Gần đây, cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ban hành quy định mới yêu cầu xác minh danh tính những người bình luận trực tuyến, đồng thời “xem xét trước khi đăng” các tin nhắn và các bức ảnh chụp màn hình. Các nhà bình luận tin rằng, đây là sự đàn áp hơn nữa của ĐCSTQ đối với không gian tự do ngôn luận.
Hôm 17 tháng 6, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã ban hành dự thảo có tên “Quản lý dịch vụ bình luận bài đăng trên Internet (Bản dự thảo sửa đổi để lấy ý kiến)”, yêu cầu các nền tảng trang web cung cấp dịch vụ bình luận phải xác thực thông tin danh tính của cư dân mạng đã đăng ký, nếu không họ sẽ không thể đăng bình luận.
Cùng ngày, báo Nhân dân điện tử Trung Quốc (People’s Daily Online) đã đăng bài viết với tiêu đề: “Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc dự định quy định người dùng sử dụng tên thật để bình luận về các bài đăng, và người dùng phải được quản lý ở các cấp độ khác nhau.”
Chinanews cũng đưa tin nói rằng: “Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc dự định quy định rằng, những người dùng chưa xác thực thông tin danh tính thực của họ sẽ không được cung cấp dịch vụ đăng bình luận”.
Bản dự thảo lấy ý kiến của Cơ quan quản lý không gian mạng cũng quy định nền tảng trang web cần “thiết lập hệ thống quản lý đánh giá người dùng”, để tiến hành “xếp hạng tín nhiệm” đối với các bình luận của người dùng, những người “vi phạm niềm tin nghiêm trọng” nên được đưa vào danh sách đen để ngăn chặn họ đăng ký lại tài khoản của mình.
Dự thảo cũng yêu cầu nền tảng website phải thiết lập các hệ thống như quản lý rà soát và kiểm tra theo thời gian thực, đồng thời thực hiện “rà soát trước khi đăng” đối với các nội dung bình luận.
Ngoài ra, những bên cung cấp dịch vụ bình luận bài viết theo phương thức “chặn” nên hợp nhất các nền tảng và trang, cung cấp phiên bản tĩnh tương ứng của nội dung thông tin.
Theo NTDTV, tin tức này đã dấy lên những lời chỉ trích từ cư dân mạng đại lục, họ cho rằng: “Môi trường mạng sẽ là môi trường của Triều Tiên trong tương lai”, “Mã hóa thông tin ngoại tuyến, kiểm tra và chặn thông tin trực tuyến.”
Kênh tin tức dẫn lời Lưu Thanh (Liu Qing), nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc trú tại Mỹ cho biết, mục đích của Cơ quan quản lý không gian mạng đối với hệ thống theo dõi tên thật của Trung Quốc là đe dọa những người theo dõi, và tất cả những lần theo dõi của bạn sẽ tiết lộ danh tính của bạn. Nó gây áp lực tâm lý để răn đe bạn. Cũng giống như một tên cướp, anh ta biết mình xấu, nhưng sẽ không để bạn nói rằng anh ta xấu, anh ta muốn kiểm soát bạn và khiến bạn sợ hãi.
Lưu Thanh nói: “Không ai trong các bạn có thể có bất kỳ lời chỉ trích nào, cho dù đó là sự chỉ trích trực tiếp nhắm vào tôi, sự chỉ trích Đảng Cộng sản, hay sự chỉ trích những người thực thi nó phải được kiểm soát hoàn toàn, đó là mục tiêu cuối cùng của tổ chức.”
Luật sư nhân quyền Trung Quốc tại Mỹ là ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping) cũng nói rằng, không có mạng Internet nào ở Trung Quốc có thể thoát khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ. Một vài năm trước, một số cổng thông tin lớn đã bị thanh trừng. Weibo đã bị thanh trừng, sau đó hệ thống tên thật trên Weibo và WeChat được triển khai. Những người vi phạm đã bị xóa, bị cấm và thậm chí bị bắt giữ. Bây giờ ngay cả các bài đăng và bình luận cũng bị kiểm soát chặt chẽ.
Luật sư Ngô cho hay: “Tôi nghĩ một yếu tố khác là Tập Cận Bình muốn thu hút dư luận tích cực tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, vì vậy ông ấy không muốn bất kỳ ồn ào nào can thiệp vào việc tái tranh cử của mình. Tôi nghĩ đây là nguyên nhân chính. “
Quy định mới của Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm dư luận đang sôi sục vì vụ nhiều người đàn ông to khỏe đánh một người phụ nữ và những người bạn của cô ấy tại một nhà hàng thịt nướng ở Đường Sơn.
Theo NTDTV, một số nhà bình luận cho rằng, trong không gian mạng hạn chế, người đại lục thỉnh thoảng sẽ gây ra một số vụ việc khiến dư luận dậy sóng, chẳng hạn như vụ cô gái bị xích sắt quấn quanh cổ, và vụ đánh người ở Đường Sơn, điều này sẽ gây một số áp lực lên chính quyền. Các nhà chức trách hiện cũng muốn kiểm soát giới hạn không gian cuối cùng này.
Kênh tin tức dẫn lời nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Lưu Thanh cho hay: “Một chế độ độc tài tập quyền, có thể sử dụng quyền lực của mình một cách cực kỳ tàn nhẫn. Vậy thì trong trường hợp này, những người sống ở Triều Tiên là một ví dụ điển hình. Họ có thể kiểm soát người dân đến mức độ như vậy.”