Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko được cho là có kế hoạch củng cố “Nhà nước liên minh” (Union State) và kêu gọi các quốc gia khác tham gia tổ chức siêu quốc gia này, theo truyền thông Belarus.
Embed from Getty Images
Hãng thông tấn nhà nước BelTA của Belarus đưa tin, ông Lukashenko cho biết ông đã gặp Thống đốc bang Voronezh Oblast Aleksandr Gusev của Nga tại Minsk vào thứ Năm (28/4), nơi hai người thảo luận về mối quan tâm của họ trong việc phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Belarus và Nga.
“Nhờ các bạn mà chúng tôi có được sự hợp tác này,” ông Lukashenko nói, theo BelTA.
“Chúng tôi đang xây dựng một Nhà nước Liên minh duy nhất dựa trên các nguyên tắc mới để đảm bảo rằng lợi ích của tất cả mọi người đều được tôn trọng, và rằng các quốc gia độc lập có chủ quyền – Belarus và Nga – sẽ tiếp tục phát triển. Tôi chắc chắn rằng liên minh này sẽ thu hút các nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô cũ.”
Tuyên bố của hãng thông tấn Belarus vẫn chưa được truyền thông Nga hay chính quyền Belarus và Nga xác nhận.
Nhà nước Liên minh là gì?
Ý tưởng về một liên minh giữa Belarus và Nga bắt nguồn từ năm 1996 và hình thành một năm sau đó, khi hai nước ký một hiệp ước với mục đích chứng nhận sự hợp tác và hội nhập giữa hai bên. Tuy vậy, hiệp ước này không có bất kỳ mục tiêu hoặc cấu trúc cụ thể nào được đưa ra cho liên minh.
Năm 1999, hai nước đã ký Hiệp ước về việc thành lập một Nhà nước Liên minh Nga và Belarus với mục tiêu tạo ra một liên bang các quốc gia giống như Liên bang Xô viết cũ, mặc dù không có quốc gia nào khác tham gia liên minh.
Trong những năm qua, Nga đã gây áp lực buộc Belarus phải chuyển đổi liên minh thành một nhà nước thống nhất thực sự, nhưng ông Lukashenko đã từ chối lựa chọn này bởi nguy cơ mất quyền lực.
Nhưng các cuộc đàm phán về việc tăng cường liên minh gần đây đã được hồi sinh trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine. Hồi giữa tháng 4, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết hai nước đang “thực hiện các biện pháp phối hợp để bảo vệ an ninh kinh tế của chúng tôi và chủ quyền công nghệ của Nga và Belarus”, theo Reuters.
“Trên tất cả, chúng tôi cho rằng cần phải tăng cường hội nhập trong Nhà nước Liên minh”, ông Mishustin nói sau cuộc gặp với Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko tại Moscow.
Quan hệ đối tác bền vững
Ông Lukashenko nắm quyền ở Belarus từ năm 1994 và sự nắm quyền này phụ thuộc nhiều vào Nga, nước đã cung cấp hỗ trợ chính trị và tài chính quan trọng trong chế độ Lukashenko.
Sự hậu thuẫn quan trọng của ông Putin cũng được coi là đã giúp ông Lukashenko duy trì quyền kiểm soát đất nước trong các cuộc biểu tình lớn sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 gây tranh cãi.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, ông Lukashenko vẫn ủng hộ đối tác Nga, bất chấp việc các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Hôm thứ Năm, BelTA đưa tin rằng ông Lukashenko cho biết Belarus sẵn sàng hợp tác với Nga bất kỳ lúc nào và trong bất kỳ lĩnh vực nào, cung cấp bất kỳ thiết bị nào mà Nga có thể cần để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.
Liệu các nước khác thuộc Liên Xô cũ có muốn tham gia?
Liên bang Xô Viết được thành lập vào tháng 12 năm 1922 và cuối cùng phát triển thành tổ chức gồm 15 quốc gia: Nga, Ukraine, Georgia, Belarus, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Turkmenistan, Tajikistan, Latvia, Lithuania và Estonia.
Các nhà lãnh đạo của bốn quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã kiên quyết lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và điều này cho thấy chắc chắn họ không muốn tham gia một phiên bản mới của Liên Xô.
Tổng thống Latvia Egils Levits đã lên án ngay lập tức cuộc xâm lược của Nga và vẫn lên tiếng ủng hộ Ukraine trong những tháng kể từ đó. Ví dụ, ông đã kêu gọi trên Twitter để Ukraine nhanh chóng được gia nhập Liên minh châu Âu.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda cũng đã lên Twitter vào ngày 24/2 để bày tỏ sự lên án và kêu gọi thế giới trừng phạt Nga.
Tổng thống Moldova Maia Sandu cũng ngay lập tức lên án cuộc xâm lược là một “hành động chiến tranh” và mô tả vụ tấn công là “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế” và chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas vào ngày 24/2, đã tweet: “Tôi lên án một cách nghiêm khắc nhất cuộc tấn công quân sự quy mô lớn của Nga nhằm vào Ukraine. Hành động gây hấn này là một tội ác, đòi hỏi phản ứng quốc tế rõ ràng và mạnh mẽ nhất. Chúng tôi đồng hành với Ukraine và người dân Ukraine vào giờ đen tối này.”
Lập trường của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác ít rõ ràng hơn, đặc biệt là ở khu vực Trung Á. Chẳng hạn, Kazakhstan đã không lên án cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, họ đã cung cấp cho Ukraine viện trợ nhân đạo.
Azerbaijan, ở khu vực Kavkaz, cũng đã cung cấp viện trợ cho Ukraine, theo một tweet ngày 26/2 từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nhưng các nhà lãnh đạo của đất nước phần lớn tỏ ra trung lập.
Tại đất nước Gruzia, người dân đã biểu tình xuống đường vào ngày đầu tiên của cuộc xâm lược, nhưng Thủ tướng Irakli Garibashvili từ chối cùng các nước khác áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Al Jazeera đưa tin.
Khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hồi đầu tháng này, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan nằm trong số 24 quốc gia đã bỏ phiếu phản đối động thái này.
Tuy nhiên, ngoài Belarus, không nước cộng hòa nào khác thuộc Liên bang Xô viết cũ tán thành cuộc chiến của Nga ở Ukraine một cách công khai.
Tiến Minh (tổng hợp, theo Newsweek)