Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

(Từ trái qua phải) Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar lắng nghe khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trên màn hình) trình bày trong cuộc họp trực tuyến tại Thính phòng Tòa án phía Nam của khu phức hợp Tòa Bạch Ốc hôm 11/04/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Tổng thống Biden kêu gọi Thủ tướng Modi không đẩy nhanh việc mua dầu từ Nga

Hôm thứ Hai (11/04), Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ không đẩy nhanh việc mua dầu của Nga khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác cố gắng cắt giảm thu nhập năng lượng của Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine. Thủ tướng Ấn Độ không đưa ra cam kết công khai nào về việc kiềm chế mua dầu của Nga, một nguyên nhân gây căng thẳng với Hoa Kỳ.

Gặp gỡ qua cuộc gọi video, ông Biden nói với ông Modi rằng Hoa Kỳ có thể giúp Ấn Độ đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình, theo Tham vụ Báo chí Jen Psaki. Mặc dù Ấn Độ nhận được rất ít dầu từ Nga, nhưng gần đây nước này đã tăng cường mua một lượng lớn dầu khi các nền dân chủ khác đang cố gắng cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Tổng thống cũng nói rõ rằng ông ấy không tin là việc đẩy nhanh hoặc tăng nhập cảng năng lượng của Nga hoặc các mặt hàng khác của Nga sẽ mang lại lợi ích cho Ấn Độ,” bà Psaki nói.

Khi hai quốc gia kết thúc cuộc họp bàn, ông Biden nói rằng họ cam kết tăng cường mối quan hệ của mình. Các quan chức Tòa Bạch Ốc không thể nói liệu Ấn Độ có đứng về phía họ trong việc hoàn toàn lên án ông Putin hay không, nói rằng sự lựa chọn cuối cùng thuộc về chính phủ của ông Modi. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau trực tiếp vào ngày 24/05 tại Tokyo cho một hội nghị thượng đỉnh của Bộ Tứ, một liên minh có cả Úc và Nhật Bản.


Thị trưởng Mariupol cho biết cuộc vây hãm đã khiến hơn 10,000 thường dân thiệt mạng

Thị trưởng thành phố cảng Mariupol của Ukraine cho biết hôm thứ Hai (11/04) rằng hơn 10,000 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc bao vây đối với thành phố của ông và con số thiệt mạng có thể vượt qua 20,000 người, với những thi thể “rải thảm trên các đường phố.”

Trình bày qua điện thoại hôm thứ Hai với hãng thông tấn AP, Thị trưởng Vadym Boychenko cũng cho biết quân đội Nga đã mang thiết bị hỏa táng di động đến Mariupol để xử lý các thi thể và ông cáo buộc lực lượng Nga từ chối cho phép các đoàn xe nhân đạo vào thành phố nhằm che giấu cuộc tàn sát này.

Quân đội Nga đã đưa nhiều thi thể đến một trung tâm mua sắm lớn, nơi có các kho chứa và tủ lạnh, ông Boychenko nói.

Ông nói: “Các lò hỏa táng di động đã xuất hiện dưới dạng xe tải: Quý vị mở nó ra, và có một đường ống bên trong và những thi thể này được hỏa táng.”

Các bình luận của thị trưởng xuất hiện khi Nga tuyên bố rằng họ đã phá hủy một số hệ thống phòng không của Ukraine trong điều dường như là một nỗ lực mới để giành ưu thế trên không và hạ gục những vũ khí mà Kyiv mô tả là rất quan trọng, trước một cuộc tấn công quy mô lớn mới dự kiến sẽ diễn ra ​​ở phía đông.


Nga sẽ không tạm dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine cho các cuộc đàm phán hòa bình

Nga sẽ không tạm dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine của mình cho các vòng đàm phán hòa bình tiếp theo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hôm thứ Hai (11/04).

Các quan chức Nga cho biết các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine không tiến triển nhanh chóng như họ mong muốn và đã cáo buộc phương Tây đang cố gắng làm chệch hướng đàm phán bằng cách đưa ra các cáo buộc tội ác chiến tranh chống lại quân đội Nga ở Ukraine, điều mà Moscow phủ nhận.

Trình bày trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Nga, Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông không thấy có lý do gì để không tiếp tục đàm phán với Ukraine, nhưng khẳng định Moscow sẽ không ngừng chiến dịch quân sự của mình khi các bên triệu tập trở lại.

Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh đình chỉ hành động quân sự trong vòng đàm phán đầu tiên giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine hồi cuối tháng Hai, nhưng quan điểm của Moscow đã thay đổi kể từ đó.

Ông Lavrov nói: “Sau khi chúng tôi tin rằng người Ukraine không có kế hoạch đáp trả, chúng tôi đã quyết định rằng sẽ không tạm dừng (chiến dịch quân sự) trong các vòng đàm phán tiếp theo, chừng nào chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.”

Tuần trước (04-10/04), ông Lavrov cáo buộc Kyiv đã trình bày với Moscow một bản dự thảo thỏa thuận hòa bình “không thể chấp nhận được”, đi ngược lại với các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được trước đó. Tại thời điểm đó Kyiv đã bác bỏ những bình luận của Ngoại trưởng Lavrov, gọi đó là một chiến thuật nhằm làm suy yếu Ukraine hoặc chuyển hướng sự chú ý khỏi những cáo buộc tội ác chiến tranh đối với quân đội Nga.


Ukraine cho biết quân đội vẫn đang cầm cự ở thành phố Mariupol bị bao vây

Hôm thứ Hai (11/04), Ukraine cho biết các lực lượng của họ vẫn đang cầm cự ở cảng Mariupol, nơi Nga đang tiếp tục tấn công vào thành phố này.

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, cho biết trên Facebook: “Liên lạc với các đơn vị của lực lượng phòng thủ anh hùng đang giữ cho thành phố được ổn định và duy trì.”

“Chúng tôi đang làm những điều có thể và không thể vì chiến thắng và bảo toàn tính mạng của nhân viên và dân thường ở mọi hướng. Hãy tin tưởng vào Lực lượng vũ trang Ukraine!”

Trước đó, một bài đăng trên trang Facebook của một lữ đoàn thủy quân lục chiến đóng trong thành phố cho biết họ đã hết đạn dược và hiện đang đối mặt với cái chết hoặc sự giam giữ, với khả năng ngày thứ Hai sẽ là “trận chiến cuối cùng.”

Ông Petro Andryushchenko, một phụ tá của thị trưởng Mariupol, cho biết trên mạng xã hội rằng trang của những binh lính thủy quân lục chiến này đã bị tấn công và bài đăng đó là giả mạo. Reuters không thể xác minh thông tin này một cách độc lập.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Điện Kremlin sẽ không ngừng chiến dịch của mình cho bất kỳ vòng đàm phán hòa bình mới nào.


Điện Kremlin phản hồi tuyên bố về NATO của cựu Tổng thống Clinton

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ bình luận của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton về chính sách mở cửa của NATO đối với Nga. Ông cho rằng Hoa Thịnh Đốn đã khiến Moscow không thể gia nhập Liên minh.

“Tôi biết chắc rằng phía Mỹ đã nhiều lần lên tiếng về việc không thể có tư cách thành viên như vậy. Trên thực tế là ngược lại, người ta nói rằng các cánh cửa đang đóng lại, bởi vì điều đó về căn bản là không thể,” ông Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai (11/04).

Đầu tuần trước (04-10/04), ông Bill Clinton đã đăng một bài báo trên tờ The Atlantic khi cố gắng biện minh cho chính sách của chính phủ ông về việc mở rộng NATO.

“Chính sách của tôi là làm việc vì điều tốt nhất, đồng thời mở rộng NATO để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Đúng vậy, NATO đã mở rộng bất chấp sự phản đối của Nga, nhưng việc mở rộng là về những điều vượt ra ngoài mối quan hệ của Hoa Kỳ với Nga,” cựu tổng thống giải thích. Ông nói thêm rằng, “[Hoa Kỳ] đã để ngỏ cánh cửa để cuối cùng Nga sẽ trở thành thành viên trong NATO.”


