Keanu Reeves: khi tâm hồn lớn đối diện ứng xử nhỏ nhen của một nước không nhỏ

Nguyên Vũ

Keanu Reeves: khi tâm hồn lớn đối diện ứng xử nhỏ nhen của một nước không nhỏ. (Ảnh: Tổng hợp)

Nhưng cũng có những nghệ sĩ không cần xin lỗi, chẳng phải vì họ chê thị trường Trung Quốc, mà họ có những nguyên tắc sống được đánh giá cao hơn, chẳng hạn như tài tử Richard Gere hay Harrison Ford, hoa hậu Anastasia Lin… và nay là tài tử Keanu Reeves. Keanu Reeves là ai? Ta cùng tìm hiểu một chút về nhân vật này.

Những ai quan tâm đến phim ảnh Hollywood đều biết đến Keanu Reeves. Và những ai quan tâm đến Keanu Reeves thì đều biết ông vừa bị chính quyền Trung Quốc “cấm cửa”, bao gồm cấm chiếu tất cả các bộ phim có Keanu Reeves tham gia, sau sự kiện âm nhạc thường niên hôm 3/3 vừa rồi mà ông góp mặt để ủng hộ Tây Tạng, với tư cách một nhạc sĩ tài năng.

Keanu Reeves không phải là nghệ sĩ Hollywood duy nhất bị chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm cửa vì ủng hộ Tây Tạng, hoặc nói lên sự thật về ĐCSTQ. Đã có một danh sách các nghệ sĩ nổi tiếng của Hollywood hoặc người của công chúng thuộc diện này, chẳng hạn như: Harrison Ford, Richard Gere, Sharon Stone, Brad Pitt, Selena Gomez, Anastasia Lin, John Cena v.v. 

ĐCSTQ lấy tư cách gì để cấm đoán? Tư cách kẻ bắt cóc và cầm giữ con tin là thị trường hơn một tỷ dân – một thị trường đáng thèm khát với nhiều nghệ sĩ. Bởi thế, ta thấy có những “đào”, “kép” Hollywood cũng đành xuống nước, tỏ ra ngoan ngoãn dễ thương và xin lỗi để “hạ nhiệt” cơn nóng đầu của chính quyền ĐCSTQ, như “người hùng” cơ bắp cuồn cuộn John Cena chẳng hạn.

Nhưng cũng có những nghệ sĩ không cần xin lỗi, chẳng phải vì họ chê thị trường Trung Quốc, mà họ có những nguyên tắc sống được đánh giá cao hơn, chẳng hạn như tài tử Richard Gere hay Harrison Ford, hoa hậu Anastasia Lin… và nay là tài tử Keanu Reeves. Keanu Reeves là ai? Ta cùng tìm hiểu một chút về nhân vật này.

Keanu Reeves – một nhân cách hiếm hoi của Hollywood

Chúng tôi sẽ không phí thời gian của bạn đọc để giới thiệu tiểu sử của Keanu Reeves, cái đó quý độc giả có thể dễ dàng tự tra cứu. Thay vì vậy, ta hãy thử tìm hiểu con người của ông qua những vai diễn trong những bộ phim thành công và đầy ấn tượng, con người đó từ phim ảnh bước ra đời thực mà vẫn giữ nguyên cái chất hào hiệp cao thượng của mình.

Keanu Reeves diễn vai nam chính trong tập đầu của loạt phim “Ma Trận” (Nguồn: Wikipedia, Publicity material from movie distributor © 1999 Warner Bros. Entertainment Inc. )

Năm 1999, Keanu Reeves diễn vai nam chính trong tập đầu của loạt phim “Ma Trận”. Đó là câu chuyện về một lập trình viên, cũng là một hacker có tên Neo tình cờ được tiếp cận với một nhóm hacker bí ẩn và được giới thiệu về thuật ngữ “Ma trận” mà người thủ lĩnh nhóm là Morpheus có thể giải thích cho anh. Tuy vậy, một nhóm đặc vụ đã tìm tới Neo, muốn thông qua anh để bắt được Morpheus, người bị cáo buộc là “khủng bố”, nhưng thực ra là thủ lĩnh quân khởi nghĩa. Neo vẫn tìm gặp Morpheus, được đề nghị chọn một trong hai viên thuốc đỏ và thuốc xanh. Viên thuốc đỏ sẽ đại diện cho một tương lai không mấy chắc chắn nhưng nó sẽ giải phóng Neo khỏi việc bị máy móc kiểm soát như nô lệ trong thế giới giấc mơ và cho phép anh ra ngoài thế giới thực, cho dù khó khăn hơn. Ngược lại, viên thuốc xanh đại diện cho một nhà tù đẹp đẽ, thoải mái trong ngu dốt và ảo tượng do Ma Trận lập ra. Neo chọn viên thuốc đỏ và gia nhập quân khởi nghĩa.

