Ukraine truy quét bất cứ ai bị nghi ngờ giúp đỡ quân đội Nga
Chính phủ Ukraine đang truy quét bất kỳ ai bị nghi ngờ hỗ trợ quân đội Nga theo luật do Nghị viện Ukraine ban hành và được Tổng thống Volodymyr Zelensky ký sau cuộc xâm lược ngày 24/02.
Những người vi phạm có nguy cơ phải đối mặt với án tù 15 năm cho các hành vi cộng tác với những kẻ xâm lược hoặc thể hiện sự ủng hộ công khai đối với họ.
Mặc dù chính phủ Zelensky nhận được sự ủng hộ rộng rãi, thậm chí trong số nhiều người nói tiếng Nga, nhưng không phải tất cả người Ukraine đều phản đối cuộc xâm lược. Một số cư dân nói tiếng Nga ở Donbas, một khu vực công nghiệp ở phía đông, ủng hộ Moscow phổ biến hơn. Một cuộc xung đột kéo dài tám năm ở đó giữa phe ly khai được Moscow hậu thuẫn và lực lượng chính phủ Ukraine đã khiến hơn 14,000 người thiệt mạng ngay cả trước cuộc xâm lược năm nay.
Một số doanh nhân, quan chức dân sự và chính phủ cũng như các thành viên quân đội nằm trong số những người đã vượt biên sang phía Nga, và Cục Điều tra Quốc gia Ukraine cho biết hơn 200 vụ án hình sự đã được mở. Ông Zelensky thậm chí còn tước quân hàm của hai tướng SBU, buộc tội họ phản quốc.
Ông Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng An ninh Ukraine, cho biết “danh sách các cộng tác viên” đang được tổng hợp và sẽ được công bố rộng rãi. Ông từ chối cho biết có bao nhiêu người đã bị nhắm mục tiêu trên khắp đất nước.
Với việc thực hiện thiết quân luật, chính phủ đã cấm 11 đảng chính trị thân Nga, trong đó có đảng lớn nhất có 25 ghế trong quốc hội 450 thành viên — Đảng Cương lĩnh Đối lập-Vì Sự sống, được thành lập bởi ông Viktor Medvedchuk, một nhà tài phiệt bị cầm tù vì có quan hệ mật thiết với ông Putin.
Chính phủ Tổng thống Biden đang cạn kiệt tiền mặt cho Ukraine
Chính phủ Hoa Kỳ cần Quốc hội phê chuẩn yêu cầu 33 tỷ USD càng sớm càng tốt vì họ chỉ còn 250 triệu USD từ gói viện trợ trước đó dành cho Ukraine, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký yêu cầu vào hôm thứ Năm (28/04). Ông thừa nhận rằng 33 tỷ USD “không hề rẻ,” nhưng tuyên bố rằng “nhượng bộ trước sự xâm lược sẽ phải trả giá cao hơn.”
Trong một cuộc họp báo vào cùng ngày, bà Psaki đã được hỏi thời hạn cuối cùng mà chính phủ “thực sự cần” nguồn tài trợ mới. Bà trả lời rằng “nhu cầu là khẩn cấp, cũng như nhu cầu tài trợ cho COVID là cấp bách.”
“Như quý vị đã biết, chúng tôi đã có 3.5 tỷ USD hỗ trợ an ninh quân sự. Chúng tôi còn khoảng 250 triệu USD còn lại. Vì vậy, rõ ràng chúng tôi sẽ làm việc để đẩy nhanh tiến độ đó và cung cấp khoản tiền đó cho người dân Ukraine,” nữ phát ngôn viên này nói.
Bà nhấn mạnh rằng để cung cấp cho Kyiv “vũ khí mà họ cần, pháo binh mà họ cần, thiết bị mà họ cần,” thì việc nhận được nguồn tài trợ mới “chắc chắn là cấp thiết.”
NATO điều động phản lực cơ sau khi phát hiện phi cơ ‘không xác định’
NATO thông báo đã điều chiến đấu cơ đến Biển Đen và Biển Baltic do phi cơ Nga bay gần không phận của liên minh quân sự này.
Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (29/04), liên minh quân sự này đã xác nhận trong một tuyên bố rằng, trong bốn ngày qua, các phản lực cơ của NATO đã được điều động nhiều lần đến hai khu vực để theo dõi và đánh chặn các phi cơ này. Liên minh cho biết những chiếc phi cơ đó thuộc về quân đội Nga, mặc dù mô hình của những chiếc phi cơ này không được cho biết.
“Các radar của NATO đã theo dõi một số phi cơ không xác định trên Biển Baltic và Biển Đen kể từ hôm 26/04” họ nói và cho biết thêm rằng đội không kích của họ đã cử chiến đấu cơ “đến các khu vực tương ứng của họ để đánh chặn và xác định các phi cơ đang tiếp cận.”
Giám đốc WTO cảnh báo về sự rút lui khỏi thương mại toàn cầu
Sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới và sự rút lui khỏi thương mại toàn cầu sẽ khiến các quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc sản xuất do thiên tai và các đợt bùng phát các dịch bệnh gây tử vong, người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới cho biết hôm thứ Tư (27/04).
Trình bày tại một sự kiện do Hội đồng Ngoại thương Quốc gia tổ chức, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, các nhà kinh tế ước tính rằng sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu có thể làm giảm tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu 5% trong dài hạn.
Bà cho biết những tổn thất đó sẽ càng tăng thêm do chi phí giao dịch cao hơn và cán cân thanh toán đang gặp khó khăn. Điều đó cũng sẽ làm cho việc giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu hay ổn định thị trường thực phẩm và phân bón toàn cầu vốn bị gián đoạn nặng nề do cuộc chiến ở Ukraine trở nên khó khăn hơn nhiều.
Thêm nhiều quốc gia EU từ chối điều khoản cung cấp khí đốt của Moscow
Hôm thứ Sáu (19/04), Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala cho biết Praha không có kế hoạch thanh toán cho việc giao khí đốt của Nga bằng đồng rúp như Moscow yêu cầu.
Ông được giới truyền thông dẫn lời sau khi trình bày trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan rằng: “Về việc thanh toán bằng đồng rúp, Cộng hòa Séc không có ý định nhượng bộ Nga. Các quốc gia khác chấp nhận điều này đang mắc sai lầm. Đây là một hành động vi phạm chế tài. Điều đó rất nguy hiểm.”
Tập đoàn năng lượng Đan Mạch Orsted cũng đã phát đi tín hiệu rằng họ không có ý định trả tiền cung cấp khí đốt bằng đồng tiền của Nga. Giám đốc điều hành của công ty Mads Nipper giải thích với Market Wire rằng: “Điều này là do chúng tôi cảm thấy đau buồn bởi những gì xảy ra [ở Ukraine] và từ chối nhượng bộ các yêu cầu đơn phương từ Nga và Gazprom.”
