Vũ Hiến
Trong khoảng một thập niên qua, nhiều phân tích gia phương Tây nói nhiều về nỗ lực hiện đại hoá quân đội của Liên bang Nga. Nhưng theo dõi cuộc chiến tại Ukraine người ta mới nhận ra chính Ukraine mới là quân đội được hiện đại hoá và điều đó đã mang lại thành công cho Ukraine trong cuộc chiến bảo vệ đất nước của họ, ít ra là trong giai đoạn vừa qua.
Hòa nhịp với NATO
Quân đội Ukraine đã được huấn luyện về chiến tranh đô thị, chiến thuật dã chiến và cứu thương. Cuộc tập trận ở miền tây Ukraine là một trong nhiều cuộc tập trận diễn ra trong mấy năm gần đây với sự tham gia của quân đội Canada, Vương quốc Anh, Romania và Lực lượng Vệ binh Quốc gia California.
Ðây chỉ là một phần trong nỗ lực ít được công khai hoá của các quốc gia thuộc khối minh ước NATO để nhằm hoàn toàn biến đổi một quân đội Ukraine hiện đại hơn từ trên xuống dưới, từ những người lính đánh trận cho tới bộ trưởng quốc phòng đến giám sát viên trong quốc hội. Ðó là một lý do quan trọng vì sao lực lượng chiến đấu nhanh nhẹn của Ukraine đã khiến thế giới phải ngạc nhiên sau khi chứng tỏ cho thấy họ có thể chống cự và đẩy lui một đội quân xâm lược lớn mạnh hơn và được trang bị tốt hơn gấp nhiều lần.
Thông qua các lớp học, các cuộc thao diễn và tập trận với sự tham gia của ít nhất 10,000 quân hàng năm trong hơn 8 năm qua, NATO và các thành viên của họ đã giúp Ukraine chuyển đổi từ cấu trúc chỉ huy cứng nhắc kiểu Liên Xô sang các tiêu chuẩn của phương Tây, nơi mà binh lính được dạy để biết suy đoán trong khi hành quân hoặc đụng trận.
Mài cung rèn kiếm
Sự hỗ trợ huấn luyện của phương Tây, mặc dù không hẳn là bí mật, nhưng cũng không được thổi phồng để tránh phía Nga nổi giận. Công việc huấn luyện trên cũng tránh gây sự chú ý từ bên ngoài vì nó là một nguồn thông tin tình báo có giá trị cho Hoa Kỳ và các đồng minh. Trong nhiều năm, Ukraine đã chiến đấu trong một cuộc chiến với vũ khí thật với phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở các khu vực phía đông, điều này có nghĩa là Kyiv đang đưa ra ngoài mặt trận một số binh sĩ thiện chiến nhất của châu Âu. Kinh nghiệm tiền tuyến giúp họ tiếp thu nhanh trong các chương trình huấn luyện của NATO – và cung cấp cho giới chức chỉ huy NATO cơ hội để tìm hiểu xem thực tế sẽ như thế nào khi phải thực sự đụng độ với quân đội Nga.
Vào thời điểm khi Nga phát động tấn công xâm lăng ngày 24 tháng 2, việc huấn luyện cho các lực lượng Ukraine đã trở nên ráo riết hơn, mặc dù có ít nhất 8 quốc gia NATO tham gia, phần lớn các khóa huấn luyện trực tiếp được thực hiện bởi các huấn luyện viên Ukraine. Ðối với giới chức chỉ huy NATO, đó là dấu hiệu cho thấy Ukraine đã học hỏi và biết tự phối hợp các chương trình giảng dạy của họ.
Công khó đền bù
Công việc huấn luyện của NATO tại Ukraine cũng gặt hái được nhiều thành công hơn so với cùng nỗ lực đó tại Iraq và Afghanistan. Các cố vấn ghi nhận sự thành công này một phần do cơ cấu xã hội của Ukraine tương đối chặt chẽ và một chính phủ trung ương được hỗ trợ bởi một bộ máy hành chánh, mặc dù làm việc còn kém cỏi và vướng phải nạn tham nhũng, nhưng vẫn thể hiện một nhà nước thống nhất. Nhưng có lẽ phần quan trọng hơn hết là Ukraine có một kẻ thù rõ rệt để chiến đấu sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea năm 2014 và hỗ trợ quân sự cho nhóm nổi loạn ở khu vực miền đông.
Cho dù kết quả của cuộc chiến tranh này sẽ như thế nào, theo lời các giới chức quân đội Ukraine và các cố vấn phương Tây, các lực lượng của quân đội Kyiv đã học được cách điều hành chiến tranh theo các quy tắc của NATO và đang thể hiện điều đó bằng những thành công đạt được trên chiến trường.
Các đơn vị chiến đấu của Ukraine là phần chính yếu của một chương trình tái thiết quân đội hoàn toàn từ trong ra ngoài. Các cố vấn NATO đã đưa vào áp dụng những khái niệm mới cho một hệ thống quân đội theo kiểu Liên Xô cũ của Ukraine, trong đó bao gồm quân đội được kiểm soát bởi phía dân sự, thanh tra chuyên nghiệp, kiểm toán viên nằm ngoài quân đội và các đơn vị riêng biệt chuyên về tiếp liệu.
