Xuân Hoa
Dưới sự kìm kẹp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, biểu tình vẫn đang lan rộng trên khắp đất nước tỷ dân. Nguyên nhân là người dân Trung Quốc không còn chịu đựng nổi các cuộc phong tỏa hà khắc chống COVID-19, ngân hàng vô cớ đóng băng tài sản, tình trạng thiếu lương thực và điều kiện vệ sinh kém.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng các thế lực ngoại bang đang kích động, xúi giục người dân Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc biểu tình. Thông tin về các cuộc biểu tình sau đó đã bị Bắc Kinh kiểm duyệt. Trước tình hình ấy, nhiều cư dân mạng cảm thấy không thể chịu nổi nên đã dùng blockchain (công nghệ chuỗi khối) để đăng lại chúng, khiến những thông tin đó không thể xóa được.
Các cuộc phong tỏa của ĐCSTQ, vốn được đánh giá là không có cơ sở pháp lý, đang khiến Trung Quốc thiệt hại tới 46 tỷ USD mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP. Khi các doanh nghiệp ngừng hoạt động và gửi tiền vào ngân hàng, hệ thống tài chính Trung Quốc bắt đầu suy thoái.
Tại tỉnh Hà Nam, những người gửi tiền tại ngân hàng đã biểu tình khi 3 ngân hàng địa phương đóng băng lượng tài sản trị giá 1,5 tỷ USD của khách hàng mà không có lời giải thích nào, theo Reuters.
Đại học Bắc Kinh (PKU), ngôi trường uy tín bậc nhất về giáo dục bậc cao ở Trung Quốc, đã tổ chức biểu tình vào ngày 15/05. Khi các ca nhiễm COVID tăng đột biến trong thành phố, ngày càng nhiều khu vực đã bị chính quyền phong tỏa. Cuộc biểu tình của PKU nổ ra là để phản đối việc xây dựng một bức tường kim loại nhằm nhốt sinh viên trong ký túc xá. Trong khi một cán bộ thuộc ĐCSTQ yêu cầu khoảng 300 người biểu tình giải tán, một số người biểu tình đã hô vang “hãy phá bỏ nó!” và bắt đầu phá dỡ bức tường.
Cư dân mạng Trung Quốc đã lên tiếng ca ngợi cuộc biểu tình và ví nó như sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ.
Nhà bình luận các vấn đề chính trị, ông Ji Feng, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng các chính sách thất bại của ĐCSTQ có thể gây ra “một cuộc biểu tình quy mô lớn của sinh viên ở Bắc Kinh”.
Phong tỏa càng khốc liệt, biểu tình càng mạnh mẽ
Thượng Hải là nơi các cuộc biểu tình diễn ra mạnh mẽ nhất. 25 triệu cư dân Thượng Hải đã bị nhốt ở trong nhà kể từ ngày 02/03. ĐCSTQ đã kiểm duyệt các từ ngữ trong bài quốc ca của chính Trung Quốc, được sử dụng bởi những người biểu tình và trong các video của công dân thành phố. Những người biểu tình đã hô vang “chúng tôi muốn ăn” và “chúng tôi muốn tự do”.
Vào tháng 4, sinh viên tại 2 trường đại học ở Thượng Hải đã nghĩ ra những cách sáng tạo để phản đối việc không được tiếp cận với thức ăn, nhà tắm và nhà vệ sinh. Một sinh viên bị câm tại Đại học Đồng Tế (Tongji University) đã giơ một tấm biển trong suốt một cuộc gọi Zoom, và một sinh viên ở Đại học Sư phạm Hoa Đông (East China Normal University) đã sử dụng băng đen để viết dòng chữ “Tôi muốn tắm!” trên cửa phòng tắm.
Nhiều video mô tả sự phẫn nộ của người dân Thượng Hải đang lan truyền mạnh mẽ. Video “Voices of April” cho thấy sự tuyệt vọng của người dân khi họ không có thức ăn và tự do đã nhận được hàng chục nghìn lượt xem. Các video có bài hát “Do You Hear the People Sing?” (Bạn có nghe thấy người dân hát không?) trong cuộc biểu tình ở Hong Kong đang được chia sẻ rộng rãi.
Một video khác có tên “Shanghai Late Spring” (Thượng Hải cuối xuân) đã ghi lại những hành động nổi dậy đơn lẻ của người dân, như việc họ xung đột với cảnh sát.
Các khu chung cư cao tầng ở Thượng Hải đã phối hợp để phản đối phong tỏa, một hành động mà chính quyền gọi là “hòa nhạc”. Wall Street Journal đưa tin, tối ngày 28/04, tiếng la hét, đập chảo và gõ bát vang dội khắp các tòa chung cư.
Một nhóm cư dân Thượng Hải đã rất tức giận khi phát hiện ra rau vốn dùng để phân phối cho dân chúng đã bị thối rữa trong kho. Họ đã đột nhập vào khu lưu trữ và ném chúng ra đường. Nhiều cư dân khác đã biểu tình trên đường phố trong bối cảnh các quan chức bị cho là đã ăn cắp nguồn thực phẩm dành cho người dân.
Có lẽ để đối phó với tình hình bất ổn ngày càng gia tăng, giới chức Thượng Hải đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại một số khu mua sắm và kinh doanh vào ngày 16/05. Tuy nhiên, chính quyền đã tăng cường phong tỏa một số khu vực lân cận và hủy bỏ các sự kiện bóng đá quốc tế dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2023.
Chứng kiến những gì xảy ra, nhiều người dân đã chạy trốn khỏi Thượng Hải và người nước ngoài dự kiến rời khỏi Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Tập đang mong mỏi vị trí Chủ tịch ĐCSTQ lần thứ ba vào cuối năm nay. Những nhân vật nổi bật trong chính quyền Trung Quốc, bao gồm cả cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và cố vấn cấp cao Hồ Vĩ (Hu Wei), đã chỉ trích ông Tập và các chính sách của ông, bao gồm cả việc tranh giành cho nhiệm kỳ thứ ba, các cuộc phong tỏa, phong trào đàn áp các công ty công nghệ và sự ủng hộ dành cho Nga.
Các ca mắc COVID và các cuộc phong tỏa đang gia tăng ở Bắc Kinh. Biểu tình đã lan từ PKU sang các sinh viên tại Đại học Nam Khai (Nankai University) gần Bắc Kinh.
Liệu các cuộc biểu tình chống lại chính sách của ông Tập có phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai? Liệu cuối cùng họ có thể lật đổ chính quyền ở Bắc Kinh? Tất cả chúng ta có lẽ đều trông ngóng ngày đó.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).
Xuân Hoa
Theo The Epoch Times