Nga đe dọa chỉ giới hạn xuất cảng nông sản sống còn cho các quốc gia ‘thân thiện’

Katabella Roberts

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev tham dự cuộc họp với các thành viên chính phủ ở Moscow, Nga, hôm 15/01/2020. (Ảnh: Sputnik/Dmitry Astakhov/Pool/Reuters/Ảnh tư liệu)

Một quan chức cao cấp của chính phủ Nga đã đe dọa chỉ giới hạn xuất cảng nông sản sang các quốc gia “thân thiện” trong bối cảnh các quốc gia phương Tây [đã áp đặt] lệnh trừng phạt nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của nước này.

Ông Dmitry Medvedev, nguyên là tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012 và hiện là phó thư ký hội đồng an ninh của đất nước, đã nói trên Telegram hôm 01/04, nơi ông đã cảnh báo về hành động tiềm năng này.

Theo trang Breitbart, ông Medvedev nói rằng nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung cấp lương thực từ Nga, nước xuất cảng lúa mì chủ đạo trên toàn cầu, viết: “Hóa ra lương thực là vũ khí thầm lặng của chúng tôi. Yên lặng nhưng đáng ngại.”

Ông tiếp tục, “Ưu tiên trong nguồn cung cấp thực phẩm là thị trường nội địa của chúng tôi. Và kiểm soát giá cả. Chúng tôi sẽ chỉ cung cấp lương thực và cây trồng cho những bằng hữu của chúng tôi (may mắn thay, chúng tôi có rất nhiều bằng hữu, và không ai trong số họ ở Âu Châu hay ở Bắc Mỹ). Chúng tôi sẽ bán cả bằng đồng rúp lẫn tiền tệ quốc gia của họ theo tỷ lệ đã thỏa thuận.”

Sau đó, ông giải thích rằng Nga sẽ không cung cấp các loại hàng hóa và nông sản cho những quốc gia mà họ coi là “kẻ thù”.

Ông tiếp tục, “Và chúng tôi sẽ không mua bất cứ thứ gì từ họ (mặc dù chúng tôi đã không mua bất cứ thứ gì kể từ năm 2014, nhưng danh sách các sản phẩm bị cấm nhập cảng có thể được mở rộng hơn nữa).” Trước đó, Nga đã áp đặt lệnh cấm nhập cảng một số sản phẩm nông nghiệp từ EU và các nước phương Tây khác vào năm 2014 sau khi thôn tính Crimea.

Những người nông dân thu hoạch bằng máy gặt liên hợp của họ trên một cánh đồng lúa mì gần làng Tbilisskaya, Nga, vào ngày 21/07/2021. (Ảnh: AP Photo/Vitaly Timkiv)

Nga đóng vai trò là nước xuất cảng lớn nhất trên thế giới về một số mặt hàng, bao gồm dầu hướng dương, lúa mạch và lúa mì; trong đó lúa mì chủ yếu cung cấp cho Phi Châu và Trung Đông.

Theo số liệu thống kê của Observatory of Economic Complexity, Nga là nước xuất cảng lúa mì lớn nhất thế giới, đã xuất cảng 10.1 tỷ USD lúa mì chỉ riêng trong năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19 toàn cầu và các vấn đề chuỗi cung ứng khác nhau.

Liên minh Âu Châu và Ukraine là những đối thủ cạnh tranh chính của nước này trong thương mại lúa mì, biểu hiện ở các mặt hàng như mì ống, bánh mì, ngũ cốc, và thực phẩm chiên rán cho người tiêu dùng.

Lệnh cấm xuất cảng một số nông sản tới các quốc gia được gọi là “không thân thiện” có thể gây thêm áp lực lên những quốc gia vốn đang chuẩn bị cho tình trạng thiếu lương thực tiềm ẩn do cuộc xâm lược Ukraine của Điện Kremlin và các lệnh trừng phạt sau đó của phương Tây.

Nói về tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm 24/03 rằng “chuyện này sẽ thành hiện thực”, lưu ý rằng “cái giá của những lệnh trừng phạt này không chỉ áp đặt lên Nga, mà nó còn được áp đặt lên rất nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước Âu Châu và cả đất nước chúng ta nữa.”

Ông Biden cho biết Hoa Kỳ và Canada có thể cần phải tăng cường sản xuất lương thực để tránh tình trạng thiếu hụt ở Âu Châu và những nơi khác.

Tuy nhiên, ít có khả năng Hoa Kỳ sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng, trong khi các quốc gia Âu Châu phụ thuộc nhiều hơn vào nhập cảng của Nga, cũng như các quốc gia kém phát triển hơn về kinh tế, có thể chứng kiến lượng hàng hóa ít ỏi hơn trên các kệ siêu thị.

Nhận xét của Thủ tướng Medvedev được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra thời hạn cho các khách hàng từ các quốc gia “không thân thiện”, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh Âu Châu, bắt đầu thanh toán cho các chuyến giao khí đốt của Nga bằng đồng rúp hoặc bị cắt hợp đồng.

Nhiều khách hàng Âu Châu mua năng lượng của Nga cho đến nay đã từ chối đáp ứng đòi hỏi này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Slovakia hôm Chủ Nhật cho biết đất nước của ông sẵn sàng làm như vậy.

Bà Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bà đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts