Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen họp báo về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Âu Châu và Tổng thư ký NATO tại trụ sở NATO ở Brussels, hôm 24/02/2022. (Ảnh: John Thys/AFP/Getty Images)

EU bắt đầu đàm phán khí đốt khẩn cấp, cho rằng việc Nga ngừng cung cấp khí đốt là ‘không chính đáng’

Theo quan chức hàng đầu của khối, các quan chức Liên minh Âu Châu đang tổ chức các cuộc đàm phán về khí đốt khẩn cấp sau khi Nga quyết định cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria.

Hôm thứ Tư (27/04), Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết, thông báo của đại tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga về việc ngừng cung cấp cho một số khách hàng Âu Châu là “không chính đáng và không thể chấp nhận được.” Thêm vào đó, EU đang nỗ lực phối hợp để đối phó với sự leo thang của Moscow.

Hôm thứ Tư, Gazprom cho biết họ đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì không trả tiền khí đốt bằng đồng rúp, phản ứng cứng rắn nhất của Moscow trước các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Bà von der Leyen cho biết trong một tuyên bố, “Việc Gazprom tuyên bố đơn phương ngừng cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở Âu Châu là một nỗ lực khác của Nga nhằm sử dụng khí đốt như một công cụ tống tiền.” 

“Điều này là không chính đáng và không thể chấp nhận được. Và điều này lại một lần nữa cho thấy sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách là một nhà cung cấp khí đốt,” bà nói.

Bà von der Leyen tuyên bố EU đã chuẩn bị cho kịch bản này và sẽ tiếp tục làm việc để bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt thay thế và bảo đảm kho chứa khí đốt được lấp đầy. Các quy định của EU yêu cầu tất cả các quốc gia phải có phương án dự phòng để đối phó với một cú sốc nguồn cung khí đốt.

Bà von der Leyen cho biết EU đang phối hợp đối phó với sự leo thang của Nga và “nhóm điều phối khí đốt” của họ gồm đại diện từ chính phủ các quốc gia và ngành công nghiệp khí đốt đã họp vào sáng thứ Tư (27/04).

Kho khí đốt của EU hiện đã đầy 32%. Các nước EU đang đàm phán về các quy định khẩn cấp yêu cầu họ phải lấp đầy 80% kho dự trữ vào tháng 11 năm nay, để tạo thành một nguồn cung cấp dự phòng kịp thời cho mùa đông, khi nhu cầu sưởi ấm bằng khí đốt lên đến đỉnh điểm.


Nga cắt giảm khí đốt, giá ở Âu Châu tăng vọt

Một khung cảnh cho thấy các đường ống cung cấp tại nhà máy lọc dầu Ruhr Oel của BP Gelsenkirchen GmbH ở Gelsenkirchen, miền tây nước Đức hôm 08/03/2022. (Ảnh: Ina Fassbender/AFP qua Getty Images)

Giá khí đốt ở Âu Châu đã tăng vọt tới 24% sau tuyên bố của Gazprom rằng họ sẽ tạm ngừng giao hàng đến Ba Lan và Bulgaria bắt đầu từ thứ Tư (27/04) vì không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ các quốc gia này kể từ 01/04. Giá khí đốt giao sau tiêu chuẩn tại một thời điểm đã lên tới khoảng 125 euro/MWh.

Ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, đã đăng một tweet vào sáng thứ Tư rằng tổ chức của ông “vững vàng đứng về phía Ba Lan.”

Ông viết: “Việc Gazprom cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan là một dấu hiệu khác cho thấy việc Nga chính trị hóa các thỏa thuận hiện hữu và sẽ chỉ đẩy nhanh các nỗ lực của Âu Châu nhằm tách khỏi nguồn cung cấp năng lượng của Nga.”

Sự gia tăng giá đột biến xảy ra ngay cả khi thời tiết trở nên ấm hơn ở Âu Châu, làm giảm nhu cầu về khí đốt tự nhiên để sưởi ấm cho các ngôi nhà và cơ sở kinh doanh.


Thống đốc: Các vụ nổ xảy ra ở Belgorod của Nga, kho đạn gần đó bốc cháy

Một khu ngoại ô mới xây ở thành phố Belgorod của Nga, cách Moscow khoảng 700 km về phía nam, hôm 11/04/2019. (Ảnh: Vasily Maximov/AFP qua Getty Images)

Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết một loạt vụ nổ đã được nghe thấy vào sáng sớm hôm thứ Tư (27/04) tại thành phố Belgorod của Nga gần biên giới Ukraine, và một kho đạn ở tỉnh này đã bốc cháy.

Ông Gladkov cho biết không có dân thường nào bị thương do hỏa hoạn bùng phát tại một cơ sở gần làng Staraya Nelidovka. Nga cáo buộc Ukraine tấn công một kho nhiên liệu ở Belgorod bằng trực thăng và nổ súng vào một số ngôi làng trong tỉnh trong tháng này.

Tỉnh Belgorod giáp với các vùng Luhansk, Sumy và Kharkiv của Ukraine, tất cả đều đã chứng kiến ​​các cuộc giao tranh khốc liệt kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hai tháng trước.


Kyiv kéo đổ tượng đài thời Liên Xô tượng trưng cho tình hữu nghị Nga-Ukraine

Thị trưởng thành phố cho biết hôm thứ Ba (26/04), các nhà chức trách Ukraine đã tháo dỡ một tượng đài khổng lồ từ thời Liên Xô ở trung tâm Kyiv tượng trưng cho tình hữu nghị giữa Nga và Ukraine, một phản ứng trước sự xâm lược của Moscow.

Bức tượng đồng cao 8 mét (27 foot) mô tả một công nhân Ukraine và Nga trên một chiếc bệ, cùng nhau giương cao một huân chương hữu nghị của Liên Xô. Bức tượng được đặt bên dưới “Vòm Hữu Nghị Nhân Dân” khổng lồ bằng titan, được dựng lên hồi năm 1982 để kỷ niệm 60 năm thành lập Liên Xô.

Thị trưởng Kyiv Vitaly Klitschko nói, “Giờ thì chúng ta đã thấy ‘tình hữu nghị’ này là gì — tàn phá các thành phố của Ukraine… sát hại hàng chục ngàn người dân hiền lành. Tôi tin rằng một tượng đài như vậy giờ đã có một ý nghĩa hoàn toàn khác rồi.” 

Những người thợ bắt đầu tháo một trong hai chiếc đầu bằng đồng rơi xuống đất với một tiếng boong chát chúa.

Khi một chiếc cần cẩu nâng tượng đài khỏi dây neo và dần dần hạ xuống mặt đất, một đám đông khoảng 100 người đã hò reo và hô vang “Vinh quang cho Ukraine” và các khẩu hiệu khác.

“Nga xâm lược Ukraine… Chúng tôi có thể làm bạn với Nga không? Quý vị nghĩ sao? Đây là kẻ thù tồi tệ nhất của chúng tôi, đó là lý do tại sao tượng đài tình hữu nghị Nga-Ukraine không còn ý nghĩa nữa,” ông Serhiy Myrhorodsky, một trong những nhà thiết kế, cho biết.

“Chúng tôi không nên có bất kỳ quan hệ nào với quốc gia của những kẻ xâm lược… không có tình hữu nghị nào cả, không có mối quan hệ nào cả, không có gì hết,” cô Diana, một phụ nữ trẻ, người không cho biết tên đầy đủ của mình, nói.

Ông Klitschko cho biết, cổng vòm sẽ được giữ nguyên nhưng được đổi tên thành Cổng Tự do của Nhân dân Ukraine.


Quan chức Điện Kremlin cho biết Ukraine có thể bị chia cắt thành nhiều phần

Một quan chức cao cấp của Điện Kremlin nói rằng Ukraine có thể bị chia cắt thành nhiều phần.

Ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết trong một nhận xét được công bố hôm thứ Ba (26/04) rằng “các chính sách của phương Tây và chế độ Kyiv do phương Tây kiểm soát sẽ chỉ dẫn đến việc chia cắt Ukraine thành nhiều quốc gia.”

Tuyên bố trên được đưa ra khi Nga cho biết họ đang tập trung vào việc mở rộng quyền kiểm soát đối với trung tâm công nghiệp phía đông của Ukraine tên là Donbas.

