Mối đe dọa về khí đốt của Nga ở Âu Châu gây chấn động thị trường năng lượng

Andrew Moran

Hình ảnh đường ống dẫn khí đốt tại trạm máy nén Atamanskaya, cơ sở thuộc dự án Power Of Siberia của Gazprom bên ngoài thị trấn Svobodny, thuộc vùng Amur, Nga, hôm 29/11/2019. (Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters)

Nhà phân tích cảnh báo sự leo thang tiềm tàng của Nga có thể gây ra một tác động lan tỏa sang các thị trường năng lượng khác.

Giá khí đốt của Âu Châu đã tăng hơn 10% sau khi Nga thông báo rằng họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì từ chối thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga.

Cả hai quốc gia này, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga, đã từ chối mở tài khoản ngân hàng đặc biệt với Gazprombank để cho phép thanh toán cho Gazprom. Theo một báo cáo của Ngân hàng ING, Ba Lan duy trì một hợp đồng cung cấp thường niên với Gazprom với tổng sản lượng là 10.2 tỷ mét khối, dự kiến ​​sẽ hết hạn vào cuối năm 2022. Gần 53% lượng khí đốt nhập cảng của Ba Lan đến từ Nga.

Ba Lan nói rằng họ không muốn gia hạn thỏa thuận này.

Tuy nhiên, Bulgaria có vẻ như rơi vào tình thế khó khăn hơn. Theo báo cáo trên, mặc dù quốc gia này là một nước tiêu thụ ít khí đốt (khoảng 3 tỷ mét khối mỗi năm), nhưng Nga đáp ứng hơn 90% nhu cầu khí đốt của họ.

Đồng xu rúp của Nga trước Nhà thờ St. Basil ở trung tâm Moscow hôm 20/11/2014. (Alexander Nemenov/AFP/Getty Images)

Giá dầu và diesel tăng mạnh sau khi có thông tin cho rằng Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt. Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết điều đó là do mọi người lo ngại rằng nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Âu Châu giảm sẽ buộc châu lục này phải dựa vào các dạng năng lượng thay thế, chủ yếu là dầu và diesel, vốn đã thiếu hụt trên toàn cầu.

Ông viết: “Tin tức này đã giúp thúc đẩy sự ép giá dầu diesel, đưa hợp đồng tương lai lưu huỳnh cực thấp lên mức cao kỷ lục mọi thời đại là 4.4679 USD sau một hành động  gây ra tác động lớn.” 

Giá giảm sau khi có thông tin cho rằng một số nước Âu Châu đồng ý với yêu cầu của Nga.

Các nguồn tin thân cận với Gazprom nói với Bloomberg News rằng 4 quốc gia Âu Châu đã thanh toán cho các sản phẩm năng lượng bằng đồng rúp sau khi Tổng thống Vladimir Putin đưa ra yêu cầu vào đầu tháng này.

Mười doanh nghiệp Âu Châu đã mở tài khoản tại Gazprombank để bảo đảm rằng họ có thể thực hiện các khoản thanh toán bằng đồng rúp.

Mặc dù ban đầu từ chối tuân thủ yêu cầu của Điện Kremlin, nhưng đại công ty năng lượng Eni của Ý được cho là đang mở tài khoản bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Linder nói với công chúng rằng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy Moscow sẽ ngừng vận chuyển khí đốt đến nền kinh tế lớn nhất Âu Châu và là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga.

Berlin đã tuyên bố rằng họ sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm vận của Liên minh Âu Châu đối với năng lượng Nga nếu nó diễn ra từ từ. Nhưng Đức sẽ bị tổn thất bởi bất kỳ biện pháp nào như vậy, với các chuyên gia ước tính rằng nước này có thể sẽ mất 240 tỷ USD sản lượng kinh tế trong hai năm tới nếu có sự gián đoạn đáng kể trong dòng chảy dầu và khí đốt.

Các viện kinh tế cố vấn cho chính phủ cho biết trong một báo cáo chung: “Quyết định trở nên độc lập với nguồn cung cấp nguyên liệu thô của Nga có thể vẫn còn hiệu lực ngay cả khi tình hình quân sự và chính trị lắng dịu trở lại.” Điều đó có nghĩa là một phần của ngành cung cấp năng lượng và ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải tự tái tổ chức.”

Không có thị trường Âu Châu nào khác báo cáo việc cắt giảm khí đốt từ Nga.

