Thanh Đoàn
Đại biểu tỉnh Kiên Giang, bà Châu Quỳnh Dao, cảnh báo người nông dân càng sản xuất càng nghèo vì chi phí cho sản xuất tăng cao trong khi giá đầu ra không đổi thậm chí thị trường đầu ra hết sức chông chênh.
Trong khi ngành nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế trong các giai đoạn kinh tế đình trệ, là căn cơ kinh tế thì ngành nông nghiệp nói chung, ổn định giá cả đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp nói riêng chưa được quan tâm đúng mức hoặc có ứng xử chính sách kịp thời trong giai đoạn khủng hoảng từ các bộ, ngành và địa phương.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh cuộc khủng hoảng giá năng lượng toàn cầu và đứt gãy chuỗi cung ứng đã nhanh chóng lan sang giá phân bón, làm điêu đứng ngành nông nghiệp vốn luôn là bệ đỡ của nền kinh tế. Đại biểu tỉnh Kiên Giang kêu gọi Nhà nước cần có nhận thức về tâm quan trọng và tính gấp gáp của vấn đề này, có chính sách đồng bộ để giảm chi phí đầu vào vào sản xuất, bình ổn giá cả chi phí và thị trường đầu ra trong sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu trước Quốc hội, phiên họp buổi chiều ngày 1/6/2022, đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh: “Giá nông sản không tăng nhưng giá chi phí sản xuất tăng 40% so với 2 năm trước trên mỗi hecta”; chủ yếu do giá phân đạm tăng đột biến theo đà tăng của giá dầu thô toàn cầu.
Trang Pháp Luật, dẫn lời ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 đến nay và đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cước vận chuyển tăng mạnh; giá dầu, giá khí tự nhiên tăng cao do xung đột địa chính trị leo thang khắp toàn cầu, đặc biệt cuộc chiến Nga – Ukraine. Chỉ số giá phân bón toàn cầu tăng mạnh nhất trong 50 năm qua, được cho là do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng giá năng lượng toàn cầu (Nguồn: Ảnh chụp màn hình từ trang Green Market, ngày 1/6/2022)
Trước thực trạng giá đầu vào leo thang trong khi giá đầu ra không tăng, thậm chí mất giá do thị trường đầu ra không ổn định, người nông dân ở nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng “càng sản xuất càng nghèo đi” (trích lời Đại biểu Quỳnh Dao), có thể bỏ ruộng. Điều này sẽ tạo ra bất ổn lớn về kinh tế – xã hội khi 70% lao động Việt Nam vẫn đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đại biểu Kiên Giang cũng kiến nghị về giải pháp để ổn định giá cả đầu vào sản xuất nông nghiệp, gồm:
Thứ nhất, Việt Nam sử dụng 11 triệu tấn phân bón mỗi năm, trong nước chỉ sản xuất được 7 triệu tấn phân bón. Tuy nhiên, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,3 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD nhưng cũng chi tới 1,4 tỉ USD để nhập về 4,5 triệu tấn phân bón các loại. Trước tình hình khủng hoảng nguồn cung và giá phân bón toàn cầu, xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng vọt trong 4 tháng đầu năm. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón tăng 46,9% về lượng và tăng tới 192,6%.
Trước thực trạng này, bà Quỳnh Dao kiến nghị nhà nước cần kiểm soát xuất khẩu phân bón với mục tiêu ưu tiên đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước, ổn định giá cả phân bón trong nước.
Thứ hai, kêu gọi người nông dân, thông qua các chương trình tuyên truyền, đào tạo kỹ thuật bởi các chuyên gia,… trong việc giảm quá lạm dụng phân vô cơ và phụ thuộc vào phân vô cơ trong sản xuất nông nghiệp. Đại biểu tỉnh Kiên Giang nêu ví dụ về việc nông dân tận dụng vỏ cà phê sau thu hoạch để ủ phân hữu cơ, vừa bảo vệ môi trường, chi phí thấp trong khi tiến tới một nền nông nghiệp xanh bền vững, tự chủ hơn.
Cuối cùng, đại biểu tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng chính sách thuế VAT đang áp dụng với sản phẩm phân đạm đang tạo ra bất hợp lý giữa phân đạm sản xuất trong nước với phân đạm nhập khẩu; tăng thêm gánh nặng chi phí cho người nông dân Việt Nam.
Hữu Nguyên