NATO nên phối hợp sức mạnh kinh tế tốt hơn chống lại Nga và Trung Quốc

Andrew Moran

(Phía trước-bên phải) Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cùng các lãnh đạo của liên minh quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu chụp ảnh họp mặt tại Trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ, hôm 24/03/2022. (Ảnh: John Thys/AFP qua Getty Images)

Thuế quan, giới hạn giá cả, kiểm soát xuất cảng, và các lệnh cấm vận có thể thúc đẩy hiệu quả nền dân chủ trên toàn cầu.

Cuối cùng thì các nền dân chủ cũng đang nhận ra rằng họ cần sử dụng con át chủ bài của mình — kinh tế — để tự vệ.

Hoa Kỳ và Châu Âu cùng có gấp đôi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và Nga hợp lại, đồng thời có thể sử dụng sức mạnh này một cách hiệu quả và chủ động hơn để gây áp lực lên Moscow và Bắc Kinh thông qua thuế quan, các lệnh trừng phạt, các lệnh cấm vận, kiểm soát xuất cảng, và giới hạn giá cả. Áp lực kinh tế có thể chấm dứt sự xâm lược lãnh thổ của Nga và Trung Quốc hoặc thậm chí phi hạt nhân hóa hai chế độ độc tài ngoan cố này.

Đề xướng về một phiên bản kinh tế của liên minh an ninh phương Tây NATO đang được các cựu lãnh đạo NATO thúc đẩy. Các chính phủ đương nhiệm ở Hoa Kỳ, Canada, Ý, và Ukraine hỗ trợ điều phối liên quan đến kinh tế.

Ví dụ, nếu Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Úc hoặc Lithuania, thì một liên minh mới gồm một nhóm các quốc gia tập trung vào việc tận dụng sức mạnh thị trường của các nền dân chủ có thể đáp trả lại bằng các lệnh cấm vận, trừng phạt, thuế quan, và các giới hạn giá của riêng họ.

Hành động kinh tế chung sẽ giúp các nền dân chủ lớn hơn bảo vệ các nền dân chủ nhỏ hơn. Do vậy, những nước có nền kinh tế yếu nhất trong nhóm các quốc gia dân chủ sẽ ít bị tổn thương hơn khi bị nhắm mục tiêu hoặc bị ảnh hưởng.

Theo một bài báo hôm 09/06 trên tờ Financial Times, cựu lãnh đạo NATO Anders Fogh Rasmussen đang “kêu gọi tạo ra một phiên bản kinh tế theo cam kết phòng thủ chung trong Điều 5 quy định về liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương nhằm ngăn chặn sự cưỡng chế thương mại của các quốc gia độc tài.” 

Ông Rasmussen đề nghị rằng tất cả các nền dân chủ nên lập tức ngừng nhập cảng dầu và khí đốt của Nga.

Cờ bay phấp phới bên ngoài trụ sở Liên minh trước thềm một cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels, Bỉ, hôm 21/10/2021. (Ảnh: Pascal Rossignol/Reuters)

Đây sẽ là bước đầu tiên hướng tới sự phối hợp kinh tế tốt hơn chống lại những kẻ độc tài tồi tệ nhất thế giới. Tuy nhiên, bước đi này có thể yêu cầu các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ quốc gia nào vi phạm các thỏa thuận vì lợi ích ngắn hạn.

Ví dụ, Ấn Độ đã lợi dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga, vốn làm giảm giá năng lượng của Nga so với giá trên thị trường toàn cầu, để đàm phán về một mức chiết khấu dầu mỏ khoảng 35%. Sự rời bỏ hàng ngũ này làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh của các biện pháp trừng phạt từ các nền dân chủ đối với Moscow.

Một cách tiếp cận thay thế là tất cả các nền dân chủ áp đặt một mức thuế 35% đối với hàng hóa xuất cảng của Nga, điều này sẽ giữ cho dầu tiếp tục chảy nhưng trừng phạt Moscow và tước đi ngân quỹ dành cho quân đội của họ.

Theo ông Rasmussen, dù chiến lược là gì thì cũng cần có một cách tiếp cận mang tính phối hợp hơn. Ông ấy rất có lý.

