Lam Giang
Hôm thứ Hai (13/05), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta đã tổ chức một cuộc hội đàm trực tuyến, qua đó hai bên đã tái khẳng định mối bang giao giữa hai quốc gia và thảo luận về sự can dự ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực Thái Bình Dương.
Cuộc họp diễn ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kết thúc chuyến công du ngoại giao vòng quanh Thái Bình Dương. Trong chuyến đi, ông đã cố gắn vận động 10 quốc gia ở Thái Bình Dương ký kết một hiệp ước kinh tế và an ninh gây tranh cãi.
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta bày tỏ lo ngại về sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực nhưng không lên tiếng chỉ trích.
“Bộ trưởng Mahuta không chỉ thừa nhận rằng Trung Quốc đã hiện diện ở Thái Bình Dương từ khá lâu, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc can dự đang diễn ra theo một cách thức thúc đẩy các ưu tiên của Thái Bình Dương”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand (MFAT) cho hay.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, ông Vương cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng “hợp tác với New Zealand” và đặt các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu lên hàng đầu.
Ông Vương cũng cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng làm việc với New Zealand để tham gia hợp tác nhiều bên hơn vì một khu vực Nam Thái Bình Dương “cởi mở” và “hội nhập”.
Bản ghi chép nội dung hội đàm của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand (MFAT) tiết lộ rằng bà Mahuta đã đưa ra quan điểm của New Zealand về các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, sự xói mòn các quyền tự do ở Hồng Kông, và tầm quan trọng của hòa bình trên Eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, những điều trên không xuất hiện trong bản tin của Tân Hoa Xã.
Trước đây, những lo ngại này đã được nêu rõ trong một tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và New Zealand sau chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 31/5.
Trong một tuyên bố chung giữa Nhà Trắng và Cơ quan hành pháp của Quốc hội New Zealand hôm 1/6, chính phủ hai nước đã tái khẳng định “cam kết kiên định” của họ đối với khu vực Quần đảo Thái Bình Dương. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói chuyện với các thành viên của giới truyền thông sau cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden, tại Nhà Trắng hôm 31/05/2022. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)
Bà Ardern hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ trong việc tăng cường hợp tác trong khu vực và mở rộng sự hiện diện ngoại giao tại khu vực Thái Bình Dương.
“Chúng tôi lo ngại về sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng ở khu vực Thái Bình Dương, vốn có nguy cơ làm suy yếu các thể chế và thỏa thuận hiện có làm nền tảng cho an ninh của khu vực”, tuyên bố cho biết.
Hai quốc gia đặc biệt nhấn mạnh mối lo ngại của họ đối với hiệp ước an ninh giữa Bắc Kinh và Quần đảo Solomon, cũng như việc thiết lập sự hiện diện quân sự của một nhà nước “không có chung các giá trị với chúng ta”.
Ngoài ra, trong bản tuyên bố chung, Nhà Trắng coi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa hiện hữu” đối với các quốc gia trên thế giới, có khả năng “ảnh hưởng nghiêm trọng” trong khu vực Thái Bình Dương.
Bắc Kinh đã chỉ trích tuyên bố chung này và cáo buộc New Zealand không có chính sách ngoại giao độc lập.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lên án, tuyên bố này bôi nhọ “sự hợp tác” của ĐCS Trung Quốc với các quốc đảo Thái Bình Dương, và khẳng định các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương và Hồng Kông là “vấn đề nội bộ”.
Ông Triệu Lập Kiên cũng trực tiếp nhắc đến chính phủ New Zealand, cho rằng quốc gia nhỏ bé này nên “tuân thủ chính sách đối ngoại độc lập của mình”, đồng thời ám chỉ họ nên tự vươn xa khỏi ảnh hưởng chính sách của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tham dự một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào ngày 19/5/2021. (Ảnh: Kyodo News/Getty Images)
Cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc Global Times mô tả New Zealand “nghiêng về phía” Hoa Kỳ trong việc nhìn nhận vai trò của Trung Quốc trong khu vực. Tờ báo này cũng cáo buộc New Zealand không thể “chịu đựng” áp lực từ Hoa Kỳ và từ đó lặp lại “luận điệu chống Trung Quốc”.
Tân Hoa Xã cũng đưa tin rằng bà Mahuta cho biết New Zealand đã “sẵn sàng” hợp tác với Bắc Kinh về phát triển và an ninh toàn cầu.
Gần đây Thủ tướng Ardern đã ủng hộ mối bang giao của chính phủ nước này với Bắc Kinh, nói rằng [họ] vẫn cần phải “hợp tác cùng nhau” trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, bất chấp sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Bà Ardern nói với đài BBC hồi tháng Tư: “Trung Quốc không chỉ là một đối tác thương mại rất quan trọng đối với chúng tôi, mà còn là một mối bang giao bền vững đối với chúng tôi”.
Cả hai vị ngoại trưởng đều thừa nhận tầm quan trọng của năm 2022, mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập mối bang giao giữa hai nước.
Lam Giang
Theo The Epoch Times