Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 15/5: Sau Phần Lan, đến lượt Thụy Điển xác nhận sẽ gia nhập NATO

Huyền Anh

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (bên trái) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö họp báo thông báo rằng Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO tại Phủ Tổng thống ở Helsinki, Phần Lan vào ngày 15/5/2022. (Ảnh: Heikki Saukkomaa/ Getty Images)

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hoà McConnell đến thăm Helsinki

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell dẫn đầu một phái đoàn nghị sĩ Cộng hòa sẽ đến thăm Helsinki vào thứ Hai (16/5). Cuộc hội đàm với tổng thống Phần Lan diễn ra trong bối cảnh, quốc gia Bắc Âu vốn có truyền thống trung lập và giáp ranh với Nga, nay đang tìm kiếm tư cách thành viên NATO.

Ông McConnell là một người ủng hộ trung thành của liên minh quân sự NATO. Chuyến thăm bất ngờ của đảng Cộng hòa đến thủ đô của Ukraine vào cuối tuần qua đã thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga.

Văn phòng tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết hôm Chủ nhật (15/5) rằng, đoàn Nghị sĩ đảng Cộng Hoà sẽ gặp nhau để thảo luận về các vấn đề: tư cách thành viên NATO của Phần Lan, chiến tranh Ukraine cùng các vấn đề khác.

Tháp tùng ông McConnell có Thượng nghị sĩ Susan Collins của tiểu bang Maine, John Barrasso của tiểu bang Wyoming và John Cornyn của tiểu bang Texas.

Văn phòng của ông McConnell đã xác nhận chuyến thăm.

Ông McConnell đã có mặt tại Stockholm, Thuỵ Điển vào hôm 15/5 trong khi các nhà ngoại giao hàng đầu của 30 quốc gia thành viên NATO gặp nhau tại Berlin. Cuộc hội thảo tập trung vào các vấn đề như: tăng cường viện trợ cho Ukraine, các động thái của Phần Lan, Thụy Điển và những nước khác khi gia nhập NATO.


Ông McConnell mong đợi Thượng viện bỏ phiếu cho Dự luật viện trợ Ukraine trị giá 40 tỷ USD vào 18/5

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell hôm Chủ nhật cho biết, ông dự kiến ​​Thượng viện sẽ bỏ phiếu cho Dự luật viện trợ Ukraine trị giá 40 tỷ USD vào thứ Tư (18/5).

“Chúng tôi dự kiến ​​sẽ kết thúc phiên thảo luận ngày 16/5, điều này sẽ giúp chúng tôi hướng đến quá trình bỏ phiếu thông qua khoản viện trợ bổ sung vào ngày 18/5”, ông McConnell nói với các phóng viên trong một hội nghị từ Stockholm sau chuyến thăm thủ đô Ukraine vào thứ Bảy (15/5).

Ngày 28/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu viện trợ 33 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có hơn 20 tỉ USD hỗ trợ quân sự. Hạ viện Mỹ đã nâng tổng số tiền lên khoảng 40 tỉ USD, bổ sung thêm viện trợ quân sự và nhân đạo.

Theo Reuters, ông McConnell cũng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc Thụy Điển và Phần Lan định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

“Họ sở hữu quân đội rất có năng lực. Họ sẽ là những bổ sung quan trọng cho NATO nếu gia nhập. Tôi nghĩ Mỹ nên là người đầu tiên phê chuẩn hiệp ước cho cả hai nước này tham gia”, ông nói.


NATO hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ không ‘cản trở’ Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập liên minh

Hôm Chủ nhật (15/5), NATO và Hoa Kỳ cho biết, họ tin tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ‘cản trở’ tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển trong việc gia nhập liên minh quân sự này. Vì hai quốc gia Bắc Âu đã có những bước đi kiên quyết để tham gia nhằm đáp trả Cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hôm Chủ nhật (15/5) đã xác nhận rằng, đất nước của ông sẽ nộp đơn gia nhập NATO. Trong khi đó, các Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển đã thông báo về một sự thay đổi chính sách chính thức, vốn sẽ mở đường cho nước này xin gia nhập trong vòng vài ngày tới.