Orsted có hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn với Gazprom để cung cấp hàng năm lên đến hai tỷ mét khối, kéo dài từ năm 2011 đến năm 2030.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjarto cho biết tại một cuộc họp báo, được ghi lại hôm thứ Sáu (29/04) trên tài khoản mạng xã hội của ông, rằng một số công ty Âu Châu nhập cảng khí đốt tự nhiên từ Nga đã đồng ý với kế hoạch thanh toán của Moscow, nhưng họ không nói về điều này một cách trung thực.
Ông Szijjarto giải thích rằng để mua khí đốt, các công ty nhập cảng, chứ không phải các quốc gia, phải mở hai tài khoản với Gazprombank, một tài khoản bằng euro hoặc USD và một tài khoản khác bằng đồng rúp.
“Và chúng tôi, giống như những người khác, tôi muốn chỉ ra, giống như những người khác… không đúng khi những người khác đã phủ nhận điều này, họ chỉ không nói về nó một cách trung thực vì nhiều lý do, và các phương tiện truyền thông tự do quốc tế ủng hộ họ trong điều này,” ông nói và nói thêm, “Chúng tôi cởi mở về vấn đề này.”
Hoa Kỳ bình luận về các cáo buộc tấn công hóa học chống lại Nga
Hoa Kỳ chưa thể xác minh các báo cáo về việc quân đội Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine nhưng “rất rất chú trọng vào vấn đề này,” Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong phiên điều trần của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện hôm thứ Năm (28/04).
Dân biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois) đã yêu cầu ông Blinken cung cấp thông tin cập nhật về những tuyên bố gần đây của chính phủ rằng vũ khí hóa học có thể đã được Nga sử dụng. Lưu ý rằng có thể thích hợp hơn nếu thảo luận vấn đề này “trong một bối cảnh khác,” ông Blinken nhấn mạnh rằng chính phủ Hoa Kỳ đang xem xét việc này “rất, rất cẩn thận.”
“Tôi không cho là chúng tôi đã xác minh được việc sử dụng đó, nhưng tôi muốn gợi lại cho ông,” ông nói với ông Kinzinger.
Ông nói thêm rằng có nhiều loại tác nhân hóa học khác nhau có thể đã được sử dụng, “bao gồm cả các chất kiểm soát bạo loạn đã bị cấm.”
“Nhưng về việc sử dụng vũ khí hóa học, tôi nghĩ điều tôi có thể nói ở đây là chúng tôi vẫn chưa xác minh được việc sử dụng, nhưng đó là điều chúng tôi rất chú trọng,” ông Blinken chỉ ra.
Hai tuần trước (11-17/04), ông Blinken cho biết chính phủ “có thông tin đáng tin cậy” rằng quân đội Nga có thể sử dụng “nhiều loại tác nhân kiểm soát bạo loạn, bao gồm cả hơi cay trộn với các chất hóa học” trong “chiến dịch ráo riết nhằm chiếm Mariupol.”
Thị trưởng Mariupol: Tình cảnh thảm khốc tại nhà máy thép
Thị trưởng của thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine cho biết những người ẩn náu tại một nhà máy thép lớn đang hết lương thực, nước uống, và thuốc men.
Ông Vadym Boichenko mô tả tình hình tại nhà máy thép Avozstal là rất thảm khốc. Nhà máy thép này là vị trí cuối cùng mà các chiến binh Azov nắm giữ.
Ông Boichenko cho biết ông hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ cho phép những người bên trong nhà máy thép rời đi an toàn. Trước đó, Nga đã đưa ra một thỏa thuận ngừng bắn nhưng bị người Ukraine từ chối, những người cho rằng Moscow trước đó đã phá vỡ các thỏa thuận khác.
Nga thanh toán nợ trái phiếu bằng đồng USD vào phút chót để tránh vỡ nợ
Nga đã thực hiện điều dường như là một vụ quay đầu muộn để tránh vỡ nợ hôm thứ Sáu (29/04), khi nước này thanh toán một số khoản nợ quốc tế đã quá hạn bằng đồng USD dù cho trước đó đã tuyên bố sẽ chỉ trả bằng đồng rúp.
Vẫn chưa rõ liệu số tiền này có đến được Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã trừng phạt Nga hay không, nhưng nó đại diện cho một bước ngoặt lớn khác trong trò cá cược tài chính đang phát triển về khả năng vỡ nợ.
Bộ Tài chính Nga cho biết họ đã xoay xở trả 564.8 triệu USD cho một khoản trái phiếu Âu Châu năm 2022 và 84.4 triệu USD cho một khoản trái phiếu năm 2042 bằng USD – đơn vị tiền tệ được chỉ định trên trái phiếu.
Bộ này cho biết họ đã chuyển các khoản tiền cần thiết đến chi nhánh Citibank ở London, một trong những đại lý được gọi là đại lý chi trả trái phiếu có nhiệm vụ giải ngân các khoản tiền này cho các nhà đầu tư ban đầu cho Moscow vay tiền.
Nga đã không trải qua bất kỳ vụ vỡ nợ nào dưới bất kỳ hình thức nào kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 và chưa trải qua bất kỳ vụ vỡ nợ lớn nào trên thị trường quốc tế hoặc bên ngoài kể từ sau Cách mạng Bolshevik năm 1917.
Tuy nhiên, rủi ro của một vụ vỡ nợ khác hiện đang là điểm nhấn trong cuộc đọ sức kinh tế với các nước phương Tây, những nước đã áp đặt lên Nga các lệnh trừng phạt để đáp lại các hành động của nước này ở Ukraine mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Các trái phiếu ban đầu lẽ ra phải được thanh toán vào đầu tháng này, nhưng “thời gian ân hạn” thêm 30 ngày mà trái phiếu chính phủ thường có trong các điều khoản có nghĩa là thời hạn cuối cùng của Moscow là ngày 04/05.
Nga cắt giảm lãi suất cơ bản
Hôm thứ Sáu (29/04), Ngân hàng trung ương của Nga đã cắt giảm lãi suất cơ bản và cho biết có khả năng ngân hàng sẽ cắt giảm thêm trong năm nay, khi cơ quan quản lý này cố gắng giải quyết lạm phát tăng cao và hỗ trợ nền kinh tế đang thu hẹp của Nga.
Ngân hàng Trung ương Nga đã hạ lãi suất cơ bản từ 17% xuống 14% nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế được áp dụng đối với quốc gia này do liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cơ quan quản lý này cho biết trong một tuyên bố thông báo về việc giảm lãi suất rằng đồng rúp phục hồi sau khi giảm mạnh trong những ngày này ngay sau hôm 24/02 đã làm chậm đà tăng giá tiêu dùng trong những tuần tiếp theo.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, “Môi trường bên ngoài đối với nền kinh tế Nga vẫn còn nhiều thách thức và đang hạn chế đáng kể hoạt động kinh tế.”
