Hoa Kỳ và 60 quốc gia đối tác ký tuyên bố về mạng internet toàn cầu trước chủ nghĩa độc tài Trung Quốc

Andrew Thornebrooke

Tổng thống Joe Biden nói về Nga và Ukraine từ Phòng Roosevelt ở Tòa Bạch Ốc hôm 21/04/2022. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Hoa Kỳ và 60 quốc gia đối tác đã ký kết một bản tuyên bố mới hôm 28/04, xác nhận cam kết của họ nhằm phát triển và thúc đẩy một mạng internet toàn cầu duy nhất trước chủ nghĩa độc tài đang dần lớn mạnh từ Trung Quốc và Nga. 

Bản Tuyên bố về Tương lai của Internet đã được ký kết để bảo vệ cho “một hệ thống thông tin liên kết duy nhất cho toàn nhân loại” trong bối cảnh “hành vi độc hại được nhà nước bảo trợ hoặc được dung túng” đang nổi lên.

“Bản Tuyên bố này thể hiện một cam kết chính trị giữa các đối tác trong bản Tuyên bố để thúc đẩy tầm nhìn tích cực cho các công nghệ Internet và số hóa,” văn kiện này viết. “Nó khẳng định lại lời hứa về Internet trước những cơ hội và thách thức toàn cầu do thế kỷ 21 đặt ra. Nó cũng xác nhận và cam kết một lần nữa với các đối tác về một mạng Internet toàn cầu duy nhất — một mạng Internet thật sự mở và thúc đẩy cạnh tranh, quyền riêng tư, và tôn trọng nhân quyền.”

Sự thúc đẩy hướng tới một mạng internet toàn cầu duy nhất diễn ra chỉ vài tuần sau khi Giám đốc Tình báo Quốc gia Dennis Blair cho biết thế giới đang bị chia cắt thành các “mảng công nghệ” khác nhau, với các quốc gia độc tài như Trung Quốc và Nga đang phát triển các công nghệ và tiêu chuẩn riêng vốn không tương thích về cả mặt công nghệ lẫn tư tưởng với các quốc gia dân chủ. 

Những nhận xét này đi kèm một bản báo cáo cho thấy chính quyền cộng sản Trung Quốc đang tích cực “tìm cách thu nạp các quốc gia không liên kết trên toàn cầu để phù hợp với hệ thống công nghệ của nước này” và phát triển cho mình các quốc gia độc tài phụ thuộc trên toàn thế giới. 

Để đương đầu với điều này, bản tuyên bố mới có mục tiêu bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy một mạng internet toàn cầu duy nhất, thúc đẩy sự tin tưởng và tính hội nhập, và bảo vệ một cách tiếp cận đa phương đối với sự phát triển của internet. 

“Trong năm vừa qua, Hoa Kỳ đã làm việc với các đối tác từ khắp thế giới — bao gồm xã hội dân sự, giới công nghiệp, giới học thuật, và các bên liên quan để xác lập một lần nữa tầm nhìn về một mạng internet mở, tự do, toàn cầu, có khả năng tương thích, đáng tin cậy, và an toàn cũng như đảo ngược các xu hướng tiêu cực trong lĩnh vực này,” văn kiện này cho biết. 

Bản tuyên bố nói rõ, tầm nhìn đó sẽ không thiếu sự cạnh tranh, và sứ mệnh duy trì quyền tiếp cận công khai đối với tự do thông tin do internet mang lại sẽ là một công cuộc khó khăn. 

“Tuy nhiên, trong hai thập niên vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến các thách thức nghiêm trọng đối với tầm nhìn này,” văn kiện viết. “Quyền truy cập vào mạng internet mở bị giới hạn bởi các chính quyền độc tài và các nền tảng trực tuyến và các công cụ số hóa đang được sử dụng ngày càng nhiều để đàn áp quyền tự do biểu đạt và tước bỏ các quyền con người khác cũng như các quyền tự do căn bản.” 

“Chúng ta đoàn kết bởi một niềm tin về tiềm lực của các công nghệ số hóa để thúc đẩy khả năng liên kết, nền dân chủ, hòa bình, pháp quyền, sự phát triển bền vững, và sự thụ hưởng các quyền con người và các quyền tự do căn bản.” 

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về c\ác vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts