Gần đây, thái độ của truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đưa tin về cuộc chiến Nga – Ukraina bất ngờ thay đổi, theo hướng tích cực hơn về phía Tổng thống Zelensky của Ukraina và không còn kiểm duyệt từ “xâm lược” khi đề cập đến cuộc chiến. Nguyên nhân vì sao?
Truyền thông ĐCSTQ thay đổi giọng điệu về ông Zelensky
Hôm thứ Tư (4/5), Ủy ban châu Âu đã đề xuất dự thảo vòng trừng phạt thứ 6 chống lại Nga, bao gồm trong vòng 6 tháng sẽ dần thực hiện loại bỏ nhập khẩu dầu của Nga và loại ngân hàng Sberbank lớn nhất của Nga khỏi hệ thống SWIFT. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho hay, ông sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga.
Ngày 5/5, nhiều nguồn tin của ĐCSTQ như CCTV, Hoàn cầu, và Business… đều đưa tin tích cực về bài phát biểu của ông Zelensky. Ví dụ: Zelensky đã có một cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres, Thụy Sĩ chuẩn bị cho việc Zelensky có thể tham dự hội nghị cải cách Ukraine vào tháng Bảy, và thậm chí dẫn lời ông Zelensky nói rằng: lệnh ngừng bắn thực sự chỉ có thể đạt được bằng cuộc gặp với ông Putin, 344 người đã sơ tán khỏi thành phố và vùng ngoại ô Mariupol với mục tiêu cuối cùng là ‘khôi phục toàn vẹn lãnh thổ’.
Đáng chú ý là trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản với Ngoại trưởng Dmytro Kuleba của Ukraine do Tân Hoa xã Trung Quốc đăng tải ngày 30/4, Kuleba đã 4 lần nhắc đến từ “xâm lược”.
Ngày 3/5, tờ báo kỹ thuật số của Tân Hoa xã ĐCSTQ đã đăng lại bài “Tổng thống Zelensky điều hành đất nước như thế nào trong boongke?” từ tờ El Pais của Tây Ban Nha, mô tả cách Tổng thống Ukraine đối phó với giới truyền thông, chú ý đến cuộc chiến và chủ trì các cuộc họp trong boongke dưới lòng đất kể từ khi Nga “xâm lược” Ukraine.
Các thông tin từ truyền thông ĐCSTQ kể trên cho thấy khác biệt rõ rệt so với những nỗ lực trước đây nhằm miêu tả ông Zelensky như một gã hề, diễn viên hài, và đặc biệt tránh đề cập Nga “xâm lược”.
ĐCSTQ duy trì chiến lược hai mặt?
Phó giáo sư Phùng Tôn Nghĩa (Feng Chongyi) tại Đại học Công nghệ Sydney nói với Epoch Times rằng đa số tập trung vào cuộc phỏng vấn với Ngoại trưởng Ukraine, nhưng thực ra cùng ngày hôm đó Tân Hoa Xã của ĐCSTQ cũng đăng bài phỏng vấn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, điều đó cho thấy thái độ nước đôi, còn chiến lược chính không có gì thay đổi.
Ông nói rằng gần đây Bắc Kinh muốn thực hiện một số động thái nhỏ, ví dụ vấn đề nhượng bộ xác định Nga “xâm lược” Ukraine mà châu Âu và Mỹ vẫn gây sức ép lên họ. Tuy nhiên họ sẽ không từ bỏ quan điểm thân Nga, ĐCSTQ có thể cho phép một số điều chỉnh nhỏ nhưng không phải tất cả và không thay đổi thực chất vấn đề, đó là kiểu ứng xử hai mặt, chẳng qua không công khai quan điểm thân Nga.
Một phần vì gần đây, các cuộc thảo luận nội bộ của ĐCSTQ diễn ra khá căng thẳng vào thời gian sẵn sàng cho Đại hội 20 của ĐCSTQ, đặc biệt là tình hình kinh tế Trung Quốc ngày càng xấu đi. Nếu trong bối cảnh này, ĐCSTQ vẫn công khai thân Nga khiến phương Tây tẩy chay Trung Quốc mức độ giống như Nga thì sẽ là nguy cơ đối với nền kinh tế Trung Quốc, sẽ đặc biệt bất lợi cho ý đồ tại nhiệm của ông Tập Cận Bình.
