Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo của hơn chục quốc gia khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hôm thứ Hai (23/5) đã chính thức ra mắt một thể chế quan hệ đối tác mới với mục tiêu đặc biệt về ổn định tương lai kinh tế khu vực.
Thể chế đối tác mới là “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương vì Sự Thịnh vượng”, viết tắt là IPEF. Thể chế này là sự mở rộng của diễn đàn Đối thoại An ninh Bộ Tứ.
Ngoài Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, các bên khác cùng ký thêm tham gia IPEF gồm: Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Khuôn khổ kinh tế mới này chiếm khoảng 40% giá trị nền kinh tế toàn cầu.
Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang chiếm khoảng 60% dân số toàn cầu và được dự báo sẽ là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế thế giới trong 30 năm tới.
Nhà Trắng hôm 23/5 phát đi tuyên bố cho hay: “Sự lãnh đạo của kinh tế Mỹ tại khu vực [Ấn Độ – Thái Bình Dương] là tốt cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, cũng là tốt cho người dân trong khu vực này. IPEF sẽ cho phép Mỹ và các đồng minh của chúng ta quyết định các luật chơi nhằm đảo bảo lao động, doanh nghiệp nhỏ và chủ trang trại Mỹ có thể cạnh tranh tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
IPEF sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên tăng cường đổi mới về các ngành năng lượng sạch, kỹ thuật số và công nghệ, “đồng thời củng cố các nền kinh tế trong nhóm chống lại hàng loạt các mối đe dọa từ chuỗi cung ứng yếu tới tham nhũng và trú ẩn thuế”.
Các quan chức Mỹ nói rằng IPEF sẽ “giúp giảm chi phí thông qua việc là cho các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn trong dài hạn, bảo vệ chúng ta trước các gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn tới giá cả tiêu dung tăng cao hơn”.
Chính quyền Biden ước tính Mỹ sẽ đầu tư vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương khoảng 1 tỷ USD mỗi năm và tác động đến hơn 3 triệu việc làm nội địa.
IPEF được ra mắt nhân dịp Tổng thống Mỹ Biden lần đầu công du châu Á, thăm chính thức Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hải Đăng (Theo Reuters)