EU bất đồng về lệnh cấm năng lượng từ Nga

Các ngoại trưởng của Liên minh Âu Châu đã bất đồng về lệnh cấm nhập cảng dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga, Trưởng Đại diện của Liên minh Âu Châu về Chính sách Ngoại giao và An ninh Josep Borrell cho biết hôm thứ Hai (11/04). Ông nói thêm rằng các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ tiếp tục. Lệnh cấm năng lượng được cho là một phần trong gói trừng phạt mới nhất của EU đối với Moscow.

“Trước hết, chúng tôi đã thảo luận về việc làm thế nào để bảo đảm tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện hành để tránh những lỗ hổng trong quá trình thực thi chúng. Nhưng chúng tôi cũng thảo luận về các bước mới mà chúng tôi có thể thực hiện, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt đối với dầu khí,” ông Borrell nói. “Chúng tôi chưa đưa ra quyết định về các biện pháp trừng phạt như vậy, chúng tôi đã đồng ý tiếp tục thảo luận.”

Ông Borell nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước EU bớt phụ thuộc vào năng lượng của Nga, cho rằng mua khí đốt từ Moscow là “tài trợ cho chiến tranh”. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng không thể cắt giảm 55% sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong một sớm một chiều khi đề cập tới tình hình của Đức, nước đã cảnh báo về “sự sụp đổ” kinh tế của mình.


Thủ tướng Áo gặp Tổng thống Putin tại Moscow

Thủ tướng Áo Karl Nehammer nói rằng cuộc gặp của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow là “rất thẳng thắn, cởi mở và cứng rắn.”

Trong một tuyên bố do văn phòng của ông đưa ra sau cuộc họp, ông Nehammer cho biết hôm thứ Hai (11/04) rằng thông điệp chính của ông với ông Putin là “cuộc chiến này cần phải kết thúc, bởi vì trong chiến tranh, cả hai bên đều chỉ có thể thua.”

Ông Nehammer là nhà lãnh đạo Âu Châu đầu tiên gặp ông Putin tại Moscow kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai.

Nhà lãnh đạo Áo nhấn mạnh rằng chuyến đi hôm thứ Hai “không phải là một chuyến thăm hữu nghị”, mà là “nghĩa vụ” của ông để làm hết mọi điều có thể nhằm chấm dứt bạo lực ở Ukraine.

Chuyến thăm Moscow của ông Nehammer diễn ra sau chuyến đi vào thứ Bảy tới Kyiv, nơi ông đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Áo là một thành viên của Liên minh Âu Châu và đã ủng hộ các lệnh trừng phạt của khối 27 quốc gia này đối với Nga, mặc dù cho đến nay nước này vẫn phản đối việc cắt cung cấp khí đốt của Nga. Áo trung lập về quân sự và không phải là thành viên của NATO.


Nga tuyên bố đã tiêu diệt chỉ huy cao cấp của phe dân tộc chủ nghĩa ở Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm thứ Hai (11/04) rằng lính biệt kích Nga đã tiêu diệt một thành viên nổi bật của nhóm cựu hữu theo chủ nghĩa dân tộc Pravyi Sektor của Ukraine. Ông Taras Bobanich bị Moscow cáo buộc đã gây ra cái chết cho hàng trăm thường dân ở miền đông Ukraine trong các cuộc tấn công năm 2014.

Một đội trinh sát của Nga đã hạ sát ông Bobanich khi ông đang tuần tra cách thành phố Izium ở vùng Kharkiv của Ukraine khoảng nửa dặm về phía nam, tuyên bố của bộ cho biết. Bộ nói rằng ông là một phó chỉ huy đặc trách về các hoạt động trừ bị của Pravyi Sektor.

Bộ không tiết lộ hoàn cảnh về cái chết của ông Bobanich. Tài khoản mạng xã hội của Pravyi Sektor đưa tin rằng ông đã thiệt mạng vào thứ Sáu (08/04) gần Izium, gọi ông là một “huyền thoại theo chủ nghĩa dân tộc.”

Người đàn ông 33 tuổi này đến từ miền tây Ukraine. Ông đã trở nên nổi tiếng toàn quốc trong các cuộc biểu tình hàng loạt và đảo chính vũ trang năm 2013–2014, trong đó những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đóng vai trò là lực lượng đấu tranh đường phố chống lại cơ quan thực thi pháp luật của Ukraine.


