Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu vũ khí tiềm năng của nước này gặp rủi ro. Nhiều quốc gia đã ngừng mua vũ khí của Nga, thêm vào việc các lệnh trừng phạt quốc tế không ngừng dội xuống nước này, khiến nền kinh tế lao dốc thẳng đứng. Rõ ràng, đây là cơ hội hiếm có khó tìm để Trung Quốc có thể sải cánh chiếm thị trường béo bở này.
Trong bộ phim “Lord of War” năm 2005, một tay buôn vũ khí (do Nicolas Cage thủ vai) lập luận rằng vũ khí đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga chủ yếu là dầu và khí đốt, sau đó là khoáng sản. Nhưng mấu chốt vẫn là việc bán vũ khí ở nước ngoài là một nguồn thu lớn cho nền kinh tế Nga.
Trên thực tế, Nga là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong thập kỷ qua, Moscow đã xuất khẩu lượng vũ khí trị giá khoảng 6,2 tỷ USD, chiếm khoảng 25% thị phần buôn bán vũ khí toàn cầu.
Ngành công nghiệp vũ khí của Nga đã trở nên đặc biệt phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang châu Á. Một lần nữa, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), hơn 61% doanh số bán vũ khí của Nga ở nước ngoài đã đến châu Á và châu Đại Dương trong những năm gần đây. Chỉ hai quốc gia, Ấn Độ và Trung Quốc, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Việt Nam cũng là một quốc gia nhập khẩu vũ khí phần lớn từ Nga.
Trung Quốc, mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong ngành công nghiệp vũ khí trong nước, Bắc Kinh vẫn mua động cơ phản lực từ Nga cho các máy bay chiến đấu nội địa của mình, đặc biệt là máy bay chiến đấu J-10 và J-20. Các thương vụ mua bán như vậy nhấn mạnh những nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển động cơ phản lực. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng đã mua tên lửa phòng không S-400 và súng hải quân từ Moscow.
Năm 2015, Bắc Kinh ký một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với Moscow để mua hai chục máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-35. Su-35 là viên ngọc quý ở thời điểm hiện tại của dòng máy bay chiến đấu Nga và doanh số xuất khẩu là rất quan trọng.
Đồng thời, Đông Nam Á là thị trường đặc biệt béo bở đối với các nhà sản xuất vũ khí Nga. Trong những năm gần đây, Moscow đã bán các máy bay chiến đấu Su-27 hoặc Su-30 cho Indonesia, Malaysia và Việt Nam, và các máy bay huấn luyện MiG-29 và Yak-130 cho Miến Điện (còn gọi là Myanmar). Các thương vụ quan trọng khác bao gồm tên lửa không đối không, tên lửa chống hạm và máy bay trực thăng của Nga.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu vũ khí tiềm năng của nước này gặp rủi ro. Nhiều quốc gia đã ngừng mua vũ khí của Nga hoặc ủng hộ nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt Moscow (chẳng hạn như đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền) hoặc ít nhất là bỏ phiếu trắng. Người ta nghi ngờ rằng các quốc gia này sau đó vào thời điểm thích hợp sẽ quay lại mua vũ khí của Nga.
Khả năng và tiềm năng xuất khẩu vũ khí của Nga có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường vũ khí châu Á nói riêng. Tất nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc – cả hai đều từ chối lên án việc Nga xâm lược Ukraine – có khả năng sẽ tiếp tục mua các hệ thống vũ khí hoặc công nghệ quân sự của Nga. Họ chỉ đơn giản là quá nương tay với Moscow để sớm buông tay.
Đồng thời, các quốc gia này có thể đưa ra quyết định rằng, bây giờ là thời điểm tốt để giảm bớt sự phụ thuộc của họ, thông qua việc đa dạng hóa các nhà cung cấp hoặc mở rộng hoạt động mua sắm. Ví dụ, Ấn Độ đang mua ngày càng nhiều thiết bị quân sự từ Israel và Mỹ.
Việc mất thị trường buôn bán vũ khí – đặc biệt là châu Á – có thể là thảm họa đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Rõ ràng là Moscow không muốn mất quyền tiếp cận với lĩnh vực kinh doanh này, tuy nhiên các hợp đồng vũ khí của Nga có thể sẽ chững lại, ít nhất là trong ngắn hạn.
Điều này sẽ để lại khoảng trống mà các đối thủ cạnh tranh vũ khí khác có thể lấp đầy. Các công ty quốc phòng Mỹ và châu Âu có thể tăng doanh số bán hàng. Đặc biệt, cuộc chiến Ukraine đã chứng tỏ tính hiệu quả của các hệ thống vũ khí cơ động như tên lửa chống tăng Javelin và NLAW hay tên lửa phòng không Stinger và Starstreak. Việc xuất khẩu những vũ khí như vậy có thể tăng vọt.
Nhưng Trung Quốc có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ bất kỳ sự sụt giảm nào trong xuất khẩu vũ khí của Nga.
Khó khăn này có thể mở ra cơ hội cho Bắc Kinh bắt đầu xuất khẩu vũ khí cho các khách hàng mới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi. Ví dụ, Indonesia đã mua tên lửa chống hạm, hệ thống pháo và nhiều bệ phóng tên lửa từ Trung Quốc, trong khi Malaysia mua tàu chiến và tên lửa phòng không của Trung Quốc. Những thị trường này có thể mở ra cho việc mở rộng doanh số bán vũ khí của Trung Quốc.
Hiện tại, Bắc Kinh chỉ chiếm khoảng 5% thị phần vũ khí toàn cầu, bằng 1/5 so với Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc thường nằm trong số năm nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu trong hai thập kỷ qua. Một vài thương vụ mua bán vũ khí lớn có thể đưa Trung Quốc lên vị trí số ba và tạo cơ hội cho Bắc Kinh củng cố vị thế là một nhà cung cấp vũ khí.
Nga đang phải gánh chịu những tổn thất lớn trên thị trường vũ khí quốc tế, có lẽ trong một thời gian khá dài. Đổi lại, tương lai của Trung Quốc sẽ rất sáng lạn – với tư cách là một nhà buôn bán vũ khí ưu việt – điều mà Bắc Kinh sẽ sớm đạt được.
Tác giả Richard A. Bitzinger là một nhà phân tích an ninh quốc tế độc lập. Trước đây, ông là thành viên cấp cao của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, và ông đã từng đảm nhận các công việc trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, hiện đại hóa quân đội và phổ biến vũ khí trong khu vực.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times