Trung Quốc quay lại chủ nghĩa Mao

James Gorrie

Cần cẩu trước đường chân trời của Khu Thương mại Trung tâm (CBD) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 18/10/2021. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters) Trung Quốc

Khi nền kinh tế suy thoái, ĐCSTQ biết phải kiểm soát mọi thứ để duy trì quyền lực

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong một vòng xoáy đi xuống nghiêm trọng và kéo dài. Còn thời điểm nào tốt hơn để Trung Quốc quay trở lại cội nguồn chủ nghĩa Mao?

Rốt cuộc, Trung Quốc từng là hình mẫu của tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ, và ổn định dưới thời cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông, phải không?

Tuy nhiên, các chính sách kinh tế và chính trị “mới” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang biến nền kinh tế của đất nước thoát khỏi sự pha trộn giữa chủ nghĩa tư bản nhà nước và tư nhân sang mô hình đen tối của chủ nghĩa Mao trong quá khứ.

Đáng kinh ngạc hơn nữa là ĐCSTQ đang cố tình làm như vậy. Các thay đổi chính sách lớn đang được giới lãnh đạo của ĐCSTQ thể chế hóa, điều này sẽ gây tổn hại thêm cho nền kinh tế vốn đã suy giảm của Trung Quốc.

Hồi sinh chính sách độc lập tự chủ quốc gia của Mao

Lý do có chủ đích đằng sau việc quay trở lại các chính sách thời Mao là để Trung Quốc tự chủ. ĐCSTQ muốn tách nền kinh tế của mình khỏi phương Tây để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các quan hệ đối tác với các quốc gia phương Tây và cách khai Trung Quốc khỏi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ trong tương lai.

Đó là một khái niệm hấp dẫn, nhưng nó không hiệu quả trong thực tế. Các yếu tố cần thiết để tự lực — chẳng hạn như thị trường hiệu quả và tòa án minh bạch — đòi hỏi quyền tự do thông tin, tài sản tư nhân, đổi mới công nghệ, nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, và niềm tin vào tương lai. Ở Trung Quốc hiện không có những yếu tố này.

Mặt khác, nền kinh tế đang vận hành theo hệ thống hiện tại do ĐCSTQ tạo ra. Vì vậy, thực sự, tại sao không quay trở lại chủ nghĩa Mao?

Trên thực tế, việc trước tiên giành quyền kiểm soát nền kinh tế càng nhiều càng tốt có thể là cách duy nhất để Đảng tồn tại trước sự tấn công dữ dội sắp tới của thảm họa kinh tế.

Một vài diễn biến cho thấy rõ ràng rằng ĐCSTQ đang đưa Trung Quốc đi xuống một cách toàn diện như thế nào.

Sự sụp đổ của lĩnh vực sản xuất đang tiếp diễn

Đầu tiên, một liều thực tế liên quan đến tỷ lệ tăng trưởng “được báo cáo” là cần thiết. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc cho năm 2022 là 5.5%. Đánh giá tăng trưởng chính thức của ĐCSTQ trong quý đầu tiên của năm nay thấp hơn một chút ở mức 4.8%. Một số nhà kinh tế tư nhân nói rằng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ vào khoảng 2 hoặc 3%.

Một con đường gần như trống trải trong đợt phong toả do COVID ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 05/05/2022. (Ảnh: Bloomberg)

Nếu ngay cả những ước tính thấp hơn đó là chính xác, thì điều đó sẽ thể hiện sự sụt giảm lớn nhất về tăng trưởng kinh tế mà Trung Quốc từng chứng kiến kể từ năm sau năm xảy ra vụ thảm sát hàng loạt sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 của ĐCSTQ.

Nhưng ngay cả những ước tính thấp nhất cũng không hợp lý.

Trên chỉ số Tài Tân (Caixin), cho biết hoạt động sản xuất, Trung Quốc hiện ở mức 48 nhưng mức hồi tháng Tư là 46. Bất kỳ mức nào dưới 50 trên chỉ số này đều có nghĩa là tăng trưởng âm hoặc hoạt động sản xuất bị thu hẹp. Là nhà sản xuất và xuất cảng hàng đầu thế giới, mức âm này thể hiện nhiều khó khăn hơn cho nền kinh tế Trung Quốc.

Sự sụp đổ của lĩnh vực phát triển bất động sản

Có nhiều tin xấu hơn trong lĩnh vực phát triển bất động sản của Trung Quốc. Ngành công nghiệp chiếm khoảng 29% GDP này đang tiếp tục tan rã. Với ít người mua hơn, thì càng có nhiều chương trình giảm giá lớn. Tháng 04/2022, giá nhà đã giảm ở ⅔ trong số 70 thành phố lớn nhất của Trung Quốc.

Sự sụp đổ do nợ nần của ngành này đang dẫn đến tình trạng vỡ nợ lan tràn ngay cả trong các ngân hàng và công ty phát triển lớn nhất. Trên thực tế, hàng ngàn tỷ nợ xấu đã bão hòa cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước.

Một người đàn ông làm việc tại công trường xây dựng một tòa chung cư cao tầng ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 29/11/2016. Nợ của các gia đình Trung Quốc đã tăng ở mức “đáng báo động” khi giá trị tài sản tăng vọt, các nhà phân tích cho rằng suy thoái bất động sản có thể gây ra sóng gió cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)

Vì chính ĐCSTQ đã gây ra những méo mó trong lĩnh vực phát triển bất động sản thông qua hoạt động hối lộ, tham nhũng, và cho vay theo vòng tròn, nên ý tưởng rằng Đảng có đủ khả năng để giải quyết những vấn đề này là phi lý.