Nga tạm dừng bán trái phiếu do chi phí đi vay ‘trên trời’

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tại một cuộc họp ở Moscow hôm 12/03/2020. (Ảnh: Sputnik/Dmitry Astakhov/Pool/Reuters)

Nga đang tạm dừng bất kỳ khoản vay mới nào của chính phủ do điều mà Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nói với truyền thông địa phương là sự gia tăng “trên trời” trong chi phí trả nợ sau khi phương Tây ban hành các lệnh trừng phạt đối với Moscow liên quan đến chiến tranh.
Ông Siluanov nói với hãng thông tấn Izvestia trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai (11/04) rằng Nga sẽ dừng tất cả các cuộc bán đấu giá trái phiếu chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.

Ông Siluanov nói với Izvestia: “Chúng tôi không có kế hoạch tiếp cận thị trường trong nước hoặc thị trường ngoại quốc trong năm nay. Điều đó không có nghĩa lý gì vì chi phí đi vay sẽ là trên trời.”

Trong một cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề, ông Siluanov nói rằng những thay đổi gần đây đối với chính sách ngân sách của Nga có nghĩa là tất cả các nguồn thu, bao gồm cả doanh thu từ bán dầu và khí đốt, có thể được sử dụng để trả nợ trong và ngoài nước và vì vậy nước này không cần đi vay tại thời điểm này.

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Ngoại trưởng Lavrov: Nga tìm cách chấm dứt trật tự thế giới do Hoa Kỳ thống trị

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov giải thích rằng hành động quân sự của Nga ở Ukraine là nhằm chấm dứt trật tự thế giới do Hoa Kỳ thống trị. Hoa Thịnh Đốn đã tìm kiếm quyền tối cao bằng cách áp đặt các quy tắc chuyên biệt vi phạm luật pháp quốc tế, ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng bởi truyền hình Nga hôm thứ Hai (11/04).

Ông Lavrov nói với kênh tin tức Rossiya 24: “Chiến dịch quân sự đặc biệt của chúng tôi nhằm chấm dứt sự bành trướng trắng trợn [của NATO] và nỗ lực không kiêng dè hướng tới sự thống trị hoàn toàn của Hoa Kỳ và các chư hầu phương Tây trên trường thế giới.”

Ông nói thêm: “Sự thống trị này được xây dựng dựa trên sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và theo một số quy định mà họ đang thổi phồng quá mức và đưa ra tùy theo từng trường hợp cụ thể.”


Trung Quốc và Nga thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn trong khối BRICS

(Từ trái sang) Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chụp ảnh tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 11 tại Brasilia, Brazil, vào ngày 14/11/2019. (Ảnh: Sergio Lima/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh và Moscow đã công bố ý định thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia BRICS — một liên minh năm thành viên bao gồm các quốc gia của họ cùng Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Hôm 08/04, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương BRICS đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lưu Côn (Liu Kun) cho biết, Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy hợp tác tài chính và tài khóa trong khối liên minh này. Ông Lưu kêu gọi các thành viên BRICS tăng cường phối hợp chính sách vĩ mô để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc sẽ chia sẻ thông tin và tiến hành trao đổi kinh nghiệm về đầu tư cơ sở hạ tầng giữa các thành viên.

Ông Lưu nói: “Trong những năm gần đây, các quốc gia BRICS đã duy trì được đà hợp tác mạnh mẽ và đã có những đóng góp quan trọng vào việc tối ưu hóa quản trị kinh tế toàn cầu, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi và phát triển nền kinh tế toàn cầu chất lượng cao.”

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Nga cho biết đã phá hủy các hệ thống hỏa tiễn S-300 do một quốc gia Âu Châu cung cấp cho Ukraine

Một khinh hạm Nga phóng hỏa tiễn Kalibr từ Biển Đen, trong một đoạn video được Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 10/04/2022. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga qua Reuters/Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

Hôm thứ Hai (11/04), Nga cho biết họ đã sử dụng hỏa tiễn hành trình để tiêu diệt các hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 do một quốc gia Âu Châu ẩn danh cung cấp cho Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga đã phóng hỏa tiễn hành trình Kalibr hôm Chủ Nhật nhằm vào bốn bệ phóng S-300 được giấu trong một khoang chứa phi cơ ở ngoại ô thành phố Dnipro của Ukraine.

