Theo dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động (BLS), tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đã tăng lên 8.5% vào tháng Ba, vượt qua ước tính thị trường là 8.4%. Đây là mức tăng đột biến lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Giá tiêu dùng tăng nhanh hơn trong tháng Ba, chủ yếu do chi phí năng lượng và thực phẩm cao hơn.
Tỷ lệ lạm phát cơ bản, không bao gồm các lĩnh vực biến động là thực phẩm và năng lượng, đã tăng 6.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Tính theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1.2%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cơ bản tăng 0.3%.
Tất cả các chỉ số đều tăng một cách đáng chú ý trong tháng Ba, với mức độ lạm phát rộng khắp.
Thực phẩm tăng 8.8%, năng lượng tăng 32%, xe hơi cũ và xe tải tăng 35.3%, và xe mới tăng 12.5%. Hàng may mặc tăng 6.8%, trong khi giá nhà tăng 5%. Dịch vụ vận tải tăng 7.7% và dịch vụ chăm sóc y tế tăng 2.9%.
Lạm phát đã đạt đỉnh chưa?
Trước khi công bố, Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo người dân Mỹ rằng họ cần phải chuẩn bị cho một báo cáo “cao bất thường”, đổ lỗi cho “tình trạng tăng giá vì ông Putin”. Tuy nhiên, chính phủ đã nhấn mạnh rằng giá có thể bắt đầu giảm vào cuối năm nay.
Khi giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng cao đến mức chưa từng thấy trong nhiều thập niên, một số người đang tự hỏi liệu các chỉ số cao ngất ngưởng trên tiêu đề báo chí của tháng Ba có thực sự là đỉnh điểm của môi trường lạm phát hiện nay hay không.
“Tôi tin rằng lạm phát sẽ bắt đầu giảm vào quý III năm 2022 khi một số gián đoạn chuỗi cung ứng giảm bớt. Tuy nhiên, nó sẽ vẫn ở mức cao đáng lo ngại,” ông Carlos Legaspy, chủ sở hữu và giám đốc điều hành của Insight Securities, nói với The Epoch Times.
Tuy nhiên, lạm phát cao sẽ vẫn tồn tại trong bối cảnh xung đột quân sự ở Đông Âu, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, và một loạt tình trạng thiếu hụt trên toàn bộ nền kinh tế.
“Lạm phát, vâng, sẽ vẫn tồn tại ngay cả sau khi chu kỳ thắt chặt của Fed bắt đầu,” ông Sankar Sharma, một kỹ thuật viên thị trường và là chuyên gia đầu tư, nói với The Epoch Times, cho biết thêm rằng tình trạng lạm phát thực phẩm và thiếu hụt lao động có thể góp phần làm tăng lạm phát.
Những người khác tin rằng rất khó để xác định liệu lạm phát giá có giảm xuống sớm hay không vì đây là một loại lạm phát khác với những gì Hoa Kỳ đã trải qua trong quá khứ.
“Tôi nghĩ đó là một nhiệm vụ rất khó khăn để thực hiện. Nếu quý vị chỉ đơn giản nhìn vào nguồn cung tiền, cung đã tăng theo cấp số nhân trong hai năm qua, phần lớn là do các chương trình kích thích được thực hiện để bù đắp tác động của COVID,” ông Scott Sheridan, chuyên gia thị trường và CEO của TastyWorks, một công ty môi giới trực tuyến, nói với The Epoch Times.
“Do đó, tôi không ngạc nhiên khi chúng ta thấy áp lực lạm phát. Nhưng những điều đó đang trở nên nghiêm trọng hơn bởi các tình huống địa chính trị liên quan đến Nga-Ukraine và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Bởi vì điều đó, tôi nghĩ rằng đó là một cuộc trò chuyện mang nhiều sắc thái hơn so với các cuộc thảo luận lạm phát điển hình mà chúng ta từng có trong quá khứ.”
Lạm phát có vẻ cao hơn những gì các con số gợi ý
Một số người tiêu dùng ở Hoa Kỳ cho biết lạm phát có vẻ cao hơn nhiều so với những gì số liệu chính thức của chính phủ gợi ý.
Ông Kelvin Stewart, chủ sở hữu của doanh nghiệp nhỏ USBadCreditLoans.com, đang cảm thấy áp lực khi chi phí nhà ở, chăm sóc sức khỏe, điện, và hàng tiêu dùng tăng lên. Chẳng hạn, chỉ trong bốn tháng, ông tuyên bố rằng các thiết bị nhà bếp đã tăng hơn 160%.
Hồi tháng 12/2021, tôi đã trả 1,800 USD cho một bộ thiết bị nhà bếp hoàn chỉnh, gồm bốn phần, được giao và lắp đặt, ông Stewart nói với The Epoch Times.
“Anh trai tôi đã mua các thiết bị và mô hình giống hệt nhau tại cùng một địa điểm vào tuần trước với giá 4,700 USD tiền mặt và không bao gồm giao hàng,” ông cho biết.
Theo ông John Frigo, một nhà quản lý thương mại điện tử tại Bestprice Nutrition.com, lạm phát đang nằm ngoài tầm kiểm soát.
