Sự bất ổn định của khu vực chiến sự đã khiến các công ty cả lớn và nhỏ phải nhấn nút tạm dừng các hoạt động ở Ukraine. Trong khi một số thì đang đóng cửa vô thời hạn, những công ty khác đã tìm các cách để tiếp tục hoạt động bằng cách sắp xếp lại nhân viên hoặc thay đổi kế hoạch làm việc và các dự án. Tác động lâu dài đối với nền kinh tế địa phương và toàn cầu vẫn còn chưa rõ.
Trong ngành công nghiệp xe hơi, Porsche đã đóng cửa một số dây chuyền sản xuất ở Âu Châu do gián đoạn chuỗi cung ứng. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến việc sản xuất các mẫu xe bao gồm 911, 718, Macan, Panamera, Cayenne, và Taycan. Công ty này cho rằng sự thiếu hụt bộ dây an toàn là một trong những lý do đằng sau quyết định của họ, vì 7% dây an toàn tự động trên thế giới được sản xuất tại Ukraine. Porsche cũng đã quyên góp 1.1 triệu USD để giúp đỡ những người tị nạn và trẻ em ở Ukraine, đồng thời ngừng giao xe sang Nga. Audi và BMW cũng tạm dừng sản xuất, trong khi Mercedes-Benz giảm các mức sản lượng của họ.
Ông Cornelis Fichtner, chủ tịch của OSP International, LLC, một công ty đào tạo quản lý dự án ở Silverado, California, cho biết một số thành viên trong nhóm bán thời gian và toàn thời gian của công ty sống ở Ukraine. “Chúng tôi đang cung cấp miễn phí dịch vụ tư vấn cho các thành viên trong nhóm người Ukraine đã đăng ký – và những người khác bị ảnh hưởng,” ông Fichtner nói với The Epoch Times. Trong cuộc xung đột này, công ty cũng đang cấp thời gian nghỉ cá nhân cho các nhân viên khi cần thiết. Trong khi một số đang nghỉ, những người khác đang tìm cách tiếp tục công việc, ông Fichtner nói thêm. “Nhiều người muốn tiếp tục làm việc để đưa cuộc xung đột ra khỏi tâm trí họ.”
Exoft, một công ty nhu liệu có trụ sở chính tại Lviv, Ukraine, đã chứng kiến 10% đội ngũ của mình chuyển đến Âu Châu, nơi họ sẽ tiếp tục làm việc cho công ty. “Khi cuộc chiến tranh bắt đầu, chúng tôi ngay lập tức cảnh báo khách hàng của mình về tình hình này,” ông Bohuslava Zhyvko, người đứng đầu bộ phận tiếp thị của Exoft, nói với The Epoch Times. “Đối với nhân viên của chúng tôi, các quy tắc mới đã được đưa ra, có tính đến những thực tế mới.” Công ty đã đưa ra các lịch trình làm việc linh hoạt và thông báo rằng có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi, với việc giữ an toàn được liệt kê là Quy tắc số 1.
Ông Dmytro Serheeiv, một chuyên gia thuế chuyên nghiệp và là đồng sở hữu của PDFLiner, công ty giúp công dân Hoa Kỳ khai thuế và điền vào các biểu mẫu khác, đã chuyển đến Hoa Kỳ từ Ukraine nhiều năm trước. Khoảng một nửa số nhân viên của công ty ông là sống ở Ukraine và làm việc từ xa từ Kyiv, Kharkiv, và Odessa.
Ông Serheeiv nói với The Epoch Times: “Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, công ty của tôi đã chuyển toàn bộ tiền lương và tiền thưởng hàng tháng cho nhân viên của chúng tôi ở Ukraine để giúp họ di dời kịp thời và an toàn.” Công ty cũng thực hiện giờ làm việc linh hoạt với sự bảo đảm về đầy đủ tiền lương và các khoản thanh toán hàng tuần trong những tháng tới. “Hôm nay tất cả các nhân viên Ukraine của chúng tôi và gia đình của họ đã an toàn ở Ba Lan và nhận được sự giúp đỡ thích đáng từ chính phủ địa phương.”
Về diện tích đất, Ukraine là quốc gia lớn thứ hai ở Âu Châu, xếp ngay trên Pháp và đứng sau Nga, quốc gia có diện tích hơn 6,600,000 dặm vuông, so với 233,000 dặm vuông (943 km2) của Ukraine. Thường được gọi là “giỏ bánh mì của Âu Châu,” khoảng 32 triệu ha đất của Ukraine thường được sử dụng hàng năm để trồng trọt. Các mặt hàng xuất cảng chính của nước này là bắp, dầu hạt, quặng sắt, và lúa mì. Quốc gia này sản xuất 18% dầu hạt hướng dương và hạt bông của thế giới, cùng với 13% sản lượng bắp của thế giới, 12% lượng tiêu thụ lúa mạch, và 8% lúa mì của thế giới. Năm 2020, Ukraine là nước xuất cảng dầu hạt lớn nhất thế giới.
Cuộc xung đột đang diễn ra đặt ra những câu hỏi liên quan đến các mức sản lượng của năm nay, vì không rõ liệu họ sẽ có thể thu hoạch được các loại cây trồng hiện đang phát triển hay không. Sự bấp bênh cũng vây quanh vụ mùa trồng trọt sắp tới, vì sản lượng sắp tới sẽ phụ thuộc vào việc có thể trồng các loại cây mới hay không và việc chăn nuôi gia súc có thể tiếp tục hay không. Nếu chiến tranh kéo dài và ngăn cản người lao động tiếp tục các hoạt động của nông trại, thì các khu vực có thể bị thiếu lương thực do gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh bất ổn, giá lúa mì đã tăng, mặc dù trong tương lai tình trạng thiếu lương thực có thể được giảm bớt hoặc tránh được nếu nông dân ở các khu vực khác có thể bù đắp được thiệt hại do Ukraine và Nga gây ra. Nếu xuất cảng lúa mì từ Ukraine và Nga giảm, thì các hoạt động ở các khu vực khác trên thế giới mà thường sản xuất bắp có thể chuyển sang lúa mì để tăng nguồn cung. Sự lựa chọn của người tiêu dùng cũng có thể thay đổi, với một số người chọn các sản phẩm có giá thấp hơn và sẵn có hơn, chẳng hạn như gạo hoặc khoai tây.
Verallia, một nhà sản xuất chai thủy tinh của Pháp, đã thông báo tạm dừng sản xuất tại địa điểm của họ ở Zorya, Ukraine, để ưu tiên cho sức khỏe của nhân viên và bảo vệ nhà máy.
“Trong thời gian này, chúng tôi đã quyết định ngừng sản xuất – theo đúng các kế hoạch về khủng hoảng của chúng tôi – một cách có trật tự và có kiểm soát để bảo vệ nhân viên của chúng tôi,” Tổng giám đốc Dirk Bissel tuyên bố.
Verallia sản xuất bao bì thủy tinh cho các mặt hàng thực phẩm và đồ uống và có 32 nhà máy thủy tinh tại 11 quốc gia. Một nhà sản xuất thuỷ tinh khác, Vetropack, có nhà máy bị hư hại nghiêm trọng bởi hoạt động quân sự hồi đầu tháng Ba. Không có nhân viên nào bị thương; nhà máy đó đã đóng cửa vô thời hạn.
Bà Rachel Hartman là một nhà văn tự do có kiến thức về kinh doanh và tài chính. Tác phẩm của bà đã xuất hiện trên các ấn phẩm trong nước và quốc tế trong hơn 10 năm qua. Bà sống ở Miami và thường xuyên đi du lịch.
Cẩm An biên dịch