“Hôm nay, Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển đã ra một quyết định lịch sử, đó là chúng tôi xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde viết trên Twitter. “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm xấu đi tình hình an ninh của Thụy Điển và châu Âu nói chung”.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã gây bất ngờ cho các đồng minh trong những ngày gần đây khi nói rằng họ lưỡng lự về tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, đã đưa ra yêu cầu của mình vào Chủ nhật bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng ở Berlin.

Ankara cho biết muốn các nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ cho các nhóm chiến binh người Kurd hiện diện trên lãnh thổ của họ, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có thể giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ theo cách không làm trì hoãn việc trở thành thành viên”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken từ chối tiết lộ chi tiết về các cuộc trao đổi kín ở Berlin nhưng lặp lại quan điểm của ông Stoltenberg.

“Tôi rất tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được sự đồng thuận về điều đó”, ông Blinken nói với các phóng viên và nói thêm rằng NATO là “nơi để đối thoại”.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết các cuộc đàm phán với những người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan tại Berlin đã rất hữu ích. Hai nước đã đưa ra đề xuất để đáp ứng những lo ngại của Ankara, mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét, trong khi ông đã cung cấp cho họ bằng chứng những kẻ khủng bố hiện diện trên lãnh thổ của họ, ông nói.

Ông nói riêng về Thụy Điển, cho biết rằng nhóm dân quân người Kurd PKK, vốn bị Hoa Kỳ và EU coi là khủng bố, đã tổ chức các cuộc họp ở Stockholm vào cuối tuần qua.

Tuy nhiên, ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối chính sách của liên minh là mở cửa cho tất cả các quốc gia châu Âu muốn nộp đơn xin gia nhập.


Ông Putin bình tĩnh khi tổng thống Phần Lan thông báo ý định vào NATO

Ông Niinisto hôm 14/5 đã gọi điện cho Tổng thống Nga Putin để thông báo về quyết định của chính phủ Phần Lan. Ông Putin cảnh báo rằng động thái trên có thể đe dọa quan hệ song phương giữa Nga và Phần Lan.

Ông Putin khẳng định không có mối đe dọa an ninh nào đối với Phần Lan, và những thay đổi trong lập trường chính sách đối ngoại của nước này có thể dẫn đến tác động tiêu cực trong quan hệ song phương, theo AFP.

“Ông ấy bình tĩnh đón nhận thông tin”, theo Tổng thống Niinisto.

“Ông ấy xác nhận rằng, đó là một sai lầm”, ông Niinisto nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “State of the Union” của đài CNN.


Phần Lan tuyên bố sẽ đăng ký gia nhập NATO, theo sau là Thụy Điển

Hôm Chủ nhật (15/5), Phần Lan thông báo rằng họ đang có kế hoạch xin gia nhập NATO. Một động thái có khả năng khiến Moscow khó chịu trong bối cảnh xung đột kéo dài nhiều tháng ở Ukraine.

Trước thông báo này, các quan chức Nga đã đưa ra những lời đe dọa chống lại quốc gia Scandinavia, quốc gia có đường biên giới dài giáp ranh với Nga, vốn từ lâu luôn giữ quan điểm trung lập. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển đều đứng ngoài NATO. Tuy nhiên, chính phủ của cả hai nước cho biết, họ đã xem xét lại lập trường của mình về việc gia nhập liên minh quân sự trong bối cảnh chiến sự leo thang tại Nga-Ukraine.

“Chúng tôi hy vọng rằng Quốc hội sẽ phê chuẩn quyết định xin gia nhập NATO trong những ngày tới”, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết trong một cuộc họp báo tại Helsinki hôm Chủ nhật. “Chúng tôi hôm nay đạt được quyết định quan trọng với sự hợp tác của chính phủ và Tổng thống”.

Mặc dù Phần Lan là một đối tác thân thiết với NATO, tuy nhiên thông báo hôm Chủ nhật “là một quyết định mang tính lịch sử rằng chúng tôi sẽ gia nhập NATO và hy vọng chúng tôi sẽ cùng nhau đưa ra quyết định”, bà Marin nói thêm.

Vài giờ sau, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson lên tiếng ủng hộ đất nước đăng ký gia nhập NATO.