Cơ quan quản lý nói thêm rằng, “Với rủi ro về giá cả và sự ổn định tài chính không còn gia tăng, các điều kiện đã cho phép giảm lãi suất cơ bản.”
Nước chủ nhà: Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky sẽ có mặt tại hội nghị G20
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều đã đồng ý tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11, được tổ chức tại Bali.
Hôm thứ Sáu (29/04), Tổng thống Widodo, chủ tịch hiện tại của nhóm G20, đã đưa ra nhận xét trong một tuyên bố trên truyền hình, trong đó ông nói rằng ông đã có các cuộc điện đàm trong tuần này với Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin. Ông cho biết đã thúc giục cả hai nhà lãnh đạo Ukraine và Nga kết thúc chiến tranh thông qua các cuộc đàm phán.
Ông nói: “Tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Tôi cũng nhấn mạnh rằng các nỗ lực hòa bình cần được tiếp tục và Indonesia sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực hòa bình này.”
Ông nói rằng ông đã mời ông Putin và ông Zelensky tới tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vì cuộc chiến ở Ukraine đã có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Ông Widodo nói: “Chúng tôi hiểu rằng G20 đóng vai trò xúc tác trong việc phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Ông Widodo nói rằng ông đã từ chối yêu cầu viện trợ khí tài của nhà lãnh đạo Ukraine mà thay vào đó sẽ gửi viện trợ nhân đạo.
Ông Widodo nói: “Chỉ định của hiến pháp Indonesia và các nguyên tắc trong chính sách ngoại giao của chúng tôi cấm chúng tôi cung cấp viện trợ khí tài cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine.”
Tàu Tây Ban Nha ở Ba Lan chở khí tài cho Ukraine
Hôm thứ Sáu (29/04), chính phủ Tây Ban Nha cho biết lô hàng thiết bị quân sự lớn nhất của họ viện trợ cho Ukraine cho đến nay đang trên đường đến sau khi một tàu chở 200 tấn vật liệu cập cảng ở Ba Lan.
Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha xác nhận con tàu đã đến Ba Lan. Tờ El País của Tây Ban Nha dẫn lời các nhà chức trách cảng Ba Lan cho biết con tàu đã cập cảng Gdynia, nơi vật liệu sẽ được bốc dỡ và vận chuyển khoảng 700 km (435 dặm) đến một căn cứ hậu cần ở Ukraine.
Theo lời Thủ tướng Tây Ban Nha, chuyến hàng bao gồm 30 xe tải, một số phương tiện vận tải hạng nặng đặc biệt, và 10 phương tiện nhỏ hơn sẽ được sử dụng để chuyển vật liệu quân sự tới Ukraine.
Chuyến hàng đến Ukraine trên tàu Tây Ban Nha Ysabel, một con tàu dài 149 mét (489 feet), đã được Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez thông báo vào tuần trước trong chuyến thăm Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. “Đây là chuyến hàng lớn nhất được thực hiện từ trước đến nay, gấp hơn hai lần những gì chúng tôi đã gửi cho đến nay,” ông nói thêm.
Trước chuyến hàng trên Ysabel, Tây Ban Nha đã gửi 1,370 súng phóng lựu chống tăng, 700,000 hộp đạn súng máy cũng như xe cứu thương bọc thép và vật liệu y tế cho Ukraine.
Ba Lan thu giữ tài sản khí đốt của Nga
Hôm thứ Sáu (29/04), phát ngôn viên chính phủ Piotr Müller cho biết Warsaw đã buộc công ty con ở Ba Lan thuộc đại tập đoàn năng lượng Novatek của Nga chuyển giao cơ sở hạ tầng khí đốt của mình cho các công ty quốc doanh của quốc gia này. Novatek, công ty nằm trong danh sách trừng phạt của Ba Lan, hôm thứ Năm (28/04) đã ngừng cung cấp khí đốt cho một số khu vực của nước này.
Ông Müller nói “Hôm nay, Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã yêu cầu các công ty quốc doanh PGNiG, PSG, và Gaz-System ngay lập tức cung cấp khí đốt cho các mạng lưới từng thuộc sở hữu của Novatek, trên cơ sở luật quản lý khủng hoảng.”
Ông nói thêm rằng theo lệnh của thủ tướng, công ty con Novatek Green Energy của Novatek có nghĩa vụ chuyển giao các mạng lưới cho các công ty này, vốn sau đó sẽ cung cấp khí đốt cho các thành phố bị cắt giảm.
Các cuộc tập trận sắp tới của NATO nhằm răn đe Nga
Hàng chục ngàn binh sĩ từ NATO và các quốc gia Bắc Đại Tây Dương khác sẽ tham gia một loạt các cuộc tập trận trên khắp Âu Châu trong những tuần tới khi các quốc gia phương Tây tìm cách răn đe Nga.
Các cuộc tập trận với sự hỗ trợ của phi cơ, xe tăng, pháo binh, và phương tiện tấn công bọc thép, sẽ diễn ra ở Phần Lan, Ba Lan, Bắc Macedonia, và dọc theo biên giới Estonia-Latvia. Các cuộc tập trận sẽ có sự tham dự của quân đội NATO và Lực lượng Viễn chinh Chung, vốn bao gồm các nước không phải là thành viên NATO Phần Lan và Thụy Điển.
Các hoạt động khai triển sẽ bắt đầu trong tuần này (25/04-01/05) tại Phần Lan, nơi quân đội từ Hoa Kỳ, Anh, Estoniam, và Latvia sẽ tham gia Cuộc tập trận Mũi Tên (Exercise Arrow) để cải thiện khả năng hoạt động cùng quân đội Phần Lan.
Cũng trong tuần này, có khoảng 4,500 binh sĩ sẽ tham gia Cuộc tập trận Phản Ứng Nhanh (Exercise Swift Response), bao gồm thả dù và các cuộc tấn công bằng trực thăng ở Bắc Macedonia. Hoạt động này có sự góp mặt của các lực lượng đến từ Hoa Kỳ, Anh, Albania, Pháp, và Ý.
Tháng tới, 18,000 quân NATO – gồm các lực lượng từ Anh, Pháp, và Đan Mạch – sẽ tham gia Cuộc tập trận Nhím Gai (Exercise Hedgehog) dọc theo biên giới Estonia-Latvia.
Cuối tháng Năm, khoảng 1,000 binh sĩ Anh sẽ cùng quân đội từ 11 quốc gia khác tham gia Cuộc tập trận Phòng Vệ (Exercise Defender) ở Ba Lan.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết: “An ninh Âu Châu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các cuộc tập trận này cho thấy quân đội của chúng tôi hiệp lực với các đồng minh và đối tác trên khắp NATO và Lực lượng Viễn chinh Chung để thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh trong một trong những cuộc khai triển chung cùng nhau lớn nhất kể từ Chiến Tranh Lạnh.”
Một ký giả thiệt mạng trong cuộc không kích của Nga ở Kyiv
Đài Âu Châu Tự Do/Đài Tự Do (RFE/RL) do Hoa Kỳ tài trợ cho biết một trong các ký giả của họ đã thiệt mạng do một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào thủ đô Kyiv của Ukraine vào đêm hôm thứ Năm (28/04).
Bà Vira Hyrych đã qua đời khi tòa nhà bà đang ở bị bắn trúng và thi thể bà được tìm thấy trong đống đổ nát của tòa nhà hôm thứ Sáu (29/04), Đài Âu Châu Tự do cho biết. Bà Hyrych đã làm việc cho phiên bản tiếng Ukraine của nhà đài từ năm 2018.
Mô tả về vụ tấn công, Nga cho biết họ đã “phá hủy các tòa nhà sản xuất” tại một nhà máy quốc phòng ở Kyiv. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga đã sử dụng “vũ khí có độ chính xác cao, tầm xa” để tấn công nhà máy Artem ở thủ đô Ukraine.
Phát ngôn viên đề cập đến các cuộc không kích vào Kyiv diễn ra vào tối thứ Năm (28/04), ngay sau cuộc gặp giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết hỏa tiễn hành trình đã được sử dụng trong vụ tấn công và Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko nói một người đã thiệt mạng và bốn người phải nhập viện khi một tòa nhà dân cư bị bắn trúng.
Ông Konashenkov cũng cho biết Nga đã phá hủy một bãi phóng hỏa tiễn mà Ukraine sử dụng để tấn công thành phố Kherson của Ukraine do Nga nắm giữ.
Nga cho biết đã tấn công nhà máy rocket của Kyiv bằng hỏa tiễn
Hôm thứ Sáu (29/04), Nga cho biết rằng quân đội của họ đã phá hủy các cơ sở sản xuất của một nhà máy rocket vũ trụ ở thủ đô Kyiv của Ukraine bằng các hỏa tiễn tầm xa có độ chính xác cao.
Bộ Quốc phòng cho biết: “Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.”
“Vũ khí phòng không tầm xa có độ chính xác cao đã phá hủy các cơ sở sản xuất của hỏa tiễn Artem và xí nghiệp công nghiệp vũ trụ ở thành phố Kyiv.”
Các quan chức Ukraine: Nga bắn hai hỏa tiễn tại Kyiv làm ít nhất 10 người bị thương
Các quan chức Ukraine cho biết Nga đã bắn hai hỏa tiễn vào thủ đô Kyiv của Ukraine vào tối thứ Năm và một trong số đó đã tấn công các tầng dưới của một tòa nhà dân cư 25 tầng, khiến ít nhất 10 người bị thương.
Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết các vụ nổ đã tấn công quận trung tâm Shevchenko.
Nói về các vụ pháo kích của Nga, Bộ Tình huống Khẩn cấp cho biết một vụ nổ đã làm hư hại một cơ sở ẩn danh trong khi vụ nổ còn lại xảy ra trong một tòa nhà dân cư gần đó. Bộ cho biết trong một bài đăng trực tuyến rằng các phần của tầng trệt và tầng một đã bị ngọn lửa thiêu rụi.
Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đều cho biết Nga đã sử dụng hỏa tiễn trong cuộc tấn công này.
Trước đó các nhân chứng của Reuters đã báo cáo về âm thanh của hai vụ nổ trong thành phố. Reuters đã không thể xác minh ngay lập tức lời kể của các quan chức về các vụ tấn công hỏa tiễn.
Chủ tịch Hạ viện Nga cho biết Ukraine đang bán mình cho Hoa Kỳ
Nhà lập pháp cấp cao nhất của Nga hôm thứ Sáu (29/04) cho biết Ukraine trên thực tế đang bán mình cho Hoa Kỳ bằng việc tìm cách khai mở các khoản vay vũ khí hàng tỷ USD do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đề nghị.
Hôm thứ Năm (28/04), Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội viện trợ 33 tỷ USD cho Ukraine — một sự leo thang đáng kể về tài trợ của Hoa Kỳ cho cuộc chiến với Nga — và tổng thống Ukraine đã khẩn cầu các nhà lập pháp chấp thuận nhanh chóng yêu cầu này.
Ông Vyacheslav Volodin, người với tư cách là chủ tịch Hạ viện Nga thường nói lên quan điểm của Điện Kremlin, cáo buộc Hoa Kỳ tìm cách trục lợi từ cuộc chiến trong khi đẩy các thế hệ tương lai của người Ukraine vào nợ nần.
“Cho Vay-Cho Thuê (Lend-Lease) là một khoản cho vay hàng hóa và không hề rẻ: nhiều thế hệ công dân Ukraine trong tương lai sẽ trả tiền cho tất cả đạn dược, thiết bị và thực phẩm mà Hoa Kỳ sẽ cung cấp,” ông Volodin nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “đang đẩy quốc gia này vào một hố nợ,” ông nói thêm.
Yêu cầu viện trợ của Tổng thống Biden bao gồm hơn 20 tỷ USD cho khí tài, đạn dược và các hỗ trợ quân sự khác, cũng như 8.5 tỷ USD hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho chính phủ Ukraine và 3 tỷ USD viện trợ nhân đạo.
The New York Times đưa tin, hôm thứ Năm (28/04) Quốc hội đã thông qua đạo luật viện dẫn Đạo luật Cho Vay-Cho Thuê năm 1941, ban đầu do Tổng thống Franklin D. Roosevelt đề nghị nhằm hỗ trợ quân đội Anh chiến đấu chống lại Đức Quốc Xã, để cho phép Tổng thống Biden cung cấp khí tài cho Ukraine dưới dạng cho vay.
Ukraine hy vọng di tản thường dân bị bao vây bằng chiến đấu cơ ở nhà máy thép Mariupol
Ukraine hy vọng sẽ di tản dân thường đang bị vây hãm trong một xưởng thép rộng lớn với những chiến binh Azov cuối cùng ở thành phố Mariupol vào hôm thứ Sáu (29/04).
Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết: “Một hoạt động được lên kế hoạch vào ngày hôm nay (30/04) để đưa dân thường ra khỏi nhà máy.”
Nga không đưa ra bình luận ngay lập tức về phát ngôn của Tổng thống Ukraine.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết sau cuộc gặp với ông Zelensky tại Kyiv hôm thứ Năm (28/04) rằng các cuộc thảo luận căng thẳng đang được tiến hành để cho phép di tản nhà máy thép Azovstal, nơi bị quân Nga chiếm đóng Mariupol tấn công.
“Chúng tôi phụ thuộc vào thiện chí của tất cả các bên và tất cả chúng tôi đều tham gia vấn đề này,” điều phối viên về Khủng hoảng của Liên Hiệp Quốc Amin Awad nói với Reuters vào sáng thứ Sáu (29/04).
