Jackhammer Nguyễn
15-4-2022
Huntington và viên bí thư huyện ủy
Khi hệ thống cộng sản thế giới đã sụp đổ gần 10 năm, tôi được giới thiệu cuốn sách “Sự xung đột giữa các nền văn minh” (Clash of Civilizations), của Samuel P. Huntington, một nhà khoa học chính trị người Mỹ. Nội dung chính của cuốn sách nói về vụ bức tường Bá Linh, một biểu tượng của chiến tranh lạnh bị phá bỏ, thế giới sẽ trở thành nơi xung đột giữa các nền văn minh khác nhau chứ không còn là hai cực tư bản – cộng sản nữa.
Lúc đó, tôi lật qua vài trang sách thì thấy một cái bản đồ, trong đó Việt Nam được tô cùng màu đỏ với Trung Quốc, trong cái gọi là nền văn minh Khổng giáo. Nước Nga và Ukraine tô cùng màu tím, được xem là văn minh Chính thống giáo. Một số lớn nước phương Tây như Mỹ, Canada, Úc … được gộp vào nền văn minh Kito Anglo-Saxon.
Tôi rất hậm hực với ông Huntington về cái bản đồ này, vì sao nước Việt Nam của tôi lại bị tô cùng màu với nước Trung Quốc?
Độ năm năm sau, trong một lần có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất tôi chứng kiến một cảnh rất lạ. Có một chiếc xe hơi chạy từ ngoài vào sân bay, xung quanh nó có khoảng 20 chiếc xe gắn máy … hộ tống. Nhưng không phải là đoàn mô-tô hộ tống yếu nhân mà ta thường thấy, những người chạy xe gắn máy là những anh con trai mặc áo thun đủ loại, mang dép đủ kiểu.
Nhân vật trong xe hơi là viên bí thư huyện ủy huyện Bình Chánh lúc đó. Đội hộ vệ của viên bí thư làm tôi chợt nhớ lại cái bản đồ trong sách của ông Huntington. Tôi thấy ngày trước tôi đã sai khi hậm hực với ông ấy.
Bên cạnh đó, hình ảnh viên bí thư và đám đàn em của ông ta làm tôi nghĩ lại về sự thất bại của Việt Nam Cộng Hòa. Nền dân chủ non trẻ theo mô hình phương Tây này không biết đến sức mạnh, quyền lực của các tay lãnh chúa địa phương như viên bí thư, nhưng Đảng Cộng sản thì biết, và họ chính là khoảng 200 ủy viên trung ương đang cai trị vô cùng hiệu quả gần 100 triệu dân Việt Nam hiện nay.
Thoát Á luận
Năm 1885, một người Nhật Bản tên là Fukuzawa Yukichi có viết một bài mang tên Thoát Á luận, được dịch sang tiếng Anh là Leaving Asia, hay… Good-bye Asia! Á ở đây nên hiểu là Đông Á, với trung tâm là văn minh Trung Hoa.
Nội dung quan trọng của bài viết này là Nhật Bản phải theo gương phương Tây, thiết lập một xã hội cai trị bởi luật pháp, chứ không thể vướng vào ảnh hưởng xấu của văn hóa Trung Hoa cổ hủ.
Thoát Á luận được xem là một trong những tác phẩm quan trọng, tạo đà cải cách xã hội Nhật Bản, để nước này trở nên phú cường, một phần của văn minh phương Tây ngày nay.
Trong bản đồ của Huntington, Nhật Bản được tô một màu riêng. Có thể nói Nhật Bản thành công trong việc lựa chọn những gì tốt nhất của hai nền văn hóa khác nhau, Đông Á và phương Tây, và quan trọng nhất là xã hội đa nguyên pháp trị từ Tây phương.
Trong khi đó, nước Trung Hoa, từ thời Yukichi viết Thoát Á luận đến nay, vẫn không có vẻ gì thay đổi, sau các hoàng đế nhà Thanh, lại đến các hoàng đế Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình. Các hoàng đế này không những không muốn … thoát Á, mà còn xuất (khẩu) Á sang phương Tây với việc thành lập cá Khổng Tử học viện một cách … đại trà tại các trường đại học phương Tây.
Việt Nam, một nước Trung Hoa thu nhỏ có vẻ cũng vậy. Từ thời Lê Thánh Tôn, chế độ phong kiến tập quyền theo mô hình Khổng giáo của Trung Quốc chính thức chiếm thế thượng phong, và các viên lãnh chúa khổng giáo vẫn cai trị cho đến ngày nay.
Lục địa và biển cả
Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine làm người ta giở lại sử sách của nước Nga, từ đó khẳng định thêm lý thuyết của Huntington về sự xung đột của các nền văn minh, nhưng có thể phải sửa đổi đôi chút, để thêm vào một mối liên quan khá thú vị giữa đế chế Nga và các triều đại Trung Hoa. Đó là hai đế chế rất tập trung quyền lực, rất thèm khát chinh phục lãnh thổ. Gạch nối giữa hai đế chế này chính là đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, sau chia thành nhà Nguyên ở Trung Quốc của Hốt Tất Liệt, và Kim Trướng Hãn quốc ở Nga của Bạt Đô.
Người Nga cũng gián tiếp thừa nhận như vậy. Giữa khói đạn chiến tranh Ukraine, người ta tìm lại một lý thuyết gia Nga được xem là cha đỡ đầu tinh thần của chủ nghĩa đại Nga hiện nay, ông Alexander Dugin. Ông này bảo rằng nước Nga phải chiến đấu cho nền văn minh gọi là lục địa Á – Âu, chống lại các đế quốc biển của phương Tây.
