Huyền Anh
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, sẽ không có thay đổi nào đối với chiếc ghế thường trực của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Tôi cũng biết họ yêu cầu xem xét lại chiếc ghế thường trực của Nga trong Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, người Nga đã có chiếc ghế thường trực và tôi không thấy điều này khả thi”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn trên “Firing Line” của đài PBS hôm thứ Sáu (6/5).
Phát biểu trước đó với đài MSNBC, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết: “Hội đồng Bảo an được tạo ra sau khi Liên Hợp Quốc thành lập sau Thế chiến thứ II. Nga là một thành viên của Hội đồng Bảo an. Đó là sự thật. Chúng ta không thể thay đổi sự thật đó, nhưng chúng ta chắc chắc có thể cô lập họ trong cơ quan này và khiến sự hiện diện của họ trở nên không hề dễ chịu”.
Tuy nhiên, bà Thomas-Greenfield nhận định, mặc dù Nga là một thành viên của Hội đồng Bảo an nhưng Moscow bị cô lập trên trường quốc tế.
“Hơn 6 tuần qua, chúng tôi đã làm việc một cách sốt sắng để cô lập Nga trong Hội đồng Bảo an. Và họ đã bị cô lập. Họ bị cô lập trong Hội đồng Bảo an, trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và khắp thế giới”.
Tuy nhiên, trước đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã bác bỏ việc nước này bị cô lập trên thế giới.
“Nga không bị cô lập. Chúng tôi có một số lượng lớn các đối tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tại châu Á, châu Phi, Mỹ Latin. Chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp với đa số các tổ chức được sáng lập bởi các nước đang phát triển”, ông Lavrov cho hay.
Bà nói, những nỗ lực nhằm cô lập Nga đã “rất hiệu quả”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc qua video vào ngày 5/4/2022, tại thành phố New York. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)
Trong bài phát biểu hôm thứ Năm (5/5) trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chỉ trích Liên Hợp Quốc ‘không làm gì’ trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Lãnh đạo đất nước thuộc Liên Xô cũ đề xuất hai phương án với tổ chức đa quốc gia: hoặc là loại bỏ Nga hoặc giải thể Liên Hợp Quốc.
“Hoặc là loại bỏ Nga – một kẻ xâm lược và là nguồn gốc của chiến tranh – để ngăn chặn các cuộc xâm lược. Và sau đó làm mọi thứ có thể thiết lập hòa bình”, ông nói. “Hoặc nếu Liên Hợp Quốc không thể thay đổi và đơn giản là không có lối thoát, thì lựa chọn duy nhất là giải thể toàn bộ”. Một bản đồ của Bộ Quốc phòng Anh cho thấy các vị trí đóng quân của Nga và Ukraine kể từ ngày 7/5/2022. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh).
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24/2, điều mà Điện Kremlin gọi là “một hoạt động quân sự đặc biệt”.
Liên Hợp Quốc cho biết tính đến ngày 6/5, 3.309 dân thường đã thiệt mạng và 3.493 người bị thương ở Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga, và gần 5,8 triệu người đã tháo chạy khỏi đất nước.
Sau nỗ lực cố gắng giành quyền kiểm soát thủ đô Kyiv của Ukraine, các lực lượng Nga gần đây đã chuyển trọng tâm sang phía nam và phía đông của Ukraine, nơi có lực lượng ly khai hoặc các vùng lãnh thổ tranh chấp. Điện Kremlin dường như đang có ý định chiếm hành lang nối Crimea và Donbass và Mariupol là thành phố quan trọng dọc hành lang.
Với một lượng lớn vũ khí, huấn luyện và viện trợ quân sự khác từ các đồng minh phương Tây, các lực lượng vũ trang Ukraine có thể làm chậm bước tiến hoặc đánh bại các cuộc xâm lược của Nga.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các đơn vị có năng lực tiên tiến nhất của Nga đã bị phá hủy trong cuộc chiến Ukraine.
“Sẽ mất nhiều thời gian và chi phí để Nga tái thiết các lực lượng vũ trang của mình sau cuộc xung đột này. Sẽ đặc biệt khó khăn trong việc thay thế các thiết bị hiện đại hóa và tiên tiến do các lệnh trừng phạt hạn chế Nga tiếp cận các linh kiện vi điện tử quan trọng”, cơ quan này viết trong một bản cập nhật tình báo.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times