Trung Quốc đã phá vỡ tình trạng đóng băng quan hệ ngoại giao với Úc khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tổ chức tiệc tối cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng mới của Úc, ông Richard Marles.
Ông Marles cho biết cuộc gặp, diễn ra tại Singapore bên lề hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Đối thoại Shangri-La hôm Chủ Nhật (12/06), là một cuộc gặp được hoan nghênh và cho phép chính phủ của tân Thủ tướng Úc Albanese có “một cuộc trao đổi rất thẳng thắn và đầy đủ” giữa “hai quốc gia có ảnh hưởng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông Marles nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Singapore: “Đã ba năm kể từ khi các bộ trưởng quốc phòng của hai nước chúng ta gặp nhau. Đây là một cuộc gặp quan trọng mà chính phủ Úc hoan nghênh.”
“Đây là cơ hội để trao đổi rất thẳng thắn và đầy đủ, trong đó tôi nêu ra một số vấn đề mà Úc quan tâm, bao gồm sự cố liên quan đến máy bay P-8 của Úc hôm 26/05 và sự quan tâm từ lâu của Úc đối với Thái Bình Dương và mối quan tâm của chúng tôi để bảo đảm rằng các quốc gia ở Thái Bình Dương không bị đặt vào tình thế gia tăng quân sự hóa.”
Ông Marles lưu ý rằng cuộc gặp là một bước đầu quan trọng và nhắc lại nhận xét của Bộ trưởng Hoa Kỳ Llyod J. Austin rằng điều rất quan trọng là “trong những thời điểm này cần có các cuộc đối thoại cởi mở.”
Ông Marles nói: “Mối bang giao giữa Úc và Trung Quốc là phức tạp, và chính vì sự phức tạp này mà điều thực sự quan trọng là chúng ta phải tham gia đối thoại ngay bây giờ.”
Nhận xét từ ông Marles được đưa ra sau khi ông lưu ý hôm Chủ Nhật rằng mặc dù chính phủ của Đảng Lao Động thiên tả sẽ không né tránh việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Úc, nhưng chính phủ “sẽ tôn trọng, kể cả với các quốc gia mà chúng tôi có mối quan hệ phức tạp.”
Ông nói: “Điều này bao gồm cả Trung Quốc.” Ông cũng lưu ý rằng sẽ có “sự thay đổi trong phong cách của Úc” dưới thời tân Thủ tướng thuộc Đảng Lao Động Anthony Albanese.
“Cách tiếp cận của Úc sẽ gắn liền với quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi và sự ủng hộ của chúng tôi đối với an ninh và ổn định khu vực dựa trên các quy tắc. Chúng tôi sẽ kiên định và nhất quán, tìm kiếm các con đường hợp tác nếu có trong khi thừa nhận sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và cách thức mà điều đó đang định hình lại khu vực của chúng ta.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Marles cũng nhấn mạnh rằng Úc có chính sách Một Trung Quốc và sẽ không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan.
“Chúng tôi không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ hành động đơn phương nào ở hai bên Eo biển Đài Loan, điều sẽ làm thay đổi hiện trạng. Cách giải quyết của người dân Đài Loan là một vấn đề nên xảy ra bằng sự đồng thuận, theo thỏa thuận, và đó là cách mà chúng tôi nhìn nhận sự việc. Chúng tôi kiên quyết có chính sách Một Trung Quốc, và chúng tôi không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan,” ông nói, lặp lại chính sách chính thức của Hoa Kỳ về vấn đề này.
Các bình luận trên được đưa ra gần hai tháng sau khi ông Marles bị chỉ trích vì không tiết lộ bài diễn văn “ủng hộ Trung Quốc” của mình tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra, cũng như chuyến công du của nghị viện đến Bắc Kinh vào năm 2019 tiêu tốn 6,191 USD (4,390 USD) tiền thuế của người dân.
Trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng Năm, cũng có thông tin tiết lộ rằng ông Marles đã giao hảo với các nhà ngoại giao Trung Quốc ít nhất 10 lần kể từ năm 2017 mặc dù mối bang giao song phương giữa Úc và Trung Quốc đang xấu đi. Ông Marles đã bảo vệ hành động của mình và tuyên bố rằng ông hoàn toàn minh bạch với chính phủ Liên Minh đương thời về việc tổ chức các cuộc gặp gỡ đó.
Bộ trưởng cao cấp đối lập của Đảng Lao Động khi đó cũng là tác giả của một cuốn sách ngắn, nhan đề là “Thủy triều Ràng buộc: Úc ở Thái Bình Dương” (“Tides that Bind: Australia in the Pacific”), theo đó ủng hộ sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Đối lập Andrew Hastie đã hoan nghênh cuộc gặp giữa ông Marles và Bộ trưởng Quốc phòng của nhà cầm quyền Trung Quốc, lưu ý rằng chính phủ Liên Minh cũ đáng ra nên đánh giá cao một cuộc gặp với Bắc Kinh sớm hơn. Nhưng ông lưu ý ông không ngạc nhiên rằng chính ông Marles mới là người mà Bắc Kinh cảm thấy thoải mái khi gặp gỡ.
“Chúng tôi đã luôn sẵn lòng nói chuyện, chúng tôi đã muốn đối thoại, nhưng chúng tôi đã bị đóng băng vì một số lý do. Vì vậy, đây là điều rất tốt để chứng kiến,” ông Hastie nói trong một cuộc phỏng vấn trên Sky News hôm Chủ Nhật. “Nhưng tôi không ngạc nhiên khi họ chọn ông Richard Marles, với những bình luận trước đây của ông ấy về hợp tác quốc phòng với Trung Quốc, mà ông ấy đã đưa ra ở Bắc Kinh, và, tất nhiên, mối quan hệ của ông ấy với cựu đại sứ ở Canberra.”
Tuy nhiên, ông Hastie lưu ý rằng cuộc gặp không phải là “khoảnh khắc kiểu Nixon tới Trung Quốc.”
“Phép thử đo lường bất kỳ cuộc gặp nào là kết quả mà nó mang lại. Và vì vậy tôi muốn biết liệu người Trung Quốc có rút lại 14 yêu cầu của họ hay không,” ông Hastie nói. “Liệu họ có xin lỗi vì vụ chiếu tia laser vào phi hành đoàn P-8 của chúng ta ở Biển Arafura hồi tháng Hai hay không, và thực sự là phi hành đoàn P-8 ở Biển Đông đã bị một chiến đấu cơ Trung Quốc chặn đường vào tháng trước.”
Ông cũng đã cảnh báo rằng Úc sẽ đánh đổi các giá trị hoặc chủ quyền của mình trong các cuộc thảo luận này.
“Chúng ta chắc chắn không thể đánh đổi các giá trị hoặc chủ quyền của mình; chúng ta không phải là vấn đề ở đây. Chúng ta đã không đưa ra 14 yêu cầu như họ đã làm, bao gồm cả yêu cầu chúng ta kiềm chế quyền tự do báo chí ở đất nước này hoặc bãi bỏ các luật về can thiệp của ngoại quốc hoặc cho phép Huawei vào mạng 5G của chúng ta,” ông nói.
Trong khi đó, ông Dennis Richardson, người từng là Bộ trưởng Quốc phòng Úc từ năm 2012 đến 2017 và là cựu tổng giám đốc của Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO), đã nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây sức ép và thách thức các đối thủ trong khu vực để thiết lập hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương.
Ông lưu ý rằng điều này sẽ khiến việc lập kế hoạch quốc phòng của Úc và Hoa Kỳ, vốn “rốt cuộc là những gì người Trung Quốc quan tâm,” phức tạp lên rất nhiều.
Ông Richardson nói với ABC Radio: “Đây không chỉ là thách thức cho hôm nay hay ngày mai, mà là thách thức trong 10 năm tới.”
“Mỗi khi Trung Quốc tiến bước trong khu vực này để tăng cường lợi ích an ninh của họ ở Nam Thái Bình Dương, chúng ta phải đẩy lùi, và chúng ta sẽ luôn phải giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đó.”
“Chúng ta phải thắng mọi thứ; còn họ chỉ phải thắng một lần.”
Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông, và Trung Á.
Bản tin có sự đóng góp của Nina Nguyen.
Thanh Nhã biên dịch