Việc Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ đề nghị thực hiện lệnh cấm vận năng lượng hoàn toàn đối với Nga phải xem xét thực tế: Á Châu đang nhập cảng tất cả những gì Nga có thể cung cấp.
Theo Financial Times, Trung Quốc, Ấn Độ, và các nền kinh tế chính của Á Châu sẽ đưa xuất cảng của Nga lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Theo Reuters, trên thực tế, thặng dư tài khoản thương mại của Nga dự kiến đạt 28 tỷ USD trong tháng Ba, mức cao nhất mọi thời đại.
Điều đó không có nghĩa là các biện pháp trừng phạt không có tác dụng. Theo Business Insider, ước tính GDP của Nga sẽ giảm từ 10 đến 15% vào năm 2022 và lạm phát gần 20%.
Tuy nhiên, Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ phải lưu ý rằng các lệnh trừng phạt mới có thể sẽ yếu dần, vì các nước Á Châu đang mua tất cả các sản phẩm có sẵn của Nga với mức giá chiết khấu đáng kể.
Liên minh Âu Châu, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ không được sai lầm khi nghĩ rằng Nga có thể hứng chịu 100% lệnh cấm vận năng lượng khi Trung Quốc đang tăng cường nhập cảng từ Nga.
Con đường thoát khỏi các lệnh trừng phạt mới là Trung Quốc, quốc gia duy trì quan điểm trung lập và mặc dù điều này không ngăn cản được những khó khăn kinh tế của Nga, nhưng nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc thì không thể có một lệnh cấm vận thành công.
Theo Goldman Sachs, trong năm 2022, xuất cảng của Nga sang Trung Quốc, Á Châu và các nước mới nổi ước tính sẽ vượt quá 170 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với con số 158 tỷ USD của xuất cảng sang Liên minh Âu Châu vào năm 2021. Nga dự kiến sẽ xuất cảng khoảng 103 tỷ USD sang Trung Quốc, cao hơn nhiều so với con số 79 tỷ USD cho năm 2021.
Bằng chứng là rõ ràng. Không có [sự tham gia cấm vận] của Trung Quốc, thì không có lệnh cấm vận năng lượng thực sự.
Theo Reuters, Trung Quốc chiếm 15.4% tổng sản lượng xuất cảng dầu thô của Nga, với Ả Rập Xê-Út là nước duy nhất bán nhiều hơn [Nga]. Chúng ta đang nói về 1.6 triệu thùng mỗi ngày vào năm ngoái, vào năm 2022 dự kiến sẽ tới 3 triệu thùng mỗi ngày.
Đối với than, Nga là nhà cung cấp than lớn thứ hai cho Trung Quốc vào năm 2021, khoảng 57 triệu tấn vào năm ngoái, tương đương 17.6% tổng lượng than nhập cảng của Trung Quốc.
Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 3 của Trung Quốc. Người khổng lồ Á Châu chiếm 6.7% xuất cảng khí đốt tự nhiên của Nga vào năm 2021, 16.5 tỷ mét khối (bcm), tương đương 5% nhu cầu của Trung Quốc.
Các loại hàng hóa xuất cảng của Nga sang các nước Á Châu không tham gia vào lệnh trừng phạt là rất nhiều, từ Việt Nam đến Hàn Quốc. Ấn Độ cũng là một trong những nước hưởng lợi lớn từ việc mua các mặt hàng năng lượng từ Nga với mức chiết khấu đáng kể.
Theo Reuters và Iman Resources, Nga là nhà cung cấp than lớn thứ sáu của Ấn Độ, 1.8 triệu tấn vào năm 2021. Cũng theo Reuters và của Platt, về dầu và khí đốt, khối lượng của Ấn Độ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, nhập cảng 43,400 thùng dầu/ngày từ Nga vào năm 2021 và một thỏa thuận 20 năm với Gazprom để mua 2.5 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm.
Liên minh Âu Châu có thể nhận thấy rằng các lệnh trừng phạt mới tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nền kinh tế của họ nhưng lại ít gây thêm thiệt hại cho Nga, vì Trung Quốc có thể sẽ nhập cảng nhiều hơn và hàng hóa rẻ hơn để rồi sau đó xuất cảng thành phẩm của Trung Quốc sang các nước khác.
Chúng ta đừng quên rằng Liên minh Âu Châu không có khả năng cắt hoàn toàn việc nhập cảng năng lượng từ Nga. Theo Platt, trong số 150 bcm khí đốt tự nhiên mà EU nhập cảng, chỉ một phần có thể được thay thế và trong những tháng tới, nguồn cung cấp LNG nhàn rỗi gần như không tồn tại.
Hoa Kỳ có thể đủ khả năng để cấm nhập cảng từ Nga vì nước này độc lập về khí đốt tự nhiên và gần như độc lập, với Mexico và Canada, về dầu mỏ. Vương quốc Anh có thể thay thế hàng nhập cảng của Nga bằng Biển Bắc và danh mục các nhà cung cấp rất đa dạng đã sử dụng nhiều lần.
Không có lệnh cấm vận năng lượng nào đối với Nga nếu Trung Quốc không tham gia. Các biện pháp trừng phạt mới có thể đơn giản trở thành một lợi ích tương đối cho Trung Quốc.
Ông Daniel Lacalle, Tiến sĩ, là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính”.
Chánh Tín biên dịch