Nga không hài lòng với viện trợ từ Trung Quốc
Trả lời Epoch Times, Phó giáo sư Tôn Quốc Cường (Sun Guoxiang) tại Khoa Kinh doanh và Các vấn đề Quốc tế – Đại học Nam Hoa ở Đài Loan nói rằng, trong khuôn khổ cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, ĐCSTQ sẽ hướng theo chính sách thân Nga. Dù thế gần đây, Nga đã bắt đầu nghi ngờ liệu ĐCSTQ có thực sự hỗ trợ Nga hay không.
Mới đây, cố vấn kinh tế Boris Titov của Tổng thống Nga Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Sputnik rằng về hợp tác kinh tế, Trung Quốc và Nga không tốt như mong đợi. Hiện nay trong lựa chọn thay thế nhập khẩu, Nga không nên chỉ dựa vào Trung Quốc.
Một số quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Mỹ vẫn cảnh giác về sự hỗ trợ lâu dài của Trung Quốc dành cho Nga, nhưng hỗ trợ kinh tế và quân sự mà họ lo ngại đã không xảy ra, ít nhất là cho đến nay.
Ông Tôn Quốc Cường nhận định, ban đầu Nga hy vọng ĐCSTQ có thể cung cấp hỗ trợ quân sự, nhưng hiện nay khả năng này khá nhỏ. Về hỗ trợ kinh tế thì tiếp tục 15 thỏa thuận hợp tác mà ông Putin và ông Tập Cận Bình đã đạt được vào tháng Hai và sau đó đã ký một thỏa thuận 10 năm cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc thông qua Kazakhstan.
“Đối với tình hình cấp bách hiện nay thì những bản cam kết dài hạn của Trung Quốc đã quá muộn để cứu được nền kinh tế Nga hiện tại trong ngọn lửa cháy gần của các lệnh trừng phạt quốc tế. Vì vậy Nga đã thể hiện thái độ thất vọng với ĐCSTQ thông qua một số kênh khác nhau”, ông Tôn Quốc Cường nói.
Tập trận chung Nga-Việt và vấn đề đối với Bắc Kinh
Ông Phùng Tôn Nghĩa cho biết, bước đi sai lầm của ông Putin khi mạo hiểm xâm lược Ukraine là có liên quan đến những lời hứa “hợp tác không giới hạn” mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra trước đó. Không ngờ chiến tranh nổ ra đã trở thành cuộc chiến quá tốn kém, đồng thời kích hoạt sự đoàn kết của phương Tây, trong khi ông Tập Cận Bình thì lo duy trì quyền lực tại Đại hội 20 nên khiến những cam kết của ĐCSTQ trở nên không phù hợp và khó duy trì.
Ngày 19/4, truyền thông Nga đưa tin Nga và Việt Nam sẽ tổ chức cuộc tập trận chung “Liên minh trên bộ-2022”. Giới quan sát băn khoăn không biết động cơ khiến Nga và Việt Nam tập trận chung là gì khi cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine vẫn đang căng thẳng.
Ông Lý Chính Hạo (Li Zhengxiu), một nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia của Đài Loan, nói với Epoch Times: “Sau khi bị các nước phương Tây trừng phạt thì Nga lo lắng về việc phải phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, vì vậy họ hy vọng có tiếng nói tại châu Á. Theo truyền thống, quan hệ Trung Quốc – Việt Nam chưa bao giờ hòa bình, cùng lắm chỉ có thể xem là ‘tôn trọng lẫn nhau’, cho nên Moscow đang nhân cơ hội để gắn kết với Việt Nam và tạo ra vấn đề cho Bắc Kinh”.
Chuyên gia Đài Loan này cho hay, không ngoa khi nói rằng cuộc tập trận Nga – Việt là nỗ lực của Nga nhằm tránh các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu thông qua khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Do từ khi bắt đầu chiến tranh Nga – Ukraine, xuất khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu giảm mạnh, nên Moscow đã chuyển hướng về châu Á với hy vọng có thể làm chậm tác động đến kinh tế trong nước. Ngoài ra, Việt Nam luôn có quan hệ thân thiết với Nga nên cũng không thể loại trừ ý định Việt Nam lợi dụng Nga để có thể kiềm chế ĐCSTQ.
Theo Sầm Tâm, Epoch Times