Báo cáo của LHQ: Chiến tranh ở Ukraine có tác động lâu dài đến giá lương thực

Bryan Jung

Một máy gặt đập liên hợp thu gom lúa mì trên một cánh đồng gần ngôi làng Hrebeni ở vùng Kyiv, Ukraine, vào ngày 17/07/2020. (Ảnh: Valentyn Ogirenko/Reuters)

Cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga đang có tác động lớn đến nguồn cung ngũ cốc của thế giới, điều này sẽ làm tăng đáng kể giá cả lương thực cùng với năng lượng và nợ nần khi chiến sự tiếp tục kéo dài.

“Cuộc chiến ở Ukraine, ở mọi khía cạnh, đang tạo ra những tác động đáng báo động đối với một nền kinh tế thế giới vốn đã bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, cùng với những tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển,” theo một báo cáo hôm 13/04 (pdf) của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

“Các dự báo gần đây của UNCTAD ước tính rằng nền kinh tế thế giới sẽ có một điểm phần trăm mức tăng trưởng GDP thấp hơn dự kiến ​​do chiến tranh, điều này đang phá vỡ nghiêm trọng các thị trường thực phẩm, năng lượng, và tài chính vốn đã thắt chặt.”

Nếu thời vụ gieo trồng mùa xuân ở Ukraine bị trì hoãn thêm vài tuần nữa và tình trạng gián đoạn các mặt hàng xuất cảng chủ chốt của khu vực không được giải quyết, thì có thể sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài, chẳng hạn như tình trạng thiếu lương thực gia tăng, nguồn cung phân bón hạn chế, một cuộc suy thoái toàn cầu lớn, và một sự tái cấu trúc mạng lưới chuỗi cung ứng.

Hiện tại, khả năng sản xuất cây trồng ở Ukraine và việc di chuyển sản xuất đó ra ngoài khu vực này đã bị gián đoạn nghiêm trọng.

Hàng triệu người Ukraine đã phải di tản khỏi các vùng nông nghiệp do chiến tranh, gây ra một tình trạng thiếu lao động. Những quả mìn cũng đang được chôn dưới các cánh đồng, trong khi quyền tự do đi lại bị hạn chế ở các khu vực xung đột.

Các chuyên gia ước tính rằng 50% sản lượng lúa mì và 25% sản lượng ngô của Ukraine hiện đang nằm trong khu vực xung đột.

Điều này khiến người nông dân rất khó có thể trồng trọt và ngay cả khi chúng được thu hoạch, vẫn sẽ có những thách thức lớn về mặt hậu cần đối với việc giao hàng.

Các hãng vận chuyển hàng hóa quốc tế phần lớn đều bị cấm gửi tàu vào khu vực Biển Đen, mặc dù tỷ lệ phí bảo hiểm đã tăng vọt.

“Có rất nhiều điều mà chúng tôi không nói về các vấn đề tổng thể có thể đến từ cuộc xung đột Ukraine-Nga, đặc biệt nếu nó kéo dài hơn một năm, hai, hoặc ba năm,” ông Richard Kottmeyer thuộc Công ty FTI Consulting, cho biết tại một hội thảo trên web hôm 14/04 do Hiệp hội Công nghiệp Thức ăn Chăn nuôi Hoa Kỳ (AFIA) tổ chức.

“Nếu chiến tranh kết thúc vào ngày hôm nay, thì chúng ta sẽ có tình trạng lạm phát lương thực trên diện rộng trong suốt ba năm,” ông nói. “Điều đó rất quan trọng. Khi chiến tranh vẫn đang tiếp tục, thì lạm phát lương thực và số năm tiếp theo sau đó sẽ trở nên tồi tệ hơn.”

Ngành nông nghiệp vốn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lao động do đại dịch gây ra và Chiến lược “Farm to Fork” (từ nông trại đến bàn ăn) của EU, là một nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của môi trường và khí hậu được dự đoán từ việc sản xuất lương thực.

Ông Kottmeyer cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine đã tạo thêm một lớp áp lực hiện có lên thị trường này, với tình trạng lạm phát lương thực có khả năng sẽ đạt mức chưa từng thấy trong 20 năm nữa.