Hôm thứ Ba (26/04), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý “về nguyên tắc” để Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế tham gia di tản nhà máy Azovstal.
Chuyến hàng ngô đầu tiên của Ukraine rời cảng Biển Đen Romania
Một tàu chở hàng chở hơn 71,000 tấn ngô Ukraine đã hoàn thành việc vận chuyển tại cảng Constanta ở Biển Đen của Romania hôm thứ Năm (28/04), chuyến đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, giám đốc điều hành cảng Comvex cho biết.
Với việc các cảng biển của Ukraine bị phong tỏa kể từ khi chiến tranh bắt đầu hơn hai tháng trước, nước xuất cảng ngũ cốc lớn thứ tư thế giới đã buộc phải gửi các chuyến hàng bằng tàu hỏa qua biên giới phía Tây hoặc qua các cảng sông Danube nhỏ của họ vào Romania.
“Đây là tàu panamax đầu tiên chở ngô của Ukraine rời cảng,” Chủ tịch Comvex Viorel Panait nói với Reuters.
Ông Panait, cũng là chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cảng Constanta, cho biết Comvex vận hành bến cảng có tải trọng nhanh nhất Âu Châu, có thể xử lý tới 70,000 tấn mỗi ngày, cũng như một bến xử lý khoáng sản.
Ông nói hồi đầu tuần rằng nhà vận hành này đã hoàn thành việc bốc dỡ khoảng 35,000 tấn quặng sắt của Ukraine, với con tàu thứ hai dự kiến sẽ được bốc vào khoảng ngày 15/05 sắp tới.
“So với thời điểm ban đầu, khi mọi người đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế, hành lang vận chuyển cho các mặt hàng xuất cảng này đang dần hình thành,” ông Panait nói.
Hôm thứ Ba (26/04), người quản lý của Cảng Constanta cho biết, đến nay có khoảng 80,000 tấn ngũ cốc Ukraine đã được gửi đến Constanta, với 80,000 tấn khác đã được chấp thuận và đang trên đường đến.
Thành viên Liên minh Âu Châu Romania có chung đường biên giới trên Biển Đen, một huyết mạch vận chuyển chính cho ngũ cốc và dầu mỏ, với Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Ukraine, và Nga.
Hỏa tiễn tấn công Kyiv trong chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
Nga đã bắn hai hỏa tiễn vào thủ đô Kyiv của Ukraine hôm thứ Năm (28/04) trong chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, các quan chức Ukraine cho biết.
Các quan chức Ukraine cho biết, các hỏa tiễn đã làm rung chuyển quận trung tâm Shevchenko của thành phố và một quả tấn công các tầng dưới của một tòa nhà dân cư 25 tầng, khiến ít nhất 10 người bị thương.
Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đều cho biết các vụ nổ là do hỏa tiễn Nga gây ra.
Vụ nổ xảy ra sau khi người đứng đầu Liên Hiệp Quốc Guterres hoàn tất cuộc đàm phán với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tập trung vào nỗ lực di tản dân thường khỏi cảng Mariupol phía nam bị Nga bao vây.
Ông Guterres nói với đài truyền hình Bồ Đào Nha RTP khi được hỏi về vụ nổ: “Có một vụ tấn công vào Kyiv… nó khiến tôi bị sốc, không phải vì tôi ở đây mà vì Kyiv là một thành phố thiêng liêng đối với người Ukraine cũng như người Nga.”
Quốc hội Hoa Kỳ hồi sinh chương trình Cho Vay-Cho Thuê thời Đệ nhị Thế chiến cho Ukraine
Hôm thứ Năm (28/04), Hạ viện Hoa Kỳ đã ủng hộ áp đảo đạo luật giúp cho việc xuất cảng khí tài quân sự sang Ukraine được dễ dàng hơn, hồi sinh “Đạo luật Cho Vay-Cho Thuê” đã giúp đánh bại Hitler trong Đệ nhị Thế chiến.
Hạ viện đã thông qua “Đạo luật Cho Vay-Cho Thuê Phòng Thủ Dân Chủ Ukraine 2022” với số phiếu 417:10, ba tuần sau khi đạo luật này được thông qua tại Thượng viện với sự ủng hộ nhất trí. Sau đó, đạo luật sẽ được chuyển đến Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Joe Biden ký ban hành.
Biện pháp này làm hồi sinh một chương trình có từ thời Đệ nhị Thế chiến cho phép Hoa Thịnh Đốn cho các đồng minh của Hoa Kỳ vay hoặc thuê thiết bị quân sự. Trong trường hợp này, đạo luật sẽ giúp các nước bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nga, chẳng hạn như Ba Lan và các nước Đông Âu khác cũng như Ukraine.
Tổng thống Biden: Ý tưởng về chiến tranh ủy nhiệm lớn hơn là ‘không đúng’
Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ ý kiến cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể phát triển thành một cuộc xung đột ủy nhiệm lớn hơn giữa Moscow với Hoa Kỳ và các đồng minh NATO, thậm chí có thể đưa thế giới đến gần hơn đến một cuộc đối đầu hạt nhân.
Hôm thứ Năm (28/04), tại một sự kiện ở Tòa Bạch Ốc, nơi ông Biden yêu cầu Quốc hội viện trợ thêm 33 tỷ USD cho Ukraine, tổng thống cho biết ý tưởng về một cuộc chiến tranh ủy nhiệm lớn hơn là đáng lo ngại nhưng “không đúng”.
Ông quy cho các nhà chức trách Nga là phóng đại những suy đoán như vậy, nói rằng “điều đó cho thấy sự tuyệt vọng mà Nga đang cảm thấy về sự thất bại nặng nề của họ” trong cuộc xâm lược Ukraine.
Ông nói thêm rằng “không ai nên đưa ra những bình luận vu vơ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân” và gọi việc làm đó là “vô trách nhiệm”.
Điện Kremlin cáo buộc Anh ‘đe dọa’ an ninh Âu Châu
Moscow cảnh báo London rằng bằng cách “bơm” vũ khí cho Ukraine, Anh đang phá hoại an ninh Âu Châu. Nhận xét trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh hối thúc các đồng minh cung cấp cho Ukraine “vũ khí hạng nặng, xe tăng, phi cơ”, đồng thời củng cố khả năng phòng thủ của Moldova và Georgia.
Trình bày với các phóng viên qua điện thoại hôm thứ Năm (28/04), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “chính xu hướng bơm vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạng nặng, vào Ukraine và các quốc gia khác là điều đe dọa an ninh của lục địa và khơi mào bất ổn.”
Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã có bài diễn văn quan trọng của mình hôm thứ Tư (27/04).
Bà phản bác lại quan điểm cho rằng “chúng ta không nên cung cấp vũ khí hạng nặng kẻo lại khiêu khích khơi ra điều gì đó tồi tệ hơn,” đồng thời nhấn mạnh rằng “không hành động sẽ là hành động khiêu khích lớn nhất” trong hoàn cảnh hiện nay.
