Phan Huy
3-4-2022
Sáng nay, theo Giấy mời, chúng mình rủ nhau đến trụ sở của VUSTA, 53 Nguyễn Du, leo bộ lên tận tầng ba, dự Toạ đàm học thuật. Đề tài: “Cuộc chiến Nga – Ukraine và tác động đến cục diện quốc tế”. Giấy mời còn kèm theo cả đề cương ba gạch đầu dòng: i) Nhận diện cuộc chiến: “Chiến dịch quân sự đặc biệt” hay “chiến tranh xâm lược”; ii) Tác động đối với thế giới/ khu vực; iii) Tác động đối với Việt Nam.
Đập vào tai ngay khi vừa bước vào hội trường là cuộc khẩu chiến chát chúa. Kẻ đứng người ngồi, “nhấp nhô” hàng ghế đầu khoảng 15 – 20 cụ trạc tuổi 75 – 80, toàn giáo sư, tiến sỹ. Có GS-Viện trưởng Tô Duy Hợp, GS. Hoàng Chí Bảo, GS. Đặng Quốc Bảo, GS. Vũ Huy Thông, GS. Công Nghĩa Tụ, PGS-TS Trương Sỹ Hùng… Một ông có dáng vẻ sếp, hỏi ra mới biết là Chánh VP VUSTA Lê Công Lương “tôn kính”, giọng bề trên: “Ukraine hiện là vấn đề nhậy cảm, không thể tổ chức toạ đàm học thuật ở đây được. Các vị không được phép”.
“Ơ hay, họp bàn công việc của Viện, và trong khuôn khổ ấy, chúng tôi mời TS. Đinh Hoàng Thắng, một nhà ngoại giao lâu năm, có trách nhiệm, am hiểu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại nói về đề tài thời sự…”, một GS. phản kháng. Vẫn ông Lương: “Đến cả cựu Chủ tịch VUSTA Đặng Vũ Minh (sếp cũ của Lê Công Lương) xin mượn địa điểm để họp liên quan đến những người học ở bên mấy xứ ấy về mà còn không được phép, nữa là các ông, mời các vị đi về…”
“Không cho toạ đàm thì chúng tôi họp tổng kết vậy”, một vị khác nài nỉ. Vẫn cái giọng lệnh vỡ của Công Lương: “Họp cũng không được, mời quý vị ra về”. Một GS. già bật dậy, giọng không còn mấy bình tĩnh: “Thế ông đưa cái lệnh cấm tổ chức toạ đàm chúng tôi xem. Có giấy tờ gì không?”. Đến đây thì Công Lương bí: “Giấy tờ… thì không có nhưng có lệnh. Mời các ông ra về…”.
Dòng người vẫn tiếp tục ra – vào khán phòng. Tốp đầu tiên gồm các Tiến sỹ Quang A, Nguyễn Ngọc Chu, Tạ Đình Thính, Đinh Hoàng Thắng… rời hội trường trong vội vàng. Dòng đi vào thì ngơ ngác, không biết chuyện gì vừa xẩy ra… Xung quanh cổng VUSTA thấy khá đông công an chìm nổi và bảo vệ, kéo cổng, không cho người vào.
Chiếc xe đeo biển Ngoại giao của Đại biện Ukraine có cắm cờ hai màu xanh – vàng, đậu bên lề đường, phía cổng chính cơ quan. Hoá ra, vì có nhân tố nước ngoài, nên “lệnh trên” càng quyết tâm dẹp toạ đàm. Trên hội trường, có nghe ông Lương “gào” ý này nhưng thật ra mình không hiểu, thời này là thời nào mà còn “nước ngoài với nước trong”… “Yếu tố nước ngoài” là cái quái gì?
Không nhẽ, vì sự có mặt rất đáng trân trọng của Madame đại diện “chân chính và duy nhất” (theo cách nói xưa học trong trường) cho quân dân Ukraine đang chiến đấu vì dân chủ và tự do của chính họ, và cũng là cho cả thế giới nữa, trong đó có Việt Nam ta… mà cấm mở mồm nói về đất nước và con người xứ hoa “Hướng Dương”?
Những bà cụ, những phụ nữ, có người còn sinh con dưới làn tên lửa siêu thanh và bom nhiệt áp của Nga… Họ đang trú dưới các nhà ga metro lạnh cóng, nhiều nơi không điện, không nước… giữa bom rơi đạn lạc, đất nước tan hoang. Ôi, Ukraine và Việt Nam, hai nước cùng chung một “cuộc chiến tháng hai”… Khi nào chúng ta mới hết đau khổ? Cuộc chiến giữa chuyên chế và dân chủ này còn bao lâu nữa mới kết thúc?
Thế là cuộc toạ đàm học thuật về Ukraine bị “bức tử”. Nhưng trong hoạ có phúc! Nhờ thế mới được ngồi nói chuyện với các bác, các cụ, còn được nhận sách từ nữ nhà văn Phan Thuý Hà và cô Đại biện Ukraine. Gọi cô, vì nàng còn trẻ và là một phụ nữ quá tuyệt vời. Nataliya Zhynkina tỏ ra thông cảm về chuyện “hoãn” toạ đàm và vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xẩy ra. Nataliya cười rất duyên gợi nhớ câu thơ trong tập “Thơ Không Tuổi” – Tác giả Vũ Tuấn Hoàng – nàng vừa tặng: “Trên đời đau khổ tột cùng/ Ngục trung xiềng xích, khát vùng tự do…”
Ôi, Ukraine của tôi! “Cầu mong Thượng đế lòng lành…”