Tổng cộng Ukraine và Nga cung cấp khoảng 30% lúa mì và lúa mạch của thế giới, khoảng 20% ​​ngô, và hơn 50% dầu hướng dương.

Hoa Kỳ có thể tăng xuất cảng ngô và lúa mì lên 200 triệu bushel (1 bushel tương đương 28kg) mỗi loại, nhưng con số đó sẽ chỉ chiếm 10% lượng lúa mì thiếu hụt và khoảng 17% lượng ngô thiếu hụt.

Dựa trên nguồn dự trữ lúa mì toàn cầu hiện tại, thì các nhà xuất cảng nông sản lớn sẽ không thể bù đắp lượng thâm hụt do mất thị trường ngũ cốc Ukraine-Nga.

Ông Kottmeyer nói, tình trạng thiếu ngô có thể bù đắp được nhưng lượng dự trữ để đạt được điều đó sẽ ngày càng hạn hẹp hơn.

Ông tin rằng giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục tăng, với một số mô hình phân tích cho thấy giá ngô sẽ ở mức trên 12 USD/bushel và một cuộc suy thoái có thể sẽ xảy ra với EU, vốn có thể mất tới 3 đến 4% GDP trong năm nay.

Nga cũng là nước xuất cảng khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới và là nước xuất cảng dầu thô lớn thứ hai.

Nga và Belarus, vốn đều bị phương Tây trừng phạt, đóng góp tổng cộng khoảng 20% các mặt hàng xuất cảng phân bón.

Hầu hết kali trên thế giới cũng đến từ khu vực này, đây là chất cần thiết để làm phân bón cho nông nghiệp.

“Có vẻ như Nga và Belarus đang hạn chế việc vận chuyển và sản xuất,” ông Kottmeyer nói và giải thích, “với nguồn cung hạn chế, Âu Châu khó có thể nhận được các nguồn phân phối. Ấn Độ có thể là nước có nguy cơ thiếu phân bón cao nhất vì họ đang có một số vụ mùa cần trồng trọt sớm nhất.”

Liên Hiệp Quốc cho biết những gián đoạn này sẽ gây thiệt hại nhiều nhất cho các nước đang phát triển, với lời cảnh báo về giá lương thực tăng cao dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự.

Người ta lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình quy mô lớn và hành động từ các nhóm đang tìm cách lợi dụng sự bất ổn ở các nước bị ảnh hưởng.

Liên Hiệp Quốc cho biết có tới 1.7 tỷ người “bị ảnh hưởng nặng” bởi tác động của cuộc chiến Ukraine, và trong số những người đó, có đến 553 triệu người đói nghèo, cùng 215 triệu người bị suy dinh dưỡng.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Giá hàng hóa đang đạt mức cao kỷ lục trên diện rộng,” một phần do cuộc xung đột này.

“Giá lương thực cao hơn 34% so với cùng thời điểm này vào năm ngoái và chưa bao giờ cao như vậy kể từ khi [Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc] bắt đầu thống kê. Tương tự, giá dầu thô đã tăng khoảng 60%, và giá khí đốt và phân bón đã tăng hơn gấp đôi.”

Lạm phát lương thực hiện tại sẽ trở nên tồi tệ hơn, với áp lực nặng nề nhất đang đè nặng ở các khu vực dễ bị tổn thương như Bắc và Tây Phi.

“Sẽ có một cuộc chiến về nguồn cung, nguyên liệu đầu vào, lúa mì, thực phẩm, giữa năng lượng và ngũ cốc,” ông cho biết. “Không có một mô hình nào mà tôi thấy rằng có kẻ nào đó không thua cuộc. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ thua cuộc và họ sẽ mất gì,” ông Kottmeyer nói.

“Làm thế nào để chúng ta xác định được ai là người bị tổn hại bởi sự khan hiếm này? Nếu không xác định được, thì đó sẽ là các nước đang phát triển và chúng ta sẽ đi từ một cuộc xung đột sang nhiều cuộc xung đột hơn,” ông cảnh báo.

Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts