Úc trừng phạt thêm 110 nghị sĩ Nga và những người theo chủ nghĩa ly khai

Victoria Kelly-Clark

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trên màn hình) có bài diễn văn qua liên kết video trước Quốc hội Úc tại phòng họp Hạ viện Úc ở Canberra, Úc hôm 31/02/2022. (Ảnh: Stringer/AFP qua Getty Images)

Chính phủ Úc đã tiếp tục gây sức ép lên các nhà chức trách Nga sau khi thông báo về một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào 110 cá nhân khác, bao gồm cả những người theo phe ly khai của Ukraine từ hai khu vực Donetsk và Luhansk cũng như các thành viên của State Duma hay Hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga.

Khi nhắc lại sự ủng hộ không dao động của Úc đối với Ukraine, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) cho biết 34 người Ukraine bị trừng phạt là đại diện cao cấp của “Hội đồng nhân dân của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Hội đồng Nhân dân của nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk” theo chủ nghĩa ly khai.

Hành động mới nhất này nâng tổng số cá nhân bị chính phủ Úc trừng phạt lên 812 người. Thêm 47 tổ chức khác đã bị trừng phạt.

“Những cá nhân này đã vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine thông qua việc họ khẳng định quyền hạn của chính phủ đối với các khu vực của Ukraine mà không có sự cho phép của chính phủ Ukraine,” DFAT cho biết trong một thông cáo hôm 04/05.

Bộ tuyên bố rằng hai nước cộng hòa ly khai này không phải là “những nhà nước” [độc lập] theo luật pháp quốc tế.

Khói bốc lên từ khuôn viên của nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, Ukraine, hôm 29/04/2022, trong bối cảnh Nga tiếp diễn hành động quân sự ở Ukraine. (Ảnh: Andrey Borodulin/AFP qua Getty Images)

Hơn 76 thành viên của Hạ viện Nga cũng đã bị chính phủ Úc nhắm mục tiêu, DFAT lưu ý rằng một số cá nhân bị đưa vào [danh sách trừng phạt] sau khi họ bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin công nhận Donetsk và Luhansk là hai khu vực độc lập.

Những người khác bị trừng phạt do ủng hộ việc chuẩn thuận một hoặc cả hai hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ giữa Liên bang Nga và hai khu vực ly khai này.

DFAT cũng chỉ trích nghị sĩ Nga Oleg Matveichev vì hành động mà Bộ này gọi là “phổ biến tuyên truyền và thông tin sai lệch” sau khi ông Matveichev lập luận rằng các nước phương Tây nên bồi thường thiệt hại mà các lệnh trừng phạt kinh tế và chính cuộc chiến này gây ra.

Hành động mới nhất này được đưa ra sau khi chính phủ Úc tuyên bố sẽ cung cấp thêm khoản hỗ trợ quân sự trị giá 26.7 triệu dollar Úc (19.1 triệu USD), bao gồm sáu khẩu lựu pháo kéo hạng nhẹ M777 cùng với đạn dược, để tăng cường sức chống chịu của Ukraine trước cuộc xâm lược “tàn bạo, không ngừng và bất hợp pháp” của Nga.

Chính phủ Úc đang cung cấp sáu khẩu lựu pháo kéo hạng nhẹ M777 155mm và đạn lựu 155mm để hỗ trợ Chính phủ Ukraine. Một khẩu lựu pháo M777 từ Trung đoàn 1, Pháo binh Hoàng gia Úc, đang được chuẩn bị để vận chuyển trước khi đưa lên xe tải tại Doanh trại Gallipoli, hôm 27/04, tại Brisbane, Úc. (Ảnh: Thiếu tá Roger Brennan, Lực lượng Quốc phòng Úc)

“Úc đứng về phía người dân Ukraine và một lần nữa kêu gọi Nga ngừng xâm lược Ukraine một cách vô cớ, bất công, và bất hợp pháp,” Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cho biết trong một thông cáo chung hôm 27/04.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Hoa Kỳ và các nước đồng minh đang tìm cách thống trị thế giới.

Hôm 26/04, trình bày trên Kênh 1 của truyền hình nhà nước Nga, ông Lavrov cáo buộc phương Tây không còn công nhận luật pháp quốc tế hoặc công nhận quyền bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia, bất chấp cuộc xâm lược gần đây của Nga với lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine.

ẢNH TƯ LIỆU: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) Peter Maurer tại Moscow, Nga, hôm 24/03/2022. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev/Pool qua REUTERS)

“Họ đang cố gắng chia nhỏ toàn bộ cấu ​​trúc đã hình thành trong nhiều thập niên và dựa trên sự đồng thuận, sự tham gia của tất cả những bên tham gia chính yếu bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc,” ông nói.

“Họ công khai tuyên bố rằng họ sẽ chịu trách nhiệm, rằng NATO có mọi quyền để làm những gì họ muốn,” Ngoại trưởng Nga nói. “Tổng thư ký Jens Stoltenberg có thể tuyên bố rằng NATO chịu trách nhiệm toàn cầu về an ninh trên toàn thế giới, bao gồm cả ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts