Hôm 22/04, một sự phản kháng đã xuất hiện trên mạng internet vốn bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ. Mặc dù người dùng mạng xã hội đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau để chống lại sự kiểm duyệt đó, và giúp video này cầm cự trên mạng được vài giờ ngắn ngủi, nhưng video này vẫn biến mất dưới bàn tay của nhà cầm quyền. Đoạn video này đã phát đi tiếng nói của người dân được ghi âm trong đợt phong tỏa vẫn đang diễn ra tại Thượng Hải.
Đoạn video dài sáu phút có nhan đề “Tiếng nói tháng Tư” (Voices of April), đã bị chặn ngay sau khi xuất hiện trên ứng dụng nhắn tin nhanh WeChat và nền tảng tiểu blog Weibo. Vì độ lan tỏa cao, nên những cụm từ tìm kiếm nhắc trực tiếp đến tên của đoạn video đã bị chặn trên hai nền tảng mạng xã hội phổ biến này.
Nhưng người dân Trung Quốc đã tìm ra những cách sáng tạo để đăng lại video, chẳng hạn như đổi tên hoặc nhúng mã QR vào những bức ảnh tưởng như không liên quan để hướng dẫn người khác tải video xuống từ các dịch vụ lưu trữ đám mây.
Một lần nữa, những bản sao này nhanh chóng không thể truy cập được. Các thẻ hashtags với các cụm từ tìm kiếm mơ hồ hơn, như “Tháng Tư” (April) và “Sự im lặng của Thượng Hải” (Shanghai Silence) đã bị Weibo xóa hẳn khi những cư dân mạng cố chấp tiếp tục tìm cách qua mặt các nhà kiểm duyệt và lan truyền tình cảnh của người dân Thượng Hải sống trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt. https://www.youtube.com/embed/H2x7qYLAIu8?feature=oembed
Đoạn video lan tỏa này mở đầu bằng các đoạn ghi âm ghi lại phát ngôn của các quan chức Thượng Hải tại hai cuộc họp giao ban hàng ngày hồi tháng Ba khi họ phủ nhận kế hoạch phong tỏa toàn thành phố.
Một quan chức cho biết: “Chúng ta không thể [phong tỏa thành phố này]. Bởi vì Thượng Hải không chỉ là nơi sinh sống của người dân Thượng Hải. Thành phố của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia.”
Chỉ một ngày sau, Thượng Hải đột ngột thay đổi chính sách và thông báo kế hoạch phong tỏa hai giai đoạn bắt đầu từ hôm 28/03. Ban đầu họ hứa sẽ chỉ phong tỏa trong tám ngày, nhưng hiện tại đã kéo dài đến năm tuần và vẫn còn tiếp diễn.
Đoạn video trắng đen này cho thấy quang cảnh nhìn từ trên không của những tòa nhà chọc trời im ắng và những con đường vắng lặng của siêu đô thị này được lồng với hơn 20 đoạn ghi âm của người dân được phát theo thứ tự thời gian trình bày tình trạng của họ.
Quý vị nghe thấy tiếng trẻ em kêu khóc khi các em bị buộc phải rời xa cha mẹ; một tài xế xe tải tự nguyện giao hàng nói rằng anh đang bị chặn trong thành phố mà không có thức ăn hay nước uống; một người con trai nói rằng người cha bị bệnh nặng của anh bị từ chối chăm sóc tại bệnh viện; những người dân trong khu phố bị phong tỏa la hét yêu cầu tiếp tế, và một phụ nữ mô tả cơ sở cách ly đang xây dang dở mà cô được đưa đến.
“Trong một tháng Thượng Hải bùng phát dịch bệnh, [tôi] đã chứng kiến nhiều người lên mạng giãi bày, hầu hết những lời bộc bạch đó chẳng mấy chốc đều không cánh mà bay”, người tạo ra video này cho biết trong một bài đăng trên WeChat hôm thứ Sáu. “Nhưng một số điều đáng lẽ không nên xảy ra và không nên bị lãng quên.”
Trong một vài khoảnh khắc ấm áp được ghi lại trong video, một người đàn ông lớn tuổi gửi thức ăn cho những nhân viên bị kẹt sống cùng tòa nhà với mình.
Ông nói: “Loại virus này không thể hại được chúng ta, nhưng cơn đói thì có thể.”
Video kết thúc: “Thượng Hải! Sớm bình phục nhé!”
Hầu hết các câu chuyện trong video đã được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều cư dân bị giam hãm trong phòng, đã lên Weibo để khẩn nài sự giúp đỡ và bày tỏ nỗi bức xúc.
Mặc dù đây không phải là video đầu tiên ghi lại cảnh sống trong phong tỏa bị các nhà kiểm duyệt Trung Quốc chặn khỏi mạng internet, nhưng người ta chưa từng chứng kiến sự bùng nổ cảm xúc của công chúng kể từ sự qua đời của người tố cáo Trung Quốc Lý Văn Lượng (Li Wenliang). Bác sĩ Lượng, từng cảnh báo về một dạng viêm phổi mới trên mạng xã hội, đã bị cảnh sát khiển trách vì “tạo tin đồn” hồi cuối năm 2019, và sau đó chính ông đã qua đời vì nhiễm virus này.
Thượng Hải đang tiến đến tuần thứ năm bị phong tỏa, không có dấu hiệu kết thúc rõ ràng.
Tuy nhiên, cho đến nay, các biện pháp hạn chế độc đoán này đã không thể ngăn chặn sự bùng phát do biến thể Omicron có tốc độ lây nhiễm nhanh này gây ra. Hôm 24/04, Thượng Hải đã ghi nhận khoảng 21,000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua mặc dù dữ liệu chính thức ngày càng bị người dân và các chuyên gia nghi ngờ do chính quyền cộng sản Trung Quốc từng báo cáo số liệu thấp hơn so với thực tế và che đậy thông tin về các đợt bùng phát COVID-19 trên khắp đất nước.
Hôm 24/04, các nhà chức trách đã tăng cường các biện pháp kiểm soát bằng cách dựng các hàng rào kim loại xung quanh các khu dân cư để hạn chế việc đi lại của người dân. Nhiều hàng rào cao hai mét được dựng xung quanh các khu dân cư nơi có ít nhất một ca dương tính với COVID-19.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Khánh Ngọc biên dịch