Giữa giả dối và sự thật, ngục tù và tự do, Neo đã chọn sự thật, chọn tự do, và chiến đấu hết mình để bảo vệ những giá trị ấy, bất chấp khó khăn và nguy hiểm. Trong đời thực, Keanu Reeves cũng chọn viên thuốc đỏ, và từ chối Ma Trận ảo tượng của ĐCSTQ.

Một bộ phim khác do Reeves thủ vai chính dù không nổi tiếng như Ma Trận nhưng rất đáng thưởng thức, đó là “A Walk in the Clouds – Dạo bước trên mây” phát hành năm 1995. Trong phim này Keanu Reeves vào vai Paul Sutton – một quân nhân giải ngũ sau Thế chiến 2, anh kiếm sống bằng nghề bán dạo chocolate. Trên một chuyến xe, Paul Sutton gặp Victoria Aragon, một sinh viên đại học Columbia đang về thăm nhà ở thung lũng Napa, California. Nhà của cô là ở một trang trại trồng nho nổi tiếng mang tên “Mây”.

Victoria Aragon khi đó đang mang thai với một giáo sư, cô lo sợ khi về gặp gia đình, đặc biệt là phải đối diện với người cha nghiêm khắc Alberto Aragon. Paul Sutton nhận lời đóng giả chồng của Victoria để giúp cô về nhà cho êm chuyện và dự định sẽ ra đi ngay sáng hôm sau. Nhưng ngày từ biệt ấy mãi chưa đến vì Victoria dần dần cảm phục và quyến luyến chàng trai có tấm lòng hào hiệp lúc nào không biết, gia đình Aragon thì quý mến người thanh niên lương thiện tử tế, kể cả ông bố nghiêm khắc Alberto cũng dần thay đổi thái độ với anh. Paul Sutton cũng đem lòng yêu thương Victoria, quý mến gia đình cô và chuyện đóng giả đã biến thành tình thật. Tuy vậy, đến một ngày Paul phải dứt áo ra đi vì nghĩ tới trách nhiệm với gia đình ở quê nhà. Kịch tính dâng cao khi sự thật bị phát hiện, nhưng câu chuyện cuối cùng cũng kết thúc tốt đẹp.

Còn đọng lại trong tâm trí khán giả là khuôn mặt thanh tú trẻ măng, trong sáng thánh thiện có pha chút u hoài của Keanu Reeves khi đó, rất hợp với tính cách vai diễn Paul Sutton. Và sự hào hiệp, trọng tình nghĩa của Paul Sutton cũng là tính cách của Keanu Reeves trong cuộc đời.

Còn đọng lại trong tâm trí khán giả là khuôn mặt thanh tú trẻ măng, trong sáng thánh thiện có pha chút u hoài của Keanu Reeves (Nguồn: Wikipedia, KTD-bìa phim, https://vi.wikipedia.org/w/index.php?curid=45010)

Keanu Reeves trong đời tư cũng trầm lặng như trên phim ảnh, ông đã phải đối diện với nhiều nỗi đau mất mát thân nhân, bạn hữu. Nhưng không vì thế mà Reeves tỏ ra bê tha, chán đời hay tìm quên trong chất cồn và chất kích thích. Ông vẫn sống với một nhân cách cao thượng và đối đãi với những người xung quanh hết sức hào hiệp, tử tế.

Rõ ràng, mục tiêu trong sự nghiệp và ý nghĩa cuộc sống của Keanu Reeves đã vượt xa hai chữ “Danh, Lợi”. Ít nhất từ những gì mà người ta biết về Reeves cho đến lúc này thì đó là một nghệ sĩ lớn với một tâm hồn lớn. Một tâm hồn lớn có chính nghĩa ắt hẳn khó lòng khom lưng uốn gối nói sai sự thật hay phản lại nguyên tắc sống của mình cốt để làm vui lòng một chế độ như chính quyền ĐCSTQ – với cách hành xử nhỏ nhen không xứng đáng với một nước lớn. Gốc rễ của lối hành xử ấy, phải tìm đến “tay trùm”, người thầy của ĐCSTQ – Mao Trạch Đông.