“Các thành viên Đảng Dân chủ Xã hội cho rằng, điều tốt nhất cho Thụy Điển và an ninh của người dân Thụy Điển là việc gia nhập NATO. Đây là quyết định mà chúng tôi đã đưa ra sau khi cân nhắc rất kỹ lưỡng”, bà nói trong cuộc họp báo hôm Chủ nhật. “Đối với chúng tôi, những người theo Đảng Dân chủ Xã hội, chính sách không liên minh quân sự đã từng rất tốt. Tuy nhiên, các phân tích của chúng tôi cho thấy, điều này sẽ không có hiệu quả trong tương lai”, bà Andersson nói. “Đây không phải là một quyết định mà chúng tôi đã xem nhẹ”.

Huyền Anh

Tình báo Anh: Quân Nga ở Ukraine đã mất 1/3 lực lượng mặt đất

Hôm Chủ nhật (15/5), báo cáo tình báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh công bố cho thấy quân đội Nga đã thất thế, đặc biệt chậm tiến độ so với kế hoạch và có thể đã mất 1/3 lực lượng mặt đất so với khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng Hai.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo quốc phòng mới nhất hôm Chủ nhật rằng Nga đã bị tổn thất nặng nề trong cuộc tấn công Donbas và tiến độ sẽ bị trì hoãn hơn nữa.

Đánh giá tình báo cho biết, cuộc tấn công của Nga ở Donbas đã mất động lực và chậm hơn đáng kể so với kế hoạch. Mặc dù có được những lợi ích nhỏ ban đầu, nhưng Nga đã không đạt được lợi ích lãnh thổ đáng kể nào trong tháng qua, trái lại liên tục chịu mức tổn thất cao. Đánh giá cũng cho biết, lực lượng mặt đất của Nga có thể đã mất 1/3 so với khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng Hai.

Hiện không rõ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh đã đưa ra đánh giá này như thế nào. Được biết trong cuộc tấn công ở Donbas miền đông Ukraine, Nga được cho là đã đầu tư khoảng 100 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn, nhưng giới chức phương Tây nói rằng nhiều đội chiến thuật của Nga thực sự không đủ sức mạnh để gây được vấn đề đáng kể gì.

Đánh giá tình báo của Anh cũng cho biết, năng lực của Nga chắc chắn sẽ còn trầm trọng hơn do mất các thiết bị phụ trợ quan trọng như thiết bị bắc cầu và máy bay không người lái do thám, giám sát và tình báo.

Thiết bị bắc cầu của Nga đã luôn thiếu trong suốt cuộc xung đột, làm chậm và hạn chế việc triển khai các cuộc tấn công của Nga. Máy bay không người lái của Nga rất quan trọng đối với nhận thức chiến thuật và chỉ huy pháo binh, nhưng chúng rất dễ bị tấn công bởi hỏa lực phòng không của Ukraine.

Đánh giá tình báo cho biết: “Các lực lượng Nga ngày càng bị hạn chế bởi năng lực suy giảm, tinh thần binh sĩ kém và hiệu quả chiến đấu giảm sút. Nhiều lực lượng trong số này không thể nhanh chóng được thay thế hoặc xây dựng lại, đây là những vấn đề có thể tiếp tục cản trở các hoạt động của Nga ở Ukraine. Với điều kiện như hiện tại thì Nga khó có thể gia tăng được gì đáng kể trong 30 ngày tới”.

Trong tuần qua, Nga đã mất rất nhiều thiết bị bắc cầu khi cố gắng vượt qua sông Siverskyi Donets. Quân đội Nga đã cố gắng bao vây quân đội Ukraine bằng cách đặt một số cầu phao trên sông, nhưng chiến lược này kết thúc thất bại.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm Chủ Nhật cho biết, cuộc tấn công của Nga ở Ukraine đã thất bại và các hoạt động của họ ở khu vực Donbas đã bị đình trệ.

“Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã không diễn ra theo kế hoạch của Moscow. Họ đã không chiếm được Kyiv”, ông Stoltenberg nói. “Họ đang rút lui khỏi Kharkiv và thế tấn công chính của họ ở Donbas cũng đang bị đình trệ”.

Ông Stoltenberg cũng cho biết hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại Madrid sẽ đưa ra những quyết định quan trọng trước tình hình mới ở châu Âu. Các đồng minh đã cam kết viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine và cung cấp các khóa huấn luyện tạo ra sự khác biệt trên chiến trường.

Theo Từ Giản, Epoch Times

Related posts