Tú Minh
Trước nguy cơ vỡ nợ rất lớn, Chính phủ Sri Lanka đã đạt được thỏa thuận bước đầu (cấp nhân viên) với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD để giúp quốc đảo này tạm ngăn chặn cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, theo Reuters.
IMF cho biết hôm thứ 6, ngày 15/3, khoản vay của Chính phủ Sri Lanka có thời hạn 3 năm và sẽ cần sự chấp thuận của Hội đồng quản trị IMF vào tháng 6 tới. Việc này bắt buộc Sri Lanka phải thực hiện các việc cải cách kinh tế, bao gồm giảm các khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và sắp xếp hợp lý các loại thuế khóa, báo Reuters đưa tin.
Theo ông Todd Schneider, trưởng phái đoàn IMF tại Sri Lanka cho biết hiện chính quyền Sri Lanka và IMF đã đạt được thỏa thuận ở cấp nhân viên cho khoản vay 36 tháng (3 năm) về Cơ sở Quỹ Mở rộng (EFF). Thỏa thuận này được đưa ra sau khi Sri Lanka phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán và trì hoãn việc chi trả các khoản nợ đến hạn.
Dự kiến trong tuần tới, phái đoàn của Chính phủ Sri Lanka sẽ bay đến Thủ đô Washington (Mỹ) để tìm kiếm một khoản vay bảo đảm trị giá 4 tỷ USD từ IMF và các tổ chức tín dụng khác. Mục đích là để quốc đảo này có thể trả tiền cho thức ăn và nhiên liệu xăng dầu nhập khẩu, cũng như đáo hạn các khoản nợ, theo Bloomberg.
Được biết, đảo quốc Sri Lanka đã tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và vay nợ của Trung Quốc (đối tác song phương) nhiều nhất trong số các khoản nợ của Chính phủ Sri Lanka. Tờ Liberty Time (Đài Loan) dẫn nguồn dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết việc phát hành trái phiếu dài hạn của Sri Lanka lũy kế đã lên tới 45 tỷ USD, trong đó 35 tỷ USD là nợ nước ngoài.
Bloomberg ước tính vào năm 2022, Sri Lanka sẽ phải đối mặt với nhu cầu nguồn vốn 5,7 tỷ USD, bao gồm cả những gì nước này cần để lấp đầy thâm hụt. Giới đầu tư nước ngoài lo ngại rằng Sri Lanka có thể không trả được nợ nếu nước này không cơ cấu lại các khoản nợ ở nước ngoài hoặc phá giá đồng Rupee hiện đang được neo với đồng USD.
Vốn dĩ giới chức Sri Lanka cho rằng tình hình dịch bệnh sẽ dần được cải thiện trong năm nay, ngành du lịch sẽ phục hồi và chè có thể bán được. Dự kiến năm 2022, ngành du lịch và chè có thể giúp họ thu được hơn 260 triệu USD ngoại hối. Không ngờ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã giáng đòn mạnh vào hai ngành này.
Tình hình tài chính của Sri Lanka đã bắt đầu có dấu hiệu sa sút kể từ khi tham gia vào các dự án kinh tế cùng với ĐCSTQ. Vào tháng 12/2017, Sri Lanka đã không có khả năng chi trả các khoản nợ tích tụ mà họ đã vay từ Trung Quốc. Theo đó, Cảng quốc tế Hambantota đã được bàn giao cho Công ty China Merchants Port Holdings (CMPort) theo hợp đồng thuê 99 năm của Chính phủ Sri Lanka với khoản thanh toán 1,12 tỷ USD vì quốc đảo này không thể trả nợ vốn tài trợ cho Trung Quốc.
Cảng Hambantota chiến lược của Sri Lanka nằm giữa các tuyến thương mại liên kết Ấn Độ Dương với Châu Âu, Châu Phi, và kết nối Trung Đông đến châu Á. Để đổi lấy tài chính và cơ sở hạ tầng mà các quốc gia nghèo hơn cần, Trung Quốc đòi hỏi sự tiếp cận thuận lợi tới tài nguyên thiên nhiên của những nước này, từ tài nguyên khoáng sản cho đến các cảng biển chiến lược.
Đây là bằng chứng về chiến lược ngoại giao bằng “bẫy nợ” cực kỳ lợi hại của Trung Quốc – một nước cờ quan trọng của sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, mà ông Tập Cận Bình gọi đó là “dự án của thế kỷ” .
Không giống như các khoản cho vay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các khoản cho vay của Trung Quốc được đảm bảo bởi các tài sản tự nhiên có tầm quan trọng chiến lược với giá trị dài hạn cao (ngay cả khi các tài nguyên ấy thiếu giá trị kinh tế hiện thời).