Mao Trạch Đông và những bài học lịch sử biến thái

Mao Trạch Đông được coi là “người thầy vĩ đại” của ĐCSTQ, vậy nên ông ta để lại nhiều bài học cho các thế hệ sau của ĐCSTQ, trong đó có lối ứng xử với văn nghệ sĩ, trí thức và các sản phẩm văn nghệ.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn nghệ Diên An ngày 2-5-1942, Mao phát biểu:

“Có ba hạng người: Một là thù; hai là bạn; ba nữa là mình, nghĩa là giai cấp vô sản và đội tiền phong của nó. Đối với ba hạng người đó, chúng ta phải có ba thứ thái độ. Đối với quân thù, đối với phát xít Nhật và hết thảy kẻ thù của nhân dân, ta có nên “ca tụng” chúng không? Tuyệt đối không nên, vì chúng là bọn phản động ăn thịt người không tanh… Còn nhiệm vụ của đội quân văn hóa chúng ta là bóc trần hết thảy những hành động dã man, giả dối của quân thù, vạch rõ con đường thất bại tất nhiên của chúng, cổ động cho quân dân kháng Nhật một lòng một dạ đánh đổ chúng…”

Trong diễn văn kết luận hội nghị văn nghệ Diên An ngày 23-5-1942, Mao phát biểu:

“Có người bảo rằng các tác phẩm văn nghệ trong sách vở, các tác phẩm văn nghệ của người xưa và của người ngoài chẳng phải là một nguồn nữa sao? Vâng, thì cũng có thể gọi là nguồn được; nhưng đó chỉ là nguồn phụ thôi. Vì nếu ta cho là nguồn chính, tức là ta đã hiểu lầm. Nói cho đúng ra, sách vở của người xưa và của nước ngoài chỉ là một luồng chứ không phải là một nguồn; chỉ là những cái mà người xưa và người nước ngoài đã căn cứ vào những điều đã thấy trong sự sinh hoạt của nhân dân trong thời đại trước và ở nơi mình, rồi gọt rũa mà thành ra thôi. Đối với những sách vở văn nghệ đó, chúng ta phải hấp thụ lấy, nhưng đồng thời cũng phải phê bình…”

Cái “hấp thụ lấy” “phê bình” là như thế nào? Thì đây:

“Đối với những hình thức cũ của giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản, chúng ta cũng có thể lợi dụng được. Những hình thức cũ này một khi đã đến tay chúng ta, chúng ta phải cải tạo, đưa nội dung mới vào để biến thành lợi khí cách mạng phục vụ nhân dân…”

Có thể phần nào tóm tắt thái độ của Mao đối với văn nghệ như sau: Văn nghệ không phải là để nâng cao đạo đức, mỹ cảm hay tri thức cho người dân – vốn là nhiệm vụ quan trọng nhất của văn nghệ trong lịch sử 5000 năm của văn minh Trung Hoa, mà là để phục vụ chính trị, tức là phục vụ ĐCSTQ, và trong nhiều trường hợp là phục vụ cho cá nhân Mao. Trong hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ, nói “nhân dân” tức là chỉ ĐCSTQ và lãnh tụ của đảng. “Kẻ thù của nhân dân” thực ra là chỉ kẻ thù của ĐCSTQ, hoặc kẻ thù của Mao hay lãnh tụ đang nắm quyền. Không quan trọng là văn nghệ có nguồn gốc nào, miễn là nó phục vụ lợi ích của lãnh tụ và ĐCSTQ thì nó là bạn, còn không thì nó là thù, và với kẻ thù thì họ dạy nhau phải “tàn khốc vô tình như mùa đông khắc nghiệt”. Nhân dân luôn được nhân danh để phục vụ, nhưng không có tiếng nói gì ở đây, cũng như văn nghệ chỉ là một công cụ để ĐCSTQ lợi dụng. 

Vậy mới lý giải được hiện tượng Edgar Snow, một nhà báo Mỹ được ĐCSTQ chào đón. Trong cuốn “Ngôi Sao Đỏ trên Bầu trời Trung Quốc”, xuất bản năm 1937, Snow tôn Mao thành một người theo chủ nghĩa lý tưởng muốn cứu Trung Quốc thoát khỏi ách độc tài mục ruỗng của Tưởng và xây dựng một đất nước dân chủ. Snow nói rằng mục tiêu của Mao là thức tỉnh người dân Trung Quốc “tin vào nhân quyền” và thuyết phục họ “chiến đấu vì một cuộc sống có công lý, công bằng, tự do và nhân phẩm.” Snow đã giúp Mao và ĐCSTQ mê hoặc cả thế giới, được Mao và ĐCSTQ coi như thân tín. Khi Snow chết, một nửa hài cốt của ông ta được chôn cất tại Đại Học Bắc Kinh.

