Huyền Anh
Trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine bước sang tháng thứ ba, làn sóng ủng hộ của các quốc gia phương Tây đối với Ukraine ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với nó là nhận thức về mối đe dọa Nga. Chính sự leo thang này đang phản ánh việc bóng ma ‘Chiến tranh Lạnh’ đã quay trở lại.
Cuộc đối đầu này đã và đang ảnh hưởng xấu đến toàn thế giới. Các chuỗi sản xuất toàn cầu đã trở nên vô cùng căng thẳng, và các quốc gia kém phát triển đang phải đối mặt với thách thức vì thiếu nguồn cung cấp lương thực và giá cả tăng vọt.
Chính phủ Nga đã đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân vì những thất bại quân sự của họ. Trước động thái viện trợ quân sự của các nước phương Tây cho Ukraine, Moscow tuyên bố rằng các phương tiện vận tải của phương Tây sẽ trở thành mục tiêu tấn công. Vào ngày 26/4, Hoa Kỳ đã tập hợp các quan chức quốc phòng cấp cao từ 40 quốc gia đến một cuộc họp tại Đức để thảo luận về viện trợ quân sự cho Ukraine. Đây là một cuộc tập trận động viên quy mô lớn và có hiệu quả rõ rệt.
Hai ngày trước cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến thăm Kyiv, đồng thời thông báo mục tiêu là ‘làm suy yếu Nga’ để buộc nước này rút quân khỏi Ukraine. Truyền thông Mỹ sau đó dẫn lời các quan chức phương Tây chỉ ra rằng, chính quyền ông Biden đang có kế hoạch áp đặt những biện pháp trừng phạt nghiêm trọng về quân sự và kinh tế đối với Nga. Rõ ràng, đây là một chiến lược dài hạn.
Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã gây áp lực lên Trung Quốc trong một số cuộc họp quốc tế gần đây, cảnh báo Bắc Kinh không nên can thiệp vào các đòn trừng phạt của họ đối với Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 21/4 tuyên bố rằng, các lệnh trừng phạt chống lại Nga cũng sẽ được áp dụng đối với Trung Quốc nếu nước này chọn cung cấp “hỗ trợ vật chất” cho Nga.
Trung Quốc rõ ràng muốn tránh khỏi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Có thông tin cho rằng, China UnionPay đã từ chối hợp tác với các ngân hàng Nga đang bị trừng phạt. Một số công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty có liên kết quốc tế, hiện đang bắt đầu chấp nhận yêu cầu của Washington trong việc cung cấp dữ liệu tài chính cần thiết để duy trì niêm yết của họ trên thị trường chứng khoán Mỹ. Mặc dù đối với hầu hết các công ty Trung Quốc, mốc 2024 vẫn còn là một vấn đề. Cho đến nay, Trung Quốc đã hạn chế cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Nga vì nó muốn tránh việc đối đầu với các quốc gia phương Tây.
Không khí Chiến tranh Lạnh ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tổ chức quốc tế. Ví dụ, việc thực thi quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được coi là ‘cản trở tiến độ’ giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới, bao gồm chiến tranh Nga-Ukraine.
Cộng đồng quốc tế hiện đang lo ngại rằng, sự chia rẽ các khối quốc gia trong Chiến tranh Lạnh và tính hợp pháp của các quyền phủ quyết có thể khiến Liên hợp quốc hoạt động kém hiệu quả hơn.
Tháng trước, một nghị quyết đã được ban hành cho phép Đại hội đồng tranh luận trong vòng 10 ngày về mọi quyết định bị chặn bởi quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an. Tại cuộc họp, Hội đồng Bảo an sẽ cần trình bày một báo cáo nêu rõ lý do của việc phủ quyết. Đây được coi là một cách tiếp cận nhẹ nhàng, song có thể là một bước đi tích cực nhỏ, có thể gây ra một số áp lực quốc tế rộng lớn hơn đối với Hội đồng Bảo an.
Khi Liên Hợp Quốc được thành lập, tổ chức này nhận ra rằng nó không có đủ thẩm quyền xử phạt các cường quốc. Liên đoàn các quốc gia là một ví dụ rõ ràng. Ngày nay các thành viên của tổ chức này hiểu được những hạn chế của mình. Nghị quyết mặc dù bị Nga chỉ trích nhưng có thể là một bước nhỏ trong việc cố gắng cải thiện hoạt động của Hội đồng Bảo an.
Trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G-20 vào tháng trước, không có tuyên bố chung nào được đưa ra vì sự khác biệt của các thành viên. Do đó, cộng đồng quốc tế đã hạn chế kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 10 tới đây. Mặc dù có thể có mong muốn G-20 thay thế G-7 trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và đóng góp vào phát triển kinh tế toàn cầu, vì nó liên quan đến nhiều quốc gia hơn, song việc đạt được kết quả cũng có thể khó khăn. Hiện tại, các thành viên G-20 như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và nước chủ nhà Indonesia đều không có ý định lên án Nga. Sự khác biệt của họ với các nước phương Tây có thể sẽ đồng nghĩa với việc không thể đạt được thỏa thuận lớn nào.
Nhiều quốc gia không muốn Chiến tranh Lạnh quay trở lại. EU tiếp tục mua năng lượng từ Nga. Một số ngân hàng Nga vẫn thích sử dụng hệ thống thanh toán SWIFT. Trung Quốc nỗ lực tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng rất khó để có được sự hợp tác mang tính xây dựng. Ví dụ, Indonesia ban đầu đã hy vọng đạt được sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ thông qua hợp tác quốc tế toàn cầu. Và trong bối cảnh đại dịch, các nước phát triển đã có ý định cung cấp hỗ trợ cho các nước đang phát triển để: đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, với bối cảnh giao tranh đang diễn ra tại Ukraine, các nước phát triển giờ đây sẽ có ít nguồn lực hơn để chống lại đại dịch, xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển. Chiến tranh ảnh hưởng xấu đến chuỗi sản xuất toàn cầu, thị trường tài chính, năng lượng và hàng hóa quốc tế. Cái giá phải trả là do tất cả các quốc gia phải chịu, nhưng các quốc gia kém phát triển bị thiệt hại nhiều nhất. Giá thực phẩm tăng cao là một ví dụ rõ ràng.
Tác động của chiến tranh không chỉ giới hạn ở những thương vong và sự tàn phá trực tiếp. Đối đầu làm tổn hại đến tinh thần hợp tác quốc tế. Tư duy ‘tổng bằng không’ hiện đang chiếm ưu thế trong chính sách đối ngoại của hầu hết các quốc gia. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ không sớm kết thúc, và cuộc đấu tranh giữa các phe đối lập sẽ còn tiếp tục và thậm chí có thể leo thang. Thế giới sẽ phải trả giá đắt.
Tác giả Joseph Yu-shek Cheng là giáo sư khoa học chính trị đã nghỉ hưu tại Đại học Thành phố Hồng Kông. Ông xuất bản rộng rãi các bài viết về diễn biến chính trị ở Trung Quốc và Hồng Kông, chính sách đối ngoại của Trung Quốc và sự phát triển ở miền nam Trung Quốc. Ông là một nhà hoạt động phục vụ phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông trong bốn thập kỷ. Khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục làm việc với tư cách là một nhà bình luận các vấn đề thời sự.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times