Nga cho biết 25 binh sĩ Ukraine đã bị bắn trúng trong vụ tấn công này.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Các hỏa tiễn Kalibr phóng từ biển với độ chính xác cao đã phá hủy thiết bị của một sư đoàn hỏa tiễn phòng không S-300 do một quốc gia Âu Châu cung cấp cho chính quyền Kyiv.”

Nga không cho biết quốc gia Âu Châu nào đã cung cấp các hệ thống S-300.

Thành viên NATO Slovakia, nước đã tài trợ một hệ thống hỏa tiễn như vậy cho Ukraine, nói rằng họ không thể xác nhận liệu các hệ thống phòng không mà nước này cung cấp cho Ukraine có bị các lực lượng vũ trang Nga phá hủy.

Khi được hãng thông tấn AP hỏi liệu Nga có phá hủy các hệ thống S-300 do Slovakia cung cấp hay không, Ngoại trưởng Slovakia Ivan Korcok nói rằng “chúng tôi không có bằng chứng về việc này.”

“Chúng tôi đã nghe tin tức về việc đó, nhưng dựa trên thông tin do phía Ukraine cung cấp, chúng tôi không thể xác nhận việc đó. Phía Ukraine đã loại trừ việc đó,” ông nói tại một cuộc họp của EU ở Luxembourg.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng Nga cũng đã bắn rơi hai phi cơ Su-25 của Ukraine gần thành phố Izium và phá hủy hai kho đạn, một trong số đó ở gần thành phố Mykolaiv, miền nam nước này.

Quân đội Ukraine đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận.


Hungary nói kế hoạch thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga không vi phạm lệnh trừng phạt của EU

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết hôm thứ Hai (11/04), Hungary dự định sẽ thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng euro thông qua ngân hàng Gazprombank, ngân hàng này sẽ chuyển khoản thanh toán thành đồng rúp để đáp ứng yêu cầu mới do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra.

Ông Putin đã cảnh báo các quốc gia Âu Châu rằng khu vực này có nguy cơ bị cắt nguồn cung cấp khí đốt trừ khi họ thanh toán bằng đồng rúp khi ông tìm cách trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Ông Szijjarto nói trong một cuộc họp báo rằng theo kế hoạch trên, công ty con của tập đoàn năng lượng MVM của Hungary, CEE Energy, sẽ thanh toán một hóa đơn sắp tới bằng đồng euro, rồi Gazprombank sẽ chuyển đổi thành rúp và sau đó chuyển cho Gazprom Export của Nga.

Còn nhiều tuần nữa trước khi các hóa đơn đến hạn thanh toán, Ủy ban Âu Châu đã nói rằng những nước có hợp đồng yêu cầu thanh toán bằng euro hoặc dollar nên tuân theo điều đó.

Thủ tướng Viktor Orban cho biết tuần trước rằng Hungary sẵn sàng chi trả cho khí đốt của Nga bằng rúp, tự tách mình khỏi Liên minh Âu Châu vốn đang tìm kiếm một mặt trận thống nhất để phản đối yêu cầu thanh toán bằng đồng tiền của Moscow.

“Đối với việc thanh toán [bằng đồng rúp], chúng tôi có một giải pháp không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhưng đồng thời bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt cho Hungary,” ông Szijjarto nói.

Ông Szijjarto cho biết tùy chọn thanh toán hóa đơn bằng một loại tiền tệ khác thay vì euro đã nằm trong một hợp đồng song phương giữa CEE Energy và Gazprom Export được ký kết vào tháng Chín. Hợp đồng này giờ đây sẽ được chỉnh sửa để phản ánh những thay đổi theo kế hoạch.

Ông không đi vào chi tiết và hiện không rõ liệu đồng tiền Nga giảm giá có ảnh hưởng đến các điều khoản thanh toán mới theo bất kỳ cách nào hay không.

Ông Szijjarto nói thêm rằng Hungary, quốc gia phụ thuộc hầu hết vào Nga về dầu và khí đốt, phản đối EU sử dụng một cách tiếp cận chung đối với một vấn đề mà Budapest coi là vấn đề song phương.