Edgar Snow với Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ ở Bắc Kinh năm 1960 (Nguồn: Wikipedia)

Và cũng lý giải được vì sao Hồ Phong, một đại trí thức của Trung Quốc vì bất đồng quan điểm về văn nghệ với Mao trong “Báo cáo tình huống thực tiễn liên quan giải phóng giới văn nghệ”, hay còn gọi là “bức thư 30 vạn từ” mà bị Mao lôi ra “khai đao”, bị Mao gọi là “phần tử Hồ Phong” và bị chụp cho nhiều mũ như “đặc vụ Quốc dân đảng của chủ nghĩa đế quốc”, “phần tử thác loạn Trotsky”, “sĩ quan phản động”, “kẻ phản đồ của ĐCS”, “phe phản cách mạng”, “âm mưu lật đổ sự thống trị của ĐCSTQ và khôi phục chủ nghĩa đế quốc và sự cai trị của Quốc dân đảng”… Hồ Phong vì mấy lời can gián mà trở thành một đại án liên lụy đến bao nhiêu người mà Mao nhân thể cũng lôi ra để “khai đao” một lượt.

Lý Chí Thỏa – bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông trong cuốn hồi ký “Đời tư Mao Trạch Đông” kể rằng: Mao rất thích đọc sách sử, nhưng những tấm gương của Mao không phải là những minh quân, hiền thần trong lịch sử mà là những quân vương đại gian ác như Trụ Vương, Tần Thủy Hoàng (*), Tùy Dạng Đế v.v. những điều Mao học là quyền thuật chính trị và mưu mô xảo quyệt độc ác… vốn không phải là dòng chính được văn hóa Thần truyền ca ngợi và khuyến khích. Mao cũng vô cùng hâm mộ Võ Tắc Thiên, có hỏi quan điểm của Lý Chí Thỏa về nhân vật này và nhận được câu trả lời: “bà ta là người đa nghi, gian giảo và đã giết quá nhiều người”. Nghe vậy, Mao phản hồi rằng: 

“Nếu bà ta không đa nghi, không tin vào những tay do thám, làm sao bà phát hiện được những âm mưu của giới thượng lưu và của những gia tộc lớn chống lại bà? Tạì sao bà không ra tay hạ thủ những kẻ âm mưu chống lại mới được cơ chứ?”

Mao đã lờ đi một sự thật quan trọng, Võ Tắc Thiên không đối xử tàn độc với giới văn nghệ và người dân của bà ta, như Mao đã làm.

Võ Tắc Thiên đã đối đãi với kẻ thù Lạc Tân Vương như thế nào?

Cuối năm 684, Anh Quốc Công Từ Kính Nghiệp đã nổi dậy ở Dương Châu, chống lại Võ Hậu (tức nữ hoàng Võ Tắc Thiên sau này), lấy danh nghĩa là khôi phục đế vị cho Đường Trung Tông. Lạc Tân Vương – một văn sĩ lừng danh thời đó đã giúp Từ Kính Nghiệp viết bài hịch kể tội Võ Hậu, trong đó có đoạn như sau:

“Kẻ tiếm vị lâm triều là Võ thị, tính không hòa thuận, sanh chốn hàn vi. Trước là cung nhân vào hầu Tiên Đế, từ chức hèn mọn mà được chúa cưng; tới khi trọng tuổi, dơ dáy trong cung, giấu đậy chuyện xưa, ngầm mong ơn Chúa. Vào cung ghen ghét, mày ngài chẳng chịu nhường ai; che miệng gièm pha, thuật cáo lại hay nịnh hót, lên ngôi Hậu, vẽ hình huy địch dẫn nhà vua vào lối hươu nai. Hơn nữa rắn rít sẵn lòng, sài lang thành tính, thân yêu gian ác, tàn hại trung lương. Giết chị giết anh, giết vua giết mẹ; Thần người đều ghét, trời đất không dung. Lại còn ôm ấp ý nghịch, lấm lét đồ thần, đầy con vua vào cung tối, giao cho giặc giữ ngôi cao…”

Võ Hậu đọc bài hịch, rồi nói với cận thần: “Ai là người viết bài hịch này?”. Có người đáp: “Kẻ đó là Lạc Tân Vương”. Võ Hậu lại hỏi: “Người này trước kia đã từng làm chức ngự sử, nhưng sau lại phải biếm”. Lại nhìn các đại thần hồi lâu, rồi phán: “Người có tài văn chương thế này, mà để họa phải lưu lạc không được dùng, đó là lỗi của tể tướng trước kia vậy”.

