Bắc hàn phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, ra lệnh phong tỏa toàn quốc

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham dự cuộc họp của Tổng cục Chính trị lần thứ 8 của Đảng Công nhân Triều Tiên tại Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)

Hôm thứ Năm (12/5), Bắc Hàn xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại xứ này và tuyên bố “tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng”. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc.

Kể từ khi đại dịch xuất hiện trên thế giới cho đến nay, Bắc Hàn chưa thừa nhận bất cứ ca nhiễm nào, và chính phủ nước này đã áp đặt các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ tại biên giới.

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, các mẫu xét nghiệm được lấy từ các bệnh nhân bị sốt ở Bình Nhưỡng “trùng hợp với biến thể Omicron BA.2”.

Trước thông tin trên, các quan chức hàng đầu, bao gồm cả nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đã tổ chức một cuộc họp của bộ chính trị để thảo luận về dịch bệnh bùng phát và tuyên bố rằng họ sẽ thực hiện một “hệ thống phòng chống dịch khẩn cấp tối đa”.

KCNA đưa tin, ông Kim “đã kêu gọi tất cả các thành phố của cả nước phong tỏa triệt để các khu vực của họ”.

Theo KCNA, ông Kim nói với cuộc họp rằng “mục tiêu là diệt trừ tận gốc trong thời gian ngắn nhất”.

Ông Kim nói thêm rằng Triều Tiên sẽ “vượt qua tình thế bất ngờ hiện nay và giành thắng lợi trong công tác phòng chống dịch khẩn cấp”.

KCNA không nói rõ có bao nhiêu trường hợp nhiễm COVID-19 đã được phát hiện.

Các chuyên gia cho biết, cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn của Triều Tiên sẽ phải vất vã để đối phó nếu xảy ra vi khuẩn bùng phát lớn, với 25 triệu người được cho là chưa tiêm chủng.

Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, cho biết: “Để Bình Nhưỡng công khai thừa nhận các trường hợp nhiễm Omicron, tình hình sức khỏe cộng đồng ở đó hẳn phải nghiêm trọng”.

“Bình Nhưỡng có thể sẽ tăng cường phong tỏa, mặc dù sự thất bại của chiến lược Zero COVID của Trung Quốc cho thấy rằng cách tiếp cận đó sẽ không hiệu quả với biến thể Omicron.”

Triều Tiên trước đó đã từ chối đề nghị tiêm chủng từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung Quốc và Nga.

Go Myong-hyun, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nói với AFP rằng việc chấp nhận vaccine thông qua chương trình Covax của WHO “đòi hỏi sự minh bạch về cách thức phân phối vaccine”.

“Đó là lý do tại sao Triều Tiên từ chối nó”, ông Go nói.

Các chuyên gia cho biết việc phong tỏa chặt chẽ hơn nữa sẽ tạo ra tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và tình trạng hỗn loạn tương tự mà Trung Quốc hiện đang phải đối mặt.

Theo AFP

Related posts