Tấm bằng Cử nhân Kế toán của Úc và Việt Nam

Thoại Giang

Thời gian học

Hai nhân vật A và B cùng học Cử nhân Kế toán. A học ở trường Đại học Victoria, Úc. Chương trình Cử nhân Kế toán của trường bao gồm 288 tín chỉ. Tất cả các môn học đều ngang nhau và bằng 12 tín chỉ, cho nên khối lượng khóa học tương đương 24 môn học. Mỗi năm sinh viên toàn thời gian thông thường có thể hoàn tất 8 môn học, do đó sinh viên Úc chỉ mất 3 năm là có thể tốt nghiệp.

B học ở trường Đại học Kinh tế TpHCM, Việt Nam. Chương trình Cử nhân Kế toán của trường bao gồm 124 tín chỉ. Tuy nhiên cách tính tín chỉ của Việt Nam phức tạp hơn. Các môn học được quy ra số tín chỉ cao thấp khác nhau. Mỗi năm trung bình sinh viên có thể lấy 31 tín chỉ, do đó cần 4 năm dùi mài kinh sử để hoàn tất chương trình.

Chương trình kiến thức giáo dục đại cương của trường Đại học Victoria chỉ có 8 môn học như sau:

•           Kế toán cho việc ra quyết định (Accounting for Decision Making)

•           Hệ thống thông tin doanh nghiệp (Information Systems for Business)

•           Những nguyên lý Kinh tế (Economic Principles)

•           Thống kê trong kinh doanh (Business Statistics)

•           Giới thiệu về tiếp thị (Introduction to Marketing)

•           Luật kinh doanh (Business Law)

•           Hành xử trong quản lý và tổ chức (Management and Organisation Behaviour)

•           Thách thức kinh doanh tích hợp (Integrated Business Challenge)

Trong khi đó chương trình kiến thức giáo dục đại cương của trường Đại học Kinh tế bao gồm 18 môn học:

•           Triết học Mac Lênin

•           Kinh tế chính trị Mác – Lênin

•           Chủ nghĩa xã hội khoa học

•           Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

•           Tư tưởng Hồ Chí Minh

•           Tiếng Anh giao tiếp thương mại HP1

•           Tiếng Anh giao tiếp thương mại HP2

•           Tiếng Anh giao tiếp thương mại HP3

•           Tiếng Anh giao tiếp thương mại HP4

•           Toán dành cho kinh tế và quản trị

•           Thống kê ứng dụng trong kinh tế và kinh doanh

•           Kinh tế vi mô

•           Kinh tế vĩ mô

•           Luật kinh doanh

•           Nguyên lý kế toán

•           Kỹ năng mềm

•           Khởi nghiệp kinh doanh

•           Khoa học dữ liệu

Ở Việt Nam, sinh viên phải học các môn triết học, chính trị và lịch sử trong khi tại Úc, chương trình Cử nhân Kế toán không có các môn này.                     

Sinh viên Úc cũng không cần học thêm toán vì toán ở bậc phổ thông đã đủ ứng dụng trong ngành Kế toán.

Sinh viên Úc còn có lợi thế tự nhiên là không phải học tiếng Anh.

Chương trình của Đại học Kinh tế có tổng cộng hơn 40 môn học, gần gấp đôi số môn học của Đại học Victoria.

Để tốt nghiệp, B phải viết Khóa luận và tham gia Thực tập hay Học kỳ doanh nghiệp trong khi A chỉ cần hoàn tất 24 môn học (288 tín chỉ) là kết thúc khóa học.

Có thể thấy nội dung giảng dạy của Đại học Kinh tế rất nặng về lý thuyết, chương trình bị nhồi nhét những thứ không cần thiết là lý do khiến sinh viên Viêt Nam phải mất 4 năm trong khi sinh viên Úc chỉ cần 3 năm để có tấm bằng Cử nhân Kế toán.

Học phần bắt buộc và tự chọn

Những môn học thuộc kiến thức giáo dục đại cươngkiến thức cơ sở ngành đều là học phần bắt buộc đối với trường Đại học Kinh tế và trường Đại học Victoria.

Ngoài ra ở trường Đại học Kinh tế hơn ½ các môn học thuộc kiến thức chuyên ngành cũng là học phần bắt buộc.  Tóm lại hầu hết các môn học ở Việt Nam là bắt buộc theo lộ trình do nhà trường vạch ra sẵn. Ngành Kế toán được chia ra Kế toán công và Kế toán doanh nghiệp ngay từ ban đầu. Đặc biệt Kiểm toán là một ngành riêng biệt. Tại Úc, việc phân chia chi li này chỉ áp dụng ở các trường dạy nghề.

Kết quả của lối đào tạo chuyên sâu theo từng ngành này cộng với cấu trúc chương trình “đóng” là những sinh viên tốt nghiệp với tư duy hẹp, chỉ thông thạo một lĩnh vực chuyên môn nhỏ với những kiến thức, kỹ năng cũng mau chóng lạc hậu trong tình hình kinh tế, xã hội biến đổi chóng vánh như hiện nay. Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp rất hiếm khi tìm được việc làm đúng ngành học. Nếu không có kiến thức rộng, sẽ rất chật vật khi đổi ngành.

Ngược lại, trường Đại học Victoria cho phép sinh viên tự thiết kế chương trình học, tự chọn các môn kiến thức chuyên ngành theo sở thích, nhu cầu. Sinh viên Đại học Victoria có thể chọn hai chuyên ngành kế toán, hoặc một ngành chính và một ngành phụ.

