Hồi tuần trước, các nhà đầu tư đã thở phào nhẹ nhõm sau khi Chính phủ Nga thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 117 triệu USD. Tuy nhiên, các chủ nợ tỏ ra không mấy lạc quan khi cho rằng Nga sẽ khó thanh toán được khoản nợ 2,2 tỷ USD sẽ đến hạn vào ngày 4/4 tới đây.
ngày 4/4 tới
Ông Jay Newman, cựu Giám đốc danh mục đầu tư của công ty Elliott Management, cho biết: “Khoản thanh toán gần đây nhất chỉ là một khoản đầu tư nhỏ, nhưng khi Nga phải bắt đầu viết tờ séc trị giá hàng tỷ USD thì đó lại là một câu chuyện khác. Tôi nghĩ là không thực tế khi nói rằng Nga có thể thanh toán khoản 2,2 tỷ USD [sẽ đến hạn vào ngày 4/4 tới đây]”.
Khi Nga đến hạn phải thanh toán trái phiếu vào tuần trước, các nhà đầu tư đã lo lắng vì không rõ liệu Ngân hàng Trung ương Nga có thể sử dụng lượng USD dự trữ đã bị đóng băng để thanh toán hay không. Họ cũng không rõ liệu các ngân hàng Mỹ có làm việc với quốc gia này để chuyển tiền hay không. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tranh luận về việc liệu Nga có thể trả nợ bằng đồng tiền của mình hay không. Bộ Tài chính Nga khẳng định nước này có thể thanh toán bằng đồng Ruble nhưng những người có hiểu biết về hợp đồng cho biết Nga bắt buộc phải thanh toán bằng USD.
Đối với một số khoản trả góp nhỏ hơn, Nga được phép trả bằng đồng Ruble, nhưng đối với các khoản thanh toán 117 triệu USD trước đó và khoản thanh toán 2,2 tỷ USD sắp tới, các điều khoản bắt buộc Nga phải thanh toán bằng USD.
Nga đã tránh vỡ nợ lần trước. Dẫu vậy, các chuyên gia về nợ lại tỏ ra bi quan trước những điều sắp xảy ra. Họ nhận định rằng việc Nga có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ tuần trước không có nghĩa là quốc gia này cũng có thể làm như vậy cho những lần sau, đặc biệt là vì Nga phải đối mặt với khoản thanh toán nợ gần 4,8 tỷ USD trong năm 2022. Ngày 4/4 tới đây được xem là bài kiểm tra lớn đầu tiên.
Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố rõ rằng Nga có thể sử dụng các khoản tiền bị đóng băng để thanh toán các khoản nợ cho đến ngày 25/5. Sau đó, nước này có thể cần phải lấy tiền từ các nguồn khác như vay tiền hoặc bán dầu cho các nước như Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
Ông Newman cho biết: “Nếu họ đang thanh toán bằng những khoản tiền mà họ không thể tiếp cận, thì về cơ bản đó là một khoản tiền lạm phát. Nhưng một khi họ phải gom tiền để trả trái phiếu thay vì các khoản khác thì đó là một quyết định khó khăn hơn”.
Đây không chỉ là vấn đề kinh tế. Ngay cả khi Nga có thể thanh toán nợ thì một số chuyên gia nhận định rằng Nga có thể từ chối thực hiện nghĩa vụ này.
Theo ông Newman, các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt có thể phản tác dụng và việc ngăn Nga tiếp cận thị trường và thương mại toàn cầu sẽ khiến quốc gia này không còn động lực để tiếp tục trả nợ. Ông cho hay: “Việc một đất nước chịu các lệnh trừng phạt kinh tế ngày càng gia tăng và dai dẳng mà vẫn trả nợ là điều không bình thường. Những lệnh trừng phạt này sẽ gây ra những hậu quả không lường trước được”.
Ông Newman không phải là người duy nhất cho rằng Nga có thể không thực hiện khoản thanh toán hàng tỷ USD vào tháng 4. Ông Robert Kahn thuộc công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho hay: “Tôi dự báo Nga sẽ không thanh toán hoàn toàn khoản nợ đó. Đây là vấn đề liên quan đến chính trị, không chỉ là vấn đề kinh tế. Tại sao họ muốn trả lại tiền cho chúng ta khi chúng ta tách họ khỏi hệ thống kinh tế?”.
Dù cho Nga đang nợ các ngân hàng Mỹ gần 15 tỷ USD, nhưng các nhà kinh tế cho định rằng việc Nga vỡ nợ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường toàn cầu trong dài hạn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nga tương đối tách biệt với phần còn lại của thế giới khiến nước này không liên quan về mặt hệ thống. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraine và những hệ lụy mà nó gây ra đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị tổn hại.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ước tính xung đột diễn ra ở Ukraine sẽ làm giảm tăng trưởng toàn cầu 1 điểm phần trăm và làm tăng lạm phát hơn 2 điểm phần trăm. Các chuyên gia kinh tế khác nhận định rằng chiến tranh đã làm tăng khả năng suy thoái của Mỹ từ 10% lên 35% vào năm 2023.
Theo New York Post,
Phan Anh