga cung cấp khí đốt tự nhiên cho Âu Châu thông qua đường ống Nord Stream 2 mới.

Nhưng ông than thở rằng các bước này không được thực hiện sớm hơn, nói rằng nếu như vậy thì có khả năng Nga sẽ cân nhắc kỹ về việc xâm lược.

Sau đó, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo EU, những người đã tập trung tại Brussels hôm thứ Năm (24/03), nhanh chóng giải quyết đơn xin gia nhập khối của Ukraine. “Tôi thỉnh cầu các vị đừng chậm trễ,” ông Zelensky nói qua video từ Kyiv. “Đối với chúng tôi, đây là một cơ hội.”

Sau đó, ông liệt kê 27 quốc gia thành viên, lưu ý những quốc gia mà ông nói là “ủng hộ chúng tôi.” Ông đã kêu gọi Đức và đặc biệt là Hungary không ngăn chặn nỗ lực gia nhập khối của Ukraine.

Related posts