NATO cho biết sẵn sàng hỗ trợ lâu dài cho Kyiv trong cuộc chiến chống Nga
NATO sẵn sàng duy trì sự ủng hộ của mình đối với Ukraine trong cuộc chiến chống Nga trong nhiều năm, bao gồm cả việc giúp Kyiv chuyển đổi vũ khí thời Liên Xô sang vũ khí và hệ thống hiện đại của phương Tây, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Năm (28/04).
Ông trình bày sau khi Điện Kremlin cảnh báo rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí hạng nặng, gây ra mối đe dọa đối với an ninh của lục địa Âu Châu “và khơi mào bất ổn”.
Tổng thư ký Stoltenberg đã trình bày tại hội nghị thượng đỉnh thanh niên ở Brussels: “Chúng ta cần chuẩn bị cho dài hạn. Hoàn toàn có khả năng cuộc chiến này sẽ kéo dài và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.”
Người đứng đầu NATO cho biết phương Tây sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa lên Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine, mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, qua các biện pháp trừng phạt và viện trợ kinh tế cũng như quân sự cho Kyiv.
“Các đồng minh NATO đang chuẩn bị cung cấp sự hỗ trợ lâu dài và giúp Ukraine chuyển đổi từ các thiết bị cũ có từ thời Liên Xô sang các loại vũ khí và hệ thống hiện đại hơn theo tiêu chuẩn của NATO và các hệ thống này cũng sẽ đòi hỏi phải huấn luyện nhiều hơn,” ông Stoltenberg nói.
Hầu hết vũ khí hạng nặng mà các nước NATO gửi đến Ukraine cho đến nay là vũ khí do Liên Xô chế tạo vẫn còn trong kho của các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu, nhưng Hoa Kỳ và một số đồng minh khác đã bắt đầu cung cấp cho Kyiv các loại pháo phương Tây.
Hôm thứ Ba (26/04), Đức thông báo về lô hàng xe tăng Gepard trang bị súng phòng không cho Ukraine, đây là lần đầu tiên Berlin chấp thuận chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Kyiv.
Những lời thỉnh cầu của Ukraine đối với vũ khí hạng nặng ngày càng gia tăng kể từ khi Moscow chuyển hướng tấn công sang Donbas, một khu vực phía đông với phần lớn là địa hình rộng rãi, bằng phẳng được coi là phù hợp hơn cho các trận đánh xe tăng so với các khu vực phía bắc xung quanh thủ đô Kyiv, nơi phần lớn các cuộc giao tranh trước đây đã diễn ra.
Nhân chứng nghe thấy hai vụ nổ lớn ở thành phố Nga gần biên giới Ukraine
Hai nhân chứng nói với Reuters hôm thứ Năm (28/04) rằng họ đã nghe thấy hai vụ nổ mạnh tại thành phố Belgorod của Nga, gần biên giới với Ukraine.
Tiếng nổ đã được nghe thấy ở khu vực phía nam của thành phố. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra các vụ nổ này và liệu có thương vong hay thiệt hại nào hay không.
Những ngày gần đây Nga đã báo cáo những gì họ nói là một loạt các cuộc tấn công của lực lượng Ukraine ở Belgorod và các khu vực phía nam khác giáp biên giới với Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ gây ra leo thang đáng kể.
Ukraine đã không trực tiếp nhận trách nhiệm nhưng đã mô tả các vụ việc là sự trả đũa đối với Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Năm (28/04) đã cáo buộc phương Tây công khai kêu gọi Kyiv tấn công Nga, đồng thời cảnh báo họ “đừng thử thách lòng kiên nhẫn của chúng tôi nữa.”
Tổng thống Biden yêu cầu thêm 33 tỷ USD cho Ukraine
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội tài trợ thêm 33 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Một phần lớn của gói viện trợ lớn này được dành cho viện trợ quân sự và an ninh bổ sung, trong khi phần còn lại sẽ được sử dụng cho hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.
“Chính phủ đang yêu cầu 20.4 tỷ USD hỗ trợ quân sự và an ninh bổ sung cho Ukraine và cho các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường an ninh Âu Châu với sự hợp tác của các đồng minh NATO của chúng tôi và các đối tác khác trong khu vực,” Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố.
Tiết lộ về gói hỗ trợ này trong bài diễn văn của mình tại Tòa Bạch Ốc, ông Biden nói rằng việc các nhà lập pháp thông qua chương trình này là “rất quan trọng”. Ông nói: “Chúng ta cần dự luật này để hỗ trợ Ukraine và cuộc chiến giành tự do của nước này,” đồng thời thừa nhận cái giá phải trả không hề “rẻ”. Ông nhấn mạnh, “Nhưng nhượng bộ trước sự hiếu chiến sẽ phải trả giá đắt hơn nếu chúng ta cho phép điều đó xảy ra.”
Điện Kremlin: Elon Musk có thể thất bại trong sứ mệnh Twitter
Doanh nhân tỷ phú và chủ sở hữu mới của Twitter, ông Elon Musk không có khả năng mang “tự do ngôn luận” mà ông đã hứa đến với nền tảng này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, đồng thời bày tỏ nghi ngờ liệu một “bảng màu đầy đủ” của ý kiến có thể được trình bày trên bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội phương Tây nào hay không.
Hôm thứ Năm (28/04), ông Peskov tuyên bố rằng, “Thái độ của Nga đối với công ty này dựa trên các hành động của công ty, về việc kiểm duyệt, về các hành động đàn áp có chọn lọc đối với các khách hàng của công ty, về việc bóp méo và thao túng thông tin.”
“Hãy xem điều gì sẽ xảy ra dưới thời chủ sở hữu mới. Bây giờ, vì đây là một công ty toàn cầu, chúng tôi đã nghe thấy những tiếng nói chính thức từ Âu Châu rằng họ sẽ không cho phép tự do tuyệt đối ở đó nữa,” ông Peskov nói thêm, dường như ám chỉ cảnh báo của Ủy viên thị trường nội bộ EU Thierry Breton đối với ông Musk.
Quan chức cao cấp của EU này cảnh báo tỷ phú không nên quá lỏng lẻo trong việc kiểm duyệt nội dung, gợi ý rằng nền tảng này có thể phải đối mặt với lệnh cấm của lục địa nếu không tuân thủ các quy tắc của khối. Gần đây EU đã thông qua cái gọi là ‘Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số’, một gói quy định được thiết kế để buộc các nền tảng mạng xã hội phải kiểm soát nội dung mạnh mẽ hơn nhiều và hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý.
“Chúng tôi chào đón tất cả mọi người. Chúng tôi cởi mở nhưng phải theo cách của chúng tôi. Ít nhất chúng tôi biết phải nói gì với ông ấy: ‘Ông Elon, có những quy tắc. Ông được chào đón nhưng đây là những quy tắc của chúng tôi. Các quy tắc của ông sẽ không áp dụng ở đây,” ông Breton nói với The Financial Times.
