Đức Duy
Chiến tranh Nga – Ukraine đã khiến cả Nga và Ukraine chịu tổn thất. Nền kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhiều quốc gia lại được hưởng lợi; một số quốc gia thu lợi nhiều hơn các quốc gia khác từ cuộc chiến này. Chuyên giá đánh giá Mỹ thu về nhiều lợi ích nhất; trong khi Trung Quốc sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn, nhưng lại chịu thiệt hại trong dài hạn.
Ông Mike Sun, một chiến lược gia đầu tư Bắc Mỹ và chuyên gia về Trung Quốc, đánh giá rằng các nền kinh tế dựa vào tài nguyên, như Canada và Úc, đã hưởng lợi từ cuộc chiến này so với các nền kinh tế khác; Mỹ được hưởng lợi nhiều nhất; trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ mất nhiều hơn được trong dài hạn do bị cô lập trên toàn cầu.
Cuộc chiến Nga – Ukraine đã diễn ra được 5 tuần. Nhiều thành phố ở Ukraine bị tàn phá bởi pháo kích của Nga; hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Tuy nhiên, bản thân Nga cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế do chiến tranh và các lệnh trừng phạt do NATO dẫn đầu, và đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của ĐCSTQ.
Hôm 13/03, các quan chức Mỹ tiết lộ rằng sau khi chiến tranh bùng nổ, Nga đã đề nghị ĐCSTQ hỗ trợ kinh tế và quân sự. Ngày hôm sau, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tổ chức các cuộc thảo luận căng thẳng kéo dài 7 giờ đồng hồ tại Rome. Ông Sullivan bày tỏ lo ngại về sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Moscow, đồng thời cảnh báo về những hậu quả của hành động này.
Ông Sun nói với The Epoch Times rằng Mỹ đã thành công trong việc hợp lực với đồng minh để kiềm chế Nga. Mỹ cũng đang cảnh báo ĐCSTQ rằng “nếu ĐCSTQ giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của Mỹ, họ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”. Ông tin rằng trong cuộc chiến này, Mỹ được lợi nhiều nhất trong khi ĐCSTQ bị thiệt hại nhiều hơn so với bất kỳ lợi ích nào mà họ thu được.
Kinh tế Ukraine có thể suy giảm 35%
Không có gì bàn cãi, Ukraine bị tổn thất nặng nề bởi cuộc xâm lược của Nga.
Theo một báo cáo do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hôm 14/03, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã gây ra thiệt hại to lớn về người và của; đồng thời sản lượng kinh tế của Ukraine dự kiến sẽ giảm ít nhất 10% trong năm nay.
Dựa trên dữ liệu trước đó về các mức giảm thực tế của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thời chiến được thu thập từ Iraq, Lebanon, Syria và Yemen, báo cáo cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Ukraine có thể giảm từ 25 đến 35%
IMF cho biết, sau một cuộc khủng hoảng nhân đạo, dự kiến sẽ có một cuộc suy thoái kéo dài và chi phí tái thiết cao. Ngay cả khi chiến tranh kết thúc ngày hôm nay, thì chi phí để khôi phục cũng sẽ rất lớn.
Số liệu thống kê do Liên Hiệp Quốc công bố cho thấy hơn 2,8 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược, gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất Âu châu kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Nền kinh tế Nga sẽ thụt lùi ít nhất 30 năm
CNBC dẫn lời các nhà kinh tế, nhà đầu tư và nhà ngoại giao cho rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và cuộc tẩy chay toàn cầu bởi cuộc chiến này sẽ khiến nền kinh tế Nga thụt lùi ít nhất 30 năm và mức sống sẽ giảm trong vòng ít nhất 5 năm tới.
Theo phân tích của Castellum.AI, một nền tảng theo dõi các lệnh trừng phạt quốc tế, tính đến ngày 15/03, Nga đã phải chịu 6.807 lệnh trừng phạt do xâm lược Ukraine — vượt xa kỷ lục trước đó là 3.616 lệnh trừng phạt mà Iran phải đối mặt và 2.608 lệnh trừng phạt đối với Syria; khiến Nga trở thành nước bị xử phạt nhiều nhất trong lịch sử hiện đại.
Các biện pháp trừng phạt do NATO dẫn đầu nhằm mục đích loại Nga ra khỏi thị trường toàn cầu, đóng băng tài sản của nước này trên khắp thế giới và giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế Nga. Hai trong số đó có tác động mạnh mẽ nhất là: Thứ nhất, trục xuất các ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống SWIFT khiến họ khó có thể xử lý các giao dịch ở ngoại quốc và thứ hai, đóng băng hàng trăm tỷ euro dự trữ ngoại hối do Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ, khiến Nga không có dự trữ để hỗ trợ đồng rúp.
Ông Sun nói với The Epoch Times rằng bất kể kết quả của cuộc chiến là như thế nào, Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt dài hạn chưa từng có làm suy giảm đáng kể sức mạnh quốc gia, và việc phương Tây cắt đứt hoàn toàn quan hệ sẽ biến Nga thành một hòn đảo bị cô lập.
Âu châu chịu thiệt hại lớn nhất sau Nga và Ukraine
Ông Sun nói rằng sau Nga và Ukraine, thiệt hại kinh tế lớn nhất thuộc về Âu châu. Cuộc chiến Nga – Ukraine được coi là cuộc chiến lớn nhất trên lục địa Âu châu kể từ Đệ nhị Thế chiến. Ngoài thương vong và hàng triệu người tị nạn trong khu vực, cuộc chiến này được cho là sẽ gây trở ngại cho kinh tế Âu châu trong nhiều năm.