Một tập đoàn mua hàng gồm các nền dân chủ

Hồi tháng Năm, Hoa Kỳ, Canada, và Ukraine đã đề nghị một tập đoàn mua hàng gồm các nền dân chủ, qua đó áp đặt một mức giá trần hoặc áp đặt thuế quan đối với dầu và khí đốt của Nga.

Thủ tướng Ý Mario Draghi đã đề nghị các biện pháp tương tự và cho biết những biện pháp này “có thể được áp dụng cho dầu mỏ trên phạm vi toàn cầu”. Ông Draghi là cựu chủ tịch của Ngân hàng Trung ương Âu Châu.

“Ý tưởng tạo ra một tập đoàn mua hàng, hoặc thuyết phục các nhà sản xuất lớn, và đặc biệt là khối OPEC, tăng sản lượng, có lẽ là giải pháp phù hợp,” ông Draghi nói với tờ Times. “Cả hai lựa chọn này đều có rất nhiều việc phải làm.”

Một tập đoàn mua hàng gồm các nền dân chủ cũng làm giảm lạm phát năng lượng ở các quốc gia gia nhập, chẳng hạn như bằng cách buộc Nga phải bán năng lượng của mình rẻ hơn hoặc bằng cách tái đầu tư doanh thu thuế quan vào cơ sở hạ tầng năng lượng, năng lượng tái tạo, hoặc khai thác hydrocarbon được trợ cấp.

Điều đó cũng có thể gây áp lực lên các chế độ độc tài phi tự do khác, chẳng hạn như ở Trung Quốc, Iran, và Venezuela, nhằm tự do hóa các nền kinh tế và hệ thống chính trị của các nước này. Tập đoàn mua hàng này sẽ đóng vai trò như một sự đối trọng với OPEC, vốn là một tập đoàn xuất cảng dầu mỏ.

Logo của Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) bên ngoài trụ sở của OPEC ở Vienna, Áo, hôm 03/03/2022. (Ảnh: Lisa Leutner/AP Photo)

Theo tờ The Washington Post: “Người Âu Châu sẽ hành động có phối hợp để đưa ra một mức giá thấp hơn mức giá mà họ hiện đang trả cho năng lượng của Nga.”

“Phép tính là — nếu Âu Châu đồng lòng — Nga sẽ buộc phải chấp nhận mức giá thấp hơn hoặc bị sụt giảm doanh thu từ dầu mỏ. Một số chuyên gia đã gợi ý rằng các biện pháp trừng phạt ‘thứ cấp’ có thể được xem xét đối với các quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ, vốn cố gắng cắt giảm giá trần bằng cách trả giá cao hơn.”

Chính tập đoàn mua hàng này cũng có thể thương lượng giá xuất cảng của Trung Quốc thấp hơn để ngăn chặn hành vi xâm lược lãnh thổ và lạm dụng nhân quyền của nước này.

Một khối NATO kinh tế

Theo tờ Times, ông Rasmussen và ông Ivo Daalder, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, viết trong một bản báo cáo rằng, đề xướng về khối NATO kinh tế “được lấy cảm hứng từ Điều 5 của NATO, trong đó nói rằng một cuộc tấn công vào một nước thành viên được cho là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.”

“Mục đích là tạo ra cùng một sự răn đe và đoàn kết trong lĩnh vực kinh tế giữa các nền dân chủ mà NATO tạo ra trong lĩnh vực an ninh. Đã đến lúc nói với những kẻ bắt nạt rằng nếu họ gây hấn với một thành viên trong liên minh của chúng ta, thì tất cả chúng ta sẽ đáp trả lại.”

Theo tờ Times, “Các ông Rasmussen và Daalder đang đề nghị rằng cam kết trong Điều 5 về phương diện kinh tế có thể được thực hiện thông qua các cấu trúc hiện có như nhóm G7.” Nhưng hai ông Rasmussen và Daalder “cho biết các nền dân chủ khác sẽ phải ‘tham gia’ và một tổ chức độc lập có thể phải được thành lập để quản lý cam kết mới này.”

Nga đã vũ khí hóa hoạt động xuất cảng năng lượng của mình sang Âu Châu trong một nỗ lực — mà cho đến nay vẫn thất bại — nhằm ngăn chặn sự can dự của NATO trong việc bảo vệ Ukraine. Nếu Nga từ chối xuất cảng dầu và khí đốt sang Âu Châu trong mùa đông này, thì có thể điều này không chỉ gây ra tình trạng lạm phát giá năng lượng tồi tệ hơn, mà còn gây mất điện trên diện rộng. Nhiều nhà máy sản xuất điện của Âu Châu và Anh dựa vào nhập cảng khí đốt, mà phần lớn trong số đó đến từ Nga.