Ông nói rằng cảm giác như [lạm phát đang ở mức] từ 24 đến 30%, đồng thời nói thêm rằng “điều đó là hiển nhiên khi quý vị nhìn vào mức độ tăng giá xăng cũng như thực phẩm, vật liệu xây dựng, xe hơi đã qua sử dụng và nhà ở.”
“Nếu quý vị không thấy giá cao hơn, thì có lẽ quý vị đang thấy sự giảm số lượng hay kích cỡ sản phẩm,” ông lưu ý.
“Gần đây tôi nhận thấy loại nước có ga mà tôi mua hàng tuần có cùng giá, nhưng giờ tôi nhận được tám lon mỗi thùng thay vì 12 lon mỗi thùng.”
Giá cả tăng cao cũng đã thay đổi cách sống và cách tiêu tiền của người tiêu dùng.
Anh Kevin Nguyễn, một blogger, cho biết: “Với việc giá cả liên tục tăng mà mức lương của tôi không đổi, tôi thấy mình tập trung vào việc lập ngân sách cho chính mình hơn bao giờ hết.”
“Thay vì ra ngoài và đi ăn với bạn bè, chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi ngày càng có nhiều potluck (một bữa ăn hoặc bữa tiệc mà mỗi người được mời đóng góp một món ăn) hơn ở nhà bạn vì giá cả phải chăng hơn nhiều so với ăn ở nhà hàng,” anh nói với The Epoch Times.
Người tiêu dùng lo ngại về lạm phát khi họ dự đoán giá sẽ đạt mức cao mới trong tương lai gần, theo Khảo sát về Kỳ vọng của Người tiêu dùng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
Báo cáo hàng tháng cho thấy kỳ vọng lạm phát trung bình trong một năm tới đã tăng lên mức cao mới 6.6% trong tháng Ba, tăng từ mức 6% trong tháng Hai. Dự báo lạm phát trong ba năm tới đã giảm xuống mức 3.7% vào tháng trước.
Theo Chỉ số Lạc quan về Doanh nghiệp Nhỏ của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập (NFIB) cho tháng Ba, nỗi lo lạm phát đang gia tăng đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ. Chỉ số này liệt kê lạm phát là mối quan tâm hàng đầu mà các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt, thế chỗ cho chất lượng của nguồn lao động.
“Lạm phát đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ trên khắp đất nước và hiện là vấn đề kinh doanh quan trọng nhất của họ,” chuyên gia kinh tế trưởng Bill Dunkelberg của NFIB cho biết trong một tuyên bố. “Với việc lạm phát, tình trạng thiếu nhân sự và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra, các chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn bi quan về điều kiện kinh doanh trong tương lai của họ.”
Cuộc khảo sát hàng tháng cũng tiết lộ rằng dự đoán của các chủ sở hữu về các điều kiện kinh doanh được cải thiện trong sáu tháng tới đã giảm xuống mức âm ròng 49%, mức thấp nhất trong lịch sử 48 năm qua của nghiên cứu.
Fed sẽ ngăn chặn lạm phát?
[Thị trường đang] kỳ vọng là Cục Dự trữ Liên bang sẽ nâng lãi suất tiền gửi chuẩn lên 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng tới.
Biên bản từ cuộc họp tháng Ba của FOMC tiết lộ rằng ngân hàng trung ương đã sẵn sàng áp dụng các biện pháp tăng lãi suất nửa điểm để hạ nhiệt lạm phát trong khi thu hẹp bảng cân đối kế toán xuống 95 tỷ USD.
Một số quan chức cũng thừa nhận rằng đã đến lúc cơ quan này phải quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans cho biết hôm thứ Hai (10/04) rằng việc kích hoạt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng Năm là “rất có thể xảy ra.”
Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard đã nhắc lại quan điểm của mình vào tuần trước rằng Fed đang đứng sau đường cong lạm phát và cơ quan này cần tiến về phía trước với “những hành động lớn hơn.” Ông muốn thấy lãi suất chủ yếu ở mức 3.25% vào cuối năm.
Nhưng liệu điều này có đủ để kiềm chế lạm phát? Ông William Stack, cố vấn tài chính và tác giả của Stack Financial Services, cho biết là điều này không hoàn toàn đúng.
“Có nhiều yếu tố dẫn đến lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang đang thấy khó khăn để tìm cách kiềm chế, mà không thể bị phá vỡ bởi các công cụ truyền thống như tăng lãi suất,” ông nói với The Epoch Times.
“Cục Dự trữ Liên bang sẽ gặp khó khăn để quản lý lạm phát trong môi trường này, điều mà trớ trêu thay họ đã tạo ra bằng cách mua quá nhiều khoản nợ của Kho bạc Hoa Kỳ mà không ai khác có thể mua, do đó làm tràn ngập thị trường bằng tiền tệ.”
Mức tăng nửa điểm phần trăm trong tháng Năm có thể kéo dài thời gian cho Hoa Kỳ không? Thị trường tài chính toàn cầu sẽ theo dõi tình hình.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Nguyễn Lê biên dịch