Việc tự chọn rất quan trọng để sinh viên mở mang kiến thức về nhiều ngành học khác nhau. Sự hiểu biết đa ngành này cho phép sinh viên hợp tác nghiên cứu liên ngành, phân tích và nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh mà không bị bó hẹp vào chuyên môn của mình. Các Cử nhân Kế toán sau khi ra trường có thể làm việc ở nhiều chuyên môn khác nhau chứ không bị trói buộc vào chuyên ngành kế toán duy nhất đã học. Chương trình của các đại học Úc tạo điều kiện cho sinh viên khi cần phải chuyển ngành sẽ không quá hụt hẫng.

Phương pháp dạy và học

Cấu trúc chương trình của trường Đại học Kinh tế có tính ‘đóng”, không linh động, khó thay đổi, nhiều môn học đã lỗi thời nhưng vẫn được giảng dạy. Ngược lại chương trình của trường Đại học Victoria có tính “mở”, giáo trình được cập nhật cũng như thay đổi liên tục để thích ứng với sự phát triển không ngừng của xã hội. Ví dụ “Thách thức kinh doanh tích hợp” (Integrated Business Challenge) là môn học mới, vừa được đưa vào chương trình vài năm trở lại đây.

Giáo trình của trường Đại học Kinh tế là do các giảng viên biên soạn, chấp nhặt mỗi nơi một ít, như một nồi lẩu thập cẩm. Ngược lại trường Đại học Victoria sử dụng sách của những tác giả danh tiếng trên thế giới về lĩnh vực của họ làm giáo trình (textbook). Ví dụ Những nguyên lý Kinh tế của Micheal Mankiw, Marketing của Philip Kotler.

Đó là lý do vì sao trong khi ở Việt Nam B đánh vật với những quyển giáo trình khô khan dày cộm thì tại Úc A say sưa nghiền ngẫm những cuốn giáo trình mà theo A cuốn hút như truyện trinh thám Sherlock Holmes của Conan Doyle.

Đối với một môn học, mỗi tuần A thường có 3 giờ lên lớp gồm 2 giờ lý thuyết và 1 giờ bài tập.  Một học kỳ ở các trường Đại học Úc ngắn, chỉ 13 tuần. Như vậy đối với mỗi môn học A chỉ phải đến lớp 39 giờ, tương đương 312 giờ mỗi năm.

Trong khi đó, theo Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam, 1 tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết, 1 tiết học được tính bằng 50 phút. Như vậy mỗi năm B phải đến lớp 387,5 giờ, nhiều hơn A 75,5 giờ.

Với thời gian lên lớp quá dày đặc, sinh viên Việt Nam sẽ có ít thời gian để tự học, nghiên cứu, tìm tòi. Đây có thể là một trong những lý do khiến sinh viên Việt Nam đa số thụ động, ít sáng tạo.

Sinh viên Đại học Úc được khuyến khích dành thời gian tự học, nghiên cứu gấp đôi thời gian lên lớp tức 624 giờ mỗi năm. Trong trường hợp Việt Nam, Bộ giáo dục quy định đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được 1 tín chỉ sinh viên phải dành tối thiểu 30 giờ tự học. Tính ra ở Việt Nam B phải dành ít nhất 930 giờ tự học mỗi năm, nhiều hơn A 306 giờ. Yêu cầu này cao bất hợp lý.

Trên thực tế, số giờ tự học chỉ có mục đích tham khảo. Sinh viên tự học, tự nghiên cứu nhiều hay ít phụ thuộc vào quy trình đánh giá kết quả của nhà trường và quyết tâm của sinh viên.

Để hoàn tất một môn học, thông thường B chỉ làm bài kiểm tra giữa học kỳ và thi cuối học kỳ. Kiểu đánh giá này giống như đánh giá học sinh của một trường “phổ thông cấp bốn” hơn là đánh giá sinh viên của một trường đại học thực thụ. B không cần phải nghiên cứu, đọc sách tham khảo thêm, chỉ cần học vẹt cũng có thể đạt điểm cao. Tuy trường Đại học Kinh tế có Khóa luậnThực tập hay Học kỳ doanh nghiệp. Những học phần này chỉ như cỡi ngựa xem hoa.

Trong khi đó, mỗi môn học, ngoài kiểm tra và thi, A còn phải làm bài tập lớn (assignment) thường là bài luận dài 3.000 chữ. Bài luận này đi sâu vào một vấn đề nào đó mà A muốn đạt được kết quả cao phải nghiên cứu, trích dẫn ít nhất 2 quyển sách và 6 bài báo chuyên ngành. Chương trình Đại học của Úc nhằm đào tạo một cử nhân biết nghiên cứu chuyên sâu và lập luận vững chắc.

Thoại Giang

Cử nhân Kế toán

Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA)

Tài liệu tham khảo:

Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm, … (2011), Festschrift – Kỷ yếu – Đại học Humboldt 200 năm (1810 – 2010) – Kinh nghiệm thế giới & Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức, Thành phố Hồ Chí Minh

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-43-2007-QD-BGDDT-Quy-che-dao-tao-dai-hoc-cao-dang-he-chinh-quy-he-thong-tin-chi-56390.aspx
https://ueh.edu.vn/dao-tao/dai-hoc-chinh-quy/cu-nhan-chinh-quy-chuan
https://www.vu.edu.au/unitsets/bmaact

Related posts