Một lần nữa, theo quan điểm của Đảng, vấn đề không phải là về hiệu quả kinh tế mà là về duy trì kiểm soát chính trị.

Tấn công các đại công ty công nghệ 

Tất nhiên, động lực kiểm soát lĩnh vực tư nhân của ĐCSTQ cũng đứng sau sự áp bức của Đảng này đối với các đại công ty công nghệ lớn mạnh như Alibaba, Tencent, và nhiều công ty khác. ĐCSTQ đổ lỗi cho việc các công ty công nghệ lạm dụng quyền lực độc quyền quá mức, nhưng vấn đề thực sự lại chính là bản thân quyền lực.

Các đại công ty công nghệ có ảnh hưởng to lớn về tài chính và xã hội ở Trung Quốc, cũng như ở nhiều quốc gia khác. Công nghệ của họ, bao gồm cả các phương tiện truyền thông xã hội, thúc đẩy văn hóa chứ không phải Đảng. Những người có ảnh hưởng xã hội lớn không chỉ cạnh tranh với ĐCSTQ, mà họ còn đang đặt ra mối đe dọa cho tính hợp pháp của đảng này.

Đương nhiên, ĐCSTQ đáp lại các mối đe dọa bằng cách tiêu diệt họ. Đó là những gì thực sự đằng sau cuộc tấn công của đảng này đối với các ông trùm công nghệ. Việc sa thải hàng loạt đã theo sau các vụ mua lại.

Pha trộn các mô hình kinh tế

Một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi của ĐCSTQ sang chủ nghĩa Mao — và chắc chắn có liên quan đến việc tiếp quản các công ty công nghệ — là kế hoạch kết hợp rộng rãi các công ty tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Đó là một công thức khác để làm suy giảm kinh tế. Nó không hiệu quả với Mao, và nó sẽ không có tác dụng tại thời điểm này.

Các công ty tư nhân thường hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước vì họ thường phải tạo ra lợi nhuận để tồn tại. Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước do những người được bổ nhiệm chính trị điều hành, chứ không phải do các doanh nhân. Trong hầu hết các trường hợp, các doanh nghiệp nhà nước là những công ty tư nhân thành công mà ĐCSTQ tiếp quản vì lợi ích cá nhân của các đảng viên, những người sau đó rút hết của cải khỏi các công ty này và tái cấp vốn cho họ bằng các khoản vay từ ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).

Sự “pha trộn” của cả hai, như đã từng, chỉ là một cách nói ngụy biện cho việc Đảng tiếp quản nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân.

Nỗi sợ của người Trung Quốc đối với tương lai 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi người dân bi quan về triển vọng tương lai trong năm 2022. Chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ đang giết chết hoạt động kinh tế ở bất cứ nơi nào chính sách này được áp dụng. Các đợt phong tỏa toàn thành phố dường như không bao giờ kết thúc đã khiến sản lượng, thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, cũng như tỷ lệ tiết kiệm của người tiêu dùng tăng vọt. Tất nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cũng đang tăng.

Theo PBOC, tiết kiệm tư nhân từ tháng Một đến tháng Năm năm nay đã tăng thêm 7.86 ngàn tỷ nhân dân tệ (1.7 ngàn tỷ USD), cao hơn 50% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đồng thời, tiêu dùng gia đình giảm, có nghĩa là người dân thậm chí còn mua ít hơn vào năm 2022 so với thời kỳ phong tỏa nghiêm ngặt vào năm 2020.

Một lao động di cư Trung Quốc đi ngang qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 01/05/2013. Ngân hàng Nhân dân đã phát hành “Luật ổn định tài chính (Dự thảo để lấy ý kiến)” vào ngày 06/04/2022, nói rằng giải quyết rủi ro tài chính là một “chủ đề tiếp diễn.” (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Đó là 1.7 ngàn tỷ USD nữa không được chi tiêu vào nền kinh tế trong quý đầu tiên, với GDP giảm khoảng 14.7 ngàn tỷ USD trở xuống. Hơn nữa, trong năm 2020, tiền tiết kiệm được đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc tài sản. Tuy nhiên, trong năm 2022, người tiêu dùng đang trả nợ, trả trước các khoản thế chấp, và chi cho các hành động phòng hộ khác.

Cuối cùng, các đợt phong toả kéo dài trên khắp Trung Quốc đã dẫn đến việc giảm đơn đặt hàng trong ngành sản xuất và các ngành công nghiệp lớn khác, dẫn đến tình trạng sa thải nhân viên trên diện rộng.

Sự tồn tại của ĐCSTQ quan trọng hơn sự sống còn của nền kinh tế

Thông điệp phát ra từ Bắc Kinh mang dấu ấn tuyệt vọng không thể nhầm lẫn khi ĐCSTQ tìm cách ổn định việc làm và nền kinh tế. Điều đáng chú ý là giữa sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội, Mao đã đi tìm và thấy được sự ổn định và vẫn nắm quyền cho đến cuối cùng.

Sự phục sinh của chủ nghĩa Mao chỉ đơn giản là việc áp dụng các phương pháp đã được chứng minh để mở rộng quyền lực và kiểm soát đất nước khi rơi vào tình trạng bất ổn về kinh tế và xã hội.

Ông James R. Gorrie là tác giả của “The China Crisis” (“Cuộc Khủng Hoảng Trung Quốc”, NXB Wiley, 2013) và viết trên blog của mình, TheBananaRepublican.com. Ông hiện đang sinh sống tại Nam California.

Huệ Giao biên dịch

Related posts