Ngoại trưởng Lavrov: EU đã biến thành một tổ chức quân sự

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga hôm thứ Hai (11/04), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết EU đã “quay ngoắt thái độ” bằng cách biến thành một tổ chức quân sự hoạt động vì lợi ích của Hoa Thịnh Đốn và NATO. Ông dẫn một nhận xét mà người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell đã đưa ra vào thứ Bảy tuần trước (09/04).

Vị quan chức Âu Châu này cho biết cuộc xung đột ở Ukraine “sẽ giành được chiến thắng trên chiến trường” khi ông tuyên bố thêm viện trợ quân sự của Âu Châu cho Kyiv. Ông Lavrov coi tuyên bố này là “đáng phẫn nộ”.

“Khi một người đứng đầu ngoại giao… nói rằng một cuộc xung đột nào đó chỉ có thể được giải quyết bằng hành động quân sự… thì đó hẳn phải là một việc gì đó mang tính cá nhân. Ông ấy hoặc nói sai hoặc nói mà không suy nghĩ, khi đưa ra một tuyên bố mà không ai yêu cầu ông ấy thực hiện. Nhưng đó là một lời nhận xét đáng phẫn nộ,” ông Lavrov nói với kênh tin tức Rossiya 24.

Các quốc gia phương Tây hành động theo lợi ích của Mỹ đang cố gắng biến Ukraine thành “chỗ đứng vững chắc cho cuộc đàn áp cuối cùng đối với Nga,” ông Lavrov nói. Sau khi Moscow sử dụng vũ lực để chống lại mối đe dọa đó, các quốc gia Âu Châu đã nhanh chóng thay đổi thái độ của họ đối với Nga. Bây giờ EU “phản ánh sự bất bình và giận dữ” đối với nước này. Ông Lavrov tin rằng sự thay đổi đột ngột này là bằng chứng cho thấy xung đột ở Ukraine không phải là về Ukraine.

“Tuyên truyền của phương Tây chuyển hướng sang việc miêu tả Nga chỉ thuần túy là xấu xa và [Ukraine] là thánh thiện. Chế độ Ukraine hiện giờ có lẽ là ngọn hải đăng của nền dân chủ, công lý, tự do thể hiện tất cả mọi thứ về Âu Châu, về các giá trị mà Âu Châu tuyên bố rằng họ luôn tuân theo,” ngoại trưởng nói.

Cả hai điều này đều không đúng, ông Lavrov lập luận. Ukraine là một điểm nóng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong khi các cường quốc phương Tây dễ dàng phá vỡ bất kỳ quy tắc nào khi họ thấy phù hợp, trong khi lại yêu cầu các nước khác phải tuân thủ.


Croatia trục xuất 24 nhà ngoại giao Nga

Cùng hưởng ứng hành động của các quốc gia Âu Châu, Croatia đang trục xuất 24 nhà ngoại giao Nga và các nhân viên đại sứ quán khác.

Bộ Ngoại giao Croatia hôm thứ Hai (11/04) cho biết họ đã triệu tập đại sứ Nga tại Zagreb và truyền tải “sự lên án mạnh mẽ nhất đối với hành động xâm lược tàn bạo đối với Ukraine và nhiều tội ác mà Nga đã gây ra.”


Đức: Ukraine cần vũ khí hạng nặng để tự vệ

Ngoại trưởng Đức nói Ukraine cần vũ khí hạng nặng để tự vệ và đây không phải là lúc để “thoái thác”.

Tổng thống Ukraine đã cảnh báo rằng đất nước của ông phải đối mặt với một thời điểm quan trọng và quân đội Nga sẽ đẩy mạnh các hoạt động ở phía đông.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết khi đến dự cuộc họp với những người đồng cấp Liên minh Âu Châu hôm thứ Hai (11/04), “Điều rõ ràng là Ukraine cần thêm vật tư quân sự, trên hết là vũ khí hạng nặng, và bây giờ không phải là lúc để thoái thác – giờ là lúc cho sự sáng tạo và tính thực dụng.”

Đức đã phá vỡ một truyền thống trong chính sách ngoại giao sau cuộc xâm lược của Nga để cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng đã vấp phải sự chỉ trích từ Kyiv vì nhận thấy sự chần chừ và chậm chạp trong việc cung cấp vũ khí.

Related posts