Tuần trước (18-24/04), một sĩ quan cao cấp của quân đội Nga cho biết cùng với việc giành quyền kiểm soát Donbas, Nga cũng muốn đánh chiếm miền nam Ukraine, đồng thời cho rằng một hành động như vậy cũng sẽ mở ra một hành lang trên bộ nối liền giữa Nga và khu vực ly khai Transnistria của Moldova.


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ: Năng lực của Nga đang suy yếu

Ông Lloyd Austin nói rằng cuộc chiến ở Ukraine đã làm suy yếu khả năng quân sự của Nga.

Ông Austin cho biết sau cuộc gặp với các đồng minh và đối tác tại Căn cứ Không quân Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức hôm thứ Ba (26/04) rằng, kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược, các lực lượng lục quân của họ đã chịu thương vong “khá đáng kể,” cũng như mất nhiều thiết bị và sử dụng nhiều bom, đạn được dẫn đường chính xác.

Ông nói rằng “thực tế là về năng lực quân sự, họ yếu hơn so với hồi họ bắt đầu, và… họ sẽ khó thay thế một số khả năng này khi họ tiến lên vì các lệnh trừng phạt và các hạn chế thương mại áp đặt lên họ.”

Ông Austin nhắc lại rằng “một lần nữa chúng tôi muốn bảo đảm rằng họ không có khả năng bắt nạt các láng giềng của họ như chúng ta đã thấy ngay từ đầu cuộc xung đột này.”

Ông chỉ trích lời cảnh báo của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng “không nên đánh giá thấp nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.”

Ông Austin nói rằng “thật vô ích và nguy hiểm khi công khai đe dọa và suy đoán về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.”


Ngoại trưởng Blinken kêu gọi tiếp tục hỗ trợ Ukraine tại phiên điều trần Thượng viện

Ngoại trưởng Antony Blinken đang thúc giục Quốc hội tài trợ đầy đủ cho ngân sách đề nghị của chính phủ Tổng thống Biden dành cho Bộ Ngoại giao, nói với các nhà lập pháp rằng chi tiêu rất quan trọng để bảo đảm rằng cuộc chiến ở Ukraine là một “thất bại chiến lược” cho Nga và gửi một thông điệp tới các quốc gia khác có thể xâm lược các nước láng giềng của họ.

Ông Blinken nói với Ủy ban Ngoại giao Thượng viện hôm thứ Ba (25/04) rằng phản ứng toàn cầu do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với cuộc xâm lược của Nga đã “nhấn mạnh sức mạnh và mục đích của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.” Ông nói rằng đề nghị ngân sách 60.4 tỷ USD cho năm tài chính tiếp theo là cần thiết để tiếp tục tập hợp các đối tác và đồng minh tham gia vấn đề này.

“Chúng tôi sẽ, chúng tôi phải tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao đó để nắm bắt những gì tôi tin là cơ hội chiến lược và giải quyết những rủi ro do cuộc xâm lược của Nga, khi các quốc gia xem xét lại các chính sách, ưu tiên, và mối quan hệ của họ,” ông Blinken cho biết. “Yêu cầu ngân sách trước mặt quý vị đã có trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng này, nhưng trong nhận định của tôi việc tài trợ đầy đủ cho nó là rất quan trọng để bảo đảm cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một thất bại chiến lược đối với Điện Kremlin và là một bài học mạnh mẽ cho những ai có thể cân nhắc đi theo con đường của Nga.”

Ông Blinken không nêu tên các quốc gia khác mà có thể đang xem xét tiếp bước Nga nhưng bình luận của ông được coi là ám chỉ đến Trung Quốc, quốc gia đã đứng về phía Nga trong cuộc xung đột Ukraine và không giấu giếm mong muốn thống nhất hòn đảo Đài Loan với đại lục.


Xuất cảng dầu thô đường biển của Nga gia tăng, đẩy doanh thu của Điện Kremlin tăng thêm 25%

Xuất cảng dầu thô đường biển của Nga đã tăng trong tuần từ ngày 16 đến ngày 22/04, có khả năng thúc đẩy thêm cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin vào Ukraine.

Theo dữ liệu theo dõi tàu và báo cáo của đại lý cảng do Bloomberg thu thập và phân tích, 40 tàu chở dầu đã chở khoảng 28 triệu thùng dầu từ các cảng xuất cảng của Nga trong tuần đó. 

Điều đó có nghĩa là lưu lượng dầu thô đường biển trung bình là 4 triệu thùng/ngày, đánh dấu mức tăng 25% so với tuần kết thúc hôm 15/04.

Bloomberg đưa tin cho biết ⅕ khối lượng vận chuyển từ các cảng trên Biển Đen và các bờ biển Baltic và Bắc Cực là trên các tàu chở dầu không hiển thị điểm đến cuối cùng, mặc dù phần lớn dự kiến ​​sẽ được chuyển đến Á Châu. 


Nga cảnh báo Anh vì kích động Ukraine

Hôm thứ Ba (26/04), Nga cảnh báo Anh rằng nếu nước này tiếp tục kích động Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga thì ngay lập tức sẽ có “phản ứng tương xứng.”

Bộ Quốc phòng Nga trích dẫn tuyên bố từ Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey, người nói với BBC rằng việc Ukraine săn lùng các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga để làm gián đoạn các đường tiếp tế và hậu cần là hoàn toàn hợp pháp.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc London trực tiếp kích động chế độ Kyiv làm ra những hành động như vậy, nếu những hành động đó được thực hiện, thì sẽ ngay lập tức dẫn đến phản ứng tương xứng của chúng tôi,” Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

“Như chúng tôi đã cảnh báo, Lực lượng Vũ trang Nga luôn sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công trả đũa bằng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao vào các trung tâm ra quyết định ở Kyiv.”

Bộ Quốc phòng cũng cho biết nếu Nga thực hiện các cuộc tấn công như vậy thì sẽ không có vấn đề gì nếu có đại diện của một quốc gia phương Tây nào đó ở trong các trung tâm ra quyết định của Ukraine.

Ông Heappey của Anh cho biết việc Ukraine tấn công các tuyến hậu cần và nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga là hoàn toàn hợp pháp và ông thừa nhận các vũ khí mà cộng đồng quốc tế đang cung cấp cho Ukraine có phạm vi sử dụng đến được Nga.


Điện Kremlin cho biết Gazprom đang làm việc để khai triển chương trình thanh toán khí đốt bằng đồng rúp

Hôm thứ Ba (26/04), khi được hỏi về hướng dẫn của Ủy ban Âu Châu về kế hoạch của Nga, Điện Kremlin cho biết Gazprom đang thực hiện sắc lệnh của tổng thống về việc thực thi thanh toán bằng đồng rúp cho nguồn cung cấp khí đốt mà không giải thích thêm.

Ủy ban Âu Châu đã nói rằng các công ty Âu Châu sẽ cần phải thực hiện các yêu cầu bổ sung, chẳng hạn như một tuyên bố nói rằng họ coi là nghĩa vụ hợp đồng của họ đã hoàn thành khi họ đã thanh toán bằng tiền tệ không phải của Nga.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trình bày trong cuộc họp báo thường nhật với các phóng viên: “Tất cả các liên hệ với các bên mua khí đốt đều được thực hiện thông qua Gazprom, vì vậy Gazprom sẽ công bố thông tin về kết quả của các cuộc đàm phán.”

Gazprom từ chối đưa ra bình luận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các quốc gia mà ông cho là “không thân thiện” đồng ý thực hiện kế hoạch. Theo đó họ sẽ mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và thực hiện thanh toán bằng đồng euro hoặc đồng dollar mà sẽ được chuyển đổi thành đồng rúp.

Ông Peskov cho biết các khoản thanh toán cho các chuyến hàng diễn ra sau khi sắc lệnh của ông Putin có hiệu lực dự kiến ​​sẽ diễn ra vào tháng Năm.

Nga công bố kế hoạch này sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/02, khiến phương Tây trừng phạt Nga, bao gồm cả việc phong tỏa một số dự trữ vàng và ngoại hối của nước này.

Hầu hết những quốc gia mua khí đốt của Nga ở Âu Châu ban đầu từ chối kế hoạch thanh toán bằng đồng rúp.