Ông Elon Musk đã mua lại nền tảng truyền thông xã hội với giá ngất ngưởng 44 tỷ USD hôm thứ Hai (25/04), tự nhận mình là “người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận tuyệt đối” và cam kết đưa Twitter trở lại gốc rễ của mình — “cánh tự do ngôn luận của đảng tự do ngôn luận.”
“Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động và Twitter là quảng trường kỹ thuật số, nơi mà các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận,” ông Musk nói trong một tuyên bố thông báo về thương vụ mua lại.
Ukraine chào mừng 33 binh sĩ và 12 dân thường trở lại trong cuộc trao đổi tù nhân với Nga
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết hôm thứ Năm (28/04) rằng Nga đã giao 33 binh sĩ Ukraine, trong đó có 13 sĩ quan, trong một cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh với Ukraine.
Bà Vereshchuk viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Chúng tôi cũng đang đưa 12 thường dân về nước. Bà nói năm trong số các binh sĩ được trao đổi hôm thứ Năm đã bị thương.
Bà Vereshchuk không cho biết có bao nhiêu người Nga tham gia vào cuộc trao đổi này.
Thủ tướng Thụy Điển từ chối trưng cầu dân ý về khả năng trở thành thành viên NATO
Hôm thứ Sáu (29/04), Thủ tướng Magdalena Andersson cho biết rằng chính phủ Thụy Điển không có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý nếu nghị viện quyết định tiến hành nộp đơn xin gia nhập NATO.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã buộc cả Thụy Điển và Phần Lan phải xem xét lại niềm tin lâu nay rằng trung lập về quân sự là phương án tốt nhất để bảo đảm an ninh quốc gia, và cả hai quốc gia dự kiến sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới.
Bà Andersson nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý là một “ý tưởng tồi.”
Bà nói với các phóng viên rằng: “Tôi không nghĩ đó là một vấn đề phù hợp cho một cuộc trưng cầu dân ý.”
“Có rất nhiều thông tin về an ninh quốc gia là bảo mật, vì vậy trong một cuộc trưng cầu dân ý kiểu này có những vấn đề quan trọng không thể đưa ra thảo luận và những dữ kiện quan trọng không thể đặt lên bàn cân.”
Nghị viện Thụy Điển đang xem xét lại chính sách an ninh bằng một báo cáo dự kiến sẽ có vào giữa tháng Năm. Riêng đảng của bà Andersson, Đảng Dân Chủ Xã Hội, đang xem xét liệu có nên bỏ phản đối việc trở thành thành viên NATO hay không.
Với đa số trong nghị viện ủng hộ tư cách thành viên, Đảng Dân Chủ Xã Hội cầm quyền được coi là trở ngại lớn nhất đối với việc Thụy Điển xin gia nhập liên minh 30 quốc gia này.
Lãnh đạo của Đảng Ôn Hòa, đảng đối lập lớn nhất, cũng đã bác bỏ lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này.
Gazprom: Ba Lan vẫn mua khí đốt của Nga
Đại tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết hôm thứ Năm (28/04) rằng Ba Lan tiếp tục mua khí đốt tự nhiên của Nga từ Đức thông qua dòng chảy ngược, sau khi nguồn cung cấp trực tiếp của họ bị đình chỉ do không thanh toán bằng đồng rúp.
Đại diện chính thức của Gazprom, ông Sergey Kupriyanov cho biết: “Tuần này, Ba Lan đã từ chối thanh toán khí đốt của Nga theo các điều khoản mới, tính bằng đồng rúp. Nước này tuyên bố hùng hồn rằng họ không cần khí đốt của Nga và sẽ không mua nữa. Nhưng trên thực tế, Ba Lan vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga sau khi nguồn cung cấp trực tiếp bị ngừng lại. Hiện nước này mua khí đốt từ Đức, và nó quay trở lại Ba Lan theo dòng ngược lại qua đường ống Yamal-Âu Châu.”
Dữ liệu từ nhà điều hành mạng lưới truyền tải khí Gascade của Đức cho thấy Ba Lan đã Ba Lan đã tăng nhu cầu đối với nguồn cung khí đốt ngược từ Đức lên gấp năm lần hôm thứ Tư (27/04).
Quân đội Ukraine cho biết Nga đang tăng tốc tấn công ở ‘hầu hết các hướng’
Hôm 28/04, quân đội Ukraine đã cảnh báo người dân rằng Nga đang tăng tốc các cuộc tấn công trên khắp cả nước ở “hầu hết các hướng.”
Trong một tuyên bố, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga đang đẩy mạnh cuộc tấn công quân sự lớn nhất ở miền đông đất nước này.
“Quân địch đang tăng tốc chiến dịch tấn công. Lực lượng chiếm đóng của Nga đang nã đạn dữ dội ở hầu hết các hướng,” quân đội Ukraine cho biết hôm 28/04.
Tổng thống Biden muốn có các quyền hạn mới để thu giữ tài sản Nga
Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu Quốc hội cấp các quyền hạn mới để thu giữ và tái sử dụng tài sản của các nhà tài phiệt Nga như một phần của một đề nghị tài trợ mới nhằm viện trợ Ukraine trong việc phòng thủ chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Trình bày tại Tòa Bạch Ốc vào sáng thứ Năm (28/04), Tổng thống Biden sẽ chính thức yêu cầu hàng tỷ USD chi tiêu bổ sung của Hoa Kỳ dành cho việc cung cấp cho quân đội, củng cố nền kinh tế, và hỗ trợ hàng triệu người tị nạn Ukraine chạy khỏi cuộc xâm lược của Nga hai tháng trước. Tòa Bạch Ốc cho biết ông cũng sẽ tìm kiếm các quyền hạn mới từ Quốc hội để tăng cường các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với chính phủ Nga và những người thu lợi từ họ.
Ông Biden đang yêu cầu các nhà lập pháp hình sự hóa việc “cố ý hoặc chủ tâm hưởng lợi trực tiếp từ các giao dịch tham nhũng với chính phủ Nga,” đồng thời tăng gấp đôi thời hiệu đối với tội rửa tiền cho ngoại quốc lên 10 năm và mở rộng định nghĩa của “hoạt động kinh doanh, kiếm tiền bất hợp pháp” theo luật Hoa Kỳ để thêm vào việc cố gắng trốn tránh các lệnh trừng phạt.
Nga cảnh báo phương Tây: Đừng thử thách lòng kiên nhẫn của chúng tôi
Nga hôm thứ Năm (28/04) cảnh báo phương Tây rằng sẽ có phản ứng quân sự cứng rắn đối với bất kỳ cuộc tấn công nào nữa vào lãnh thổ Nga, cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu công khai kích động Ukraine tấn công Nga.