Trong những tuần gần đây, một số thành viên EU đã yêu cầu lãnh đạo khối hướng dẫn cụ thể về yêu cầu đồng rúp của Nga, lưu ý rằng các khuyến nghị hiện tại quá mơ hồ.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã kêu gọi các nước EU không nhượng bộ Nga, đồng thời nói thêm rằng điều này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đưa ra tuyên bố tại Brussels hôm 27/04/2022, sau quyết định của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom về việc tạm dừng các chuyến hàng khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria. (Ảnh: Kenzo Triboullard/Pool/AFP qua Getty Images)

Trong một cuộc gọi với các phóng viên vào tuần trước, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã từ chối nêu tên các quốc gia đã đồng ý với yêu cầu của Nga, lưu ý rằng thông tin này sẽ không được công khai. Ông nói thêm rằng Moscow “sẽ không làm từ thiện” bằng cách vận chuyển năng lượng miễn phí đến các nước phương Tây.

Bà Von der Leyen gọi hành động của Moscow nhằm làm gián đoạn dòng chảy đến người tiêu dùng Bulgaria và Ba Lan là không thể chấp nhận được, ví nó như “một công cụ tống tiền”.

Bà nói trong một tuyên bố, “Việc làm này là không chính đáng và không thể chấp nhận được. Và một lần nữa hành động đó cho thấy sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp khí đốt. Chúng tôi đang vạch ra phản ứng phối hợp của EU. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để bảo đảm các nguồn cung thay thế.”

Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab nhắc lại tình trạng của Nga như một “nền kinh tế bị thế giới ruồng bỏ”.

Trong khi một số nhà phân tích thị trường tin rằng việc mất quyền tiếp cận khí đốt của Nga sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng nó có thể dẫn đến nhiều rủi ro lâu dài hơn cho nền kinh tế Âu Châu và bối cảnh năng lượng của khối này.

Ông Kaushal Ramesh và bà Nikoline Bromander, hai nhà phân tích cao cấp tại Rystad Energy, cho biết trong một ghi chú: “Việc Ba Lan và Bulgaria cùng mất quyền tiếp cận khí đốt của Nga không có tác động lớn đến toàn bộ thị trường Âu Châu, nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn có thể xảy ra nếu các quốc gia lớn khác hoặc khách hàng riêng lẻ bị cắt nguồn cung như Đức và Ý.”

“Thật vậy, hành động này của Nga nên được xem xét một cách thận trọng vì là một tiền lệ.”

Ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu, sự leo thang tiềm tàng của Nga có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa sang các thị trường năng lượng khác, bao gồm Á Châu.

Ông viết: “Hành động mới nhất này của Nga và nguy cơ leo thang hơn nữa cho thấy giá khí đốt của Âu Châu sẽ tiếp tục tăng. Điều này sẽ có tác động lan tỏa sang các thị trường khí đốt khác, đặc biệt là thị trường Á Châu. Âu Châu sẽ ngày càng phải cạnh tranh với Á Châu về nguồn cung LNG [khí đốt tự nhiên hóa lỏng] linh hoạt, điều này sẽ giữ cho giá LNG giao ngay tại Á Châu ở mức cao.”

Đã có một số suy đoán rằng Hoa Kỳ có thể thúc giục các thị trường Á Châu, như Nhật Bản, vận chuyển một số lượng LNG nhập cảng của họ đến Âu Châu để giúp giảm thiểu một cuộc khủng hoảng năng lượng đang gia tăng.

Hồi tháng Ba, Tòa Bạch Ốc và EU đã ký một thỏa thuận quan trọng để vận chuyển nhiều hơn LNG xuất cảng của Hoa Kỳ sang Âu Châu.

Hơn nữa, ngày càng nhiều nhà kinh doanh có thỏa thuận dài hạn vận chuyển LNG đến Á Châu đã chọn trả khoản phí cao để chấm dứt hợp đồng và chuyển hướng những lô hàng này đến Âu Châu, với triển vọng kiếm được nhiều tiền hơn.

Nhà phân tích Sean Morgan của Evercore ISI đã viết  trong một báo cáo vào tháng trước: “Bàn tay vô hình của thị trường đang giúp đỡ Âu Châu. Do nguồn cung khí đốt của Âu Châu gặp khó khăn, hầu hết người mua đã quyết định chuyển nguồn cung cấp của họ sang EU. Âu Châu đã và đang trả giá cao hơn vốn đã khuyến khích các công ty tư nhân chuyển hướng khí đốt đã ký hợp đồng trước đây sang Âu Châu để kiếm tiền từ khoản chênh lệch giá lớn.”

Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế và tài chính. Ông đã là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập kỷ ở Toronto, với các phụ đề trên Liberty Nation, Digital Journal và Career Addict. Ông cũng là tác giả của “Cuộc chiến về tiền mặt.”

Vân Du biên dịch

Related posts