Tuy nhiên, Moscow cảnh báo Âu Châu rằng họ có nguy cơ bị cắt nguồn cung cấp khí đốt trừ khi họ thanh toán bằng đồng rúp và kể từ đó một số quốc gia mua khí đốt của Nga cho biết họ có thể chấp nhận yêu cầu của Moscow.

Uniper, nhà nhập cảng khí đốt Nga chính của Đức, cho biết hôm thứ Hai (25/04) rằng có thể thanh toán cho nguồn cung cấp trong tương lai mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu.

Hungary cho biết họ dự định thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng euro thông qua ngân hàng Gazprombank, ngân hàng này sẽ chuyển khoản thanh toán thành đồng rúp để đáp ứng yêu cầu mới.


Điện Kremlin phản ứng trước ‘các cuộc tấn công khủng bố’ ở Transnistria

Điện Kremlin cho biết làn sóng tấn công gần đây ở Transnistria, giáp biên giới với Ukraine, là “đáng lo ngại”. Các mục tiêu bao gồm một địa điểm quân sự và một cơ sở phát thanh truyền hình.

Phát ngôn viên Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ.”

Transnistria, chính thức được biết đến với tên gọi là Cộng hòa Moldova Pridnestrovian (PMR), đã được đặt trong tình trạng báo động khủng bố vào thứ Ba (26/04) sau một số vụ tấn công.

Các quan chức địa phương cho biết hôm thứ Hai rằng, một tòa nhà chính phủ ở thủ phủ Tiraspol của vùng đã bị súng phóng lựu chống tăng (RPG) bắn trúng. Một cuộc tấn công khác đã nhắm vào một địa điểm quân sự ở Parkany. Không có thương vong.

Sáng hôm thứ Ba (26/04), hai vụ nổ đã xảy ra tại một trung tâm phát thanh ở làng Mayak.

Có phần lớn dân số nói tiếng Nga, Transnistria đã tuyên bố độc lập khỏi Moldova trong thời kỳ Liên Xô tan rã nhưng hầu như không được cộng đồng quốc tế công nhận kể từ đó.

Ông Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin không có kế hoạch gặp người đồng cấp Moldova Maia Sandu vào thời điểm này.


Quân đội Nga tấn công cây cầu quan trọng ở Ukraine

Các quan chức Ukraine cho biết quân đội Nga đã đánh trúng một cây cầu chiến lược nối khu vực miền nam Odesa với nước láng giềng Romania.

Ông Oleksandr Kamyshin, người đứng đầu Công ty Đường sắt Quốc gia Ukraine, cho biết cây cầu bắc qua cửa sông Dniester nơi sông Dniester chảy vào Biển Đen đã bị hư hại trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của quân đội Nga hôm thứ Ba (26/04). Ông cho biết không có thương vong.

Cuộc tấn công đã cắt đứt liên kết đường sắt với các khu vực của vùng Odesa ở phía tây cửa sông và Romania.


EU sẽ cắt giảm nhập cảng dầu và khí đốt của Nga xuống mức 0 vào năm 2027

Liên minh Âu Châu 
Một nhà máy xử lý dầu ở mỏ dầu Yarakta, vùng Irkutsk, Nga, hôm 10/03/2019. (Ảnh: Vasily Fedosenko/Reuters)

Hôm thứ Ba (26/04), một quan chức cấp cao của Liên minh Âu Châu cho biết khối này có kế hoạch cắt giảm nhập cảng dầu và khí đốt của Nga xuống 0 vào cuối năm 2027. Nhận xét của ông được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU tiếp tục cân nhắc các biện pháp nhằm đẩy nhanh việc giảm sự phụ thuộc của khu vực vào năng lượng của Nga.

Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni nói với nhật báo Ý Il Messprisro trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Ba rằng Liên minh Âu Châu đặt mục tiêu giảm ⅔ sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga vào cuối năm nay và loại bỏ hoàn toàn vào cuối năm 2027.

Nhận xét của ông Gentiloni cung cấp thêm thông tin rõ ràng về mốc thời gian để các quốc gia thành viên EU cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, với các tuyên bố trước đây của EU về việc loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch của Nga thể hiện một mục tiêu “trước năm 2030”.