Ông Daalder nói với tờ Times rằng các lệnh trừng phạt, thuế quan, và các biện pháp trừng phạt thứ cấp sẽ giúp tập hợp chuỗi cung ứng trong các nền dân chủ.

Điều đó sẽ giảm bớt các rủi ro về chuỗi cung ứng trong tương lai đối với lưới điện Âu Châu.

“Có những lợi ích địa chiến lược,” ông Daalder nói, “mà có thể phải lấn át các lợi ích kinh tế theo cách có lẽ không chính xác trong 30 năm qua, nhưng cần phải chính xác trong thời gian tới.”

Kiểm soát xuất cảng mạnh mẽ hơn

Ngoài một khối NATO kinh tế và tập đoàn mua hàng của các nền dân chủ, các nền dân chủ cần phối hợp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với xuất cảng hàng hóa và công nghệ chiến lược sang Trung Quốc và Nga.

Ủy ban Đầu tư của Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS) và Ủy ban Điều phối về Kiểm soát Xuất cảng Đa phương (CoCom) của Hoa Kỳ, với tổ chức thứ hai hoạt động tích cực trong Chiến Tranh Lạnh, có thể đóng vai trò là các mô hình kiểu mẫu.

Thỏa thuận Wassenaar về Kiểm soát Xuất cảng đối với Vũ khí Thông thường và Hàng hóa Công nghệ Lưỡng dụng, thay thế CoCom vào năm 1996, đã kém hiệu quả hơn.

Nếu Hoa Thịnh Đốn mở rộng CFIUS để bao gồm tất cả các nền dân chủ, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh không thể đến Đài Loan, chẳng hạn, nếu Hoa Kỳ và Âu Châu từ chối công nghệ bán dẫn cho Trung Quốc.

Các nhân viên sản xuất vi mạch tại một nhà máy của Công ty Bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 17/03/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Sự hồi sinh, củng cố, và mở rộng các khái niệm CoCom và CFIUS có thể ngăn việc xuất cảng công nghệ nhạy cảm và vật liệu chiến lược, bao gồm năng lượng và các mặt hàng quan trọng khác, sang Trung Quốc và Nga. Điều này sẽ giúp ngăn chặn họ xây dựng các nền kinh tế và quân sự khổng lồ cần thiết cho việc mở rộng lãnh thổ của họ.

Sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ

Đức, như thường lệ, đang lôi kéo bất kỳ biện pháp kinh tế nào chống lại Moscow, và chính phủ Tổng thống Biden về căn bản là đang trì hoãn trong khi ngầm ủng hộ ý tưởng về sự phối hợp nhiều hơn.

Thế giới đã cố gắng phối hợp chống lại những kẻ độc tài bằng những phiên bản nhỏ hơn, nhưng không hoạt động tốt lắm. Ví dụ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được thành lập vào năm 1974 để chống lại sức mạnh của OPEC. Nhưng cơ quan này đã không hiệu quả ngay cả khi phối hợp ở cấp độ nhẹ, ví dụ, đối với các đợt xuất kho dự trữ xăng dầu chiến lược.

Các nền dân chủ trên thế giới sẽ cần sự lãnh đạo nhiều hơn từ Hoa Thịnh Đốn để điều phối mức giới hạn giá cả, thuế quan, cấm vận, và trừng phạt.

Những điều này có thể và nên được thông qua tại các hội nghị thượng đỉnh NATO và G7 sắp tới ở Tây Ban Nha và Đức. Nhưng Hoa Thịnh Đốn sẽ phải làm nhiều hơn là ngầm ủng hộ các ý tưởng. Các quốc gia như Đức và Ấn Độ, vốn chống lại các biện pháp kinh tế chống lại Moscow, có thể sẽ phải trả giá trước mắt để theo đuổi lợi ích lâu dài của họ.

Hoa Thịnh Đốn phải chủ động — trước khi quá muộn. Điều đó sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo thực sự và các chiến lược khó hơn.

Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).

Vân Du biên dịch

Related posts