Chiến thuật hiện đại
Bỏ đi khái niệm cũ là đặt ưu tiên quá nhiều về số lượng binh lính và vũ khí tung vào chiến trường, các cố vấn NATO thay vào đó là khái niệm mới về phối hợp sức mạnh quân sự, nơi mà các vị chỉ huy đặt ra các mục tiêu và bảo đảm họ có được đủ quân số và vũ khí cần thiết để đạt được mục tiêu đó.
Ðể mở rộng thêm khái niệm trên, NATO đã đưa ra ý tưởng về vai trò của hạ sĩ quan: những binh lính có kinh nghiệm chiến trường được thăng cấp và đóng vai trò liên kết quan trọng giữa các sĩ quan cao cấp ở trên và binh lính chiến đấu ở dưới. Các quốc gia NATO còn giúp các nhà lãnh đạo quân sự Ukraine áp dụng cách tiếp cận được gọi là “mission command” (hiểu là chỉ huy theo từng nhiệm vụ), trong đó cấp trên đặt ra các mục tiêu chiến đấu và cấp dưới đưa ra quyết định thi hành tuỳ theo hoàn cảnh của chiến trường lúc ấy.
Trong lối tiếp cận của Soviet, đến nay vẫn còn được Nga sử dụng, sĩ quan cao cấp đưa ra mệnh lệnh và các binh lính chiến đấu không được bàn thảo hoặc thích nghi. Và đó là sự khác biệt quan trọng giữa quân đội Ukraine và Nga khi họ đụng độ trên chiến trường với những kết quả ta đã thấy nghiêng về phía nào trong thời gian qua.
Chương trình huấn luyện cho quân đội Ukraine bắt đầu vào năm 2008 đã không được thành công. Rồi Nga bất ngờ tấn công Georgia cùng năm đó khiến NATO phải mở rộng chương trình huấn luyện và gợi ý mời Ukraine làm thành viên. NATO đưa ra bản nháp kế hoạch hành động dày 70 trang gọi là “Lộ trình chiến lược để Ukraine hội nhập vào khối Âu châu-Ðại Tây Dương” – về cơ bản là một lộ trình để chính phủ Kyiv đáp ứng các tiêu chuẩn dân chủ của NATO, trong đó bao gồm một quân đội chuyên nghiệp hơn, do dân sự kiểm soát. Những nỗ lực nói trên không mang lại kết quả do ủng hộ yếu ớt của phương Tây và sự phản đối trong quân đội vẫn còn theo kiểu Liên Xô của Ukraine.
Lịch sử sẽ không lặp lại
Sau khi Nga đánh bại các lực lượng Ukraine vào năm 2014 một cách quá dễ dàng khiến cho chính phủ Kyiv phải lo ngại. Tổng thống khi đó là Petro Poroshenko đã ra lệnh phải hiện đại hoá quân đội và cần sự giúp đỡ từ NATO. Các giới chức phương Tây sau đó liền tập trung vào việc xây dựng cơ sở huấn luyện quân sự rộng 150 dặm vuông ở thành phố Yavoriv, nằm cách 10 dặm về hướng đông của biên giới giữa Ukraine và Ba Lan, lúc đó cũng đang trong quá trình chuyển đổi theo đường lối lãnh đạo quốc gia hậu cộng sản.
Ưu tiên hàng đầu vào năm 2014 là giúp quân đội Ukraine chống lại các lực lượng nổi dậy do Nga hỗ trợ ở khu vực phía đông. Sau đó NATO khai triển thêm các khóa học về cứu thương trên chiến trường, lập kế hoạch khẩn cấp dân sự và đối phó với chiến tranh hỗn hợp của Nga, từ máy bay không người lái đến thâm nhập vào hệ thống điện thoại của đối phương. Các sĩ quan phương Tây cũng bắt đầu huấn luyện cho binh lính thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine các chiến thuật chiến đấu hiện đại.
Sau gần một thập niên hiện đại hoá, như ta đã thấy, quân đội Ukraine nay đã trở thành một trong những quân đội thiện chiến nhất tại châu Âu.
Sau những thất bại trong thời gian vừa qua, quân đội Nga đang thay đổi chiến lược, rút quân về tập trung tại hai khu vực phía đông và nam của Ukraine. Trong những tuần lễ sắp tới, phía Nga sẽ buộc quân đội Ukraine đánh theo lối chiến tranh quy ước – tức là dàn trận trực tiếp đối đầu nhau trên một địa hình. Như vậy, Nga sẽ nắm lợi thế vì có số lượng vũ khí áp đảo. Ta chưa biết phản ứng của quân đội Ukraine ra sao nhưng một điều rõ ràng là họ cần có thêm nhiều loại vũ khí nặng như pháo tầm xa và xe tăng, và các quốc gia phương Tây cần phải cấp tốc viện trợ cho họ càng sớm càng tốt. Ukraine không thể bị thua trong cuộc chiến này.