Hai tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, những ngày gần đây, Nga đã báo cáo những gì họ nói là một loạt các cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào các khu vực của Nga tiếp giáp biên giới với Ukraine, và cảnh báo rằng các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ gây ra leo thang đáng kể.
Ukraine đã không trực tiếp nhận trách nhiệm nhưng nói rằng các vụ việc là sự trả đũa đối với Nga, trong khi Nga tức giận trước những tuyên bố từ Anh — một thành viên NATO — rằng việc Ukraine tấn công hậu cần Nga là hợp pháp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên tại Moscow: “Ở phương Tây, họ đang công khai kêu gọi Kyiv tấn công Nga, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí nhận được từ các nước NATO.”
“Tôi khuyên quý vị đừng thử thách lòng kiên nhẫn của chúng tôi nữa.”
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Ba (26/04) rằng nếu các cuộc tấn công như vậy tiếp tục thì Moscow sẽ nhắm vào các trung tâm ra quyết định ở Ukraine, bao gồm cả những nơi mà họ cho rằng có các cố vấn phương Tây đang giúp đỡ Kyiv.
“Các thủ đô của Kyiv và của phương Tây nên nghiêm túc xem xét tuyên bố của Bộ Quốc phòng rằng việc tiếp tục kích động Ukraine tấn công lãnh thổ Nga chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn từ Nga,” bà Zakharova nói.
Bà Zakharova đã xem Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky như một con rối của phương Tây, người đang bị Hoa Kỳ lợi dụng để đe dọa Nga.
Hoa Kỳ đã loại trừ việc cử lực lượng của mình hoặc của NATO tới Ukraine nhưng Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh Âu Châu đã cung cấp vũ khí cho Kyiv, chẳng hạn như phi cơ không người lái, lựu pháo hạng nặng, hỏa tiễn phòng không Stinger và hỏa tiễn chống tăng Javelin.
Thủ tướng Đức biện minh cho việc vẫn mua khí đốt
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang biện minh cho việc mua khí đốt và các nhiên liệu hóa thạch khác của nước ông từ Nga.
Trình bày trong chuyến thăm Nhật Bản hôm thứ Năm (28/04), ông Scholz nói rằng “đó là một thách thức khi nhiều quốc gia Âu Châu, trong đó có Đức, đang phụ thuộc vào nhập cảng tài nguyên hóa thạch từ Nga.”
Ông Scholz cho biết chính phủ ông đặt mục tiêu chấm dứt nhập cảng than và dầu từ Nga trong năm nay. Ông nói rằng “điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với khí đốt, nhưng đó là một quá trình cần nhiều thời gian hơn.”
Khi được hỏi liệu ông có lo ngại Nga có thể ngừng vận chuyển khí đốt đến Đức như đã làm trong tuần này đối với Ba Lan và Bulgaria hay không, ông Scholz thừa nhận rằng “bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ gây ra hậu quả cho tình hình kinh tế.”
Ông cho biết đây cũng là lý do tại sao cho đến nay vẫn chưa có biện pháp trừng phạt nào được áp dụng đối với nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, thêm vào đó điều này đã được quyết định “với sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác của chúng tôi, những nước mà bản thân họ là các nhà xuất cảng năng lượng và do đó ở một xuất phát điểm khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ.”
Ông Scholz nói: “Liệu chính phủ Nga có đưa ra quyết định gì trong vấn đề này hay không và quyết định đó sẽ là như thế nào, người ta chỉ có thể suy đoán, nhưng làm như vậy rất không hợp lý.”
Tổng thống Erdogan kêu gọi ‘hòa bình, đối thoại, và hợp tác’ trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về một cuộc trao đổi tù nhân giữa Hoa Kỳ và Nga diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Tư (27/04). Văn phòng của ông Erdogan cho biết ông đã nói với ông Putin hôm thứ Năm (28/04) rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian trong cuộc trao đổi này là một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Ankara đối với “hòa bình, đối thoại, và hợp tác.”
Ông nhắc lại sự sẵn lòng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine và mong muốn thiết lập hòa bình trong khu vực “thông qua gia tăng động lực” tạo ra trong các cuộc đàm phán trực tiếp được tổ chức giữa phái đoàn hai nước ở Istanbul vào cuối tháng trước.
Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa hai tổng thống trong tuần này. Hôm thứ Ba (26/04), ông Erdogan thúc giục ông Putin đồng ý đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Ukraine.
Tổng thống Biden bị thúc giục tịch thu tài sản Nga
Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật không ràng buộc vào hôm thứ Tư (27/04), kêu gọi Tổng thống Joe Biden tịch thu tài sản của các cá nhân giàu có người Nga được cho là có liên hệ với Điện Kremlin. Theo kế hoạch, số vốn bị tịch thu sẽ được chuyển sang hỗ trợ Ukraine.
Được đặt tên là Đạo luật Thu giữ Tài sản để Tái thiết Ukraine, dự luật được 417 nhà lập pháp ủng hộ, và 8 người bỏ phiếu chống.
Dự luật kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ “tịch thu bất kỳ tài sản hoặc tài khoản nào thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ, có giá trị trên 2,000,000 USD và thuộc về các công ty năng lượng của Nga hoặc của những cá nhân ngoại quốc mà của cải có được một phần thông qua tham nhũng liên quan đến hoặc hỗ trợ chính trị cho chế độ Tổng thống Nga Vladimir Putin.”
Trùm gián điệp Nga tiết lộ kế hoạch của Ba Lan đối với việc chia tách Ukraine
Thông tin tình báo mà Nga thu được cho thấy Ba Lan và Hoa Kỳ đang thực hiện kế hoạch để Warsaw giành lại quyền kiểm soát các khu vực của Ukraine mà Warsaw coi là “thuộc quyền sở hữu mang tính lịch sử” của nước này, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) Sergey Naryshkin cho biết.
Theo kế hoạch bị cáo buộc, giai đoạn đầu tiên của việc “thống nhất” này sẽ chứng kiến “lực lượng gìn giữ hòa bình” Ba Lan khai triển ở miền tây Ukraine với lý do “bảo vệ khỏi sự xâm lược của Nga”, ông Naryshkin tiết lộ trong một tuyên bố hôm thứ Năm (28/04).
Ông tuyên bố rằng, các chi tiết của hoạt động này đang được thảo luận giữa Warsaw và chính phủ Tổng thống Biden, đồng thời cho biết thêm rằng kế hoạch sẽ được thực hiện mà không có sự ủy quyền của NATO, chỉ có các nước tình nguyện tham gia.
Cho đến nay Warsaw vẫn chưa thể tìm thấy bất kỳ quốc gia nào khác tham gia mục tiêu của nước này, ông nói thêm. Nhưng các nhà chức trách Ba Lan không bận tâm đến tất cả điều đó vì bản thân họ muốn có ít “nhân chứng không cần thiết” cho hành động của mình, ông Naryshkin tuyên bố.