Reuters đưa tin gần đây cho biết, Trung Quốc đang bán các mỏ dầu của mình ở Hoa Kỳ, Canada, và Anh do lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh quá phụ thuộc vào thị trường và công nghệ của Hoa Kỳ có thể là tai hại trong trường hợp bị trừng phạt hoặc mất tài sản ở ngoại quốc.
Các nguồn tin trong ngành nói với Reuters, nhà sản xuất dầu và khí đốt ngoài khơi hàng đầu của Trung Quốc, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đang chuẩn bị rút các hoạt động của mình khỏi Hoa Kỳ, Canada, và Anh vì sợ bị trừng phạt. Công ty đang tìm cách rút các khoản đầu tư trị giá 15 tỷ USD vào Nexen của Canada, công ty sản xuất khoảng 220,000 thùng mỗi ngày ở Biển Bắc, Vịnh Mexico, và cát dầu của Canada.
Sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSX) hủy niêm yết, đại công ty dầu khí này cho biết họ có kế hoạch thực hiện IPO trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, Reuters đưa tin. Cổ phiếu của CNOOC đã bị đình chỉ giao dịch trên NYSX vào tháng Ba năm 2021 và chính thức bị hủy niêm yết vào tháng Mười, hành động này được hiểu là một nỗ lực do chính phủ ông Trump bắt đầu nhằm kiểm soát các tổ chức bị cáo buộc có liên kết với quân đội Trung Quốc.
Công ty cũng đã đề cập đến “rủi ro của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ” trong báo cáo thường niên năm 2021 (pdf) được công bố hôm 12/04.
Báo cáo cho biết trong khi liệt kê các rủi ro khác từ các quốc gia phương Tây, không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ: “Không thể dự đoán liệu hoạt động kinh doanh của Công ty hoặc các chi nhánh của nó … có bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ do những thay đổi [trong chính sách] hay không.”
Kể từ thời chính phủ ông Trump, ĐCSTQ đã phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng về các hoạt động thương mại phi đạo đức và vi phạm nhân quyền. Thời điểm bán tài sản của CNOOC dường như có liên quan đến sự gia tăng giá dầu và khí đốt do Nga xâm lược Ukraine, khiến công ty có thể thu về mức giá cao hơn mức đã bỏ ra.
CNOOC là một trong những doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc, với số vốn đăng ký khoảng 18.2 tỷ USD. Tháng trước (03/2022), Reuters đưa tin cho biết CNOOC đã thuê Bank of America chuẩn bị cho việc bán các tài sản ở Biển Bắc của mình như một phần trong thương vụ mua nhà sản xuất Nexen của Canada trị giá 15 tỷ USD vào năm 2013, thương vụ mua lại lớn nhất ở ngoại quốc của họ. Hành động này được coi là một sự thay đổi chiến lược tập trung vào các phát triển dầu khí mới hơn và tránh xa các tài sản của phương Tây.
Chuyên gia: ĐCSTQ lo sợ các biện pháp trừng phạt
Một ký giả chuyên mục tài chính kinh doanh cao cấp người Trung Quốc họ Trần (Chen Siyu) nói với The Epoch Times rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã gây ra nỗi sợ hãi cho ĐCSTQ. Và rằng Bắc Kinh sẽ phải gánh chịu những thiệt hại lớn về công nghệ và kinh tế nếu các tài sản ở ngoại quốc của họ bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác tịch thu. Do đó, họ đang nhanh chóng bán tài sản ở ngoại quốc và đưa CNOOC trở lại các đợt IPO trong nước.
Ký giả Trần cho biết ĐCSTQ đã đánh cắp các công nghệ của phương Tây thông qua “Chương trình Ngàn Nhân Tài (TTP)” và “ Sáng kiến Sản xuất tại Trung Quốc 2025 (MIC 2025)” để đi tắt đón đầu trong nghiên cứu và phát triển (R&D) và vượt qua các tiến bộ công nghệ của phương Tây.
TTP là một kế hoạch tuyển dụng gây tranh cãi do nhà nước hậu thuẫn bị giới chức Hoa Kỳ chỉ trích vì vai trò trong việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu của phương Tây cho Trung Quốc. MIC 2025 là một sáng kiến được ĐCSTQ công bố vào năm 2015 nhằm đầu tư mạnh mẽ vào phát triển công nghệ nội địa nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ ngoại quốc, biến Trung Quốc thành cường quốc toàn cầu về công nghiệp công nghệ cao trong 10 năm.
“ĐCSTQ phải dựa vào Hoa Kỳ [về các công nghệ và thị trường] cho dù họ có muốn hay không. [Họ thận trọng tránh xung đột trực tiếp với Hoa Kỳ, lo sợ những hậu quả nghiêm trọng]. Một mặt, họ phát đi những tín hiệu trái chiều về xung đột Nga-Ukraine, vừa rút lại vừa cung cấp hỗ trợ cho Nga. Mặt khác, họ tăng cường sản xuất lương thực trong nước [vì lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây].”
Trong một cuộc họp video hôm 14/04, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken kêu gọi Trung Quốc “chọn một [bên]” trong cuộc chiến Nga-Ukraine, cho thấy lời nói và việc làm của Bắc Kinh về vấn đề này là mơ hồ và không nhất quán.
Ông Blinken nói, đồng thời gây thêm áp lực lên Bắc Kinh: “Đó là về việc đứng về phía đúng hoặc sai; đó là việc đứng về phía các nguyên tắc căn bản của hệ thống quốc tế hoặc sự hỗn loạn và xung đột. Và cuối cùng, Trung Quốc phải lựa chọn.”
Hôm 12/04, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã thêm 12 công ty Cổ phần Khái niệm Trung Quốc (công ty cổ phần khái niệm là các công ty có tài sản hoặc thu nhập có hoạt động quan trọng ở Trung Quốc đại lục — dịch giả) vào danh sách theo dõi hủy niêm yết, theo ấn bản Hoa ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Tính đến ngày hôm đó, có 23 công ty Trung Quốc lọt vào danh sách đó, bao gồm cả Weibo, một đại công ty truyền thông xã hội của Trung Quốc.
Hiện tại, nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ có thể sẽ theo chân CNOOC.
Cô Kathleen Li đã viết bài The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng và kỹ thuật kết cấu tại Úc.
Nhật Thăng biên dịch