Trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhà chức trách đã tăng cường nỗ lực làm sạch hệ thống tài chính. Theo thống kê, kể từ tháng 10 năm ngoái, có hơn 40 quan chức tham nhũng đã ngã ngựa.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc mới đây cho biết, chỉ trong tháng 4 năm nay, có ít nhất 16 quan chức đã bị điều tra hoặc xử phạt. Nguyên nhân đưa ra đều là do nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.
Hôm 12/4, ông Vương Nghiệp (Wang Ye), nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) Chi nhánh Thâm Quyến, bị điều tra.
Đến ngày 15/4, ông Trương Học Khánh (Zhang Xueqing), Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Chủ tịch CCB Chi nhánh Thâm Quyến, cũng bị điều tra với cùng lý do trên.
Vào ngày 17/4, cơ quan hữu trách thông báo, ông Triệu Vệ Hoa (Zhao Weihua), Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Tín Thác Trung Nguyên (Zhongyuan Trust Co.,Ltd.) đang bị điều tra.
Tờ Caixin của Trung Quốc đưa tin, nguyên nhân Triệu Vệ Hoa bị điều tra có thể là do các hành vi trước đây của ông ta trong nhiệm kỳ tại Ngân hàng Trung Nguyên (Zhongyuan Bank). Trước khi bị điều tra, ông Triệu mới giữ chức chủ tịch của Zhongyuan Trust chưa được hai năm.
Trong ngày 22/4, có hai người bị điều tra vì nghi ngờ có hành vi sai phạm. Đó là ông Điền Huệ Vũ (Tian Huiyu), nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Ngân hàng Chiêu thương Trung Quốc (China Merchants Bank Co.,Ltd); và ông Tưởng Vân Minh (Jiang Yunming), ủy viên Đảng ủy kiêm Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Tỉnh Phúc Kiến.
Theo báo chí địa phương đưa tin, ông Điền Huệ Vũ và ông Tưởng Vân Minh là bạn cùng phòng khi theo học tại Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải.
Cùng ngày, ông Hàn Phượng Lâm (Han Fenglin), cựu Giám đốc Quản lý Rủi ro của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc Chi nhánh Thâm Quyến, cũng bị điều tra; còn bà Tăng Trường Hồng (Zeng Changhong), cựu quan chức của Cục Bảo vệ Nhà đầu tư thuộc Ủy ban Quản lý Giám sát Chứng khoán Trung Quốc, đã bị bắt.
Ngày 24/4, ủy ban kỷ luật cũng thông báo mở cuộc điều tra đối với ông Vương Huy (Wang Hui), cựu Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Xuất nhập khẩu Hàng công nghiệp nhẹ Trung Quốc.
Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức đợt kiểm tra thứ tám đối với 25 cơ quan tài chính từ tháng 10 năm ngoái đến đầu tháng 1 năm nay. Kết quả là hơn 20 quan chức trong hệ thống tài chính đã bị điều tra hoặc xử phạt.
Kể từ đầu năm 2022 tới nay, có thể thấy nhiều lãnh đạo ngân hàng đã ngã ngựa, ví dụ như:
- Cựu Chủ tịch Ngân hàng Huy Thương (Huishang Bank) Ngô Học Dân (Wu Xuemin);
- Cựu Chủ tịch Ngân hàng Giang Tây (Jiangxi Bank) Trần Hiểu Minh (Chen Xiaoming);
- Cựu Chủ tịch Hợp tác xã Tín dụng Nông thông tỉnh Liêu Ninh (Liaoning Rural Credit Cooperatives) Đô Bản Vĩ (Du Benwei);
- Cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Quang Đại (China Everbright Bank) Trương Hoa Vũ (Zhang Huayu);
- Cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Phú Điền (Fudian Bank) Tào Diễm Lệ (Cao Yanli);
- Cựu Chủ tịch Ngân hàng Quế Lâm (Gulin Bank) Khanh Nghị Tân (Qing Yixin);
- Cựu Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Nông thôn Phụ Tân (Fuxin Rural Commercial Bank) tỉnh Liêu Ninh Ngưu Kế Lương (Niu Jiliang);
- Cựu Chủ tịch Ngân hàng Cáp Nhĩ Tân (Harbin Bank) Lã Thiên Quân (Lv Tianjun);
- Cựu Phó chủ tịch Harbin Bank Tôn Phi Hà (Sun Feixia); v.v.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lam Thuật (Lan Shu) trước đó nói với The Epoch Times tiếng Trung rằng, Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ ba của ông; và tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20, ông Tập chắc chắn sẽ thăng cấp cho hàng loạt thuộc cấp thân tín. Theo nhà bình luận, lý do chính khiến ông Tập thanh trừng hệ thống tài chính vào thời điểm này là để bảo vệ những người mà ông muốn đề bạt.
Còn học giả người Hoa tại Úc, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) nói với The Epoch Times rằng, Đại hội 20 của ĐCSTQ liên quan đến một cuộc đấu tranh chính trị to lớn, vậy nên trước đó sẽ có một lượng lớn quan chức trong hệ thống tài chính bị thanh trừng.
Đông Phương
Theo NTD tiếng Trung