Quả là có sự khác biệt rất lớn giữa thế giới phương Tây là lục địa Á – Âu. Nếu sự tập trung quyền lực vào các đại đế Nga và Trung Hoa trải dài từ thời trung cổ tới nay, thì ngay từ thế kỷ 13, nước Anh đã có hiến chương Magna Carta, giới hạn quyền lực của nhà vua ở… “trung ương”. Cuộc sống với biển cả, với buôn bán, làm cho phương Tây, nhất là nước Anh và những người em của nó sau này là Hoa Kỳ, Canada, Úc, phải cởi mở, phải thực dụng, phải dân chủ hơn.
Có một niềm tin rằng, nước Nga, hay Trung Quốc ngày nay là hiện thân của … chủ nghĩa cộng sản, hay tàn tích không chịu chết của nó. Đúng là chủ nghĩa cộng sản được ồn ào công bố thực hiện ở hai nước này, với hai đảng có tên là cộng sản. Nhưng liệu những ý tưởng của Karl Marx, người Đức gốc Do Thái, đã được thực hiện ở Nga và Trung Quốc?
Tôi không nghĩ rằng, những ý tưởng của Marx, ít nhất là các vấn đề công bằng xã hội, lại được thực hiện tốt hơn ở Nga và Trung Quốc, thay vì Tây Âu. Xã hội biển cả, thương mại và cởi mở của Tây Âu đã tiếp nhận các ý tưởng đó, khác hẳn các đế quốc lục địa Âu – Á là Nga và Trung Quốc. Ở các đế quốc này, ta chỉ thấy khía cạnh công cụ bạo lực giai cấp được nêu cao bởi Lenin, Mao Trạch Đông, Stalin.
Tại Tây Âu, chủ nghĩa Marx vẫn được dạy trong các trường đại học, các ý tưởng về công bằng xã hội như của Marx, hay ôn hòa hơn như Maynard Keynes, gần đây là Thomas Piketty, vẫn tiếp tục nảy nở và được thực hiện trong rất nhiều chương trình xã hội của các nhà nước phương Tây, kể cả Mỹ.
Ukraine và xung đột giữa hai nền văn minh
Cuộc chiến Ukraine – Nga hiện nay đúng là giữa hai quốc gia có văn hóa và tôn giáo rất giống nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là Huntington không đúng. Đây là cuộc xung đột giữa hai nền văn minh lục địa Á – Âu (Hoa – Nga) và biển cả Tây Âu (bây giờ bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc).
Nằm trên cầu nối giữa hai nền văn minh này, người Ukraine thấy rằng mô hình phương Tây, mà cụ thể ở đây là khối EU, hấp dẫn họ, có thể cho họ sự dân chủ trong xã hội, và từ đó dẫn đến sự sung túc. Nhìn sang phía Đông, họ thấy nước Nga không có gì hấp dẫn cả, chỉ là sự đen tối đầy bạo lực.
Tôi nghĩ rằng từ khi quyển sách “Xung đột giữa các nền văn minh” ra đời đến nay, thì cuộc chiến tranh Ukraine là minh chứng rõ rệt nhất cho quan điểm của Huntington.
Việt Nam thoát Á
Việt Nam nằm trên một khuynh hướng giạt về phương Tây từ thời người Pháp chinh phục Đông Dương. Nhưng, giở lại lịch sử hơn hai ngàn năm của Việt Nam (tính từ lúc những sự kiện cụ thể được ghi vào sách vở), sự chống đối phương Bắc chính là khuynh hướng thoát Á đó, rõ ràng nhất qua câu tán thán của sứ thần Ngô Thời Nhiệm, thời Tây Sơn: May mắn là chúng ta được sinh ra ở phương Nam.
Việc thống nhất với hai vương quốc phương Nam là Champa và Phù Nam, làm cho Việt Nam có thêm một không gian rộng mở về phương Nam, về phía biển.
Khuynh hướng ngã về phương Tây tiếp tục tăng mạnh sau gần 1 thế kỷ ảnh hưởng bởi người Pháp, và hai mươi năm can dự của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Khuynh hướng này bị khựng lại, ở miền Bắc từ năm 1954, trên cả nước từ năm 1975, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thống trị hoàn toàn, với mô hình toàn trị, “đậm đà màu sắc” văn minh lục địa Á – Âu, do Lenin thiết kế.
Khuynh hướng này tiếp tục trở lại từ năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, tuy nhiên hơn 30 năm sau nó vẫn chưa đủ để thoát khỏi bàn tay kềm kẹp của những lãnh chúa địa phương như viên bí thư huyện ủy tôi đề cập ở đầu bài, và các viên chức cao cấp được cái lò Liên Xô đào tạo.
Người Việt hãy nhìn sự tàn bạo của quân đội Nga tại Ukraine mà thức tỉnh. Hãy nhìn hàng loạt viện Khổng Tử bị đóng cửa khắp nơi vì nó quá ư lỗi thời.
Tiếp theo Nhật Bản, đã có Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore “thoát Á” thành công. Vòng ngoại vi của văn minh Trung Hoa cổ hủ có lẽ chỉ còn có Việt Nam và Bắc Hàn.
Liệu người Việt có cần một người như Fukuzawa Yukichi viết Thoát Á luận trên tờ Tuổi Trẻ hay Thời báo Kinh tế Sài Gòn hay không?
Người ta có thể tranh cãi xem mô hình dân chủ phương Tây hay toàn trị kiểu Nga – Hoa, xem mô hình nào đúng hơn, hữu hiệu hơn. Nhưng chắc chắn không thể tranh cãi rằng dòng người đứng xin visa nhập cảnh Hoa Kỳ lúc nào cũng dài, ở Hà Nội và Sài Gòn, kể cả ở Bắc Kinh và Moscow. Không ai xin di cư vào Nga và Trung Quốc để sống cả.