Bạo lực bùng phát ở Paris, hàng nghìn người biểu tình

Huyền Anh

Lực lượng cứu hỏa dập tắt đám cháy trong cuộc biểu tình May Day vào ngày 01/05/2022 tại Paris, Pháp. (Ảnh: Louise Delmotte / Getty Images)

Cảnh sát Paris, Pháp đã buộc phải dùng hơi cay để giải tán các đám đông quá khích, trong bối cảnh hàng chục nghìn người dân nước này đã tham gia biểu tình chống lại các chính sách của Tổng thống mới tái đắc cử Emmanuel Macron, tờ Reuters đưa tin hôm 2/5.

Theo tờ Reuters, hàng nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình May Day trên khắp nước Pháp trong ngày 1/5, trước các chính sách mới của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm kêu gọi tăng lương và yêu cầu ông Macron từ bỏ kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết trên Twitter rằng, hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa, nhưng bạo lực đã bùng phát ở thủ đô. Cảnh sát Paris đã thực hiện khoảng 45 cuộc bắt giữ, trong đó có một phụ nữ vì hành vi tấn công lính cứu hỏa. Ông nói thêm, 8 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc biểu tình.

Các cuộc đụng độ với cảnh sát đã nổ ra sau khi một số phần tử quá khích bắt đầu tiến gần về phía Quảng trường La Republique, trong khi một số phần từ khác bắt đầu đập phá đồ đạc tại Quảng trường La Nation ở phía đông Paris.

Một cửa hàng bị phá hoại trong cuộc biểu tình May Day vào ngày 01/05/2022 tại Paris, Pháp. Các cuộc biểu tình vào Ngày Quốc tế Lao động là một sự kiện thường niên ở Paris, mặc dù đám đông dự kiến sẽ đông hơn trong năm nay, khi May Day diễn ra sau thời điểm Tổng thống Macron tái đắc cử. (Ảnh: Louise Delmotte / Getty Images)

Một số đối tượng quá khích đã tràn vào gây rối tại một nhà hàng McDonald’s tại khu vực Place Leon Blum, đập vỡ cửa sổ, phá hỏng các cây ATM và đốt các thùng rác. Cảnh sát đã buộc phải dùng hơi cay để trấn áp và giải tán đám đông.

Theo tờ Reuters, khoảng 250 cuộc biểu tình đã nổ ra ở Paris và các thành phố khác bao gồm Lille, Nantes, Toulouse và Marseille. Bộ Nội vụ Pháp cho biết tổng cộng 116.500 người đã tham gia biểu tình trên khắp đất nước, trong đó có 24.000 người ở thủ đô.

Những người tuần hành mang theo các biểu ngữ có nội dung phản đối chính sách nâng tuổi nghỉ hưu mà chính phủ ông Macron đưa ra, đồng thời chê trách một số quan điểm lãnh đạo khác của ông, vào thời điểm ông vừa giành chiến thắng trước bà Le Pen để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo nước Pháp thêm một nhiệm kỳ nữa.

Chi phí sinh hoạt là chủ đề chính trong chiến dịch bầu cử tổng thống và có vẻ sẽ nổi bật không kém trước cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 năm nay. Theo giới phân tích, Đảng của ông Macron và các đồng minh cần phải giành chiến thắng để có thể thực hiện các chính sách ủng hộ doanh nghiệp của mình, bao gồm cả việc tăng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước cử tri sau khi dẫn đầu vòng đầu tiên trong cuộc thăm dò vào ngày 10/4/2022 tại Paris, Pháp. (Ảnh Getty Images)

Sau chiến thắng của ông Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hồi tuần qua, đảng cầm quyền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của ông hy vọng sẽ giành được đa số ghế trong Quốc hội một lần nữa.

Nếu LREM và đồng minh là đảng Modem không giành được đa số ghế trong Quốc hội Pháp, Tổng thống Macron sẽ buộc phải thực hiện một thỏa thuận liên minh với các đảng khác.

Anh Joshua Antunes, một sinh viên 19 tuổi, cho biết: “Điều quan trọng là phải để Tổng thống Macron và toàn thế giới thấy rằng chúng tôi đã sẵn sàng để bảo vệ các quyền lợi xã hội của mình”. Anh cũng cáo buộc tổng thống “không hoạt động” trong các vấn đề môi trường.

“Chính phủ phải giải quyết vấn đề sức mua bằng cách tăng lương”, ông Philippe Martinez nói với tờ Reuters.

Ông Macron đã tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống mới kéo dài 5 năm sau khi đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bỏ phiếu vào Chủ nhật tuần trước.

Chúng tôi sẽ không nhượng bộ dù chỉ một chút về vấn đề lương hưu”, ông Melenchon cho biết trước khi cuộc tuần hành bắt đầu.

Không giống như những năm trước, bà Marine Le Pen đã không đặt vòng hoa tại Paris tại bức tượng Joan of Arc – một biểu tượng cho chủ nghĩa dân tộc Pháp.

Trong một tin nhắn video, bà Le Pen kêu gọi cử tri tăng cường ủng hộ cho đảng của bà vào tháng 6, để bà có thể “bảo vệ sức mua”, đồng thời ngăn ông Macron thực hiện một “dự án có hại cho nước Pháp và người dân Pháp”

Cuộc bầu cử quốc hội Pháp dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 12/6 và 19/6 năm nay.

Liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Pháp trong các ngày 12/6 và 19/6 tới, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 61% cử tri nước này thích phe đối lập của Tổng thống Macron chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Tỷ lệ này tăng lên đến 69% trong số nhóm cử tri thuộc tầng lớp lao động và gần 90% ở nhóm cử tri cực hữu và cực tả.

Huyền Anh

Theo Reuters

Related posts