Đài Loan mở rộng các trung tâm Hoa ngữ khi ngày càng nhiều quốc gia đóng cửa Viện Khổng Tử

Lam Giang

Khai trương Trung tâm Hoa ngữ của Đài Loan thứ hai tại Paris, Pháp, hôm 09/04/2022. Đài Loan dự kiến ​​sẽ mở rộng 100 Trung tâm Hoa ngữ trên khắp thế giới trong vòng 5 năm để đẩy mạnh đào tạo Hoa ngữ. (Ảnh: Được sự cho phép của Văn phòng đại diện Đài Loan)

ĐCS Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập mạng lưới các Viện Khổng Tử khắp các khuôn viên trường đại học trên toàn thế giới. Tuy nhiên nhiều quốc gia đã rút lại quan hệ đối tác kể từ khi phát hiện rằng, các viện này là một phần mở rộng chính sách tuyên truyền của nước này. Do đó, Đài Loan đang lấp đầy khoảng trống và hướng tới giáo dục Hoa ngữ truyền thống, mục tiêu là xây dựng 100 trung tâm trong vòng 5 năm tới.

Từ tháng 06/2021, Đài Loan bắt đầu xúc tiến “Kế hoạch 5 năm để bổ sung 100 trung tâm Hoa ngữ”. Thông tin cập nhật về kế hoạch này đã được ông Đồng Xuân Nguyên (Tong Chun-yuan), Chủ tịch Hội đồng các vấn đề Hoa kiều của Đài Loan cho biết trên Đài Quốc tế Đài Loan (RTI). Ông nói rằng 45 trung tâm đã được mở ra, trong đó có 35 trung tâm ở Hoa Kỳ, hai trung tâm ở Anh, Pháp và Đức, và một trung tâm ở Thụy Điển, Hungary, Áo và Ireland.

Hướng đến tương lai, ông Đồng cho biết, “Chúng tôi đã lên kế hoạch thêm 20 trường mới vào năm tới và năm sau nữa, và có thêm 15 trường hồi năm ngoái, tổng cộng sẽ có thêm tới 100 trường”.

Giải thích sự khác biệt giữa các Trung tâm Hoa ngữ của Đài Loan và các Học viện Khổng Tử của ĐCS Trung Quốc, ông Đồng nói rằng các trường học của Đài Loan không quảng bá chủ nghĩa cộng sản, vốn không phải là một phần của văn hóa gốc của Trung Quốc. Đài Loan phù hợp với các giá trị phổ quát của Hoa Kỳ. Đó là một xã hội dân chủ, tự do và cởi mở đã cho phép quốc gia này duy trì các di sản văn hóa đích thực của Trung Quốc. Vì lý do này, ông Đồng cho biết, các Trung tâm Hoa ngữ của Đài Loan đã nhận được phản hồi tích cực ở mọi quốc gia, nơi mà những trung tâm này được thành lập.

Hội đồng các Vấn đề Cộng đồng ở Hải ngoại của Đài Loan đã ký một thỏa thuận chung với Hoa Kỳ hồi tháng 12/2020. Được mệnh danh là “Sáng kiến ​​Giáo dục Hoa Kỳ-Đài Loan”, thỏa thuận này đã thiết lập một mô hình hợp tác cho các trung tâm ngoại ngữ của Đài Loan thông qua Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). Mô hình này củng cố mối quan hệ hợp tác giáo dục ngôn ngữ giữa hai quốc gia.

Các viện Khổng Tử được liên kết với nỗ lực tạo ảnh hưởng của ĐCS Trung Quốc

Hồi tháng 08/2020, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng, “Bộ Ngoại giao đã chỉ định Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ (CIUS) là một phái bộ ngoại quốc của Trung Quốc”.

Nói một cách thẳng thắn, ông Pompeo cho biết CIUS là “một thực thể đang thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền và gây ảnh hưởng xấu trên toàn cầu của Bắc Kinh đối với các trường đại học và lớp học K-12 của Hoa Kỳ. Các Viện Khổng Tử được Trung Quốc tài trợ và là một phần của bộ máy tuyên truyền, gây ảnh hưởng toàn cầu của ĐCS Trung Quốc”. Ông nói rằng chính phủ Hoa Kỳ muốn sinh viên Hoa Kỳ học văn hóa và ngôn ngữ phù hợp của Trung Quốc mà không bị chính trị của ĐCS Trung Quốc thao túng, như cách mà đảng này đang tiến hành ở Hồng Kông hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hồi tháng 10/2020 trên chương trình “Good Morning Orlando” của Florida, ông Pompeo nói rằng chính quyền cựu Tổng thống Trump đang giải quyết vấn đề này bằng cách yêu cầu các trường học trên toàn quốc đóng cửa Học viện Khổng Tử vào cuối năm đó.

Trong một bộ phim tài liệu có nhan đề “In the Name of Confucius” (Nhân danh Khổng Tử) của đạo diễn Khâu Mẫn (Qiu Min) đã phơi bày mối quan hệ giữa ĐCS Trung Quốc và các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới. Các viện được Hán Biện (Hanban) của ĐCS Trung Quốc  kiểm soát, là một cơ quan thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCS Trung Quốc. Đề cập về mối quan hệ này được đăng trên trang web chính thức của ĐCS Trung Quốc.

Hồi tháng 02/2020, đạo diễn Khâu Mẫn được mời đến thăm Đại học British Columbia và trình chiếu bộ phim tài liệu của bà. Trong một cuộc thảo luận sau khi trình chiếu, bà cho biết việc mở rộng nhanh chóng ra ngoại quốc của các Viện Khổng Tử được tạo điều kiện bởi nguồn tài trợ đáng kể do Hán Biện của ĐCS Trung Quốc cung cấp, khiến các học viện này về căn bản được tự do hoạt động cho các tổ chức của Hoa Kỳ.

Bất chấp khoản tài trợ hấp dẫn của Hán Biện, Đại học British Columbia đã từ chối đề nghị của ĐCS Trung Quốc bốn lần, thay vào đó chọn làm việc với các Trung tâm Hoa ngữ của Đài Loan. Vấn đề mà trường đại học này lo ngại là việc ĐCS Trung Quốc liên tục cảnh báo họ “không được tiết lộ nội dung của hợp đồng” và không đề cập đến các chủ đề “nhạy cảm” như Pháp Luân Công, “sự cố” ở Quảng trường Thiên An Môn, hay Đài Loan.

Một cuộc khảo sát năm 2019 của Văn phòng Trách nhiệm giải trình của Chính phủ Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng ĐCS Trung Quốc đã tài trợ hơn 150 triệu USD cho các CIUS. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Rob Portman (Công Hòa-Ojio) xác nhận có gần 100 Viện Khổng Tử trong các trường đại học ở Hoa Kỳ và 70% trong số đó đã không báo cáo chính xác bất kỳ chi tiết nào về tài trợ của ĐCS Trung Quốc.

Các Học viện Khổng Tử đã đóng cửa ở nhiều quốc gia

Sau khi Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố CIUS là một “phái bộ ngoại quốc” của ĐCS Trung Quốc, ngày càng nhiều quốc gia trở nên cảnh giác và tiến hành các cuộc điều tra. Điều này đã trở thành động lực cho việc bắt đầu đóng cửa nhiều Viện Khổng Tử trên toàn thế giới.

Hồi tháng 08/2020, thời báo Hindustan đưa tin rằng chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các Viện Khổng Tử sau tuyên bố của ông Pompeo. Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với Ấn Độ vì Viện Trung Quốc Calcutta và Đại học Mumbai đều tham gia vào chương trình trao đổi sinh viên chi tiết với Trung Quốc.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục Ấn Độ đã quyết định xem xét bảy trường đại học hợp tác với các Viện và lớp học Khổng Tử. Hầu hết những trường đang được xem xét đều là các cơ sở nổi tiếng của Ấn Độ đã ký tổng cộng 54 biên bản ghi nhớ với các trường đại học Trung Quốc, nhưng những biên bản ghi nhớ này vẫn đang chờ chính phủ trung ương Ấn Độ chấp thuận.

Cũng trong tháng 08/2020, Đại học Hamburg của Đức cho biết họ sẽ chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử của ĐCS Trung Quốc vào cuối năm đó do lo ngại nảy sinh về nội dung “chính trị” tiềm ẩn và các rủi ro về “rò rỉ thông tin”. Tương tự, Đại học Bonn của Đức đang cân nhắc lại mối quan hệ của mình với Viện Khổng Tử.

Các quốc gia đã bắt đầu đóng cửa Học viện Khổng Tử bao gồm Canada, Úc và Bỉ. Hồi tháng 04/2020, Thụy Điển đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng và trở thành quốc gia Châu Âu đầu tiên ngừng hoàn toàn hoạt động của các Viện Khổng Tử.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Related posts