Liệu liên minh Trung-Nga mới có thể gây bất ổn trật tự thời hậu Đệ nhị Thế chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo?
Những nỗ lực tiềm năng nhằm hỗ trợ Nga bán dầu và né tránh các lệnh trừng phạt của Phương Tây đã làm dấy lên lo ngại về sự tồn tại của trật tự kinh tế toàn cầu. Một số người tự hỏi liệu sự thúc đẩy phi dollar hóa liên tục của Trung Quốc và Nga có mở rộng, khiến quyền bá chủ của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu lâm vào tình thế nguy hiểm hay không.
Trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc và Nga đã cố gắng đa dạng hóa khỏi đồng USD chủ yếu để bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi các lệnh trừng phạt của Phương Tây và khẳng định vị thế dẫn đầu kinh tế toàn cầu.
USD là đồng tiền dự trữ chính của thế giới kể từ Đệ nhị Thế chiến. Đồng bạc xanh chiếm 59% dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương toàn cầu vào năm 2021, tiếp theo là đồng euro (21%) và yên Nhật (6%). Đồng USD cũng là tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất cho thương mại và đầu tư quốc tế.
Trung Quốc có một lượng lớn dự trữ USD và không cho phép đồng nhân dân tệ của họ được tự do mua bán trên thị trường ngoại hối. Điều này hạn chế việc sử dụng tiền tệ trong các giao dịch xuyên biên giới.
Nhân dân tệ, còn được gọi là đồng nhân dân tệ (RMB), chỉ chiếm 2.7% dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Trong khi Bắc Kinh vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đồng USD, họ đã cố gắng thúc đẩy đồng nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại song phương của mình. Trung Quốc thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một dự án cơ sở hạ tầng và thương mại lớn nhằm hồi sinh Con đường Tơ lụa cổ đại. Nhiều quốc gia BRI đã chấp nhận đồng nhân dân tệ làm tiền tệ chính thức cho thương mại với Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đưa ra các hợp đồng dầu định giá bằng đồng nhân dân tệ vào năm 2018 để tạo điều kiện cho các quốc gia xuất cảng dầu thô như Saudi Arabia có thể bán dầu của họ bằng đồng tiền của Trung Quốc.
Nhưng sự thống trị của đồng USD trên thị trường dầu mỏ đang được giữ vững. Gần 80% doanh số bán dầu toàn cầu vẫn được tính bằng USD.
Theo ông Christopher Balding, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc và là tác giả của cuốn sách “Các quỹ đầu tư quốc gia: Sự giao thoa mới của Tiền và Chính trị” (“Sovereign Wealth Funds: The New Intersection of Money and Politics“): “về mặt lý thuyết Trung Quốc có khả năng không bận tâm đến ngày mai và cung cấp một đối trọng vững chắc đối với đồng USD.”
Ông Balding nói, nhưng Bắc Kinh sẽ không cho phép điều đó, và lý do rất đơn giản.
Ông nói với The Epoch Times: “Để trở thành một loại tiền tệ toàn cầu, phải có một mức giá toàn cầu. Cần phải có các dòng chảy toàn cầu của tiền tệ. Trung Quốc sẽ không để điều đó xảy ra. Họ sẽ không cho phép giá trên toàn cầu được thiết lập với dòng chảy tự do của Nhân dân tệ. Vì vậy, cho đến khi Trung Quốc đưa ra quyết định chính trị cho phép điều đó, thì thực sự không có gì phải bàn cãi.”
Một liên minh đang phát triển
Trước khi xâm lược Ukraine, Moscow đã dành nhiều năm cố gắng tự bảo vệ mình khỏi tác động của các lệnh trừng phạt. Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã cắt giảm đáng kể việc sử dụng USD. Dự trữ USD của Nga đã giảm từ gần 40% trong kho dự trữ của ngân hàng trung ương vào năm 2017 xuống còn 16% vào năm 2021. Chính phủ Nga đã bán phần lớn tài sản là Trái phiếu Kho bạc Mỹ và loại bỏ tài sản bằng USD khỏi quỹ tài sản quốc gia của mình.
Trước tình hình quan hệ với Phương Tây ngày càng xấu đi trong những năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị, và quân sự.
Vào năm 2019, hai quốc gia này đã ký một thỏa thuận để mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng rúp trong thương mại song phương. Cùng năm đó, ngân hàng trung ương Nga đã tăng tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối từ 5% lên 15 %.
Theo ông Balding, Trung Quốc dường như cũng đang chuẩn bị cho khả năng bị trừng phạt mạnh mẽ hoặc bị cắt khỏi thị trường toàn cầu trong trường hợp xâm lược Đài Loan. Ví dụ, họ có trong tay lượng lúa mì trị giá vài năm, ông Balding nói. Bắc Kinh cũng đã cố gắng bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng của mình trong nhiều năm. Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt kéo dài 30 năm với Gazprom của Nga vào đầu năm nay. Nước này cũng đang cố gắng thúc đẩy sản xuất than trong nước để cắt giảm nhu cầu nhập cảng than.
Các biện pháp trừng phạt của Phương Tây đối với Nga đang mang lại cho Bắc Kinh một cơ hội duy nhất để nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế. Các quan chức Trung Quốc hy vọng rằng hợp tác với Nga sẽ giúp họ xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính dựa trên đồng nhân dân tệ, bao gồm Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên Biên giới (CIPS), đối thủ của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), và hệ thống thanh toán thẻ ngân hàng.
Dầu thô của Nga đang được bán với mức chiết khấu đáng kể so với các mức chuẩn toàn cầu. Và các nhà lọc dầu Trung Quốc đang âm thầm khai thác dầu thô giá rẻ từ Nga. Theo Bloomberg, một số người mua Trung Quốc thậm chí còn được linh hoạt khi thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Và không chỉ Nga muốn nắm lấy đồng nhân dân tệ. Ả Rập Xê Út, quốc gia có mối quan hệ với Hoa Thịnh Đốn đã nguội lạnh sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, được cho là đang cân nhắc chấp nhận đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD để bán dầu cho Trung Quốc. Trung Quốc, nhà nhập cảng dầu thô hàng đầu thế giới, mua hơn 25% lượng dầu mà Ả Rập Xê Út xuất cảng.
Trong khi đó, Ấn Độ đang mua dầu chiết khấu của Nga, và đang khám phá kế hoạch trao đổi đồng rupee-ruble để tránh các lệnh trừng phạt.
Theo ông Michael O’Sullivan, tác giả của cuốn sách “San bằng: Điều gì tiếp theo sau toàn cầu hóa” (“The Leveling: What’s Next After Globalization”): “Đó chỉ là một sự kiện hoặc một bài kiểm tra giới hạn khác chứng minh rằng toàn cầu hóa đã kết thúc.”
Ông O’Sullivan nói với The Epoch Times, mọi người đang trở nên hào hứng với việc này vì họ cho rằng đó là thời điểm mà sự thống trị tài chính của Phương Tây có thể kết thúc, điều khó có thể xảy ra.
Trong giao dịch thương mại trên toàn thế giới, USD cho đến nay là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất. Theo Cục Dự trữ Liên bang, từ năm 1999 đến 2019, đồng USD chiếm 96% trong việc lập hóa đơn thương mại ở Mỹ Châu, 74% ở Á Châu-Thái Bình Dương và 79% ở các nước còn lại trên thế giới. Ngoại lệ duy nhất là Âu Châu, nơi đồng euro là đồng tiền thống trị.
Ông O’Sullivan nói: “Rất khó để thấy người Trung Quốc sẽ thực sự tăng việc sử dụng đồng tiền của họ như thế nào, đặc biệt là vào thời điểm họ đang xa lánh thế giới phương Tây.”
Nhà kinh tế Milton Ezrati tin rằng phong trào phi dollar hóa có thể làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ trong dài hạn.
Ông nói, nhưng câu hỏi đặt ra là việc này sẽ diễn ra ở mức độ nào.
Đồng USD không còn như những thập niên trước, ông Ezrati thừa nhận, nhưng nó vẫn là lựa chọn tốt nhất và khó có thể sớm mất vị thế.
Kể từ Hiệp định Bretton Woods năm 1944, đồng bạc xanh đã trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ lệ nắm giữ dự trữ USD của các ngân hàng trung ương đã giảm xuống 59% vào năm 2021 từ 71% vào năm 1999.
Theo ông Ezrati, Cục Dự trữ Liên bang đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên và phải tăng lãi suất hơn nữa để kiểm soát nó, vì đây là cách duy nhất để bảo vệ vị thế của đồng USD.
“Biện pháp bảo vệ tốt nhất duy nhất, nếu quý vị muốn duy trì vị thế của mình như một loại tiền tệ hàng đầu, là đảm bảo giá trị thực của nó. Và điều đó có nghĩa là phải chống lại lạm phát.”
Cô Emel Akan là ký giả đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, cô làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Cô tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Vân Du biên dịch