Huyền Anh
Một nhà lập pháp Nga đã đưa ra cảnh báo nảy lửa rằng, Ba Lan sẽ là đối tượng phi hạt nhân hóa” tiếp theo. Động thái này diễn ra khi Thủ tướng Ba Lan viết một bài báo gọi tư tưởng đế quốc của Nga “Russkiy Mir” là một “căn bệnh ung thư” và là “mối đe dọa chết người” đối với các quốc gia khác.
Ông Oleg Morozov, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát của Duma Quốc gia Nga, đã viết trong một thông báo trên Telegram hôm thứ Sáu (13/5) rằng, những bình luận của nhà lãnh đạo Ba Lan về cơ bản đã khiến Ba Lan trở thành mục tiêu.
Trong bài nhận xét của mình, ông Morozov đã viện đến lời hùng biện của Điện Kremlin về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ ở Ukraine. Ông đề cập đến cái gọi là “phi phát xít hóa”, một ‘nhãn hiệu’ mà Moscow đã sử dụng để bôi nhọ các đối thủ địa chính trị và biện minh cho chiến tranh.
“Với những cáo buộc rằng Nga là một “căn bệnh ung thư” và về “khoản bồi thường” mà chúng tôi phải trả cho Ukraine, Ba Lan đã khuyến khích chúng tôi đặt nước này ở vị trí ‘phi phát xít hóa’ theo sau Ukraine”, ông Morozov viết, theo một bản dịch của tuyên bố.
Nhận xét của ông Morozov được thúc đẩy bởi các tuyên bố của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, cả hai đều chỉ trích việc Nga xâm lược Ukraine.
Ông Duda cho rằng, Nga buộc phải bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Ukraine. Về phần mình, ông Morawiecki nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin còn “nguy hiểm hơn” cả Adolf Hitler và Joseph Stalin, vì ông Putin sở hữu vũ khí hạt nhân và một bộ máy tuyên truyền khổng lồ.
Ông Morawiecki đã viết trong một chuyên mục trên tờ The Telegraph của Anh rằng, “những bóng ma đáng nguyền rủa của thế kỷ 20 đã trỗi dậy trở lại trên khắp Ukraine”. Ông cáo buộc rằng, cuộc xâm lược của Nga đối với nước láng giềng mang dấu ấn của chủ nghĩa phát xít, “đã mở ra cánh cửa cho nạn diệt chủng”, và được thúc đẩy bởi một “hệ tư tưởng mới quái dị”. Một tư tưởng mà ông gọi là “Russkiy Mir”.
Ông Morawiecki cáo buộc rằng, nhân danh tư tưởng này, ông Putin và ‘đoàn tùy tùng quân sự của ông’ đã ra lệnh cho các lực lượng Nga tham chiến. Bên cạnh đó, ông Putin còn “thuyết phục họ về ưu thế của mình và khuyến khích họ phạm tội ác chiến tranh vô nhân đạo – giết người, hãm hiếp và tra tấn thường dân vô tội”.
Ông Morawiecki cho biết: “Hệ tư tưởng ‘Russkiy Mir’ của ông Putin tương đương với chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Quốc xã ở thế kỷ XX. Nó là một căn bệnh ‘ung thư’ đang tiêu diệt không chỉ phần lớn xã hội Nga, mà còn là mối đe dọa chết người đối với toàn bộ châu Âu”.
Ông Morawiecki lập luận rằng, việc giúp Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga là không đủ, “chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn hệ tư tưởng mới quái dị này”.
“Cũng giống như nước Đức đã từng là đối tượng của việc phi hạt nhân hóa, ngày nay cơ hội duy nhất cho nước Nga và thế giới văn minh là ‘khai tử’. Nếu không bắt tay vào nhiệm vụ này ngay lập tức, chúng ta không chỉ mất Ukraine mà còn mất đi linh hồn, nền tự do, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”, nhà lãnh đạo Ba Lan viết.
Ông Morawiecki lập luận rằng, trừ khi vấp phải sự phản đối, nếu không Nga sẽ còn tiếp tục chiến dịch ở Kyiv – “một cuộc hành quân dài hơi về phía phương Tây”.
Điện Kremlin đã phủ nhận các cáo buộc về ý định xâm lược các quốc gia khác. Ông Putin tuyên bố rằng, những gì ông mô tả là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine là để đáp trả những nỗ lực của các cường quốc phương Tây, nhằm thiết lập một bức tường thành ở Ukraine đe dọa đến an ninh của Moscow.
Đặc biệt, ông Putin từ lâu đã nói rằng, NATO đang cố gắng mở rộng biên giới để gây áp lực quân sự đối với Nga. Trước cáo buộc này, NATO đã bác bỏ là vô căn cứ.
Một trong những lời biện minh quan trọng khác của Điện Kremlin cho hoạt động quân sự của họ ở Ukraine là, cộng đồng người nói tiếng Nga ở khu vực Donbass và Luhansk do phe ly khai kiểm soát đã bị đàn áp. Điều mà ông Putin mô tả là “tội ác diệt chủng”.
Một danh sách dài các học giả và viện sĩ đã lên án những tuyên bố của Nga về tội ác diệt chủng và “phi phát xít hóa” Ukraine. Họ cho rằng đó là cái cớ sai lầm nhằm biện minh cho “hành động gây hấn vô cớ” chống lại nước láng giềng phía Nam.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times