Học giả người Việt là Nguyễn Hiến Lê bình luận: “Võ Hậu đọc xong [bài hịch] mà không giận, đã khen là có tài, lại trách Tể tướng đã không biết thu phục, quả thực là có bản lãnh và biết trọng văn chương. Một phần có những bậc vua chúa như vậy mà văn học đời Đường mới toàn thịnh chăng?”

Võ Hậu có thể là một con người độc ác, nhưng không nhỏ nhen, lại có tài trị nước. Có vậy mới bao dung được Lạc Tân Vương, lại trọng dụng được những đại thần hiền năng như Lâu Sư Đức, Địch Nhân Kiệt, Tống Cảnh… khiến cho nhân dân yên ổn sinh sống, an cư lạc nghiệp. Vả lại, bà ta độc ác với những người mưu đồ lật đổ mình ở trong tôn thất, chứ không độc ác với bách tính, với giới văn nghệ sĩ trí thức. Thời Võ Hậu, văn nhân được hâm mộ, tụ lại kinh đô có tới cả vạn người. 

Mao chỉ tiếp thu ở Võ Hậu sự độc ác, mà không tiếp thu được tài trị quốc yên dân hay lòng bao dung với bách tính. Xem ra kể từ “người thầy vĩ đại” của ĐCSTQ, điều hay của cổ nhân thì không học được, còn điều dở thì tiếp thu trọn vẹn, còn phát huy tệ hại gấp trăm nghìn lần.

Tâm hồn lương thiện hóa giải những mưu tính độc ác và nhỏ nhen

Chúng ta quay lại với câu chuyện Keanu Reeves bị chính quyền Trung Nam Hải cấm cửa. Thực tế, vốn là một người trầm lặng, Reeves cũng không phát biểu điều gì bất lợi cho ĐCSTQ giống như một số minh tinh đã làm rồi kịp thời “ăn năn hối cải”. Reeves chỉ âm thầm sống theo nguyên tắc đạo đức của mình, làm những gì ông cho là chính đáng, như việc tham gia vào đêm nhạc ủng hộ Tây Tạng. Nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn cấm cửa đối với các sản phẩm văn nghệ có ông tham gia. Chẳng biết đối với một người sẵn sàng chịu thiệt thòi về thu nhập, rồi hào phóng chia sẻ hàng chục triệu USD để tăng lương thưởng cho đồng nghiệp, để làm từ thiện; một người sống quá đỗi giản dị, chẳng bao giờ muốn phô trương ồn ào… thì lệnh cấm ấy có ý nghĩa gì không?

Trải qua một thế kỷ tồn tại với vô số các cuộc vận động chính trị máu me, ĐCSTQ rất lão luyện những ngón nghề “dọa cho sợ, nhử cho tham”, từng áp dụng thành công tại quốc nội và với ngoại giới, nhưng đối với những người không sợ, không tham, chỉ tuân phục đạo đức, chính nghĩa như Keanu Reeves, hay Châu Nhuận Phát… thì nó hết cách.

21 năm trước, ngày 20 tháng 11 năm 2001, các học viên Pháp Luân Công từ 12 quốc gia đã kháng nghị ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại và tra tấn tàn ác các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. (Ảnh: Minghui.com)

Nó cũng bó tay bất lực với những người lấy Chân – Thiện – Nhẫn làm tôn chỉ cho đời sống, những người không yêu cầu gì hơn là được sống như một người lương thiện, và ngày càng trở nên tốt hơn nữa. Tháng 7/1999, Tổng bí thư Giang Trạch Dân cho rằng có thể tiêu diệt hoàn toàn Pháp Luân Công trong 3 tháng. Đã 23 năm trôi qua, cộng đồng tu luyện này ngày càng vững vàng và kiên định, số người thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên quan ngày càng nhiều, còn ĐCSTQ ngày càng lâm vào tuyệt lộ.

Tâm hồn lương thiện và vững vàng của những cá nhân hiền hòa vô hại hóa ra lại là điều có thể hóa giải những mưu tính độc ác và nhỏ nhen của những thế lực hung bạo nhất.

Nguyên Vũ

Chú thích:

(*): Tần Thủy Hoàng theo quan niệm phổ biến là một bạo chúa, nhưng theo những nghiên cứu gần đây, điều ấy không hoàn toàn chính xác.

Related posts