Nhận xét của ông cũng được đưa ra một ngày sau khi người đứng đầu về chính sách ngoại giao của EU, ông Josep Borrell, nói rằng vẫn chưa có đủ sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên của khối để áp đặt một lệnh cấm vận hoàn toàn đối với nhập cảng dầu và khí đốt của Nga.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói chuyện với Tổng thống Putin, thúc giục đối thoại trực tiếp với Tổng thống Zelensky

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận các cuộc đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (26/04) rằng ông đã đề nghị đưa “tiến trình Istanbul lên cấp lãnh đạo, một ngưỡng quan trọng trong các cuộc đàm phán Nga-Ukraine.” Quốc gia này tìm cách tiếp tục “tiến triển tích cực của các cuộc đàm phán Istanbul” hướng tới hòa bình.

Ankara, quốc gia duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Kyiv và Moscow, đã tự thể hiện mình là một nước trung gian trong nỗ lực chấm dứt giao tranh.


Ba Lan trừng phạt 50 tổ chức và cá nhân Nga

Chính phủ Ba Lan cho biết họ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 50 tổ chức và cá nhân Nga liên quan đến cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Hôm thứ Ba (26/04), Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Kaminski cho biết các biện pháp của Ba Lan thêm vào các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu và nhằm vào nhiều cá nhân và công ty Nga kinh doanh tại Ba Lan.

Ông Kaminski cho biết các công ty bị nhắm mục tiêu sẽ bị phong tỏa tài sản và bị loại tư cách tham gia đấu thầu công khai, trong khi các nhà tài phiệt Nga trong danh sách sẽ bị cấm nhập cảnh vào Ba Lan.

Đại tập đoàn khí đốt Gazprom và Moshe Kantor, sở hữu cổ phần của tập đoàn hóa chất quốc doanh Azoty của Ba Lan, nằm trong danh sách mới.


Nga trục xuất các nhà ngoại giao Thụy Điển

Ngoại trưởng Thụy Điển đã chỉ trích quyết định trục xuất một số nhà ngoại giao Thụy Điển của chính phủ Nga, gọi đó là “không hợp lý và bất cân xứng.”

Bà Ann Linde tuyên bố trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng Thụy Điển sẽ đáp trả “thích đáng” trước việc Moscow tuyên bố trục xuất bốn nhà ngoại giao Thụy Điển hôm thứ Ba (26/04). Riêng Bộ Ngoại giao Nga cho biết ba nhà ngoại giao “từ Đại sứ quán Thụy Điển tại Nga” sẽ bị trục xuất.

Hãng thông tấn Thụy Điển TT đưa tin rằng ba người trong số các nhà ngoại giao cư trú ở Moscow, nơi đặt đại sứ quán, và một người ở St. Petersburg.

Đầu tháng này, Thụy Điển đã trục xuất ba nhà ngoại giao Nga.


Các quan chức Ukraine: Số người thiệt mạng tăng trong cuộc tấn công của Nga 

Các quan chức Ukraine cho biết thêm nhiều dân thường thiệt mạng ở nhiều vùng khác nhau của miền đông Ukraine khi quân đội Nga tăng cường các cuộc tấn công vào hôm thứ Ba (26/04).

Thống đốc Luhansk Serhiy Gaidai cho biết ba người đã thiệt mạng sau khi đạn pháo của Nga bắn trúng một tòa nhà dân cư ở thành phố Popasna, nơi mà các lực lượng Nga đang cố gắng đánh chiếm.

Thống đốc Pavlo Kyrylenko của vùng Donetsk lân cận cho biết hai người đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương trong khu vực của ông.

Ở phía bắc Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, thống đốc khu vực Oleh Synehubov cho biết các cuộc pháo kích vào các khu vực dân sự khiến ba người thiệt mạng và bảy người khác bị thương.

Và xa hơn về phía nam, chính phủ khu vực ở Zaporizhzhia cho biết một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã làm thiệt mạng ít nhất một người và làm bị thương một người khác. Quân đội Nga đã bắn một số hỏa tiễn nhằm vào một trong những nhà máy ở thành phố Zaporizhzhia, họ cho biết.

Hôm Thứ Ba (26/04), Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã thống kê được 2,729 người thiệt mạng và 3,111 người bị thương trong các cuộc giao tranh kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.

Related posts