Hôm 10/03, nhà kinh tế trưởng Christine Lagarde của Ngân hàng Trung ương Âu châu (ECB) cho biết cuộc chiến sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động kinh tế và lạm phát do giá năng lượng và hàng hóa tăng cao hơn, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh quốc tế và làm giảm niềm tin.
Lấy ngũ cốc làm ví dụ. Nga và Ukraine đều là những quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn. Ukraine được mệnh danh là “vựa lúa của Âu châu”. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) dự đoán chiến tranh có thể dẫn đến việc có tới 20% đến 30% các vùng nông nghiệp của Ukraine không thể trồng trọt hoặc thu hoạch vào năm 2022; và giá lương thực thực phẩm thế giới vốn đã tăng cao có thể tăng thêm 22% vào giai đoạn 2022-2023.
Tuần trước, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay từ 4,2% xuống 3,7%. Trong khi đó, Goldman Sachs đưa ra một dự báo bi quan hơn, hạ mức tăng trưởng trong khu vực đồng euro trong năm nay từ 3,9% xuống 2,5% – giảm 1,4%.
Các quốc gia giàu tài nguyên hưởng lợi
Theo phân tích của ông Sun, nguồn năng lượng và khoáng sản của Nga bị hạn chế, đồng nghĩa với việc Canada, Úc, và các cường quốc tài nguyên ở Trung Đông sẽ được hưởng lợi.
Cả Canada và Úc đều là những nền kinh tế dựa vào tài nguyên. Canada là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn và là nước xuất khẩu phân kali lớn nhất thế giới. Úc là nguồn cung kim loại và khoáng sản hàng đầu thế giới, giàu than đá, quặng sắt, v.v.
Ông Sun kỳ vọng giá dầu sẽ sớm giảm trở lại bất chấp giá dầu đã tăng cao ngay sau khi chiến tranh bùng nổ. “Có rất nhiều dầu ở Trung Đông, và OPEC đã đồng ý tăng sản lượng, và giá dầu thô sẽ ngay lập tức giảm 20%”.
Giá dầu thô giảm xuống dưới 100 USD/thùng hôm 15/03, bù đắp phần lớn cho việc giá dầu tăng sau khi Nga xâm lược Ukraine. Cùng ngày, giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế giảm hơn 7% xuống 98,59 USD/thùng. Tuy nhiên, giá lại tăng vọt hôm 16/03 vì vẫn còn những bất ổn về cuộc chiến Nga – Ukraine.
Hoa Kỳ thu lợi nhiều nhất
Ông Sun tin rằng cuối cùng thì Mỹ sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến Nga – Ukraine.
Đầu tiên, ông nói rằng chiến lược tổng thể của Mỹ trong việc ứng phó với xung đột Nga – Ukraine là rất rõ ràng: Thống nhất Liên minh Âu châu chống lại Nga, làm suy yếu sức mạnh của Nga, và gắn kết các quốc gia Âu châu.
Thứ hai, Mỹ sẽ được lợi về mặt kinh tế. Một khi Âu châu chuyển khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, các quốc gia khác sẽ thay thế Nga để gia nhập thị trường Âu châu. Ông dự đoán rằng đến một thời điểm nào đó, Mỹ cuối cùng sẽ tăng cường bán khí đốt tự nhiên cho khu vực đồng euro.
Ngoài ra, các công ty quân sự của Mỹ sẽ được hưởng lợi. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã cảnh báo các quốc gia khác, đặc biệt là Đức và Nhật Bản. Đức có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 2% GDP bắt đầu từ năm nay; và Nhật Bản cũng đang chuẩn bị tăng cường lực lượng quốc phòng.
Hôm 14/03, Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố Đức sẽ chi 100 tỷ euro (khoảng 113 tỷ USD) để mua 35 chiến đấu cơ F-35 của Mỹ để thay thế các chiến đấu cơ Tornado cũ kỹ trong một đợt nâng cấp vũ khí. Đây là thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên của Mỹ kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
Thứ tư, nếu Mỹ và các đồng minh NATO của họ thành công trong việc kiềm chế Nga, Mỹ có thể quay trở lại Á châu để tập trung vào ĐCSTQ. Ông Sun cho rằng các nhân vật cấp cao hơn của chính phủ Hoa Kỳ hiện đã rõ ràng rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ; và chính phủ Tổng thống Biden đã đề ra một chiến lược lâu dài để ứng phó với ĐCSTQ. Ông tin rằng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ đối với Nga đang “sát kê cảnh hầu” (giết gà dọa khỉ), một thành ngữ Trung Quốc có nghĩa là trừng phạt một người để cảnh báo một mục tiêu khác có nguồn lực tốt hơn.
Ông Sun nói, “sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang và hiện đã dần lan sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước mắt, cuộc chiến Nga – Ukraine vừa có lợi vừa có hại đối với ĐCSTQ. Lợi ích lớn nhất nằm ở việc Nga gia tăng sự phụ thuộc vào ĐCSTQ. ĐCSTQ có thể giải quyết một phần đáng kể nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là quan hệ Trung – Mỹ không còn có thể trở lại như xưa. Vì vậy, về lâu dài, những bất lợi sẽ vượt trội những thuận lợi, và ĐCSTQ sẽ tổn thất nhiều hơn”.
Cuối cùng, ông Sun dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người đã nhắc nhở Trung Quốc sau các cuộc thảo luận cao cấp giữa Mỹ và Trung Quốc ở Alaska hồi tháng 3 năm ngoái, “cá cược chống lại Mỹ chưa bao giờ là một cuộc cá cược tốt”.
Đức Duy
Theo The Epoch Times