Nhìn và Thấy – Owen Nguyễn
Tôi vẫn nhớ cảm giác đầu tiên khi tham gia chương trình Thiền Chánh niệm Giảm Phiền Não (Mindfulness-Based Stress Reduction “MBSR”) ở Winsor Community Centre, Launceston cách đây vài năm. Chương trình được chủ yếu cho những người bị trầm cảm, lo lắng, ức chế về thần kinh, … Nhiều học viên tham gia do bác sĩ của họ giới thiệu. Khi ngồi chung cùng nhóm và nói chuyện với họ, tôi thấy rõ hơn biểu hiện của những người bị trầm cảm hay có những vấn đề về thần kinh. Tôi có cảm giác nhiều người như một bình đựng nhiên liệu đã bị hâm nóng ở nhiệt độ cao. Có vẻ như họ rất dễ bị kích động hay thay đổi trạng thái. Khi buổi học bắt đầu, mọi người giới thiệu và chia sẻ về bản thân. Một số cho biết họ phải chịu đựng đau đớn về thể chất một thời gian dài vì bệnh tật như đau cột sống, ung thư. Một số khác do bị stress trong công việc, mất ngủ, biến cố lớn trong cuộc đời… Cũng có người tham gia để học hỏi, tìm hiểu.
Chỉ sau vài buổi tập, nhiều người đã bắt đầu cởi mở. Thật kỳ lạ, một số chia sẻ họ đã cảm thấy tinh thần được cải thiện đáng kể. Họ đã tìm lại được chính mình và thấy cuộc sống có nghĩa hơn. Một số người cho biết họ đã thấy nhiều thứ trên con đường mà họ vẫn hay đi qua, hay các thứ quanh nhà mà trước đây không bao giờ thấy. Tôi thấy vui vì không chỉ vì thiền chánh niệm đã giúp được mọi người bớt phiền não mà vì trải nghiệm của họ cũng giống tôi khi bắt đầu thiền.
Họ nói trước đây họ đã nhìn mà không thấy. ‘Nhìn’ nói tới khả năng của con mắt, còn ‘thấy’ là khả năng nhận thức các thực thể thông qua các giác quan. Khi đi ngang qua một người, nếu ta đang mải suy nghĩ hoặc tập trung vào việc khác, có thể ta sẽ không ‘thấy’ người đó mặc dù con mắt ta vẫn đang mở và đang nhìn. Ngược lại nếu ta nhận ra người đó với ánh mắt, vẻ mặt là ta đã thấy người đó. Chỉ khi tâm thức kết nối được với các giác quan của thân thể như mắt, thì ‘nhìn’ mới ‘thấy’. Nếu không thì ‘nhìn’ mà không ‘thấy’.
Một trong những mục tiêu căn bản của thiền hành và chánh niệm (quán niệm) là đưa ‘tâm’ trở về với ‘thân’ giúp cho tâm và thân hợp nhất. Tập để không bị ‘nhìn mà không thấy’ là thiền nhìn. Khi nhìn một con chim, ta có thể sẽ thấy không chỉ con chim đó mà thấy cả cành cây nơi nó đậu, cả cái vườn, những con chim khác. Thậm chí ta thấy được con chim đó ở trong ta và thấy cả ta trong con chim đó và trong thiên nhiên muôn loài. Tương tự, tập để ăn mà biết mình đang ăn gì là thiền ăn, biết lắng nghe là thiền nghe… Khi quán niệm cho thân và tâm hợp nhất liên tục thì cơ thể trở nên mạnh mẽ và có thể bắt đầu quá trình tự điều chỉnh và lấy lại cân bằng.
Trong một phạm vi nào đó, nếu đau ốm là do một sự mất cân bằng nội, ngoại tiết nào đó, thì quán niệm sẽ giúp ta nhận biết và lấy lại sự cân bằng đó để tự chữa lành. Trong một phạm vi rộng hơn, nó giúp chúng ta nhận thức được sự tổn thương của cơ thể do nhiễm ô hay sinh hoạt không lành mạnh để tự điều chỉnh và sửa chữa. Chúng ta có thể quán niệm được những khổ đau mà thân tâm mình đang trải qua và thậm chí cả khổ đau mình gây cho những người khác, từ đó giải quyết tận gốc các vấn đề dù từ thay đổi trong các tế bào của cơ thể tới các mối quan hệ với người khác và môi trường.
Phương pháp MBSR của Jon Kabat-Zinn chỉ là một trong những ứng dụng của thiền chánh niệm của phép tu Tiếp Hiện mà Thiền sư, Thầy Thích Nhất Hạnh là người tiên phong và truyền bá trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua.
Xin cảm ơn Thầy!
Owen Nguyễn
(Owen Nguyên is Associate Professor in Management/logistics at the University of Tasmania)