NGO kêu gọi tẩy chay ‘vai trò chủ tịch phi lý’ của Bắc Hàn trong Hội nghị Giải trừ quân bị

Katabella Roberts

Đại sứ Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc Han Tae Song tham dự Hội nghị Giải trừ Quân bị tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 27/02/2018. (Ảnh: Denis Balibouse/File Photo/Reuters)

Hơn 40 tổ chức phi chính phủ (NGO) đang kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres và các quốc gia thành viên, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, và EU, tẩy chay các phiên họp của Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc sau khi Bắc Hàn đảm nhận vị trí chủ tọa diễn đàn hôm thứ Hai (30/05).

Hội nghị 65 quốc gia về Giải trừ Quân bị (CD), có trụ sở tại Geneva, sẽ chứng kiến ​​các quốc gia thành viên thảo luận về các vấn đề như chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, và minh bạch xung quanh vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Cơ quan do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn này, bao gồm 65 quốc gia thành viên, tự mô tả mình là “diễn đàn đàm phán giải trừ quân bị đa phương duy nhất của cộng đồng quốc tế.”

Cả Hội nghị Giải trừ Quân bị và các cơ quan tiền nhiệm của hội nghị này đều đã đàm phán các hiệp ước lịch sử như Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, Hiệp ước Cấm Vũ khí Hóa học, và Hiệp ước Cấm Thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện.

Hôm thứ Hai, Bắc Hàn đã đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của Hội nghị này và sẽ giữ vai trò này trong bốn tuần cho đến ngày 24/06, bất chấp một loạt vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo của Bình Nhưỡng trong những tháng gần đây, làm dấy lên sự phẫn nộ từ các tổ chức phi chính phủ.

Theo quy định của Liên Hiệp Quốc (pdf), ông Han Tae Song, đại sứ Bắc Hàn tại diễn đàn này, sẽ giúp tổ chức công việc và thời gian biểu của hội nghị, đồng thời đại diện cho cơ quan này trong việc liên hệ với các quốc gia, cùng những việc khác.

Một lá thư được ký bởi tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả Ủy ban Nhân quyền ở Bắc Hàn, kêu gọi Tổng thư ký Antonio Guterres và các quốc gia thành viên “phản đối mạnh mẽ vai trò chủ tịch phi lý của Bắc Hàn” đối với hội nghị này và tổ chức bãi khóa trong nhiệm kỳ chủ tịch bốn tuần của nước này.

“Bắc Hàn là một quốc gia có nguy cơ tấn công các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc khác bằng hỏa tiễn, và thực hiện hành vi tàn bạo đối với chính người dân của mình,” bức thư này đã được dẫn bởi giám đốc điều hành của tổ chức UN Watch, ông Hillel Neuer. “Tra tấn và bỏ đói là chuyện thường ngày ở các trại tù chính trị của Bắc Hàn, nơi ước tính có khoảng 100,000 người đang bị giam giữ tại một trong những môi trường vi phạm nhân quyền thảm khốc nhất thế giới.”

“Việc Bắc Hàn nắm giữ cương vị chủ tịch có thể làm suy yếu nghiêm trọng hình ảnh và uy tín của Liên Hiệp Quốc, đồng thời sẽ gửi đi thông điệp tồi tệ nhất. Vào thời điểm mà Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Libya, Kazakhstan, và Venezuela đang ngồi trong hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, điều này sẽ chỉ làm xói mòn thêm vị thế của Liên Hiệp Quốc mà thôi.”

Bức thư này cũng đã lưu ý rằng chính quyền Bắc Hàn là “nước phát triển vũ khí hàng đầu thế giới” và tiếp tục tăng cường vũ khí hạt nhân của mình trái với các cam kết trong hiệp ước.

“Bình Nhưỡng bán hỏa tiễn và phương pháp chế tạo vũ khí nguyên tử cho các chế độ bất hảo khác khi vi phạm trắng trợn các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc,” bức thư viết.

Theo quân đội Nam Hàn, Bắc Hàn đã thực hiện 17 vụ thử hỏa tiễn chỉ trong năm nay, với vụ phóng thử gần nhất diễn ra hôm 25/05. Một trong số chúng bị nghi là hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Văn phòng An ninh Quốc gia Nam Hàn tuyên bố rằng Bắc Hàn cũng đã thử nghiệm “thiết bị kích nổ hạt nhân” trong “nhiều tuần.”

Ông Kim Tae-hyo, Phó Giám đốc thứ nhất của Văn phòng An ninh Quốc gia, nói với các hãng thông tấn địa phương: “Các cuộc thử nghiệm hoạt động của một thiết bị kích nổ hạt nhân để chuẩn bị cho một vụ thử vũ khí hạt nhân thứ bảy hiện đang được phát hiện.”

Các cuộc thử nghiệm này được cho là đang được tiến hành ngoài bãi thử vũ khí hạt nhân chính yếu của Bắc Hàn, nơi đang được Seoul giám sát chặt chẽ, ông Kim nói thêm.

“Các nhà chức trách Bắc Hàn đang ở gần giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho một vụ thử vũ khí hạt nhân với quy mô và chất lượng mà họ mong muốn,” ông tiếp tục. “Khả năng một vụ thử vũ khí hạt nhân sắp xảy ra trong một hoặc hai ngày tới là thấp, nhưng sau đó, chắc chắn có khả năng sẽ xảy ra,” ông nói thêm.

Bắc Hàn nằm trong số sáu chiếc ghế luân phiên sẽ chủ trì Hội nghị năm nay, bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo và Ecuador. Cho đến nay, Trung Quốc, Columbia, và Cuba đã đảm nhận vai trò này trong năm nay.

Đại sứ Bắc Hàn nói rằng Cuba đã “làm việc không mệt mỏi và hiệu quả” trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình và đã làm “mọi thứ trong khả năng của mình để thúc đẩy công việc của Hội nghị.”

“Hội nghị này đã đạt được những kết quả quan trọng trong năm nay với sự lãnh đạo của các chủ tịch Trung Quốc, Colombia, và Cuba,” Ông nói. “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Hàn sẽ nỗ lực hết sức để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động thực chất của Hội nghị.”

Bức thư này được đưa ra ngay sau khi Nga và Trung Quốc phủ quyết một cuộc bỏ phiếu do Hoa Kỳ thúc đẩy nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn trong bối cảnh Bình Nhưỡng tăng cường phóng thử hỏa tiễn đạn đạo.

Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts